Như chiếc lá bay

Nếu mỗi người được ra đời dưới một vì sao thì không biết tôi sinh ra dưới vì sao nào!
Ảnh: harish-unsplash

Đầu năm 1946 cả gia đình tôi gồm bà nội, cha mẹ tôi, cô Nga em của cha tôi mới lên mười và anh Dũng mới mấy tháng tuổi, phải bồng bế nhau ra khỏi Hà Nội. Cứ theo dòng người mà đi, lên tận Việt Trì, Lào Cai, Yên Bái, lên mạn ngược tới gần biên giới Trung Quốc. Chiều chiều, bà tôi nhìn màn đêm từ từ buông xuống mà buồn não lòng; nhìn những người tản cư chết vì kiệt sức, chết vì sốt rét ngã nước; nhìn cháu đích tôn của bà không có sữa mà uống, phải húp nước cháo, gặm củ khoai; thêm bụng mẹ tôi mỗi ngày một to! Bà bàn với cả nhà quay về miền xuôi.

Tháng Ba năm 1947, gia đình lần về tới Phúc Yên vì nghe nói ở đó có bà đỡ mở nhà hộ sinh. Và một đêm không trăng, không sao, mẹ tôi trở dạ. Có lệnh thiết quân luật nên buổi tối không ai được ra đường, bà đỡ lại ở làng bên. Cả nhà cuống quýt, cha tôi đốt một cây đuốc, bà tôi cầm cây đèn dầu, hai người dìu mẹ tôi đi. Cô Nga ở lại trông anh tôi mới được hai tuổi. Trời còn rét ngọt, rét căm căm.

Những bóng đen in trên lòng đường, qua ánh đèn dầu, ánh đuốc, lập lòe, xiêu vẹo như những bóng ma trơi. Và đêm hôm ấy, trong một chòi lá, trên một chiếc chõng tre chiều dài không vừa cho một người nằm thẳng, mẹ tôi oằn mình trong cơn đau đẻ. Trong đêm tối đen bà tôi phải ra ao múc từng thùng nước, lấy rổ lọc đỉa, lấy vải lọc lại rồi đun sôi, hòa với chút thuốc tím để tắm cho đứa bé gái oe oe khóc chào đời.

Khi hiểu biểt, nghe bà kể, tôi đã thốt lên:

Sao con khổ vậy hả bà?

Bà vuốt tóc tôi an ủi:

Vì loạn lạc nên ai cũng khổ con ạ! Nhưng con được như vậy là may mắn lắm rồi. Con ra đời có nhà hộ sinh dù chỉ là một cái chòi lá. Có bà đỡ từ Hà Nội về, có băng để quấn rốn. Có bà, có bố ngay bên cạnh. Còn có những người đến ngày sinh nở chủ nhà không cho ở trong nhà, phải ra đụn rơm hay vào nhà xí để đẻ, rồi lấy cái lạt nứa mà cắt rốn nữa kìa... Đâu được bà lọc nước đun sôi cho sạch rồi pha thuốc tím mà tắm như con.

Ảnh: ariel-unsplash

__________

Cuối năm 1947, sau những ngày cuốc bộ, qua đò, qua sông vất vả, qua những lục vấn của những đơn vị Pháp trấn giữ tiền đồn, gia đình chúng tôi cũng về tới Hà Nội. Chỉ gần hai năm cách xa mà Hà Nội điêu tàn, cảnh vật như rũ liệt, thê lương. Thời thơ ấu, những ngày tháng êm đềm ở Hà Nội, hai anh em tôi hay sang nhà Cô Trưởng, chị lớn của cha tôi, chơi với mấy người anh họ. Cô tôi kể cho anh tôi về gia phả, dòng tộc. Cô dạy anh việc thờ cúng tổ tiên. Những buổi chiều hè mấy anh em dắt nhau ra bờ hồ rồi quanh về phố Huế ăn kem Cẩm Bình, hoặc được cô cho tiền đi Ấu Trĩ Viên bơi lội, đi rạp Lạc Hồng xem phim Charlot, Anh Gầy anh Béo và Zorro bịt mặt… Tuổi trẻ hồn nhiên, chúng tôi thở hít không khí của đất ngàn năm văn vật, cặp mắt thơ ngây đã thu vào đó hình ảnh yêu kiều của liễu rũ hồ gươm.

Mùa Thu năm 1954, đất nước bị chia đôi, gia đình chúng tôi phải bỏ Hà Nội để di cư vào nam tránh họa Cộng Sản. Hai mươi năm sống an bình ở Sài Gòn chan hoà nắng ấm. Tôi là chị lớn trong một gia đình trung lưu đông con, hạnh phúc. Sau khi ra trường Trưng Vương, tôi vào trường Dược rồi đến niên học cuối, tôi lên xe hoa về nhà chồng. Năm 1972 tôi tốt nghiệp, cùng lúc cho ra đời cháu gái đầu tiên, hai năm sau có thêm thằng bé thứ hai. Có thì giờ rảnh rang tôi ghi tên học cao học Chính Trị Kinh Doanh tại chi nhánh của Viện Đại Học Đà Lạt, mở ngay trên lầu của thương xá Tax.

Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, tôi bị quăng vào đời một cách tàn nhẫn. Chưa đến ba mươi tuổi, một nách hai đứa con thơ. Bên nội và bên ngoại còn đó mà không dám lụy phiền. Ai cũng tang thương trong cuộc đổi đời. Ai cũng có gánh nặng phải mang. Hai cột trụ chính của gia đình là cha và chồng tôi phải khăn gói vào những nơi tập trung gọi là trại cải tạo không biết ngày về.

__________

Con chị “Củ Mì” mới ba tuổi, thằng em “Củ Khoai” chưa đầy một năm. Hai đứa phải lủn tủn theo mẹ đi buôn bán ở chợ trời. Buổi trưa dắt con vào hành lang thương xá Tax, trải miếng vải nhựa cho con nằm, xoa lưng cho con ngủ mà tôi tức tưởi, nghẹn ngào. Ngày trước chỉ có ăn mày mới nằm thế này, vậy mà bây giờ ba mẹ con cũng lây lất nằm đây. Nhìn lên tầng trên của thương xá, mới mấy tháng trước tôi còn vui tươi ôm cặp vào nơi này để theo lớp cao học. Thế mà… Vô thường đến vậy sao?! Hết giờ nghỉ trưa, thương xá mở cửa, tôi lại thu vén dắt con ra lề đường trải tấm nilon để mua bán tiếp.

Tưởng cứ làm người lam lũ như thế để kiếm gạo nuôi con, nuôi chồng, nhưng vào một ngày để làm đẹp “thành phố mang tên bác”, bọn thanh niên mang băng đỏ bắng nhắng trở cờ đã dí súng vào đầu đuổi đi. Tôi cay đắng ôm con chạy. May là không bị bắt nhốt và không bị cướp của dù là chỉ một nhúm hàng lặt vặt vừa trong hai chiếc giỏ cói. Trời Sài Gòn không còn đẹp, nắng không còn tươi, cảnh vật ủ ê khoác lên màu xám. Một ngày, cũng với tâm trạng ngậm ngùi đó, tôi thơ thẩn lên thương xá Tam Đa, đánh liều mướn một quầy nhỏ trong gian hàng của anh chị PMC, thế rồi may, thêu, vẽ… Tận dụng hết các nghề tay trái của mình để kiếm gạo nuôi con. NH chia cửa hàng của chị làm năm phần, ngoài cùng là hai quầy nhỏ, tôi một bên, hai chị em Vân Ly một bên.

Đằng sau tôi là quầy hàng của NC, có cô em BH tươi vui, nhí nhảnh. Đối diện với NC là gian hàng của vợ chồng NXH với cô vợ DT khéo léo, đảm đang. Còn NH giữ lại một quầy lớn nhất trong cùng. Nhớ lại khoảng thời gian đó tôi thấy cũng vui vì tự nhiên mình lại lọt vào nơi toàn là văn nghệ sĩ. Thỉnh thoảng đươc tiếp chuyện với nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Trần Dạ Từ. Lâu lâu được đến nhà anh chị PMC để thưởng thức bánh bột lọc và món nhậu tôm khô củ kiệu tuyệt cú mèo của Mạ.

Theo phong trào, thời trang tiến từ áo vải sô sang áo thun vẽ. Tôi cũng mua vải mùng về tự nhuộm màu rồi cắt may thành những chiếc áo Ấn Độ và vẽ mẫu cho các em thêu. Qua trào lưu bán áo thun vẽ, bên NC và NXH thuê người vẽ toàn các nhân vật cartoon Disney. Còn tôi, tự vẽ lấy. Buổi tối sau khi ru con ngủ là ngồi vẽ, cũng hình thiếu nữ mà hôm nào vẽ đẹp thì “Chợt dáng buồn xưa đọng mắt em” (Thơ Cung Vĩnh Viễn); hôm nào coi không được thì “Ác quỷ hiện hình khi trăng lên”. Khi mệt quá khoắng đại mấy vòng tròn như huy hiệu Olympic, thế mà thò cái nào ra là bán liền cái đó vì… “unique”! Lúc khấm khá vẽ một mình không xuể tôi phải giao bớt cho lũ em, đề tài tự do. Phương Nam hồi đó cũng giúp chị rất đắc lực, lúc vẽ thằng hề, lúc vẽ con sên, con ốc hoặc một đám lá vàng rơi… Đến khi thấy tác phẩm của mình đi ngoài đường thì cô nàng khoái chí về khoe. Tiếp đến là khăn bàn, đồ bộ, áo dài lụa thêu bán cho những người được giấy xuất cảnh đi chính thức và những cán bộ giàu lên bắt đầu ăn diện.

__________

Đang làm ăn yên lành thì có chiến dịch cải tạo công thương nghiệp thành phố. Cán bộ đến thương xá Tam Đa, tập trung mọi người lại để nghe họ giảng giải về chính sách của nhà nước. Tất cả cơ sở thương mại sẽ thành quốc doanh hết, mọi người sẽ trở thành công nhân viên, không có buôn bán đơn lẻ. Tất cả các tư liệu, hàng hoá kinh doanh sẽ bị quốc hữu hoá, những tư liệu sản suất thì không bị tịch thu.

Vậy mà ngay sáng sớm hôm sau một đoàn cán bộ thuộc ban cải tạo phường khoảng bốn, năm người đến nhà tôi để kiểm kê. Sau một hồi lục soát, họ mang đi cái máy may, cái máy vắt sổ cùng một số vải và quần áo đang may cắt dở dang. Lần đầu tiên trong đời tôi hiểu thế nào là uất ức. Đúng là bị ăn cướp công khai ngay giữa ban ngày!

Tôi làm đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi. Một ngày tôi nhận được giấy gọi. Tôi bế thằng bé đến một căn nhà ở đường Gia Long, căn nhà được tiếp thu để làm văn phòng ban cải tạo phường thuộc quận một. Tầng dưới kê một bàn giấy, mấy người ngồi làm việc. Tôi được chỉ lên tầng trên. Một căn phòng trống trơn, mắc độc một chiếc võng. Một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, cởi trần mặc chiếc quần dài bộ đội đang nằm tòn ten, một chân trên võng, một chân thả xuống đất để đu đưa. Tôi dợm mình quay xuống cầu thang.

-Chị kia, phải chị tới khiếu nại không? Chị vào đây!

Nhận ra ông ta là người đã lên lớp giảng chính sách của nhà nước về kinh doanh bữa trước tại thương xá Tam Đa, tôi bồng con quay lại, rón rén ngồi xuống ngay ngạch cửa. Cũng may khi được gọi đi, mẹ tôi đã cẩn thận dặn bế thằng bé theo để nếu có bề gì người ta phải trả thằng bé về nhà và mẹ tôi biết đường mà đi tìm.

-Đâu, có chuyện gì, chị nói đi!

-Thưa ông…

-Khỏi, chị khỏi gọi tôi bằng ông!

Tôi ngập ngừng:

-Thưa bác… Thưa chú…

Thấy ông ta yên lặng tôi nói tiếp:

-Thưa chú, cháu làm thợ may ở thương xá Tam Đa.

-Chị là chủ hay chị làm công?

-Dạ, cháu mướn tiệm, nhận may gia công.

-Rồi sao?

-Cán bộ đến nhà kiểm kê tịch thu của cháu cái máy may, máy vắt sổ và mấy xấp vải của khách đưa may.

-Chị là chủ tiệm, họ tịch thu là đúng rồi, mai mốt các cửa tiệm vào quốc doanh hết, các chị sẽ vào tập thể, nếu làm thợ may chị có máy của cơ quan, chị đâu cần máy riêng!

Nỗi uất dâng lên tới đỉnh đầu, tôi ráng dằn lòng nhỏ nhẹ:

-Thưa chú, nhà nước nói rõ là chỉ tịch thu những tư liệu kinh doanh, không tịch thu tư liệu sản xuất. Máy để cháu may mướn. Cháu đâu có bán máy may!

Ông ta gườm gườm nhìn tôi:

-Ai nói chị điều đó?

Tôi điềm tĩnh trả lời:

-Chú! Chính chú đã giảng điều đó. Cháu nhớ rất rõ. Cháu đã chăm chú nghe vì chú giảng hay lắm. Chú nói hay lắm!

Ông ta châm một điếu thuốc và rít một hơi dài rồi nhìn tôi đăm đăm. Tôi lạnh cả gáy đợi phán quyết.

-Được rồi, chị để giấy tờ đây, chị về đi tôi sẽ cứu xét trường hợp của chị!

Đặt thằng bé vào chiếc ghế con gắn sau ghi đông chiếc xe đạp mini, tôi đạp xe đi mà muốn òa lên khóc. Khóc cho vơi đi những ấm ức, những tủi nhục, phẫn uất. Những con đường Sài Gòn che phủ bởi những hàng cây sao cao vời vợi, tiếp đến những con đường ngợp lá me xanh… Tôi chẳng còn thấy gì thơ mộng, nghĩ đến chồng đang trong trại tù cải tạo. Tôi nhớ quay quắt và cùng cực trong nỗi cô đơn.

__________

Lúc đó Sài Gòn đang có chiến dịch đánh tư sản mại bản đợt đầu. Của cải của chủ nhân những hãng xưởng lớn, những cửa hàng to khiến họ choá mắt. Vàng tính bằng ký, kim cương nhiều hàng vốc, hàng hóa, máy móc chở đi bằng những chiếc công xa. Nhà cửa toàn biệt thự hay nhà lầu sang trọng, to lớn… Bao nhiêu nạn nhân vì bị tước đoạt tài sản đã đứng tim mà chết hay uất ức quá đi đến tự hủy hoại tấm thân!

Một nhúm hàng của tôi bõ bèn gì, cái máy may và máy vắt sổ nhỏ xíu, cũ rích, vài xấp vải lưa thưa mà chủ nhân nghèo của nó lại đi khiếu nại tứ tung. Chắc họ nghĩ là thôi, tha nó làm phúc và cho nó câm miệng! Thế là trong lúc tôi không ngờ nhất thì được giấy gọi vào kho lấy đồ về! Những người tép riu như tôi mà không chịu khó đi kêu nài thì sẽ bị mất của một cách trắng trợn vì hàng đã hốt đi rồi thì có bao giờ tự nhiên được trả lại! Nếu quá uất ức mà chửi bới um sùm thì họ sẽ có cớ cho đi cải tạo mút mùa. Tôi chỉ biết cảm tạ Trời Phật, cảm tạ tổ tiên đã phù hộ và che chở tôi.

Hàng ngày tôi vẫn đến cửa hàng để mua bán, tối về sau khi ăn uống tắm rửa cho hai con, ru con ngủ xong là lại lo sửa soạn cho hàng họ ngày hôm sau. Bà ngoại các cháu, sau một thời gian bươn chải ngoài trời không chịu được dãi dầu mưa nắng, đành nhờ người đóng một chiếc tủ để bán đồ vặt vãnh ngay trước cửa nhà nên tôi có thể gửi cháu.

Mùa hè năm 1977, con Củ Mì lên 5, thằng Củ Khoai đã lên 3, đúng lúc đó trường Bác Ái, ngôi trường Tầu to lớn ngay gần nhà tôi được đổi thành trường Cao Đẳng Sư Phạm, một góc phía Trần Bình Trọng và Thành Thái. Trong khuôn viên trường được xây dựng thành một trường mầm non có ba cấp lớp Mầm, Chồi, Lá cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Tôi mừng quá rủ hai người bạn cũng có con nhỏ ngang tuổi với hai đứa trẻ nhà tôi cùng đến ghi tên xin học. Sau khi điền đơn thì hai đứa con tôi không được nhận vì tôi không phải là cán bộ công nhân viên.

Cầm tờ đơn bị từ chối về mà lòng tôi tái tê. Chính sách của nhà nước sau 75 là học sinh gần đâu học đấy. Các em tôi đang học TV mà sau hơn một năm đã phải chuyển về Lê Hồng Phong (Petrus Ký) vì gần nhà. Bây giờ với lý lịch cha học tập, mẹ không phải là công nhân viên thì tương lai các con tôi sẽ ra sao! Đúng thời gian đó một người mà tôi gọi là ông trẻ, em họ của ông ngoại tôi từ ngoài Bắc vào chơi. Ông là cán bộ làm ở Bộ Y tế tại Hà Nội, nghe chuyện ông tội nghiệp nói:

Cháu phải xin làm công nhân viên, chồng cháu đã đi học tập mà cháu làm “con phe” thì biết ngày nào anh ấy mới được về, không chừng lại bị xua đi kinh tế mới thì khổ!

Hôm sau tôi theo ông vào Sở Y tế. Bà thủ trưởng chắc mới trong bưng ra, trông không được thiện cảm cho lắm. Sau một hồi chuyện trò với ông tôi, bà ta nói có thể sắp xếp cho tôi công việc trồng thuốc nam ở Hóc Môn với mức lương 58 đồng một tháng.

Tôi rụt rè đề nghị:

-Thưa thủ trưởng có thể sắp xếp cho em làm trong thành phố được không ạ… Vì em có hai cháu nhỏ.

Bà ta lạnh lùng cười khẩy:

Chỉ có mình chị có con nhỏ à?

Tôi nghe mà lạnh gáy, nổi da gà.

Dạ! Xin cám ơn thủ trưởngĐể em về thu xếp!

Lương 58$/tháng, mỗi ngày phải đạp xe từ Chợ Lớn lên Hóc Môn để ra vườn trồng thuốc, tối đạp xe về. Một gói xôi giá hai đồng, vừa đủ ăn quà sáng! Cơm trưa, cơm chiều, nước uống không có. Hai đứa trẻ và bố nó trong tù ai nuôi? Thôi đành phải làm “con phe”, cũng vất vả nhưng cha con, chồng vợ còn có cơm ăn. Nếu hàng ngày đạp xe đi bao nhiêu cây số đến Hóc Môn để ra vườn trồng tỉa mà bị ốm lăn quay ra thì ai lo cho đây!

Ảnh: annie-spratt-unsplash

__________

Tháng Ba năm 1978 nhà mẹ tôi bị kiểm kê, tài sản bị tịch thu, nhà cửa bị chiếm đóng và bị đuổi đi kinh tế mới vì bị qui là tư sản. Mẹ tôi cũng phải đi khắp nơi khiếu nại, van nài. Cuối cùng mẹ tôi phải mua một căn nhà lá ở Long Thành, có địa chỉ để một mình mẹ hồi hương còn các em tôi được phép ở lại trong một căn phòng của nhà mình để tiếp tục đi học.

Cũng dịp đó, chồng tôi được thả về. Thương xá Tam Đa bị đóng cửa, hàng hoá, đồ đạc bên trong bị niêm phong hết! May mắn là tôi có một hộp danh thiếp có tên và địa chỉ nhà, tôi dùng những tấm danh thiếp đó làm biên lai nhận hàng của khách nên sau khi Tam Đa bị đóng cửa, nhiều người đã theo địa chỉ trên biên lai đến nhà đặt hàng tiếp và rồi người nọ giới thiệu người kia nên tôi vẫn còn có việc làm.

Nhà tôi được Sở Giáo dục điều về dạy ở một trường cấp hai tại Quận 11 với đồng lương không đủ cho một người ăn quà sáng. Ngày ngày cong lưng đạp xe đi làm, thỉnh thoảng được phân phối một miếng thịt heo khoảng hai lạng (200g) buộc tòn ten bằng sợi lạt cói. Ngoài giờ làm việc anh phải chở tôi đến nhà khách hàng để nhận và giao đồ thêu may. Hai vợ chồng ráng chắt chiu dành dụm, kiếm đủ một chỉ thì đi mua một chỉ, gom đủ mười chỉ đổi lấy một cây.

Những ngày tháng vụn rời kế tiếp, ngơm ngớp lo âu. Cuộc sống bấp bênh lúc nào cũng hoảng sợ. Khách hàng ra vào bị công an khu vực nhòm ngó. Gia tài có vài lạng vàng mà không biết cất giấu vào đâu, nghe nói họ còn có máy dò kim loại nên để chỗ nào người ta cũng tìm thấy. Của cải của chính mình vất vả làm ra mà bất cứ khi nào họ cũng có thể đến kiểm kê, tịch thu ngay trước mắt, còn gán cho bất cứ lý do gì đó để phải vào tù.

Thỉnh thoảng tôi ngồi xe đò về Long Thành thăm mẹ, cảnh vật hai bên đường xác xơ. Người dân quê tiều tụy, ăn mặc rách rưới, quần áo vá chằng vá đụp. Ngôi trường tiểu học mái lá thấp lè tè, tối tăm, u ám. Mới có mấy năm trời mà quê hương tôi đã thê thảm vậy sao. Nghĩ đến tương lai các con thật nghẹn ngào. Vợ chồng tôi có thể về quê nuôi gà, nuôi vịt, làm nông dân lam lũ sống cho qua ngày đoạn tháng nhưng các con tôi, tương lai mịt mù.

Chúng tôi quyết định đi… Phải đi! Phải từ bỏ quê hương yêu dấu mà đi. Đem cả sinh mạng của gia đình mình đổi lấy hai chữ TỰ DO…

…….

*Con phe: Tiếng miền Bắc khi đó miệt thị gọi những người buôn bán riêng lẻ không vào tổ hợp quốc doanh

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: