Huế và nỗi nhớ

Vườn trong chùa Thiên Mụ. Huế. Ảnh: Phuong Anh/Unsplash

Quê quán tôi ở tận làng Nguyệt Biều, ngoại ô thành phố Huế, nơi nổi tiếng có những vườn thanh trà xanh um, trái ngọt…

Hơn 50 năm trên đất Việt, tôi đã sống hơn 30 năm trên đất Huế, uống nước sông Hương hai mùa mưa nắng, ăn cơm gạo de An Cựu. Mùa Hè tắm biển Thuận An, mùa Xuân ngắm hoa đào trên chùa Từ Hiếu, mùa Đông vẫn dầm mưa qua đò Thừa Phủ; chưa kể tiếng thông reo trên đồi Thiên An, tiếng ve sầu rả rích trên các tàng cây dọc con đường vào Thành Nội. Còn nữa, màu hồng, màu trắng của hoa sen hồ Tịnh Tâm, màu đỏ rực của phượng vĩ mùa Hè. Tôi là dân Huế chính cống, Huế chay, “mô – tê – răng – rứa” tôi nói không sai một chữ. Cũng có thể máu huyết tôi thấm đậm hương vị quýt Hương Cần, thanh trà, nhãn lồng Nguyệt Biều, mít Kim Long, dâu Truồi ngọt lịm…

Ai đã trải qua tuổi thanh xuân ở Huế, không thể nào quên được các đoạn đường, khúc quanh ngã rẽ: Bún bò mụ Rớt, bánh bèo Tây Thượng, bánh khoái cầu Đông Ba, chè bắp Cồn Hến, bánh ướt thịt nướng Kim Long, cơm Âm Phủ. Còn rất nhiều thứ để nhớ; những đêm trăng với mùa hoa lài, hoa dạ lý hương, hoa hoàng lan, nguyệt quế. Những hương vị đó luôn luôn phảng phất, lẩn quất trong tôi làm nên nỗi nhớ trong những giấc ngủ mộng mị, mơ hồ… Ký ức tôi thường đọng lại ở đó, nơi ngôi trường cũ, nơi có những tường hồng nép mình bên những hàng phượng già gần trốc gốc.

Huế. Ảnh: KhaVo/Unsplash

Trường tôi cách trường Quốc Học bởi con đường Nguyễn Trường Tộ nhưng nổi tiếng nhờ con đường trước mặt mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là đường Phượng. Con đường đó mỗi khi đỏ rực hoa phượng, báo hiệu Hè về là lúc phải chia tay, bởi thế “em đi về cầu mưa ướt áo” vì “đường phượng bay mù không lối vào” và “hàng cây lá đan gần lấy nhau” (Mưa hồng).

Người con gái mong mưa trở lại để được tựu trường dù mưa lạnh buốt giá, dân Huế vẫn sống đẹp, sống mộng mơ, sống còn để lớn lên, sống vượt cái nghèo, cái đói, cái ẩm thấp thiếu thốn, vượt thời gian, không gian. Thành phố Huế nghèo nàn nhưng vẫn hùng tráng như mẹ Âu Cơ dắt 50 con về biển, bằng cơm mem, tần tảo đưa con đến bến bờ.

Tôi đã đi qua cầu Trường Tiền mỗi ngày:

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp

Anh qua không kịp tội lắm em ơi

Chẳng thà chẳng biết nhau thôi

Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi thêm buồn

Nhưng ấn tượng về Huế vẫn là những ngôi chùa. Huế có rất nhiều chùa nhưng tôi thường thích đi chùa Báo Quốc, chùa Từ Đàm, chùa Thiên Mụ. Huế có niềm vinh dự là chính trên mảnh đất nhỏ hẹp này có một số lượng chùa nhiều nhất so với bất cứ một địa phương lớn nhỏ nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Những người mệt mỏi vì cuộc đời, đến chùa để tìm một chút tĩnh tâm, thư giãn đầu óc, những Phật tử Huế đi xa, giờ đây có dịp về thăm quê, tìm về chùa để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời xa vắng.

Chùa Thiên Mụ

Được tạo dựng trên đồi Hà Khê trên một khoảnh đất bằng phẳng hình chữ nhật diện tích khoảng 6 mẫu, cách trung tâm thành phố Huế 5 km về phía Tây thuộc địa phận xã Hương Long. Chùa được bao quanh bằng khuôn tường xây đá hai vòng trong và ngoài.

Thiên Mụ là ngôi chùa lịch sử với kiến trúc đồ sộ và cũng là ngôi chùa đẹp nhất Huế. Theo truyền thuyết khi xưa nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, phán rằng “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch cho nước Nam hùng mạnh”. Quả nhiên sau này chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong trên đường vào Nam trấn thủ xứ Thuận Hóa và Quảng Nam; trên đường rong ruổi, Ngài bắt gặp một ngọn đồi nhô lên bên dòng sông Hương uốn khúc, thế tựa như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Đồi có tên là Hà Khê và chùa được chúa Nguyễn Hoàng cho khởi lập chính thức vào năm 1601, đặt tên là Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ. Huế. Ảnh: PhamChung/Unsplash

Ngày nay chùa vẫn còn huy hoàng tráng lệ, chính nhờ công lao trùng tu và xây dựng của Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Hòa thượng đã hứng chịu bao gian nguy trước sức phá hoại của bạo lực, qua bao cuộc chiến tranh ác liệt và nhờ đó mà Thiên Mụ đã trở lại tốt đẹp như xưa. Bây giờ đương kim trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Trí Tựu.

Đến với Thiên Mụ, du khách không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Nơi đây qua bao thế kỷ, sớm chiều tiếng chuông chùa ngân nga vang vọng cùng với khói hương ngào ngạt tỏa ra giữa thinh không vắng lặng đã hấp dẫn và làm say đắm biết bao lòng người xứ Huế. Khó ai có thể quên được chùa Thiên Mụ cùng với tiếng chuông từ bao đời đã đi vào ca dao, để lại trong lòng người xứ Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Chùa Báo Quốc

Tọa lạc trên đồi Hàm Long thuộc địa phận phường Phường Đúc, phía Đông giáp đường Phan Thanh Giản, phía Tây giáp thôn Lịch Đợi, phía Nam giáp thôn Trường Giang, phía Bắc là nhà ga Huế.

Chùa xây theo kiểu chữ khẩu, ở giữa sân rộng có nhiều loại chậu cảnh và phong lan. Chùa do Hòa thượng Giác Phong khai sáng vào cuối thế kỷ 17, chùa xưa có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự. Ban đầu chùa cũng chỉ là một ngôi thảo am về sau dần dần được tu sửa và xây dựng quy mô hơn.

Năm 1940, trường Cao đẳng Phật Học được mở tại chùa Báo Quốc do cố Tăng thống đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Giám đốc. Báo Quốc đã trở thành một trung tâm đào tạo tăng tài cho đến ngày nay. Vị cao tăng có công lao trong việc trùng tu tái thiết chùa Báo Quốc sau cái giai đoạn khói lửa gần đây là Hòa thượng Thích Trí Thủ. Ngài vừa là Giám đốc Phật học đường vừa là Trụ trì chùa Báo Quốc.

Báo Quốc là một ngôi chùa cổ ở vị trí trung tâm thành phố, được nhiều người biết đến. Từ nhiều năm nay, chùa đã hấp dẫn và thu hút được đông đảo du khách gần xa, trở thành một trung tâm du lịch của thành phố Huế. Đương kim trụ trì là Hòa thượng Thích Đức Thanh.

Chùa Từ Đàm

Tọa lạc trên một khoảng đất cao rộng, bằng phẳng thuộc địa phận phường Trường An cách trung tâm thành phố Huế 2 km về hướng Nam. Mặt chùa hướng Đông Nam, trước có núi Kim Phụng, bên trái có chùa Linh Quang và nhà thờ cụ Phan Bội Châu, phía sau có chùa Thiên Minh. Đặc biệt trong sân chùa có cây bồ đề quanh năm tỏa bóng mát. Đây là cây bồ đề được chiết ra từ cây bồ đề nơi Phật đắc đạo do bà Karpeies, Hội trưởng Hội Phật học Pháp thỉnh từ Ấn Độ qua tặng Việt Nam và được trồng vào năm 1936.

Trong chánh điện có pho tượng lớn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa sen. Chùa Từ Đàm thờ độc tôn, cách bài trí và thờ tự trong điện có phần đơn giản so với các ngôi chùa khác ở Huế.

Chùa Từ Đàm do Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung sáng lập. Mặc dù không phải là ngôi chùa vào loại cổ nhất Việt Nam nhưng Từ Đàm đã được nhiều người ở khắp đất nước biết đến do vai trò quan trọng của chùa trong công cuộc chấn hưng và phát triển của Phật Giáo Việt Nam và các cuộc đấu tranh vì hòa bình và tự do tín ngưỡng. Chùa còn là trụ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thuộc tỉnh Bình Trị Thiên do Hòa thượng Thích Thiện Siêu trụ trì ngày trước. Ngày nay trụ trì là Hòa Thượng Thích Hải Ấn.

Trường Quốc Học, Huế. Ảnh: PhuongAnh/Unsplash

Đối với mỗi chúng ta, nhất là người con xứ Huế thì Huế đâu chỉ là địa danh lịch sử, đâu chỉ là những con đường, những dòng sông, đâu chỉ là những Kim Long, Đại Lược, Bao Vinh, Vỹ Dạ, Gia Hội, Kẻ Vạn… mà còn là những nhịp cầu, hàng phượng, bến đò, góc thành cổ, công viên; những gì thật thân thương, mộc mạc qua những xóm nghèo; những gánh bún bò buổi sáng, những tiếng rao hàng đặc sệt Huế, những tà áo trắng buổi tan trường…

Huế vẫn còn trong hình bóng của một cô chèo đò trên sông Hương, tối tối chở một vì sao mượn từ trời sao xứ Huế và chở cả tiếng hò của cô. Thuyền xuôi dòng. Cái tĩnh lặng nên thơ giữa trời nước mênh mông êm ả ngự trị chỉ còn ta với ta. Chỉ có Huế ngày nào có được giây phút tuyệt vời lặng lẽ mênh mang. Xa Huế đã bao lâu, chuyển đổi đến bao miền, hoa lau cũng nhiều lần trở lại với mắt nhìn ở một chốn nào đó, nhưng không một lần tìm thấy lại nét thủy mạc của bờ lau bên dòng nước biếc của những ngày áo trắng lang thang. Nỗi nhớ quê vì vậy cứ canh cánh bên lòng!

Tất cả phong cảnh Huế, tình cảm Huế sau bao thay đổi của cuộc đời, có thể phần nào Huế và tâm tình không còn trọn vẹn như xưa nhưng mãi mãi người đi xa Huế vẫn luôn luôn hướng về quê xưa với tình Huế vời vợi trong lòng!

Số phận đã đưa tôi xa Huế, càng ngày càng thấy ngày về mơ hồ xa ngút… và lòng luôn cảm thấy u hoài vì mãi hơn mấy chục năm rồi, gia tài của Mẹ để lại cho con vẫn chỉ là một nước VIỆT buồn!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: