Lâu nay Nhật Bản được biết đến là một đất nước an bình, ít tội phạm nhưng thực ra các vụ ám sát chính trị lại có một lịch sử dài lâu. Tuy không còn diễn ra nhiều như trong suốt thời gian dài trước Thế chiến thứ hai nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra vài vụ khiến dư luận ngỡ ngàng.
Cách nay hơn một năm, tuần báo Anh ngữ Tokyo Weekender từng có loạt bài mô tả lại những vụ ám sát chính trị gây chấn động nước Nhật và dư luận quốc tế, trong đó có các vụ âm mưu ám sát Hoàng đế Hirohito (có đến ba vụ), Ryoma Sakamoto (người có công xây dựng hòa bình, xóa tan hệ thống shogun phân chia lãnh thổ giữa các tướng quân), nhiều vị thủ tướng… Những kẻ thủ ác người Nhật cũng từng lên kế hoạch sát hại nghệ sĩ lừng danh thế giới Charlie Chaplin (nổi tiếng với nhân vật Charlot) và thái tử Nga 1891 Tsarevich Nicholas Alexandrovich II hồi Tháng Tư 1891.
Những vụ tấn công các chính trị gia cấp cao như cựu Thủ tướng Shinzo Abe tuy không nhiều nhưng không phải hoàn toàn không có. Chính ông ngoại của ông Abe, Thủ tướng Nobusuke Kishi từng bị đâm vào đùi trong lúc chiêu đãi quan khách trong Dinh Thủ tướng vào năm 1960. Nhiều quan chức khác cũng bị thương trong sự kiện này. Cùng năm 1960, ông Inejiro Asanuma, khi ấy là nhân vật số một của Đảng Xã hội Nhật, bị một thanh niên 17 tuổi cực hữu dùng kiếm đâm chết trong lúc đọc diễn văn trong Tòa Thị chính ở Hibiya (Tokyo).
Trong những năm 1975, 1992 và 1994, lần lượt các Thủ tướng Takeo Miki, Phó Thủ tướng Shin Kanemrau và Thủ tướng Morihiro Hokosawa cũng bị tấn công bằng dao hoặc súng. Nhưng may mắn là cả ba vị này đều sống sót.
Ngược dòng thời gian về năm 1921, ông Takashi Hara, người có công xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị lãnh đạo Nhật và là thường dân đầu tiên trở thành một thủ tướng chính phủ, bị một công nhân hỏa xa trẻ tuổi đâm chết trong Nhà ga Tokyo. Chín năm sau, cũng trong trạm xe lửa nội đô này, Thủ tướng Osachi Hamaguchi bị một người đàn ông dùng súng bắn nhiều viên đạn vào người. Ông bị thương nặng và qua đời một năm sau đó. Năm 1932, một nhóm sĩ quan hải quân cầm súng nhào vào văn phòng làm việc của Thủ tướng Tsuyoshi Inukai bắn ông chết.
Các vụ tấn công chính khách cấp thấp cũng không thiếu. Năm 1990, tức hai năm sau mạnh miệng lên tiếng nhận định rằng cả đến Hoàng đế Hirohito cũng có trách nhiệm lớn để nổ ra cuộc chiến với Mỹ trong Thế chiến thứ hai, ông Hitoshi Motoshima, thị trưởng Nagasaki – một trong hai thành phố bị không quân Mỹ đánh bom nguyên tử vào năm 1945 – bị bắn bởi một thành viên cấp cao của một tổ chức cực hữu. Năm 1995, ông Yukio Aoshima nhận thư bom trong khi đang chu toàn trách nhiệm Đô trưởng thành phố Tokyo. Ông thoát chết nhưng một viên chức của chính quyền thành phố bị thương nặng. Năm 2007, Thị trưởng thành phố Nagasaki Itcho Ito trong lúc đi vận động cử tri dồn phiếu cho mình thì bị một thành viên cấp cao của một tổ chức tội phạm bắn chết.
Kẻ dữ, vì khác biệt chính kiến, cũng tìm đủ “công cụ” khác để tấn công, chẳng hạn phóng hỏa nhà Bộ trưởng Xây dựng Kono Ichiro vào Tháng Bảy 1963; dùng tay đấm vào mặt Thủ tướng Miki Takeo khi ông dự tang lễ cựu Thủ tướng Sato Eisaku hồi Tháng Bảy 1975; dùng thanh sắt đánh đập dân biểu Hamada Koichi vào Tháng Hai 1990. Cũng trong năm 1990, vào Tháng Mười, một dân biểu khác, ông Niwa Hyosuke, bị kẻ dữ tấn công bằng dao nhọn khi dự lễ diễu binh ở Căn cứ Phòng vệ Moriyama. Kẻ quá khích cũng không tha quan chức ngoại giao nước ngoài. Tháng Ba 1964 một kẻ đã dùng dao tấn công Đại sứ Mỹ tại Nhật là ông Edwin Reischauer.
_________