Ngày 12 Tháng Bảy, bà Đặng Thị Tuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cháu Y.N.N., 8 tuổi, ngụ tại xã Ea Sol, được đưa đến bệnh viện điều trị vì nguy cơ hoại tử chân do bị kẻ xấu tẩm xăng đốt.
Theo bà Tuân, sáng ngày 12 Tháng Bảy, nhận được thông tin cháu N. bị bỏng chân, bà đã đến nhà để tìm hiểu sự việc. Lúc này, thấy cháu N. đang nằm trong nhà, chân bên phải bị bỏng nặng, bà Tuân cùng một số người khác đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo. Sau đó, thấy tình trạng nguy kịch của cháu N., người dân chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 23 giờ ngày 11 Tháng Bảy, khi có một thanh niên đến chở cháu N. và hai cháu nhỏ khác qua địa bàn xã Ea Hiao (cùng huyện Ea H’leo) để trộm mủ cao su về bán.Tuy nhiên, khi đến nơi, N. và hai cháu nhỏ không đồng ý trộm cao su nên bị thanh niên này đánh. Khi cả ba cháu nhỏ bỏ chạy thì N. bị thanh niên bắt lại và dùng xăng tẩm vào chân đốt. Bà Tuân cho biết, Công an xã đang truy tìm người thanh niên này.
Mồ côi cha; mẹ đi làm ăn xa, cháu N. ở với ông bà và gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.
Cho đến nay, dư luận chưa hết phẫn nộ vụ bé gái 8 tuổi ở Sài Gòn bị “mẹ ghẻ” và cha ruột bạo hành dẫn đến tử vong. Vụ án đang được xét xử vào ngày 21 Tháng Bảy. Đây là một tiếng chuông cảnh báo cho tình trạng bạo hành trẻ em.
Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ riêng năm 2020 đã có gần 2,000 vụ bạo hành trẻ được ghi nhận. Một báo cáo khác của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cũng cho thấy trong hai năm (từ Tháng Sáu 2019 đến Tháng Sáu 2021), cả nước có hơn 4,000 trẻ bị xâm hại, trong đó chủ yếu ở độ tuổi từ 13 đến 16 (chiếm hơn 66%), đặc biệt có hơn 293 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi. Đáng nói, xu hướng trẻ bị xâm hại năm sau cao hơn năm trước. Một con số khác mà UNICEF đưa ra trước đây là có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành tại nhà.