Sài Gòn, Hà Nội: Xuất hiện nhiều ổ cúm A, nhiều ca sốt xuất huyết, viêm phổi nặng

Bệnh nhân cúm A tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nguồn: Zing News

Tại Hà Nội: Theo ông Nguyễn Nguyên Huyền, bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết mới đây bệnh viện đã tiếp nhận cùng lúc 20 trường hợp là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh, có độ tuổi từ 20 đến 30, tới khám do có triệu chứng cúm giống nhau. Một ngày sau đó, bác sĩ Huyền tiếp tục thăm khám cho hơn 10 trường hợp trẻ em là người thân của nhóm công nhân này, cũng với các biểu hiện của cúm A.

Bác sỹ Huyền nói: “Tất cả bệnh nhân này đều có biểu hiện sốt, đau họng, hắt hơi. Sau khi test nhanh, hầu hết đều cho kết quả dương tính với cúm A”.

Những người này cho biết trong khu công nghiệp nơi họ đang làm việc có rất nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng tương tự. Theo ước lượng của bệnh nhân, con số phải lên tới hàng trăm người.

Bác sỹ Huyền cho biết, khoảng hai tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng.

Tương tự, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng thông tin bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 78 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội, mắc cúm A diễn biến nặng. Bệnh nhân nhập viện trong diễn biến bệnh ở ngày thứ 3. Bà ho nhiều, đờm trắng, sốt 39 độ C, nôn nhiều, khó thở nhẹ và mệt mỏi. Bệnh nhân được chỉ định suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A”.

Thông tin thêm, tiến sĩ Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.

Bác sỹ Bắc cho biết: “Bệnh cúm A rất dễ lây nhưng khó phòng ngừa, nhất là trong quá trình người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng, làm việc trong môi trường kín, tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, trường học…”.

Chỉ trong vòng hai tuần gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận tới gần 100 trường hợp tới khám do xuất hiện triệu chứng của cúm A.

Được biết, cúm A là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa Đông, khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, thực tế năm nay đang cho thấy số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Nguồn: Vnexpress

Tại Sài Gòn: Đến ngày 15 Tháng Bảy, Sài Gòn ghi nhận tổng cộng 26,138 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hơn một nửa phải nhập viện điều trị. Số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình năm năm trước. Hiện có 2,009 ca đang điều trị nội trú. Đáng chú ý, 13 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại thành phố. Nếu tính toàn phía Nam có 42 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Tình hình đáng báo động đến mức, nhà cầm quyền đang dự tính ứng phó cho tình huống có đến 900 ca nhập viện mỗi ngày và có 6,000 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú tại các bệnh viện. Lúc đó các bệnh viện cần đến 6,000 giường điều trị và 605 giường hồi sức.

Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy, số ca nhập viện chiếm khoảng 60% ca đến khám; số ca có dấu hiệu cảnh báo, nguy cơ vào sốc chiếm 20%, số ca nặng có sốc chiếm 10%, số ca nguy kịch chiếm 1%, tính trên tổng số nhập viện.

Theo Sở Y tế TP.HCM, phụ nữ mang thai, trẻ béo phì, trẻ nhũ nhi, người có bệnh nền là nhóm nguy cơ chuyển nặng khi mắc bệnh. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP ghi nhận ít nhất hai thai phụ đã tử vong do sốc, suy đa tạng. Hiện nay, thai phụ mắc sốt xuất huyết được yêu cầu nhập viện sớm để theo dõi.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, một bệnh nhi 8 tuổi mắc sốt xuất huyết bị suy gan thận, phải lọc máu, thở máy, điều trị suốt hai tháng mới thoát cửa tử. Khi nhập viện, em sốc sâu, tiên lượng rất xấu. Khi qua cơn nguy hiểm, em có dấu hiệu hoảng loạn, sợ hãi vì thời gian dài phụ thuộc máy thở. Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện nói: “Bệnh nhi này đúng nghĩa là chết đi sống lại. Chúng tôi không dám nghĩ bé có thể sống mà chỉ biết cố gắng hồi sức và hy vọng”. Hiện thống kê cho thấy, có đến hai phần ba trẻ sốt xuất huyết nguy kịch ở Bệnh viện Nhi đồng 1 là trẻ béo phì.

Theo Viện Pasteur TP HCM, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và Sài Gòn năm nay thuộc type huyết thanh D1 như năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự gia tăng chủng D2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh (đã vắng mặt một thời gian trước đó), số ca mắc mới sẽ có tăng cao, tương ứng số ca nặng, số tử vong tăng.

Được biết, nhiều bệnh viện tuyến cuối tại Sài Gòn quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang vì bệnh nhân nặng dồn dập vào viện.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: