Từ 20 năm trước, Vàng A Tòng – một cậu bé 10 tuổi người Mông, quê ở Sơn La mới vào lớp 1 bắt đầu hành trình học hành. Thuở ấy A Tòng còn chưa biết phân biệt các con vật. Sau một năm học thì cậu biết mặt chữ, tới lớp 3 thì biết đọc. Lên cấp 2, Tòng thuộc số ít đứa trẻ trong xã được ra trường huyện học nội trú. Ở đó, cậu bé người Mông được dạy từ cách đánh răng, mặc quần áo, bẻ cổ áo,…
Giờ đây nghĩ lại quá khứ, A Tòng kể lại: “Tôi như đứa trẻ vỡ lòng đi vào cuộc sống mới, có khuôn khổ, có tác phong như quân đội để lớn lên thành người. Ở trường sướng hơn ở nhà nên tôi càng thích đi học”.
Trong trí nhớ của ông Vàng A Sọ, bố A Tòng, những ngày đi học của cậu bé người Mông gắn liền với hình ảnh “hôm nào con đi học về cũng toàn thân thân lem luốc, chỉ chừa đôi mắt”. Có những ngày mưa quá ông bảo con nghỉ một hôm, Tòng vẫn một mực đi bộ năm cây số đến trường. Lên cấp 2 con học nội trú xa nhà 26 km, vài tháng ông mới dám thuê xe ôm đi thăm con, mỗi lần hết 50,000 đồng (khoảng $2.1) tương đương với giá của bao ngô 60kg.
Vì hành trình kiếm con chữ gian nan mà càng lên các cấp tiếp theo, bạn bè của A Tòng bỏ học càng nhiều. Lên cấp 3 chỉ còn năm đứa cùng bản học ngoài trường huyện và tới khi vào đại học chỉ còn hai người, trong đó có A Tòng.
Vào đại học, A Tòng càng gian nan hơn trong chuyện học hành nhằm tiếp tục nuôi ước mơ. Có lúc anh phải phân vân giữa “tiếp tục hay từ bỏ”, vì nỗi lo sinh hoạt phí mỗi tháng cần khoảng hai triệu đồng (khoảng $86)- số tiền rất lớn với tất cả các gia đình ở vùng này. Lúc này Tòng đã lập gia đình nên gần như hai vợ chồng phải tự bươn chải, vay mượn trước, nghỉ hè Tòng lại đi làm thuê để trả.
Bằng những nỗ lực hết sức mình, cuối cùng Vàng A Tòng cũng có được tấm bằng đại học vào năm 2015. Đến đây xem như hành trình của A Tòng đã đạt, tuy nhiên, dường như gian nan vẫn chưa muốn buông tha cho chàng trai này. Gian nan tiếp theo là hành trình đi gieo chữ nghĩa cho những trẻ em có hoàn cảnh giống mình lúc trước.
Để làm giáo viên chính thức cho một ngôi trường nào đấy, A Tòng đi thi công chức ở khắp các huyện từ Sông Mã, Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu. Có lần thi được 95.5 điểm (tối đa 100 điểm) vẫn không đậu. Buồn nhưng anh tự nhủ “vì chỉ tiêu tuyển dụng ít, bản thân phải cố gắng hơn”.
Chị Sộng Thị Dênh, vợ anh Tòng cho biết, những năm đó chị rất thương chồng. Ban ngày anh đi làm thuê mọi việc để nuôi vợ con, đêm lại chong đèn lên học, cứ thấy đâu tuyển dụng là đi thi. “Anh ấy rất quyết tâm. Anh bảo sẽ thi tới lúc nào hết tuổi tuyển dụng mới thôi”.
Sau tám lần thi công chức, cuối cùng năm 2019 Vàng A Tòng đã đỗ. Lúc biết tin chị Dênh òa lên, nức nở. Anh Tòng cũng không ngăn nổi hạnh phúc nên cứ mặc nước mắt tuôn rơi.
Ngày đầu tiên trở thành thầy giáo cắm bản, Vàng A Tòng phải liều mạng sống bơi qua suối. Đường đến trường gian nan hệt như 20 năm đèn sách của anh. Điểm trường A Tòng dạy có 21 học sinh, trong đó bảy em lớp 2, còn lại lớp 1, lúc đó nơi đây chưa có điện. A Tòng cho biết, điểm trường Sài Khao mà anh dạy là một trong tám điểm lẻ của trường Tiểu học Mường Cai. Bản này cách xa điểm trường chính nhất, lại không có cầu qua suối nên vào mùa mưa, điểm trường gần như bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. “Bao năm qua chưa từng có một cô giáo nào tới đây, chỉ có các thầy cắm bản”, thầy Vũ Văn Cường, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Cai, cho biết.
Có một trưa, một học trò tên Thào Ca Dênh hỏi: “Thầy học cái gì mà sao về làm thầy giáo?”. “Để thành thầy giáo, thầy phải học rất nhiều trường lớp. Đến giờ vẫn đang tiếp tục học”, thầy Tòng trả lời. “Vậy có phải lúc đi học thầy bé như em, giờ già mới về đây làm phải không? Em cũng muốn làm thầy giáo”, cậu bé tâm sự với thầy.
Cứ mỗi lúc Thào Ca Dênh ngước đôi mắt chăm chú nhìn lên bảng, Vàng A Tòng lại như nhìn thấy hình ảnh của mình nhiều năm trước, cũng sáng mắt lên khi thấy các thầy cô giáo miền xuôi như cô Liên, thầy Tuyến… dạy cho anh con chữ, dạy cho anh thành người…