Chỉ vì muốn… tự sướng, nhiều người, không chỉ giới trẻ, thích tự chụp ảnh selfie để đưa lên mạng xã hội. Nhiều người thích sống ảo, chưa kịp sướng, đã bỏ xác nơi vực thẳm.
Hôm 9 Tháng Bảy vừa qua, một thanh niên, 23 tuổi, cùng người đi bộ đến Vesuvius – ngọn núi lửa cao 1,280 m (gần 4,200 feet) ở vùng Campania của Ý. Lúc đang selfie, thanh niên này làm rớt điện thoại và trượt chân, rơi xuống miệng núi lửa. May mắn anh này chỉ bị thương nặng, chứ chưa mất mạng.
Đầu năm 2022, Richard Jacobson, 21 tuổi, đi bộ vào buổi tối trên dãy núi Superstition ở Arizona. Mục đích của Jacobson là leo lên vách đá cheo leo để chụp ảnh tự sướng cùng với không gian bên dưới là toàn cảnh thành phố Phoenix. Không may, Jacobson bị trượt chân và rơi xuống vực sâu khoảng 214 m (hơn 700 feet). Hôm 24 Tháng Giêng, một người leo núi tìm thấy thi thể của em tại vị trí gần đỉnh Flatiron ở Công viên Lost Dutchman State.
Hồi Tháng Mười, 2020, trong khi chụp ảnh trên vách đá ở bang Arizona, Orlando Serrano-Arzola, 25 tuổi, ngã xuống dưới và tử vong tại chỗ. Trong khi đưa thi thể của Serrano-Arzola từ chân hẻm núi lên, cơ quan chức năng phát hiện hài cốt của một nạn nhân khác, được xem là ngã và không được cứu khi đang leo núi.
Cái chết của Orlando Serrano-Arzola xảy ra chỉ một tuần sau khi một người đàn ông tử vong vì rơi từ vách đá cao khoảng 30 m ở tiểu bang Oregon trong lúc chụp ảnh trên cây.
Nam liều mạng hơn nữ
Chụp ảnh tự sướng được từ điển Oxford đặt tên là “selfie” từ của năm 2013, mô tả là bức ảnh chụp chính mình (hoặc nhóm), thường sử dụng điện thoại thông minh, để chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Google ước tính 24 tỷ bức ảnh tự chụp đã được tải lên Google Photos vào năm 2015. Khoảng một triệu bức ảnh tự chụp được đăng tải mỗi ngày trong nhóm nhân khẩu học từ 18 đến 24 tuổi. Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ phát hiện khoảng 55% thế hệ millenials đăng ảnh tự sướng trên các dịch vụ truyền thông xã hội.
Các nhà khoa học Ấn Độ làm cuộc nghiên cứu, trong khoảng thời gian từ Tháng Mười 2011 đến Tháng Mười Một 2017, có 259 trường hợp tử vong khi cố chụp ảnh tự sướng. Nạn nhân ở độ tuổi trung bình là 23. Nam liều mạng và… khoái sướng hơn nữ. Khoảng 72.5% nạn nhân tử vong xảy ra ở nam và 27.5% ở nữ. Số vụ tử vong do chụp ảnh tự sướng nhiều nhất là ở Ấn Độ, kế đến là Nga, Mỹ và Pakistan.
Những điểm rất nguy hiểm khi chụp ảnh selfie
Các vườn quốc gia tại Mỹ, Taj Mahal ở Ấn Độ, Pamplona ở Tây Ban Nha, Núi Hua ở Trung Quốc, và mỏm đá Trolltunga ở Na Uy là 5 điểm nguy hiểm nhất trên thế giới để chụp hình tự sướng. Cái gì nhất đều thu hút tính tò mò và sự cả gan của nhiều người.
Các vườn quốc gia tại Mỹ đang vất vả tìm biện pháp ngăn cản những người thích chụp ảnh “tự sướng” với sự xuất hiện của gấu. Xu hướng nguy hiểm này ngày càng tăng lên đến nỗi các quan chức tại khu vực Sierra Nevada đã phải ban bố khuyến cáo an toàn tới người dân. Tình hình tại vườn Waterton Canyon ở Colorado cũng không kém nghiêm trọng. Chính quyền ở đây cho rằng sẽ rất dại dột nếu đến gần các loài động vật hoang dã chỉ để quay lưng về phía gấu chụp hình selfie.
Còn ở đền Taj Mahal, Ấn Độ, một du khách người Nhật thiệt mạng khi trượt té cầu thang trong lúc đang chụp hình “tự sướng” tại cổng Hoàng gia của đền này. Chỉ cần thiếu cẩn trọng chút thôi, ngay cả những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất cũng có thể gây chết người.
Chạy đua với bò tót trong mùa lễ hội San Fermin ở Pamplona đã đủ nguy hiểm chết người. Nhưng trong cuộc đua năm 2014, một người tham gia còn cố chụp hình “tự sướng” bằng cách tự ý rời bỏ khu vực quan sát để chụp hình với đàn bò đang rất hung hăng đang chạy đến. Người này, 32 tuổi, bị bò húc và không qua khỏi chỉ sau vài giờ được cấp cứu tại bệnh viện.
Núi Hua ở Trung Quốc được xem là rất nguy hiểm với con đường độc đạo lên núi Hua, một trong năm đỉnh núi linh thiêng thuộc tỉnh Thiên Tây, với những tấm gỗ liền nhau ở mạch bên vách đá cao 180m. Tuy nhiên, địa điểm này hiện đang là nơi để chụp hình “tự sướng” được ưa thích của du khách đến Trung Quốc. Mặc dù con đường ọp ẹp này đã được tu sửa nhiều lần do số lượng khách tăng lên, nó vẫn vô cùng nguy hiểm. Chính quyền Trung Quốc hiện không công khai số vụ tai nạn, nhưng theo người dân địa phương, có đến hàng trăm người đã… bỏ xác tại đây.
Mỏm đá Trolltunga ở Na Uy cũng là một trong những địa điểm chụp ảnh “tự sướng” được yêu thích của Na Uy. Đây là một phiến đá nhô ra vịnh nước hẹp. Tương tự như những phiến đá chồng chất lên nhau ở Kjeragbolten và nền đá ở Pulpit, hai địa điểm khác cùng nằm trong nhóm “Tam Đại” ở Na Uy, không gì có thể chặn những người yêu thích chụp hình “tự sướng” bất cẩn để tính mạng mình trong tình thế hiểm nghèo. Tuy nhiên, nguy hiểm thật sự đến từ chính độ nổi tiếng của mỏm đá, khi có đến hàng trăm người đổ xô tới nơi đây chỉ để có một khoảnh khắc độc cho trang Facebook hay Instagram của mình. Vì chỉ muốn tự sướng, một du khách trẻ người Úc bỏ mạng tại Trolltunga.
***
Có những lý do khiến nhiều người chấp nhận mạo hiểm để có một bức ảnh của chính mình. Tiến sĩ Pamela Rutledge tại Đại học Fielding Graduate ở Santa Barbara, California, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý truyền thông cảm nhận mối nguy hiểm đối với “văn hóa chụp ảnh tự sướng”. Rutledge cho biết đa số những người hưởng ứng văn hóa này đều là người trẻ. Công nghệ tiên tiến cũng thúc đẩy hiện tượng “tự sướng” phát triển mạnh.
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Tracy Alloway, cho biết chất dẫn truyền thần kinh dopamine khiến một người bình thường nảy sinh hành động mạo hiểm. Nhất là khi thấy lượt thích hoặc bình luận tích cực dưới bài đăng, một lượng lớn dopamine tạo cảm giác phấn khích được hình thành và khuyến khích người đó thực hiện lại hành vi đó.
Đọc thêm:
-Ham sống ảo chụp selfie, thiếu niên rơi xuống vực núi Sơn Trà gãy chân