Hình minh họa. Tranh họa sĩ Phạm Công Tâm

(Thư cho Huyền Trang, một em học sinh Sương Nguyệt Anh cũ, vừa mới ra đi)

Huyền Trang thân mến,

Khi nhận được mail của Kim Lan – bạn thân của em – báo tin em vừa mất, cô không ngạc nhiên vì cô biết bệnh tình của em đã kéo dài nhiều năm và em cũng đã ra vô bệnh viện cấp cứu nhiều lần.

Nhưng sao cô vẫn có cảm giác xót xa, không nói nên lời, dù rằng cô biết sự ra đi này là một giải thoát cho em khỏi những đớn đau vật vã kéo dài đã lâu. Vậy mà tâm cô vẫn bị xao động, một cảm giác gì đó không rõ tên nên dù trời đã thật khuya, cô vẫn nằm thao thức, không ngủ được.

Huyền Trang ơi, hình ảnh em những ngày còn học với cô ở Sương Nguyệt Anh hiện lên rõ mồn một: Một cô bé nữ sinh cấp 3, tóc dài cột đuôi thả hai bên càng làm tăng vẻ năng động của một lớp trưởng rất tích cực; cặp kính cận gọng đen làm nổi bật thêm vẻ thông minh sẵn có của em.

Thời gian dần trôi qua, cô như người đưa đò, hết lớp học sinh này đến lớp học sinh khác, rồi em ra trường. Dù không còn học với cô nữa nhưng em vẫn luôn nhớ trở lại thăm cô vào ngày “Nhớ ơn Thầy Cô 20-11” và dịp Tết.

Người ta thường nói nghề đi dạy là nghề bạc bẽo, nhưng tạ ơn trời, cô vẫn cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến các em học sinh cũ vẫn nhớ đến cô và ghé thăm cô, nhất là vào dịp 20-11 hằng năm. Có năm cô phải tiếp các em học sinh hết nhóm này đến nhóm khác, đến tận 12 giờ đêm. Dù biết đã khuya nhưng làm sao cô có thể nỡ lòng từ chối khi nghe các em kể là đã chạy vòng vòng trở đi, trở lại bao nhiêu lần nhưng nhìn vào nhà cô vẫn còn thấy cả dãy xe đạp phía trước nhà, lại phải chạy tiếp. Biết khuya rồi nhưng vẫn ráng gặp được cô trong ngày 20-11 thì mới hả dạ, yên bụng về nhà được.

Những món quà nhỏ các em tặng cô về giá trị vật chất có thể không đáng là bao, nhưng giá trị tinh thần và công chờ đợi của các em thật là vô giá.

Hình minh họa. Tranh họa sĩ Phạm Công Tâm

Có một lần, cô còn nhớ mãi và cảm giác ân hận cứ lẩn quẩn trong tâm trí cô không rời. Đó là vào dịp Tết, cô tiếp các học sinh mới và cũ đã mấy tiếng đồng hồ; trời đã về chiều, cô thật mệt mỏi nên cần nghỉ ngơi một lát. Nằm nghỉ chưa được năm phút thì đứa con gái đã chạy vào lên tiếng:

– Mẹ ơi, lại có học trò đến nữa.

Cô thấy trong người còn mệt quá, cần nghỉ ngơi nên đã bảo con:

– Con chạy ra nói là mẹ đang mệt, hôm khác trở lại.

Một lát sau, con gái cô khệ nệ bưng vào phòng một chiếc cặp to, được bọc giấy lịch sự, rồi nói:

– Đây là quà của chị Huyền Trang biếu mẹ. Chị nói tới nhà mấy lần rồi mà mẹ đều đi vắng, hôm nay có nhà thì gặp lúc mẹ mệt. Chị không khỏe mà phải đạp xe xa, mệt quá, chắc chị không đến nổi nữa! Chị gởi lời chúc mẹ ăn Tết vui vẻ.

Huyền Trang!

Hai tiếng Huyền Trang khiến cô vùng dậy! Trời ơi tội nghiệp cho em! Huyền Trang ơi, cô cứ ngỡ là học trò nào nên mới hẹn hôm khác. Giá biết là em thì dù có mệt mỏi đến đâu cô cũng gượng dậy để tiếp em. Vì cô biết sau khi ra trường, em mắc phải một chứng bệnh trầm kha, nó làm em suy kiệt sức lực, có khi em đi không nổi, có lúc em hồi phục phần nào, rồi có lúc lại bị suy yếu. Vậy mà bây giờ, tuy không còn học cô nữa, em đã đạp xe từ Quận 11 lên đây mấy lần để thăm cô, để rồi hôm nay cô có nhà lại xảy ra điều đáng tiếc. Vô tình cô đã phụ lòng em. Làm sao cô có thể ăn Tết vui cho đành!

Vậy là cô đã nợ em. Nợ một ân nghĩa sâu đậm. Hãy tha thứ cho cô Huyền Trang ơi!

Nay nghe tin em mất! Chuyện xưa lại bừng sống trở về trong ký ức khiến lòng cô ray rức. Lá thư này vừa để tưởng nhớ em, vừa là nén nhang thắp lên để cầu mong em hiểu, cho lòng cô được thanh thản phần nào. Cô nhớ hồi đó nhìn chiếc cặp em tặng, cô lại nhớ một lần đến thăm cô, gặp lúc cô đang lấy bài từ cặp táp ra để chấm điểm, em đã nói:

– Em có chiếc cặp mới đẹp lắm của nước ngoài gởi về, để hôm nào em mang đến tặng cô.

– Em giữ nó mà dùng vì cái cặp của cô vẫn còn tốt và cô không muốn bỏ nó.

Nhưng rồi em vẫn mang đến tặng cô, để rồi cô vô tình làm cho em đau lòng. Cô đã từng dạy các em: “Thà để người phụ ta, chứ ta không nên phụ người”. Vậy mà cô đã vô tình phụ lòng em.

Rồi dòng đời đưa đẩy, vì hoàn cảnh gia đình, cô sang định cư ở Đức và mất liên lạc với em. Cô cũng không biết em sống, chết ra sao với căn bệnh nan y của mình.

May thay, lần về thăm gia đình ở Việt Nam, cô đã gặp và nói chuyện với em, mới biết gia đình em cũng đã tìm mọi cơ hội để chạy chữa cho em nhưng vẫn không thành công. Em cũng đã từng sang Mỹ vài năm để trị bệnh và khi biết cơn bệnh không thể trị dứt được mà chỉ cầm chừng thôi; em đã quyết định trở về Việt Nam. Em tâm sự về phương diện vật chất thì nước Mỹ là số một, nhưng về phương diện tinh thần thì buồn lắm – nỗi buồn tha hương xứ lạ quê người. Em quan niệm dù sao chết trên quê hương Việt Nam mình vẫn hơn. Em cười:

– Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho… khó thương: “Đất Mẹ vẫn chan hòa niềm thân ái, cho tôi về dù cát bụi vô tri”.

Hình như cái số cô vẫn gắn liền với câu “Cô còn nợ em” nên lần cô về Việt Nam, không biết sao em vẫn còn nhớ sinh nhật cô để mang quà đến tặng và điện thoại hẹn trước mời cô đi ăn. Nếu cô không nhận lời thì em buồn nhưng sao cô thấy nó vô lý thế nào ấy. Dù sao cô vẫn mang tiếng là Việt kiều, còn em vừa không đi làm, vừa bệnh, nhưng nhận lời em, điều quan trọng là cô đã làm em vui. Cám ơn em đã cho cô một tối sinh nhật thật vui và đầm ấm, chỉ riêng mình em thôi.

Buổi tối trở về nhà, trước khi ngủ, mở nhạc lên nghe. Tiếng hát Mỹ Tâm với bài hát “Vẫn nợ cuộc đời” nghe sao mà thấm thía vô cùng:

Ta nợ cuộc đời, hạt cơm xẻ đôi

Ta nợ của người, cuộc vui đã phai

Ta nợ người Thầy, bài thi thuở xưa

Như quyện trong tiếng hát âm vang của lòng cô: “Ta nợ học trò, biết bao ân tình!”

Đúng vậy, cô cảm thấy còn nợ các học sinh của mình nhiều quá, đặc biệt là nợ em. Ngoài ra cô còn học nơi em bài học về tinh thần lạc quan, yêu đời những lúc cơn bệnh tha cho em sự giày vò thân xác em lại tiếp tục sống vui tươi, yêu đời, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khả năng của em mà quên đi bản thân mình đang mang cơn bệnh trầm kha, không biết phải ra đi lúc nào!?

Em đã đẩy lùi nỗi sợ hãi về bệnh tật về cái chết lúc nào cũng rình rập quanh em để sống cho từng giây phút hiện tại thật trọn vẹn. Rồi có lẽ em linh tính rằng đây là lần cuối cùng chúng ta gặp gỡ nhau chăng? Em lại đứng ra liên lạc với bạn bè tổ chức một buổi họp mặt từ giã cô ở một nhà hàng ấm cúng trên đường Sương Nguyệt Anh.

Cô không hiểu với tình trạng sức khỏe suy yếu như vậy nhưng em vẫn rất năng động trong việc liên lạc các bạn và họ rất nghe lời em. Có lẽ tại em luôn luôn quan tâm tới các bạn để tổ chức những buổi họp mặt và điều chính yếu là các bạn cũng cảm nhận đây có thể là buổi họp mặt cuối cùng!

Hình minh họa. Tranh họa sĩ Phạm Công Tâm

Bây giờ em đã đi về cõi Trên. Cô sẽ không bao giờ còn gặp em được nữa. Nhưng những ân tình em dành cho cô, cô xin biết ơn và trân trọng giữ lấy. Cô cầu chúc em ở thế giới mới luôn luôn được thanh thản, hưởng những điều tốt lành như em hằng mong ước; những điều mà em chưa hưởng được ở thế gian này vì bệnh tật luôn theo đuổi, mãi quấy rầy em!

Một lần nữa cô mong rằng những dòng chữ này như một cách thắp nén nhang lòng để tưởng nhớ đến em, một người học sinh rất thân thương của cô, một người luôn luôn hết lòng với thầy cô và bạn bè của mình; cùng lúc cũng mong hương hồn em hiểu được lòng cô, điều đáng tiếc xảy ra khiến vô tình cô đã làm tổn thương em ngày ấy.

Em tuy đã ra đi nhưng tấm lòng của em sẽ còn ở lại mãi trong tim cô và các bạn thân thiết của em.

Em ra đi nhưng tình thương em vẫn để lại cho đời, quả là em đã thấu hiểu được câu nói: “Chỉ có tình thương để lại đời”.

Cô nghĩ rằng em hiện đang mỉm cười trên ấy, còn người thân và bạn bè ở lại có nghĩ chăng là:

“Bước đi trong đời, xót xa câu cười

Qua từng ngày dài, còn ai với ai”

Riêng cô, chỉ mong em phù hộ để mỗi mai còn được thức dậy, còn biết mình được sống và vẫn còn cảm nhận:

“Ta nợ Mặt trời, từng tia nắng mai

Ta nợ nụ cười, người quen sáng nay”

Và mãi mãi! Cô vẫn còn nợ em!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: