Hàng triệu phụ nữ và trẻ em phải chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine, và những kẻ buôn người cũng đang ra sức làm việc hết công suất.
Thoát bọn buôn người
Khi cuộc chiến nổ ra, chị Ludmila, 35 tuổi cùng hai con trai 17, 15 tuổi và con gái 9 tuổi đi bộ cả ngày để đến biên giới Moldova. Chị đi từ Izmail, Tây Nam Ukraine sau khi thoát được người chồng nghiện rượu thường xuyên đánh đập vợ con. Bốn mẹ con bị dụ làm việc đến kiệt sức cho những người lạ trong suốt nhiều tháng, trước khi họ tìm được nơi trú ẩn dành cho những phụ nữ dễ bị tổn thương ở Chisinau, thủ đô Moldova.
Còn tại thị trấn Palanca giáp biên giới Ukraine và Moldova, lính biên phòng nhận thấy “hai dì cháu” một phụ nữ và một cháu trai 15 tuổi dáng khả nghi. Cậu bé tỏ ra xấu hổ và lộ rõ sự không thoải mái. Để giải toả nghi ngờ, đội biên phòng đưa các nhân viên xã hội và nhà tâm lý đến.
“Chúng tôi tách riêng hai người,” nhà tâm lý thực hiện cuộc phỏng vấn, nói với CNN. “Hóa ra mối nghi ngờ của biên phòng là đúng. Hai người chẳng có quan hệ thân thuộc gì với nhau. Bà kia đưa cậu bé đi và hứa cho nó “cơ hội trở thành người đàn ông đích thực với công việc đàng hoàng” để có tiền gửi về gia đình còn ở lại Ukraine.”
Cậu bé khai người đàn bà nói cậu chỉ cần giả làm cháu trai, trình hộ chiếu của chị ta và viết lá thư giả mạo sự đồng ý của cha mẹ. “Chúng tôi tìm được và gọi điện cho người mẹ. Bà ấy khóc, thề là không viết lá thư và không nhờ ai viết bất kỳ giấy tờ nào,” nhà tâm lý nói. Người mẹ đến biên giới đón con về đoàn tụ với gia đình. Vụ việc được chuyển đến cơ quan thực thi pháp luật Moldova để tiếp tục điều tra.
Chính quyền khu vực và các tổ chức quốc tế cảnh báo số lượng phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị buôn bán sẽ tăng vọt nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Nhiều người không may mắn như cậu bé hay bốn mẹ con chị Ludmila. Một số tổ chức hoạt động nhân đạo có bằng chứng về những hành vi đáng ngờ, nhắm vào người tị nạn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Những con mồi béo bở
Trong khi các tình nguyện viên từ khắp châu Âu đổ xô đến biên giới Ukraine để giúp đỡ những người tị nạn chiến tranh thì những kẻ tìm cách trục lợi cuộc khủng hoảng cũng bận rộn không kém. Tháng Sáu, bà Pramila Patten, Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Bạo lực tình dục trong Xung đột (United Nations Special Representative on Sexual Violence in Conflict) cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng nhân đạo đang biến thành cơ hội cho những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em”.
Theo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, có hơn 5.9 triệu người thoát khỏi Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đa số là phụ nữ và trẻ em, những “con mồi béo bở”. Mendy Marsh, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành VOICE, một tổ chức phi lợi nhuận chống bạo lực phụ nữ và trẻ gái tại các nơi xung đột, khủng hoảng và thiên tai, nói: “Khi bắt đầu khủng hoảng, những người tị nạn còn được nhiều người hảo tâm đón nhận về sống trong gia đình. Chiến tranh kéo dài càng lâu, càng khó tìm những tấm lòng như thế. Một số người sẽ phải quay lại Ukraine và đây là cơ hội cho bọn buôn người”.
Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organization for Migration-IOM) cho biết đường dây nóng tư vấn chống buôn người ở Ukraine đã nhận được gần 19,000 cuộc gọi kể từ khi Nga mở cuộc xâm lược, gấp đôi mức trung bình hàng tháng. Phát ngôn viên Joe Lowry của IOM nói với CNN: “Chúng tôi biết những kẻ săn mồi độc ác đang sử dụng mọi thủ thuật để đánh lừa những người ngây thơ đang bế tắc bằng những lời hứa ngọt ngào về một hành trình an toàn. Chiến thuật của bọn buôn người ngày càng tinh vi, hấp dẫn hơn”.
Bọn buôn người chưa bao giờ biến mất
Thật ra đây không phải là một vấn đề mới vì một số quốc gia mà người tị nạn Ukraine tìm đến, gồm cả Moldova, đã xảy ra tệ nạn buôn người từ lâu. Moldova tiếp nhận 570,000 người tị nạn từ Ukraine và còn khoảng 88,000 người vẫn chưa tìm được điểm đến cuối cùng ở quốc gia khác (theo UNICEF, cơ quan nhi đồng Liên Hợp Quốc).
Theo một báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Moldova vẫn không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiểu cần thiết để loại bỏ nạn buôn người, dù đã có những nỗ lực đáng kể trong những năm gần đây. Tiền là lực đẩy then chốt.
Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu và nguồn tài nguyên có hạn. Ilija Talev, Phó đại diện UNICEF tại Moldova nhận định, bọn buôn người đóng đô trong khu vực trước chiến tranh và chúng chưa bao giờ biến mất. Trong khi đó, Moldova luôn gặp vấn đề nghiêm trọng với dịch vụ xã hội, chính sách bảo vệ trẻ em, nạn nhân của lạm dụng gia đình và những người bị bạo lực giới tính. Cuộc khủng hoảng nhân đạo mới càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Memoria, một trung tâm phục hồi chức năng có trụ sở tại Chisinau, dành cho các nạn nhân bị tra tấn, bạo lực và các đối xử vô nhân đạo hoặc hèn hạ khác đang gặp khó khăn về nhân lực cũng như kinh phí hoạt động. Andriana Zaslavet, Trợ lý giám đốc dự án của trung tâm cho biết tiền đang ít dần nên không thể thuê thêm chuyên gia.
Yana Tovpeko, thuộc nhóm ứng phó Ukraine của VOICE, nhớ lại những trường hợp đáng ngờ liên quan đến tuyển nhân công hoặc giúp đưa người tị nạn đến các quốc gia khác. “Lẫn vào những người cố gắng giúp đỡ thực sự, là một bọn âm mưu làm điều xấu. Ví dụ, nếu ai đó đến xin giúp đưa người tị nạn đi, thì đó có thể là khởi đầu cho tình huống nguy hiểm họ sắp gặp. Những người quyết tâm tìm kiếm cơ hội việc làm, để có nhà ở lâu dài, ổn định dễ bị sa bẫy nhất. Họ có thể bị lạm dụng hay bị buôn bán. Trẻ em đi một mình hay phụ nữ không có chồng và phải chăm sóc con có nguy cơ bị lợi dụng nhiều nhất”. Mà trong chiến tranh, chỉ có đàn bà và trẻ em di tản.
Các quan chức tại cửa khẩu ở Palanca nhận thức rõ về nguy cơ. Anton Zagoreț, Phó cục trưởng Cục phía Đông của cảnh sát biên giới Moldova, cho biết nhóm của ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên đi một mình hoặc đi cùng những người không phải là cha mẹ của chúng. Khi không có sự trợ giúp kịp thời, hậu quả có thể rất thảm khốc.
Đọc thêm: