Opera và mắm tôm

Người Việt mà không biết ăn mắm tôm ư? Có đấy tuy không nhiều. Nó cũng giống như người Tây phương thích nghe (nhạc kịch) Opera vậy. Đem mắm tôm mời Tây thì e rằng có lịch sự lắm thì chắc họ cũng bịt mũi, giống như đem nhạc Opera dúi vào một số người Việt thì nể nang lắm cũng khối người bịt tai…

Không phải mắm tôm khó ngửi hay Opera khó nghe mà vì quần thể sống trong hai môi trường văn hóa khác biệt đã quen thuộc thứ mà người sống bên ngoài không thể nào quen. Thời gian người Việt biết đến mắm tôm không thể nói là vài thế kỷ mà hơn thế, nhạc Opera lại càng lâu hơn, nó lớn lên cùng với cả châu Âu, cùng với những danh tài của loại hình nghệ thuật này.

Đem Opera vào Việt Nam để người dân quen với một nền văn hóa là chuyện làm đúng đắn, nhưng xây một nhà hát to đùng, tốn kém để quảng bá cho một loại hình âm nhạc mà hơn 90% người Việt từ trí thức tới nông dân, từ đại gia tới chợ búa đều chưa cảm được thì việc làm đó trở thành lố bịch và có dấu hiệu buôn bán, đầu cơ. Vậy mà Hà Nội đang chuẩn bị làm, chuẩn bị xã hội hóa và chuẩn bị búa rìu dư luận.

Theo đồ án này, tại khu vực đầm Trị (phường Quảng An, Tây Hồ) sẽ xây dựng một nhà hát Opera với diện tích rộng khoảng 13,000 m2. Quy mô chỗ ngồi dự kiến là 3,500 chỗ cộng với những không gian biểu diễn nghệ thuật hàng đầu của Việt Nam. Chức năng chính của nhà hát là không gian trình diễn nghệ thuật: Dàn giao hưởng, hợp xướng, opera…, tổ chức các sự kiện văn hóa chính của Hà Nội và là điểm nhấn của khu vực hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung.

Để chuẩn bị cho nhà hát này, Tập đoàn Sun Group, nơi phát kiến và có thể đầu tư, nhiều năm trước đã bảo trợ một dàn nghệ sĩ có thể trình diễn nhạc giao hưởng ngay khi nhà hát khai mạc. Sun Symphony Orchestra (SSO) – dàn giao hưởng Mặt Trời – là dàn nhạc giao hưởng tư nhân được thành lập với mong muốn hướng đến một dàn nhạc tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng mang âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng, đồng thời thu hút những tài năng âm nhạc cổ điển nước nhà, đưa nghệ thuật biểu diễn nhạc cổ điển Việt Nam hội nhập thế giới.

Tin này được báo chí loan tải như một cách vận động cho dự án, nhưng câu hỏi đặt ra: Ai xem?

Hiểu biết về Opera, hay giao hưởng một cách thấu đáo chưa phải là đủ mà phải biết xem, phải thổn thức khóc cười với nó. Với những âm thanh lên bổng xuống trầm, những cảm nhận hỉ nộ ái ố từ kịch bản… những thứ mà không một nhà hát hiện đại nào làm được cho người mù Opera. Khi người ta không thích tới cái nhà hát vĩ đại này thì kết quả nhãn tiền đã biết trước: Lạnh lẽo và ế ẩm.

Việt Nam có cái hay là thích lặp lại vết xe đổ của người đi trước. Năm 2017 bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã hết lòng bênh vực dự án nhà hát Opera tại khu đô thị Thủ Thiêm với kinh phí 1,700 tỷ đồng nhưng cuối cùng dự án bỏ cuộc vì dân Thủ Thiêm rên xiết và cộng đồng mạng hết lòng “quăng dép” vào tập đoàn chính quyền thành phố. Năm sau đó, 2018 Hà Nội “buông bỏ” dự án nhà hát Hoa Sen tại khu công viên hồ điều hoà CV1, Khu đô thị mới Cầu Giấy; một năm sau nữa Sun Group trình dự án xây nhà hát Opera và bị dịch Covid làm cho khựng lại tới bây giờ.

Sau dịch, khi cả nước vịn nhau đứng dậy đi cày tiếp nuôi nhà nước thì Hà Nội lại khơi dậy niềm tự hào vô hình của người dân thủ đô. Niềm tự hào về sự thấu cảm Opera có lẽ là niềm tự hào kỳ cục nhất mặc dù người dân Hà Nội vốn nổi tiếng là hăng hái trong hạng mục chạy đua làm những chuyện trời ơi đất hỡi. Dẫn đầu là báo chí, hàng loạt bài viết phân tích cái hay của Opera, cái hấp dẫn của nhạc kịch (musical), cái tầm hàn lâm của nhạc giao hưởng…, những bài viết công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ nhằm mục đích hướng dẫn người bình dân cho tới trí thức hãy tiếp tay xây dựng một nền âm nhạc… “Tây phương”. Trong nỗ lực ấy Sun Group góp tay tạo ra dư luận về một nhà hát ngang tầm với nhà hát con sò bên Úc!

Còn nhớ mới đây thôi, Teresa Mai, nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên thắng giải Grammy 2022 ở hạng mục Album giọng ca cổ điển xuất sắc nhất. Rất vui và cảm thấy lây lan hào quang của cô. Tìm trên mạng một bài hát mà cô trình diễn trên Paris By Night có tên The Tale of Lady Thi Kính, hồi hộp mở ra nghe nhiều lần vì muốn cảm nhận nghệ thuật Opera mà Teresa Mai trình diễn về một nhân vật rất nổi tiếng của Việt Nam: Thị Kính. Tuy nhiên, không khỏi không ngạc nhiên khi thấy bên dưới video của Teresa Mai không có bất cứ comment nào và chỉ vỏn vẹn hơn 30 ngàn lượt xem! Ví dụ điển hình nhất về một giọng ca Opera được khẳng định bởi giải thưởng danh giá Grammy, huống hồ ở Việt Nam?

Đó là chưa nói về thu nhập của người Việt để họ có thể bước vào một nhà hát được đánh giá là vĩ đại bậc nhất Đông Nam Á. Theo tờ Hà Nội Mới thống kê vài tháng trước đây cho thấy thu nhập bình quân của người lao động tại Hà Nội đạt 8.5 triệu đồng/tháng, tăng 1.3 triệu đồng/tháng so với Quý I-2022. Con số nói lên tất cả, có thực mới vực được đạo luôn là câu châm ngôn ý vị và chưa bao giờ lạc lõng.

Lạc lõng phải kể tới là những lãnh đạo cao cấp nhất trong guồng máy. Trong khi người dân chống chọi với dịch bệnh, với miếng cơm manh áo thì những ông to bà lớn trong cái UBND thành phố Hà Nội lại đăng đàn trả lời báo chí về cái nhà hát Opera sẽ được đầu tư như thế nào và những gì nó sẽ mang lại cho người dân Hà Nội. Những câu hỏi cò mồi được tung ra và cái Ủy ban ấy vẫn tin rằng người dân Thủ Đô vốn không biết gì ngoài cái sân bóng đá Mỹ Đình nên ung dung cho người Tràng An tiếp tục ăn cá gỗ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: