Một sản phẩm tuyệt vời của sự hợp tác giữa các đồng minh
Hai công ty Boeing và Nammo đã hoàn thành cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với loại đạn pháo Ramjet 155 mới. Không giống các loại pháo thông thường, loại đạn pháo mới sử dụng động cơ phản lực để bay xa hơn và nhanh hơn. Ramjet 155 bắn xa hơn so với pháo của Nga và Trung Quốc, khiến pháo Mỹ hầu như “bất khả xâm phạm” trước hầu hết các loại hỏa lực đối kháng nhờ khoảng cách.
Popular Mechanics cho biết, hai nhà thầu quốc phòng, một từ Hoa Kỳ (Boeing) và một từ châu Âu (Nammo), đã hợp tác để sản xuất đạn pháo Ramjet 155 có thể làm cho pháo binh trở thành “cánh tay chủ lực” của chiến tranh trên bộ. Đạn pháo Ramjet 155 không chỉ có tầm bắn xa tới 44 dặm mà còn có thể khóa chặt và tiêu diệt các mục tiêu đang di chuyển. Thử nghiệm sẽ cho phép quân đội Mỹ và NATO dùng đạn pháo này tấn công mục tiêu và an toàn trước tầm bắn trả của pháo binh Nga và Trung Quốc. Lần thử nghiệm Ramjet 155 mới nhất, được Boeing và Nammo công bố trong tuần này, được thực hiện vào ngày 28 Tháng Sáu tại Trung tâm Thử nghiệm Andoya ở Na Uy. Động cơ Ramjet 115 trong lớp vỏ (shell) đã đánh lửa thành công, rất ổn định trong khi bay và quá trình đốt của động cơ được kiểm soát tốt.
Trong hơn hai thập niên, công nghệ pháo binh là một ưu tiên tương đối thấp đối với quân đội Mỹ. Việc tập trung vào các cuộc chiến tranh du kích và chiến đấu chống lại những kẻ thù có năng lực thấp như Nhà nước Hồi giáo (IS) và Taliban sau ngày 11 Tháng Chín đã làm giảm nhu cầu về pháo tầm xa mạnh. Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ không có mối đe dọa thực sự nào về pháo binh của kẻ thù, có thể hoạt động một cách vô tư, thiết lập các trận địa pháo được bảo vệ an toàn mà không cần quá lo lắng về hỏa lực pháo binh của đối phương và khi cần tấn công các mục tiêu xa, có thể dùng không kích lấp đầy các khoảng trống.
Nhưng việc quay trở lại cuộc xung đột quyền lực giữa các siêu cường với năng lực quốc phòng cao đang làm thay đổi điều đó. Lực lượng mặt đất của Mỹ một lần nữa phải đối mặt với việc chiến đấu với những đội quân lớn với vũ khí công nghệ cao, nên cần đảm bảo thiết bị của Mỹ phải vượt trội hơn về mặt kỹ thuật so với những trang bị của các đối thủ tiềm năng. Ngoài ra, máy bay tấn công các mục tiêu tầm xa có thể bị kẻ thù mạnh bắn hạ vừa mất phi công vừa mất máy bay trị giá hàng trăm triệu đôla.
Pháo binh lấy lại uy thế trên chiến trường
Cuộc chiến pháo binh giữa Ukraine và Nga – với việc cả hai bên tấn công dùng hàng trăm khẩu pháo và nhiều hệ thống tên lửa tấn công nhau bất kể ngày đêm – là một lời nhắc nhở là pháo binh không hề lạc hậu trong thực chiến và những kẻ thua cuộc thường là bên thất bại trong một cuộc đấu pháo. Một trong những bài học lớn từ cuộc chiến pháo binh của Ukraine là bên nào có thể bắn xa nhất sẽ chiếm ưu thế chiến trường. Pháo tự hành 2S19 Msta-S 152 mm của Nga có tầm bắn 24.7 km (15.3 dặm). Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya mới hơn của Moscow có tầm bắn tiêu chuẩn 40 km (24.8 dặm). Trong khi đó, pháo tự hành 2S3 của Ukraine, có tầm bắn chỉ 10.8 dặm! Do đó, lực lượng pháo binh Ukraine phải liên tục chuyển dịch các khẩu pháo nằm trong tầm bắn của pháo Nga và thường xuyên gặp nguy hiểm. Trong khi đó, các xạ thủ Nga có thể tránh xa tầm bắn của Ukraine vì pháo Nga nằm ngoài tầm bắn trả của địch, trừ khi quá khinh địch.
Hầu hết các loại đạn pháo được bắn ra bằng cách kích nổ một lượng thuốc súng trong báng nòng (breech) súng. Thuốc súng tạo ra áp suất phía sau quả đạn, đẩy đạn ra khỏi nòng súng và đến mục tiêu. Nhiều thuốc phóng hơn có thể có nghĩa là bay xa hơn, nhưng đến một giới hạn nào đó sẽ trở nên nguy hiểm. Thay vào đó, một số loại đạn dùng giải pháp bơm một loại khí vào bên trong để làm giảm lực cản khi đạn bay trong không khí. Các loại đạn khác, được gọi là “rocket-assisted projectile” (RAP), sử dụng động cơ tên lửa để bay xa hơn.
Ramjet 155 mới của Boeing và Nammo là loại đạn pháo đầu tiên sử dụng động cơ đẩy nhưng thật ra nó đã được phát triển từ năm 2019, như một phần của chương trình Đạn pháo tầm xa XM1155 (XM1155 Extended Range Artillery Projectile) do quân đội Mỹ tài trợ. Nói rõ hơn, Ramjet 155 là động cơ “thở” không khí, hút không khí ở tốc độ cao và sau đó trộn nó với khí sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu. Sau đó, không khí và khí thải dưới áp suất được đẩy ra ngoài từ phía sau, tạo lực đẩy. Đạn Ramjet 155 có vài ưu điểm so với công nghệ RAP và RAP. Một, đạn sử dụng oxy dồi dào trong không khí làm chất đẩy nên giúp giảm lượng nhiên liệu mà đạn phải mang theo. Thứ hai, không giống các loại động cơ đẩy khác, đạn pháo phản lực có thể tăng tốc liên tục trên một đoạn đường xa hơn nên tốc độ sẽ hơn khi trúng mục tiêu.
Nhưng không thể tác chiến đơn lẻ
Tất nhiên, đạn Ramjet 155 cũng có một số nhược điểm. Đầu tiên, việc bổ sung một động cơ phản lực sẽ làm cho nó đắt hơn so với loại đạn pháo thông thường. Thứ hai, đạn pháo phải đi kèm theo gói dẫn hướng, cánh lái và động cơ phản lực, lấy mất chỗ của thuốc nổ. Nhưng đánh đổi đó rất xứng đáng. Các hệ thống pháo cũ hơn không có dẫn đường chính xác nên thiếu khả năng nã đạn trực tiếp lên đầu mục tiêu, mà chỉ vô hiệu hóa mục tiêu bằng cách thả nhiều quả đạn xuống gần đó.
Hệ thống hướng dẫn chính xác của Ramjet 155 có ưu điểm là đủ chính xác để thả quả đạn lên đầu mục tiêu nên cần ít đạn pháo hơn và ít chất nổ trong đạn hơn. Các đơn vị pháo binh cũng có thể hỗ trợ lực lượng mặt đất thay cho máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công. Thêm vào đó, khả năng bắn trúng các mục tiêu đang di chuyển khiến xe tăng đối phương phải dè chừng.
Lục quân có một loại đại bác (howitzer) hoàn toàn mới – Pháo binh tầm xa (Extended Range Cannon Artillery) có tầm bắn 43 dặm. Vậy Ramjet 155 có làm cho chúng lỗi thời không? Không hẳn! Ramjet 155 có thể hoạt động với đại bác M777, pháo tự hành M109A7 và cả ERCA của Lục quân. Trong khi Lục quân vẫn cần các khẩu pháo ERCA, M777 hoặc M109A7 sử dụng đạn pháo thông thường, nhưng khi cần thiết thì vẫn có thể dùng Ramjet 155 để vói đến các mục tiêu xa.
Bản thân Ramjet 155 không phải là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, vì các xạ thủ điều khiển xe pháo không thể nhìn thấy quân địch ở cách xa 44 dặm. Loại đạn pháo mới sẽ chỉ thay đổi trò chơi khi nó được phối hợp với một hệ thống tấn công trinh sát gồm máy bay không người lái, các hệ thống thu thập thông tin tình báo khác và được kết nối với hệ thống liên lạc an toàn. Các đơn vị pháo Ramjet 155 có thể bắn sâu hơn vào lãnh thổ đối phương, và bắn nhiều đạn hơn mà không cần di chuyển để tránh phản công. Đó là một sự kết hợp tuyệt vời khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải ngán sợ.
_________
ĐỌC THÊM: