Trong cuộc gặp gỡ ký giả Laura Secor của Wall Street Journal mới đây nhân dịp ra mắt quyển sách thứ 19, “Leadership: Six Studies in World Strategy”, “ông ngoại” trong làng ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger, 99 tuổi, một lần nữa cảnh báo rằng Mỹ không nên “kiếm chuyện” với Trung Quốc và Nga vì hậu quả chỉ là tang thương cho thế giới nói chung…
Quyển sách mới của Kissinger viết về Konrad Adenauer, Charles DeGaulle, Richard Nixon, Anwar Sadat, Lý Quang Diệu (Lee Kuan-Yew) và Margaret Thatcher, với việc phân tích về tầm nhìn và thành tựu lịch sử của các nhà lãnh đạo thời hậu Thế chiến II này, bằng việc đúc kết hai hình mẫu lãnh đạo: Chủ nghĩa thực dụng có viễn kiến với tư cách chính khách và sự táo bạo nhìn xa trông rộng với tư cách nhà tiên tri. Nhắc lại những nhân vật trên, Kissinger muốn nhấn mạnh rằng không nhà lãnh đạo đương đại nào hội đủ những phẩm chất như vậy.
Trong buổi nói chuyện với ký giả Laura Secor, Kissinger nói: “Theo suy nghĩ của tôi, sự cân bằng có hai thành phần. Một kiểu cân bằng quyền lực, trong đó có sự chấp nhận tính hợp pháp của các giá trị đôi khi đối lập nhau. Bởi vì nếu bạn tin rằng kết quả cuối cùng của nỗ lực phải là sự áp đặt các giá trị của bạn, thì tôi nghĩ rằng sự cân bằng là không thể. Vì vậy, ở một cấp độ, đó là một dạng cân bằng tuyệt đối”. Còn ở cấp độ kia, Kissinger nói, là “trạng thái cân bằng, nghĩa là có những giới hạn đối với việc thực hiện các khả năng và quyền lực của bản thân liên quan đến những gì cần thiết cho trạng thái cân bằng tổng thể”. Và để đạt được sự kết hợp này cần “một kỹ năng gần như nghệ thuật”…
Kissinger thừa nhận rằng sự cân bằng, mặc dù thiết yếu, nhưng không thể tự nó là một giá trị. “Ông ngoại” nhấn mạnh: “Có thể có những tình huống mà việc chung sống là không thể, xét về mặt đạo đức. Chẳng hạn trường hợp Hitler. Với Hitler, thật vô ích khi thảo luận về sự cân bằng…”. Đến đây thì thấy Kissinger bắt đầu dường như mâu thuẫn khi ông vẫn cố chấp không chịu thừa nhận rằng Tập Cận Bình hoặc Vladimir Putin là những người gần như hoàn toàn không thể chung sống, xét về mặt đạo đức!
Kissinger cho rằng, với quyển “Leadership: Six Studies in World Strategy”, ông hy vọng các chính khách Hoa Kỳ đương thời có thể tiếp thu bài học của những người đi trước. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện nay có một khó khăn lớn trong việc xác định phương hướng”, vì người ta có khuynh hướng phản ứng từ cảm xúc, rằng người Mỹ luôn muốn đàm phán theo kiểu dạy đời chẳng khác gì “truyền giáo” (missionary) trong khi bỏ qua yếu tố tâm lý (rather than psychological terms), và do đó họ tìm cách “cải đạo” hoặc lên án người đối thoại hơn là thâm nhập vào suy nghĩ của họ.
Một lần nữa, đến đây, lại thấy “ông ngoại” Kissinger không đặt vấn đề ở hướng ngược lại, rằng liệu Trung Quốc và Nga có khuynh hướng “dạy đời” và ép người khác phải theo cách của họ hay không, và họ có thuận theo những nguyên tắc và chuẩn mực phổ quát toàn cầu về con người và quyền con người hay không.
Về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Bắc Kinh và Moscow hiện nay, Henry Kissinger nói, thế giới ngày nay đang ở trong một trạng thái mất cân bằng rất nguy hiểm. “Chúng tôi đang ở trên bờ vực chiến tranh với Nga và Trung Quốc xung quanh các vấn đề mà chính chúng ta đã tạo ra một phần, trong khi (chúng ta) không có bất kỳ khái niệm nào về việc chuyện này sẽ kết thúc như thế nào hoặc nó sẽ dẫn đến điều gì”.
Về vấn đề Đài Loan, Kissinger lo ngại rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, thay vì khuyên Bắc Kinh, Kissinger lại chỉ muốn khuyên Washington: “Chính sách được thực hiện bởi cả hai bên lâu nay đã tạo ra và cho phép Đài Loan phát triển thành một thực thể dân chủ tự trị và giúp duy trì hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ suốt 50 năm. Do đó, phải hết sức thận trọng trong các giải pháp có thể làm thay đổi cấu trúc cơ bản”.
Khi đề cập điều này, Kissinger không đá động việc Tập Cận Bình liên tục muốn “thay đổi cấu trúc cơ bản” bằng những tuyên bố sáp nhập Đài Loan và thậm chí có thể xâm chiến nếu cần.
Cần nhắc lại, đầu năm nay, Kissinger đã gây tranh cãi khi cho rằng chính các chính sách thiếu thận trọng của Mỹ và NATO đã đưa đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khi Putin không còn lựa chọn nào khác. Kissinger thậm chí còn nói hòa bình Ukraine chỉ có thể đạt được một khi Kyiv chịu cắt đất nhường cho Nga… Trong cuộc phỏng vấn Der Spiegel ngày 15 Tháng Bảy 2022, Kissinger nhắc lại: “Tôi không thực sự chia sẻ quan điểm của nhiều người khi nghĩ rằng ông ấy (Putin) muốn giành lại từng chút lãnh thổ đã mất. Điều mà ông ấy không thể chịu được nổi là toàn bộ lãnh thổ giữa Berlin và biên giới Nga đã rơi vào tay NATO. Và đó là điều khiến Ukraine trở thành một điểm mấu chốt đối với ông ấy”.
Trong thực tế, buổi nói chuyện của Henry Kissinger với ký giả Laura Secor được đăng trên Wall Street Journal không phải là lần đầu tiên Kissinger “cảnh báo” cái gọi là bờ vực chiến tranh giữa Mỹ với hai đối thủ Trung Quốc/Nga. Trong cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập John Micklethwait của Bloomberg News ngày 19 Tháng Bảy 2022, Kissinger nhắc rằng “Biden và các nội các trước đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những vấn đề trong nước khi xét đến đối sách dành cho Trung Quốc”, và Mỹ sẽ chẳng đạt được điều gì khi cứ “đối đầu bất tận”.
____________
Henry Kissinger: Ukraine nên giao đất cho Nga để kết thúc chiến tranh!
Tập Cận Bình nóng mặt – Chiếc bẫy Thucydides ngày càng lộ rõ