Du khách và người dân sững sờ chứng kiến cảnh một số đường phố của thành phố Đà Lạt bị ngập nặng sau cơn mưa lớn chiều ngày 1 Tháng Chín. Nhìn hình ảnh, video đăng trên mạng xã hội, nhiều người không tin. Đà Lạt nằm trên cao nguyên Langbiang, cao hơn mặt nước biển hàng ngàn mét thì làm sao có chuyện nước ngập lút bánh xe như các địa phương đồng bằng thấp và trũng. Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ… có thể bị ngập, đó là “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng Đà Lạt bị ngập quả là chuyện khó tin nhưng có thật.
Các dư luận viên của nhà nước lập tức lên mạng tung ra các bình luận cho rằng hình ảnh đường phố Đà Lạt bị ngập là tin giả, là các thế lực thù địch xuyên tạc. Phải đến khi các tờ báo “chính thống” như Tuổi Trẻ đăng bài và hình ảnh Đà Lạt bị ngập trong các ngày đầu Tháng Chín – trùng với ngày lễ lớn ở Việt Nam khi hàng ngàn du khách đổ xô lên thành phố ngàn hoa – thì sự phản đối mới giảm bớt. Trước đây khi thị trấn Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai trên núi cao ở miền Bắc bị ngập lụt cũng có sự tranh cãi như vậy.
Chuyện ngập lụt ở hầu hết các thành phố, đô thị ở Việt Nam không có gì mới, thành phố càng lớn thì càng dễ bị ngập lụt. Vì thế dân gian đã chế ra nhiều “ních nêm” để chỉ hiện tượng này: thủ đô Hà Nội bị gọi là “Hà Lội”, thành phố Hồ Chí Minh (HCM) là “Hồ Chứa Mưa”…
Nói cho công bằng, những đô thị nằm ở vùng thấp trũng như Sài Gòn ở lưu vực sông Đồng Nai và Hà Nội ở châu thổ sông Hồng không phải đến bây giờ mới bị ngập lụt. Chuyện ngập lụt đã có từ hàng ngàn năm nay và tổ tiên chúng ta đã từng đắp hàng ngàn cây số đê điều để bảo vệ thành phố trong mùa mưa lũ.
Nhưng vài chục năm gần đây, tình trạng ngập lụt càng ngày càng tệ hại, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Ở Sài Gòn, không phải khi trời mưa lớn mới ngập lụt mà không mưa cũng ngập. Có nhiều khu phố ở quận Hai, quận Bình Thạnh, quận Bảy… thường xuyên mỗi tháng ngập vài đợt, mỗi đợt kéo dài vài ngày theo đà lên xuống của thủy triều; gọi là “triều cường”! Khu Thảo Điền, quận Hai ở đầu phía bắc cầu Sài Gòn được coi là khu sang trọng của thành phố, có nhiều biệt thự cho các chuyên gia ngoại quốc thuê ở, hầu như ngập quanh năm suốt tháng; đi lại vô cùng bất tiện.
Chính quyền Việt Nam, chính quyền Sài Gòn chẳng hạn, đã đổ rất nhiều tiền vào các dự án chống ngập. Nhiều năm trời, nhà cầm quyền cho đào xới các đường phố để thay ống cống bằng những ống lớn hơn để thoát nước cho nhanh, tránh bị ngập. Người dân hết sức khốn khổ khi có việc phải đi qua những con đường bị đào bới như vậy, đầy “lô-cốt” chật hẹp, gập ghềnh, người và xe chen nhau từng xăng-ti-mét! Nhưng tiền đổ ra như muối bỏ biển, càng chống càng ngập, từ hàng trăm điểm ngập nay thành phố có nguy cơ chỉ còn một điểm ngập: ngập toàn bộ thành phố!
Chuyện đó cũng không khó hiểu. Việc chống ngập ở các thành phố như xây bờ kè, lắp cống lớn… chỉ là trò đối phó trước mắt với cái ngọn của vấn đề mà né tránh cái gốc sinh ra ngập lụt nên không bao giờ thành công. Cái mà các quan chức cần chỉ là có dự án, có đầu tư, có tiền đút túi, còn ngập lụt thì người dân phải ráng chịu. Họ đổ thừa ngập là do thiên tai, do biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, thời tiết trở nên “cực đoan” (extreme), mưa nhiều, mưa lớn…
Không cần phải là chuyên gia cũng biết biến đổi khí hậu toàn cầu góp phần gây ra ngập lụt, hạn hán, cháy rừng khắp thế giới mà Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng tình trạng ngập lụt của các đô thị Việt Nam, kể cả những thành phố cao nguyên như Sa Pa, Đà Lạt chỉ bị ảnh hưởng rất nhỏ của “thiên tai”, của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn hơn là “nhân tai” do con người tạo ra, cụ thể là do cung cách quản lý điều hành của chính phủ Việt Nam.
Thay vì quy hoạch (planning) việc phát triển, mở rộng các thành phố một cách khoa học, thuận theo quy luật của tự nhiên – nơi nào làm khu dân cư, khu công nghiệp, khu nào làm công viên cây xanh, chỗ nào chứa nước mưa, nước thải v.v… – thì nhà cầm quyền khuyến khích xây dựng nhà cửa tràn lan vô tội vạ; ngay cả vỉa hè đường phố cũng bị đổ bê-tông kín mít. Nước thủy triều dâng lên, nước mưa từ trời đổ xuống không có chỗ chứa, không có đường thoát thì ngập lụt là tất nhiên.
Cái não trạng “đất là vàng”, nhìn thấy đất trống thì nghĩ ngay tới “phân lô, bán nền”, thấy ao hồ kênh rạch thì nghĩ ngay tới chuyện san lấp tạo mặt bằng để bán, thấy cây cổ thụ chỉ muốn chặt, đốn bán lấy tiền hoặc cung cấp đồ gỗ cho các quan chức … suốt mấy chục năm nay đã làm biến dạng môi trường sinh sống ở các thành phố, cây xanh biến mất dần, không khí ô nhiễm đầy bụi bặm và nóng bức, nạn kẹt xe, ngập lụt ngày càng trầm trọng. Có sống ở Sài Gòn, Đà Lạt, Cần Thơ mấy chục năm gần đây mới thấm thía chuyện tiền tài vật chất ngày càng đầy đủ mà cuộc sống lại ngày càng bức bối, ngột ngạt chịu không nổi!
Đã có biết bao tiếng nói cảnh báo của các chuyên gia, các tổ chức bảo vệ môi sinh, nhưng tất cả đều như rơi vào những lỗ tai điếc.
Đã thế, các quan chức cộng sản lúc nào cũng khoe khoang về sự phát triển dưới sự cai trị của họ biểu hiện ở những khu nhà chọc trời, những đoạn đường cao tốc rộng rãi và hàng ngàn khu công nghiệp mọc lên khắp nước. Ông Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng đảng Cộng sản Việt Nam có câu nói cửa miệng: “Thế nước đang lên” và tự hào “nước ta chưa bao giờ được như hôm nay”.
Quả thật “thế nước đang lên” như ông Trọng nói, nhưng thứ nước ngày càng cao như ông Trọng nói, chỉ là thứ nước cống rãnh hôi thối, tràn ngập các đường phố, đô thị, từ đồng bằng lên núi cao, gây bao tai ương khốn khó cho người dân mà chẳng có gì đáng để khoe khoang.