Ba chị em tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tôi thương hai em nên ở vậy không lấy chồng. Mà thật ra cũng không lấy chồng được, vì yêu ai hai em tôi cũng không bằng lòng. Chúng hết chê điều này đến chê điều kia, không ai vừa lòng. Có khi chúng còn tìm đến họ để nặng lời, khiến họ cũng không dám gần tôi.
Tôi thì càng ngày càng lớn tuổi nên người để ý tôi cũng không còn trẻ. Họ là những người đã dang dở vợ con. Do đó khi quen cũng phải thương con họ. Các em tôi lại chì chiết, con cháu không thương đi thương con người ta. Tôi lại thấy ân hận và lại chấm dứt.
Cứ thế, tuổi xuân qua đi. Hai em tôi lần lượt có gia đình, rồi có con. Tôi vẫn tiếp tục lo bù đắp cho hai em. Vì nói nào ngay, tôi làm ăn thành công, trong khi hai em cứ ì ạch thiếu thốn.
Tôi khi nghĩ đến tuổi già sợ cảnh cô đơn, lúc đau ốm không có ai bên cạnh. Nói ra thì các em bảo “Chị đừng có lo, không chồng thì đã có em, không con thì đã có cháu.” Nhưng hễ hôm nào tụi nó giận tôi, mà phần lớn là tôi không cho mượn tiền, thì nó không cho con sang tôi chơi. Tôi thì nhớ cháu nên lần nào tụi nó cấm không cho cháu sang là tôi lại phải tìm cách mua chuộc tụi nó để được ôm cháu.
Mới đây tôi có quen với một anh, anh đã ly dị vợ và các con đã có gia đình. Anh là người đạo đức và tốt bụng. Anh muốn đi đến hôn nhân với tôi. Tôi vui lắm vì anh thật đúng là người tôi mong đợi. Nhưng tôi lại sợ mất các em.
Tôi hiện làm chủ một nhà hàng ăn cũng khá đông khách, những hôm cuối tuần anh ra phụ tôi buôn bán. Các em tôi, cuối tuần muốn kiếm thêm tiền cũng ra phụ bán. Các em tôi không bao giờ nói chuyện hoặc chào hỏi anh, còn dặn các con không được lại gần. Tôi khổ tâm nhất là không những anh không phiền hà gì cả, mà còn giấu tôi những lần anh bị các em tôi hỗn láo. Trong khi đó tôi lại không dám la em, sợ mang tiếng chưa gì đã quay mặt với các em.
Tôi rất muốn nhận lời làm vợ anh nhưng sợ các em. Anh chị giúp tôi phải làm sao để vẹn đôi bề! (Cô Sáu)
GÓP Ý:
Thuý Hằng
Cô Sáu ơi! Các em của cô Sáu chẳng qua chỉ vì không muốn chia sẻ người chị rất dễ thương và tốt bụng của mình cho bất cứ một ai, chứ không phải ghét bỏ gì cô Sáu đâu.
Mà cũng tại từ xa xưa, cô Sáu thương các em mồ côi, không nỡ làm điều gì trái ý sợ các em buồn. Nhưng cô Sáu có biết là vô tình cô Sáu đã biến các em của mình thành người ích kỷ không? Các em của cô chỉ biết nghĩ đến ý thích của mình mà không quan tâm đến nhu cầu của người khác. Các em cô biết yêu, biết kết hôn để sống chung với người mình yêu nhưng không quan tâm đến nỗi cô đơn của chị mình, không nghĩ chị mình cũng cần có gia đình, có chồng và có con.
Giờ cũng chưa phải là quá trễ để cô Sáu sửa đổi. Cô Sáu lấy chồng đi! Cô Sáu không lấy anh ấy thì người khác sẽ lấy anh ấy đó. Các em đương nhiên sẽ giận cô Sáu, nhưng chắc chắn không ai “lấy” các em của cô Sáu. Các em vẫn mãi mãi là em của cô Sáu. Nhớ bớt chiều các em, để đến khi chiều thì các em quý hơn, giống như nhịn ăn, đói rã ra thì ăn gì cũng thấy ngon.
Thơ Trần
Cô Sáu thân mến, các cụ ngày xưa có câu rằng,”Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.” Thời nay, có nhiều bác thở dài mà rằng, “Thời nay con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy.”
Trong gia đình cô Sáu, có vẻ như “Các em đặt đâu chị phải ngồi đó.”
Cũng có thể hai cô em có thể đã xem cô Sáu là mẹ, nên chỉ muốn mẹ thuộc về mình thôi. Hai cô cũng có thể có chút vấn đề tâm lý gì đó khi mới mất cha mẹ, có thể họ sợ bị bỏ rơi. Cho nên, mặc dù có thể không cố tình, nhưng trong tiềm thức, có một động lực nào đó khiến họ vô tình làm những chuyện để cho cô Sáu đừng đi lấy chồng, đừng “bỏ” họ. Và, là người chị tốt, cô Sáu cũng trăn trở với việc “bỏ” hai cô em.
Nhưng trên thực tế cô Sáu có bỏ ai đâu? Cô Sáu mà lấy chồng, đâu có nghĩa là bỏ bê em mình? Trên thế giới có hai đến ba tỷ cặp vợ chồng, đâu có mấy người bỏ bê gia đình mình sau khi thành hôn?
Cho nên cô Sáu có tiến tới hôn nhân cũng không hề có nghĩa là “quay mặt với các em.” Cô Sáu thấy ai xứng đáng làm chồng, thì cứ cưới đi. Các em cũng phải chấp nhận thôi. Lớn rồi, không thể giành chị như trẻ con mãi được.
VẤN ĐỀ MỚI
Thưa cô Nguyệt Nga, sau mười mấy năm ăn ở với nhau đằm thắm, thuận hoà, thì đùng một cái, anh chồng của em thay đổi hàng loạt, khiến em tối tăm mặt mày không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Một sáng theo thường lệ, em ra khỏi nhà để chạy bộ lúc sáu giờ sáng, thì thấy lừng lững trong sân trước một chiếc xe không thể lố hơn, màu đỏ choá, xe sport thấp chủn, hai cửa, dĩ nhiên mui trần… Của ai đây? Em gọi điện thoại vào nhà báo cho chàng chồng, thì được biết hãng delivery xe cho ảnh. Xe ảnh mua!!! Thật là khủng khiếp!
Em không chạy bộ nữa mà vào hỏi cho ra lẽ. Ảnh giải thích, anh thích chiếc này lâu rồi, nay mới đủ tiền mua. Em thật sự điên lên cô ạ, ai mà già hai thứ tóc trên đầu rồi lại ngồi trên chiếc xe nhố nhăng như vậy!? Khiếp! Em chống đối bằng cách thề không lên phía ghế bên kia để ảnh chở đi. Nhưng rồi em nghĩ, em không lên thì khối con chân dài lên. Cuối cùng thì em cũng phải lên xe đi cùng ảnh với cái mặt nặng như đá tảng và cái kính đen to thật to che kín mặt!
Rồi một ngày khác, chỉ sau hôm mua xe khoảng một tuần, chàng chồng đi làm về mặt tí ta tí tửng, tóc tai phơn phớt hoe vàng! Trời cái gì nữa vậy nè! Ảnh nhuộm tóc hoe vàng, như mấy thằng bợm ở quán bar.
Rồi chàng chồng vứt hết mấy quần tây hiệu Dockers, và mua một đống quần jeans rách! Đùi, lai quần, gối cứ như ai xé tơi ra. Chuyện gì nữa vậy trời!!!
Cứ liên tiếp, ngày nào cũng có một “biến cố” xảy ra! Em mang chuyện đi hỏi một vài người thì họ nói, đàn ông đến tuổi trên dưới 50, khi con cái trưởng thành, nghề nghiệp vững chải, tiền bạc rủng rỉnh, tuổi già bên lưng thì họ bắt đầu níu xuân xanh. Mỹ họ gọi là “mid life crisis” dịch tạm là “cơn khủng hoảng trung nhiên.” Nhưng ảnh mới hơn 40 tuổi thôi mà!
Thưa cô, em cùng tuổi với ảnh, em đâu có gì thay đổi, em vẫn ăn mặc, tóc tai như xưa! Thư này em gửi cô cũng để nhờ các đấng nam nhi giải thích dùm, có phải ảnh đang ở thời kỳ khủng hoảng trung niên rồi chăng?! Ở thời kỳ này đàn ông có lăng nhăng mèo chuột không? Nói nào ngay, tụi em cũng không đến nỗi túng thiếu, nên điều mà em sợ là anh mèo mỡ, chứ mua sắm thì em OK. (Em Trung Niên)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.