Theo một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tạo ra phôi chuột tổng hợp (synthetic mouse embryo) trong đĩa thí nghiệm và họ hy vọng một ngày nào đó thành công với phôi người, có thể giúp các phụ nữ hiếm muộn mang thai. Sau 10 năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tạo được một phôi chuột tổng hợp và phôi bắt đầu hình thành các cơ quan nội tạng mà không cần tinh trùng hoặc trứng theo cách thụ tinh thông thường. Kết quả nghiên cứu được công bố vào tuần đầu Tháng Chín trên tạp chí Nature – dẫn lại từ CNN.
Tất cả những gì thí nghiệm cần chỉ là tế bào gốc (những tế bào chưa được chuyên biệt hóa nên có thể thao tác để trở thành những tế bào trưởng thành với các chức năng đặc biệt). Magdalena Zernicka-Goetz, giáo sư nghiên cứu về sự phát triển của động vật có vú và sinh học tế bào gốc tại Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh giải thích:
“Mô hình phôi chuột tổng hợp của chúng tôi không chỉ có não mà còn cả quả tim đập bình thường và tất cả các thành phần cấu tạo nên cơ thể. Thật không thể tin chúng tôi đã đạt được thành công này, một ước mơ của cộng đồng nghiên cứu về sinh sản trong nhiều năm, và cũng là trọng tâm chính trong công việc của chúng tôi suốt thập niên qua. Kết quả cuối cùng nay đã có. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm chuyển từ phôi chuột sang phôi người”.
Bà Marianne Bronner, giáo sư sinh học tại Viện Công nghệ California ở Pasadena (Caltech), nhận xét: “Báo cáo nghiên cứu mới là một bước tiến thú vị giúp giải quyết một thách thức mà các nhà khoa học phải đối mặt khi nghiên cứu phôi thai trong tử cung của động vật có vú. Phôi tổng hợp nếu thành công sẽ phát triển bên ngoài người mẹ và do đó có thể dễ dàng nhìn thấy các giai đoạn phát triển quan trọng mà trước đây chúng ta rất khó thấy. Bằng cách quan sát các phôi thai trong phòng thí nghiệm thay vì trong tử cung, các nhà khoa học sẽ hiểu rõ hơn quá trình mang thai để tìm hiểu lý do tại sao một số trường hợp mang thai không thành công và cách ngăn ngừa nó” (Bronner không tham gia nghiên cứu).
Bà Gianluca Amadei, đang học sau tiến sĩ tại Đại học Cambridge có chân trong nhóm nghiên cứu, lưu ý là nhóm chỉ có thể theo dõi khoảng tám ngày phát triển của phôi tổng hợp chuột, nhưng thời gian đang được cải thiện và họ học hỏi được rất nhiều điều.
Benoit Bruneau, Giám đốc Viện Bệnh tim mạch Gladstone và là điều tra viên cao cấp tại Viện Gladstone nói rằng cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu trước khi áp dụng cho con người. Nhiều các nhà nghiên cứu nhìn thấy đây một cuộc cách mạng sinh sản trong tương lai và hy vọng con người sẽ có thêm một công cụ mới chống hiếm muộn. Zernicka-Goetz cho biết quy trình này có thể được sử dụng ngay lập tức để thử nghiệm các loại thuốc mới. Nhưng về lâu dài, khi phôi người tổng hợp được tạo ra thành công, nó có thể dùng sản xuất các bộ phận cho những người cần cấy ghép. Tác giả nghiên cứu David Glover, giáo sư sinh học và kỹ thuật sinh học tại Caltech nhận định: “Công trình này là ví dụ đầu tiên về nghiên cứu theo hướng này. Chúng tôi đã có thể phát triển nền tảng của một bộ não, cơ sở đầu tiên cho các mô hình như thế và một ‘chén thánh’ cho lĩnh vực này”.
Trong tử cung, một phôi thai cần ba loại tế bào gốc để hình thành: Một loại trở thành mô cơ thể, một loại là túi (sac) nơi phôi phát triển, và loại thứ ba là nhau thai (placenta) kết nối người mẹ và thai nhi, theo nghiên cứu. Trong phòng thí nghiệm của Zernicka-Goetz, các nhà nghiên cứu đã phân lập ba loại tế bào gốc từ phôi và nuôi cấy chúng trong một thùng chứa có góc nghiêng để đưa các tế bào lại gần nhau và khuyến khích chúng “trò chuyện chéo” (crosstalk).
Ngày qua ngày, họ có thể thấy các nhóm tế bào hình thành một cấu trúc càng lúc càng phức tạp. Nghiên cứu cho thấy những tuần đầu ba loại tế bào gốc giao tiếp với nhau về hóa học và cơ học để phôi có thể phát triển bình thường. Zernicka-Goetz giải thích:
“Chúng tôi đã xem xét cuộc đối thoại xảy ra giữa chúng, thấy nó xảy ra như thế nào và có thể sai sót ra sao. Có rất nhiều trường hợp mang thai không thành công trong khoảng thời gian ‘trò chuyện chéo’ trước khi người mẹ biết mình đang mang thai. Giai đoạn này là nền tảng cho mọi thứ khác tiếp theo trong thai kỳ. Nếu nó đi chệch hướng, thai kỳ sẽ thất bại”.
Zernicka-Goetz nói thêm: “Có những cân nhắc về đạo đức và pháp lý cần giải quyết trước khi chuyển sang phôi tổng hợp của con người. Trong khi chờ đợi, thông tin học được từ phôi chuột có thể giúp sửa chữa các mô và cơ quan người bị hỏng”. Bronner bổ sung: “Do sự khác biệt về độ phức tạp giữa phôi chuột và người, có thể mất nhiều thập niên chúng ta mới có thể thực hiện một quy trình tương tự cho người”.