Một cái tựa báo sau khi tin Huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo kết thúc hợp đồng đã làm người Việt tức giận, giận vì sự lươn lẹo khi đặt cái tựa của nhà báo, giận vì báo chí Việt Nam ngày càng tỏ ra nhỏ mọn, chăm chăm khai thác những chuyện nhỏ nhặt nhưng lại không hề dám đụng tới những câu chuyện lớn lao đang xảy ra hàng ngày trong đời sống dân chúng.
“Park Hang-seo có hay không, không quan trọng” được tờ Lao Động trịnh trọng đặt trên trang nhất đã phần nào cho thấy cái bệnh giật tít câu view đã thành bất trị. Nội dung bài báo nhấn mạnh đến việc nền bóng đá Việt Nam phải tự mình gây dựng nội lực hơn là chạy theo những tài năng của nước ngoài. Cái ý tưởng này đúng đắn nhưng cái tựa của nó làm cho người đọc phẫn nộ vì tính chất vô ơn, được chim bẻ ná rất đáng bị lên án. Ba ngày sau cái tựa được thay và tờ báo hy vọng rằng người ta sẽ quên nó như từng quên những cái tít lố lăng, xuẩn ngốc.
Thật ra, đàng sau cái tít này là một mục tiêu khác chứ không phải vô tình. Cái mục tiêu ấy có thể được mua từ những kẻ trong VFF, tức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sau khi ông Park Hang-seo thôi giữ chức huấn luyện viên cấp quốc gia với số lương hơn nửa triệu đôla một năm. Với Việt Nam số lương chính thức ấy là một mơ ước lẫn danh vọng. Không viên chức nào trong VFF mà không mơ tới. Mơ nhưng không được thì biến niềm ước mơ ấy thành đòn bẩy bằng cách vận động “gà” của mình vào vị trí của ông Park để tiếp tục sống trên thành tựu của người khác, và vì vậy những bài báo nói xa nói gần về vị trí của ông Park đang được nhiều nhà báo chạy nước rút để kiếm tiền và ngay cả kiếm view cũng được.
Nói tới bóng đá và hệ lụy trong hàng chục năm qua của VFF có thể là câu chuyện dài không hồi kết. Tất cả thành tựu của bóng đá Việt Nam ngày hôm nay phải kể công đầu là từ ông Park Hang-seo mà ra. Trong vai trò huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia ông đã dẫn dắt Việt Nam từ con số không đến thứ hạng 96/198 và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA. Thành tựu này làm ông Park nở mặt mà bóng đá việt Nam như lột xác sau một thời gian dài suy dinh dưỡng so với khu vực chứ chưa nói đến quốc tế.
Ý tưởng “nền bóng đá Việt Nam phải tự mình gây dựng nội lực hơn là chạy theo những tài năng của nước ngoài” thật ra không phải mới nhưng trong lúc này nó nói lên cái dự mưu nào đó chuẩn bị cho một huấn luyện viên kế tiếp là người Việt chứ không phải người ngoại quốc dù người đó có tài năng ra sao. Ý tưởng được giao cho báo chí để chuẩn bị tư tưởng khi có ai đó trong vòng thân hữu của VFF được đề nghị.
Không riêng nhà báo của Lao Động, tờ Thể Thao cũng tiếp tay với thế lực VFF đăng một bài tấn công ông Park từ lời của cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng “nhận xét” cá nhân ông Park. Những câu chữ khó nghe của một tuyển thủ “thất bại” làm cho dư luận sôi máu, bởi bản thân anh ta không đủ tư cách nói về ông Park, cũng như tờ Thể Thao quá rẻ tiền khi chọn một khuôn mặt nhỏ như hạt gạo nói về một nhân vật sáng tựa trăng rằm.
Nguyễn Mạnh Dũng nói về phương án kế nhiệm HLV Park Hang-seo như một cậu học trò nhỏ đọc thuộc lòng “5 điều bác Hồ dạy”. Anh ta không hề ngượng miệng khi bảo rằng: “5 năm qua, tôi đánh giá cao sự cố gắng của ông Park. Nhưng phải nói ông ấy được hưởng lợi rất nhiều nhờ yếu tố may mắn, nhận sự trợ giúp tích cực từ nội lực của bóng đá Việt Nam. Điều ấy đã góp phần tạo nên thương hiệu cho ông ấy”.
Anh ta còn khẳng định “Tôi vẫn bảo lưu quan điểm nếu có con người tốt cộng thêm may mắn thì bất cứ HLV nào cũng làm tốt mà thôi, không chỉ riêng ông Park”.
Vậy thì bao năm qua trước khi ông Park dẫn dắt đội tuyển Việt Nam VFF phải chịu trách nhiệm cho việc kiếm không ra người tốt lẫn may mắn và ông Park chẳng qua là người hội đủ hai điều kiện đó. Cách nói vô ơn này của tay cựu cầu thủ cho thấy cái nhỏ mọn của anh ta và đằng sau câu chữ ấy, ai là người tạo cơ hội để anh ta được bật máy nói khi phớt lờ nguyên tắc “authority”, lựa chọn người phát biểu, một vấn đề nào đó rất nghiêm ngặt trong giới báo chí. Bỏ qua sự lựa chọn authority (thẩm quyền), tờ Thể Thao chọn một cầu thủ nhiều tai tiếng nói về một huấn luyện viên nổi tiếng là cách làm không phù hợp với một tờ báo, vậy điều gì làm cho Thể Thao có chọn lựa này?
Một đống tiền. Chỉ có thể nói như thế.
Tiền mua bài báo có thể đến từ một kẻ nào đó nhưng khó thể nằm bên ngoài VFF vì chỉ có tổ chức này mới đủ thẩm quyền đề nghị thuê mướn một HLV cấp quốc gia. Bài báo có thể mớm lời cho Dũng khi anh ta đề nghị:
“Theo tôi sau chu kỳ thành công của ông Park, chúng ta nên sử dụng một nhà cầm quân trong top 5 HLV nội xuất sắc nhất. Hiện nay HLV nội của Việt Nam có nhiều người giỏi, đáp ứng được công việc trên tuyển quốc gia. Tôi thiên về lựa chọn các HLV nội. Họ truyền đạt tốt, hiểu văn hóa và cầu thủ Việt Nam.”
Và sợi dây câu đã thả ra: “Nếu muốn an toàn, Liên đoàn có thể lựa chọn các trợ lý của ông Park. Họ cũng là những người hiểu triết lý, làm việc lâu trên tuyển và có thể tiếp nối công việc một cách thuận lợi.”
Bóng đá Việt Nam dưới thời ông Park đã có khuôn mặt mới, cường tráng hơn và sạch sẽ hơn. Những câu chuyện bán độ không còn xảy ra lộ liễu như trước và người hâm mộ vẫn cả tin rằng chỉ HLV ngoại mới giữ được phẩm chất trong sạch, thứ mà VFF có mơ cũng không được. Một đất nước cái gì cũng mua và cái gì cũng xin mới có thì chuyện thay thế ông Pak còn nhiều kịch bản nữa, nhất là báo chí từ nay có dịp làm giàu cho những bài viết bất lương, ngay cả phủi sạch công lao của ông Park chỉ vì vài ngàn bạc.