Hơn ba thập niên về trước, khi những đoàn người Việt Nam rủ nhau tìm đường thoát hiểm, thoát khỏi địa ngục bằng mọi cách, từ băng rừng lội suối đến việc dùng những con thuyền mong manh. Dù số người đến được bến bờ ước đoán chỉ vào khoảng một phần ba số người đã rời bỏ nhà cửa, quê hương ra đi, họ vẫn bất chấp mọi hiểm nguy đe dọa để đánh đổi lấy sự tự do. Họ là những đoàn người Việt Nam cô đơn, không có lấy một phương tiện tự vệ.
Chỉ vì yêu tự do mà phải đi tìm tự do trong cái chết. Họ đã mất hết tài sản, có khi nhân mạng, cả nhân phẩm cũng bị chà đạp bởi bọn cướp biển. Những đoàn người đã phó mặc số phận trên con thuyền mỏng manh và một số không ít đã bị đại dương nuốt chửng bởi những con sóng bạc đầu, hoặc do sự tàn phá của hải tặc để phi tang nhân chứng sau khi hãm hiếp phụ nữ, cướp của vơ vét đến tận cùng.
Gia đình tôi từng lâm vào thảm cảnh đó. Chúng tôi nghĩ rằng thà chết còn hơn ở lại sống với chế độ Cộng sản bạo tàn hung ác. Có bao nhiêu tiền bạc đều đổ hết vào những chuyến vượt biên. Con trai lớn của tôi càng cương quyết hơn dù đã qua bao lần gian nguy tù tội, bị đánh đập hành hạ dã man, nhưng vẫn không hề thối chí, chùn bước.
Lần ra đi đó là lần thứ tám của nó. Vừa ra tù được hai tuần, nhưng nghe có chuyến đi, con tôi vẫn muốn tiếp tục cuộc hành trình đầy gian khổ, hiểm nguy. Là thanh niên nên khi xuống tàu phải chui xuống hầm trốn, vừa chật chội ngột ngạt, vừa dơ dáy vì bao nhiêu rác rưởi dơ bẩn của những người ngồi ở trên đều phóng uế bừa bãi xuống. Mới ra đến cửa biển đã bị tàu công an bắt gặp rượt đuổi theo, bắn bể luôn thùng nước ngọt dự trữ. Thế mà cả tàu không nản vẫn liều lĩnh tiếp tục ra khơi, không chịu khuất phục. Vậy là suốt hai ngày một đêm, các thanh niên thay phiên nhau tát nước 24/24 tiếng đồng hồ, củ sắn cầm hơi, vẫn nuôi hy vọng sống còn mà tiến tới.
Những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi những thảm nạn trong vịnh Thái Lan gia tăng và được phơi bày qua hình ảnh, phóng sự, cái tên Boat People – Thuyền Nhân bắt đầu được các nước tự do biết đến. Sự thống khổ tưởng chừng đã đến mức tột độ, như cây trổ ra những trái đắng và lá vàng thẫm quắt lòng người. Lương tâm thế giới đã bàng hoàng, xúc động và như chợt thức dậy sau giấc ngủ dài trong sự vô tình hay cố ý, khi cho rằng hòa bình đã thật sự được tái lập tại ba nước Đông Dương.
May mắn thay, những tổ chức nhân đạo khắp nơi ra đời. Họ kêu gọi sự đóng góp của chính phủ sở tại, của những nhà hảo tâm để có phương tiện ra khơi cứu vớt, cưu mang những đoàn người đi tìm tự do trên những vùng đất hứa. Những thương thuyền đầy lòng bác ái tình cờ chạy ngang vùng Nam Hải, có Akuna, Herta S, Goelo, Ile de Lumière của Médecin du Monde hoặc Cap Anamur do Ủy Ban Cap Anamur Tây Đức bảo trợ. Con tôi là một trong hàng ngàn người may mắn được tàu này cứu vớt. Cap Anamur không chỉ cứu sinh mạng con tôi mà còn là cứu tinh của biết bao gia đình được qua Đức nhờ sự bảo lãnh của chính con cái họ.
Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, tuy bôn ba với cuộc sống mới với nhiều khó khăn để hội nhập thích ứng từ ngôn ngữ đến tập quán xứ người, tôi vẫn luôn nhớ đến mối ân tình đối với Cap Anamur, vẫn canh cánh bên lòng mong có dịp được đền ơn đáp nghĩa dù người thi ân không cần báo đáp. Hàng chục ngàn người đã được cứu vớt từ đầu những ngọn sóng cao ngất, dưới những cơn nóng khô cả người, trong những đêm đen nghịt mưa gió bão bùng, hay từ những con thuyền gần như rã nát, buông trôi trong tuyệt vọng.
Một lần, khi hay tin tiến sĩ Rupert Neudeck ghé München, thành phố tôi đang ở, cộng đồng người Việt liền tổ chức một buổi họp mặt để tiếp đón ông. Tôi mang một bó hoa thật đẹp, trao tận tay ông với lời biết ơn chân thành nhất. Ông là vị cứu tinh của gia đình tôi, vì nếu không có ông, con trai tôi đã nằm trong bụng cá từ lâu rồi. Ông siết chặt tay tôi, và câu nói của ông như dòng suối mát thấm tận tâm can. Ông bảo ông vui vì những thành quả của mình, đa số người Việt sang đây đều học hành đỗ đạt và thành công, coi như ông đã trồng cây lành để đón nhận những quả ngọt, ông đã nhận được những đền bù xứng đáng cho những ngày vất vả ra khơi cứu người.
Tuy vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, chưa giải tỏa được nỗi niềm trọng tình trọng nghĩa theo bản chất thâm thúy của người Việt chúng ta. Chúng tôi muốn làm một cái gì để nói lên lòng tri ân sâu xa của mình đối với Ủy Ban Cap Anamur. Cuối cùng chúng tôi thực hiện được niềm mong ước này. Nhóm từ thiện chúng tôi tổ chức “Một Ngày Cho Cap Anamur” nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Số người tham dự gần cả ngàn, dù tuyết mưa lầy lội, lạnh buốt thấu xương.
Chúng tôi mời được ông Elias Bierdel – đương kim Chủ tịch Ủy ban Cap Anamur – làm khách danh dự, và trao ông một số tiền. Sau ngày hội Tết, chúng tôi tổng kết số tiền lời thu được và gởi tiếp cho ông tất cả. Rất tiếc dù chúng tôi mời tiến sĩ Rupert Neudeck nhưng ông đã về Việt Nam để chuẩn bị cho một dự án cứu trợ nhân đạo trong khuôn khổ của Hội Mũ Xanh mới được thành lập.
Một đêm hội ngộ vô cùng ấm áp thắm đượm tình đồng hương với những tấm lòng rộng mở và những nụ cười tin yêu rạng ngời trên gương mặt tất cả mọi người. Nhớ ngày nào chân bước ngập ngừng vào trại tị nạn, nhìn nhau còn bỡ ngỡ, lòng hoang mang chờ đợi những gì sẽ xảy ra cho mình trước một tương lai quá mờ mịt. Ngày ấy tôi thường ra bờ sông ngồi âm thầm khóc. Ra đi với hai bàn tay trắng, đến xứ người không chút vốn liếng trong tay, lắm lúc hoang mang đến tuyệt vọng. Vậy mà hơn 10 năm sau, không ngờ vẫn còn gặp lại được nhau trong đêm hội ngộ này. Chân bước vững chãi, tự tin hơn, chúng tôi đã đóng góp khá nhiều cho đất nước tạm dung bằng con tim và khối óc của mình.
Biết viết gì để diễn tả được hết lòng biết ơn của gia đình tôi, của đoàn người được cứu sống trong đường tơ kẻ tóc, của những người Việt tha hương được đoàn tụ, được sống trên các nước tự do và nhân bản. Người Việt chúng ta thường nói: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ.” Vậy tiến sĩ Rupert Neudeck với những chuyến ra khơi của Cap Anamur đã xây được bao nhiêu tháp Phù Đồ?
__________
Thanksgiving 2022