Khi nhiệt độ xuống thấp, tỷ lệ đột quỵ (stroke) tăng lên. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ năm ở Mỹ, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ Nhưng còn có những yếu tố khác, ngoài nguyên do liên quan đến thời tiết.
Các nghiên cứu cho thấy thời tiết bắt đầu chuyển lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tiến sĩ Daniel Lackland, giáo sư dịch tễ học và thần kinh học tại Đại học Y South Carolina ở Charleston, cho biết: “Đã có một số nghiên cứu xác nhận điều này ở các nơi khác nhau trên thế giới. “Câu hỏi tiếp theo là: Tại sao?”
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não kiểm tra gần 172,000 ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ nhập viện ở Mỹ và phát hiện ra rằng các bệnh nhân này bị đột quỵ khi ở nhiệt độ trung bình lạnh hơn và khi nhiệt độ dao động đáng kể.
Một nghiên cứu của Đức được công bố cùng năm trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu chỉ ra rằng cứ nhiệt độ giảm 2.9 độ C trong 24 giờ, đột quỵ tăng 11% và ở những người có nguy cơ mắc bệnh thì tỷ lệ này cao hơn.
Về lý do thời tiết lạnh và đột quỵ có thể liên quan đến nhau, Lackland cho biết nhiệt độ lạnh có thể làm co mạch máu, làm tăng huyết áp. Nó cũng có thể làm đặc máu, dẫn đến đông máu. Ở Bắc bán cầu, những tháng lạnh bao gồm cả mùa nghỉ lễ, điều này có thể đồng nghĩa với việc căng thẳng và những thói quen không lành mạnh như ăn uống, nhậu nhẹt quá nhiều.
Lichtman cho rằng mọi người có thể ít hoạt động vào mùa Đông, làm suy giảm sức khỏe của họ, và một mùa Đông lạnh giá, tăm tối có thể khiến một số người phát triển chứng trầm cảm, có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ.
“Bạn không thể làm bất cứ điều gì khi nhiệt độ thay đổi,” Lackland nói. “Nhưng bạn nên kiểm soát huyết áp một cách đều đặn, siêng năng hơn, nếu đang hút thuốc lá, bạn nên bỏ. Ngoài ra bạn cần tập thể dục nhiều hơn.”
Thống kê cho thấy chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho thời tiết. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Hoa Kỳ cao nhất ở vùng Đông Nam, nơi mà thời tiết luôn ấm hơn so với phần còn lại của đất nước, nhưng lại là nơi mà mọi người làm biếng tập thể dục, tỷ lệ béo phì cao và hút thuốc nhiều hơn.
Trong những năm gần đây, thống lê cho thấy đột quỵ không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, người bị cao huyết áp, mà nhiều người trẻ cũng bị đột quỵ. Có những cách để tránh bị đột quỵ, bạn nên tham khảo và chia sẻ cho người thân và bạn bè:
-Uống nhiều nước: Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, uống ít nhất 5 ly nước mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ xuống 53%. Nước làm loãng máu, ngăn ngừa máu đông gây ra bệnh tim và đột quỵ. Uống ít nước cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và một số bệnh khác.
-Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm cholesterol trong máu, giảm huyết áp và giảm nguy cơ đông máu. Tập thể dục không có nghĩa là bạn phải đến phòng gym. Bạn có thể chạy, đi bộ nhẹ nhàng, hoặc đi xe đạp… Nhưng trong những ngày trở lạnh, người cao huyết áp, người bị bệnh tim mạch cần giữ ấm, không để lạnh đột ngột gây co mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những người có thói quen tập thể dục vào buổi sáng nên chuyển việc tập thể dục sang buổi chiều. Nguyên tắc cơ bản là luôn giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
-Đo huyết áp thường xuyên và kiểm tra nhịp tim: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, vì thế cần phải giữ ở mức ổn định. Bạn nên kiểm tra huyết áp để biết tình trạng sức khỏe của mình. Nhịp tim bất thường có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 500%. Nếu thấy nhịp tim có bất cứ điều gì bất thường, hãy hỏi ngay bác sĩ của mình.
-Chú ý hàm lượng cholesterol trong máu: Nếu thấy mức độ cholesterol cao hơn 200mg/dL, bạn phải đi kiểm tra hoặc gặp bác sĩ đều đặn để được theo dõi vì bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
-Ngưng hút thuốc: Hút thuốc và uống rượu đều có hại cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp hai lần. Hút thuốc thụ động (không phải là người hút thuốc) còn có nguy cơ đột quỵ cao gấp 82%, nên bạn bỏ thuốc lá cho chính bản thân bạn và cho những người xung quanh, trong đó có những người thân yêu của bạn. Đồ uống có gaz có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Nếu phải dùng nhiều nước có gaz, bạn nên uống ít thôi.
-Xả stress: Căng thẳng và trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Hãy tìm cách giải tỏa như đi chơi, gặp bạn bè, đi bộ, hoặc làm bất cứ điều gì bạn thấy thoải mái để tránh bị căng thẳng.
-Ngủ ít nhất bảy tiếng, nhưng không quá 10 tiếng mỗi ngày: Nghiên cứu tại Đại học Harvard cho thấy ngủ hơn 10 tiếng mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 63%.