Về một con người khả kính của chế độ VNCH

Share:
Ô. Nguyễn Đình Xướng trong bộ quân phục Thiếu tá Tỉnh trưởng Vĩnh Bình cùng vợ và các con (1960) – Ảnh tư liệu LN

Trong số sinh viên tốt nghiệp Trường Quốc gia Hành chánh (sau là Học Viện Quốc gia Hành chánh) thì Nguyễn Đình Xướng là một trong những bậc đàn anh đã làm rỡ ràng nhất cho trường và các đàn em của ông trong bộ máy công vụ miền Nam trước năm 1975.

Ông Nguyễn Đình Xướng và ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu Thủ tướng VNCH, khóa 1 trường QGHC Đà Lạt, thuộc lớp người đi trước, khi học, đa số là công chức tại chức, học để hoàn thiện hơn kiến thức và kinh nghiệm, và để có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Tốt nghiệp xong, ông được phân công đi vài nơi không đáng kể, song sự nghiệp bắt đầu chuyển biến nhanh khi ông làm Quận trưởng quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường.

Xin nhắc lại là trong những năm đầu của nền Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963), chính quyền Ngô Đình Diệm tập trung công sức và nguồn lực lo cho gần một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào Nam qua các chương trình định cư và các khu dinh điền, giúp đồng bào có điều kiện phát triển đời sống. Song song với các chương trình này, ông Diệm cũng cho thực hiện chương trình tạo các “khu trù mật”, chủ yếu giúp người dân địa phương được cư trú và làm ăn tại những vùng đất đai phì nhiêu và có nhiều yếu tố thuận lợi khác có thể giúp họ sống thoải mái hơn.

Khoảng năm 1959, Tổng thống Diệm đi kinh lý tỉnh Định Tường, đến thăm khu trù mật Hậu Mỹ thuộc quận Cai Lậy do Quận trưởng Nguyễn Đình Xướng chỉ huy thực hiện. Ông không ngớt lời khen ngợi cách tổ chức và điều hành khu trù mật, và ít lâu sau, ông thăng bổ Đốc sự hành chánh Nguyễn Đình Xướng làm Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh). Lúc bấy giờ, tình hình an ninh ở miền Nam bắt đầu rối ren, chức vụ tỉnh trưởng, quận trưởng lần hồi được giao vào tay giới quân nhân để tiện phối hợp giữa công tác an ninh và công tác hành chánh. Cũng vì thế, Tổng thống Ngô Đình Diệm đặc cách cho Tỉnh trưởng Nguyễn Đình Xướng mang cấp bậc Thiếu tá giả định để dễ điều hành công việc tại tỉnh.

Khoảng đầu thập niên 1960, Nguyễn Đình Xướng được điều về Bộ Nội vụ, giữ chức vụ Tổng thư ký, điều hành toàn bộ guồng máy hành chánh trung ương và các tỉnh, quận. Ông ở đó trong một thời gian dài. Anh em công chức hành chánh thời đó vẫn kháo nhau về hai nhân vật ăn nói hoạt bát và hấp dẫn người nghe nhất tại Bộ Nội vụ, một là Thứ trưởng Lê Công Chất và hai là Tổng thư ký Nguyễn Đình Xướng! Họ lại là người miền Nam vốn không giỏi về ăn nói bằng người miền Bắc.

Khi nền đệ nhị Cộng hòa đã tạm ổn định sau những rối loạn chính trị kéo dài, Nguyễn Đình Xướng được chuyển về Phủ Tổng thống, giữ chức vụ Tổng quản trị hành chánh. Năm 1972, ông được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ân thưởng Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương, huân chương cao quý nhất của chế độ VNCH, phần lớn chỉ dành truy tặng những quân nhân, công chức cao cấp đã hi sinh vì Tổ quốc.

Trong thời gian này, ông cũng tham gia thuyết giảng tại trường Cao đẳng Quốc phòng. Hầu hết học viên là sĩ quan cấp Trung tá, Đại tá và công chức cao cấp. Thông thường, các sắc lệnh do Phủ Tổng thống ban hành, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ ký một hai bản chính để lưu trữ, hầu hết phụ bản sắc lệnh đều do Nguyễn Đình Xướng ký phổ biến cho các cơ quan chính quyền trong và ngoài nước.

Sắc lệnh ân thưởng Bảo quốc huân chương cho Ô. Nguyễn Đình Xướng (1972) – Ảnh tư liệu LN

Vào những ngày sôi bỏng của chế độ, trước khi rời đất nước sang Đài Loan, Tổng thống Thiệu đề nghị ông và gia đình cùng đi, song ông từ chối. Sau đó ít ngày, sứ quán Mỹ cũng cử người đến, ngỏ ý sẵn sàng giúp ông và gia đình bay sang Mỹ, ông cũng từ chối. Để rồi, vào một trong ba ngày 13, 14, 15 của Tháng Sáu 1975, ông thản nhiên xách ba-lô đi trình diện cải tạo.

Phần trên là chuyện kể khách quan của một người lừng lẫy trong ngành hành chánh VNCH trước Tháng Tư 1975. Sự kiện 30 Tháng Tư 1975 và những hệ lụy của nó đã tạo dịp cho những người anh em cùng xuất thân từ Học viện QGHC hội tụ nhau trong một môi trường sống đặc biệt là các trại cải tạo.

Cho dù tâm trạng mỗi người một khác, song số phận chung đã buộc ràng chúng tôi lại với nhau. Ở chúng tôi lúc đó, không còn Tổng quản trị hành chánh, Phó tỉnh trưởng hay Trưởng ty, mà là tình anh em đồng môn một nhà, chia sẻ buồn vui, no đói có nhau. Chính vì thế mà dù lúc đó đã đúng 50 tuổi (1925-1975), hơn đa số chúng tôi chừng 20 tuổi, Nguyễn Đình Xướng vẫn coi chúng tôi là những người em, và đổi lại, không ai gọi anh là “chú” cả, luôn là tiếng “anh” ngọt ngào, quý mến.

Tại trại cải tạo Long Thành, lúc ấy còn có tên là “Trường 15 NV”(NV là chữ viết tắt “Nội vụ”), tôi may mắn ở chung với anh một nhà, một đội (mỗi nhà chứa gần 300 người). Lúc bấy giờ, trại 15 NV là nơi tập trung phần lớn công chức cao cấp của một chế độ vừa sụp đổ, từ Tổng trưởng, Dân biểu, Nghị sĩ đến Thẩm phán. Vì thế nên dãy nhà nào cũng đầy rẫy dân “tai to mặt lớn”.

Dãy nhà hai của chúng tôi còn có tên A14. Ngoài anh Xướng ra, còn có các ông Trần Minh Tiết, từng là Chủ tịch Tối cao pháp viện; Lưu Văn Tính, từng là Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Tổng trưởng Tài Chánh, Cố vấn tài chánh Phủ Tổng thống thời Đệ nhị Cộng hòa; Nguyễn Xuân Phong, từng là Trưởng phái đoàn VNCH tại hòa đàm Paris; Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người điều khiển công trình đại trùng tu Dinh Độc lập…

Trong đội của tôi còn có nguyên một tổ cộm cán của Bộ Ngoại giao, gồm:

– Cụ Phạm Trọng Nhân, từng làm Đại sứ Việt Nam tại Lào và chức vụ cuối cùng là Giám đốc Nha Nghi lễ Bộ Ngoại giao. Cụ Nhân cũng là cây bút thường xuyên của tạp chí Bách Khoa, ngoài tên chính, cụ còn sử dụng bút danh Phạm Lương Giang, nghe đâu là tên một con sông ở quê cụ.

– Tổ ngoại giao còn có Trương Hữu Lương, Giám đốc Nha Phi châu sự vụ; Nguyễn Ngọc Diễm, Giám đốc nha Âu châu sự vụ; và Nguyễn Cao Quyền, từng là Đại tá, chánh thẩm Tòa án quân sự đặc biệt xử vụ án “hạm gạo” Tạ Vinh. Chức vụ cuối cùng của anh là Cố vấn Bộ ngoại giao (một ngạch cao cấp trong ngành).

Cụ Phạm Trọng Nhân lúc ấy đã hơn 50 tuổi, sống thâm trầm, vui tính. Lúc rảnh rỗi,  cụ ngồi biên soạn (hay chỉnh lý) một vở kịch thơ có tên “Chiến sĩ triều Trần”, lấy bối cảnh thời kỳ kháng Nguyên, với câu nói bất hủ của vị anh hùng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, không làm vương đất Bắc”. Cụ chuyển cho một số anh em trong đội xem vở kịch thơ và ai cũng thích cả. Cuối cùng mọi người đồng ý với nhau là dựng thành một vở kịch với diễn viên… tù.

Tất nhiên, trong “gánh hát” này, không ai xứng đáng làm bầu gánh hơn cụ. Và cụ đã chọn mặt gửi vàng, hình thành một nhóm diễn viên hùng hậu. Trong các vai chính thì vị anh hùng Trần Bình Trọng do Dorohiem (khóa 12 QGHC) đảm nhiệm; còn tôi (khóa 10 QGHC), lại gánh vai phải hóa trang làm cô công chúa Mông Cổ, dùng ba tấc lưỡi để lôi kéo chàng tướng lãnh Việt họ Trần về với “thiên triều”.

Do tướng tá dềnh dàng, nước da ngăm đen, anh Nguyễn Đình Xướng lãnh vai viên tướng Mông Cổ; cùng một số vai khác: Tùy tướng của anh Xướng là anh Nguyễn Duy Thanh, khóa 7 QGHC; cô a hoàn của công chúa Mông Cổ là Nguyễn Thế Viên, khóa 17 QGHC…

Sự tình cờ đưa đẩy, khiến cho chín phần mười “diễn viên” vở kịch thơ là dân Quốc gia Hành chánh! Anh họa sĩ Đại tá Nguyễn Cao Quyền phát huy tối đa sáng kiến trong vai trò hóa trang, trang điểm. Anh mài gạch non, thấm ướt giấy hồng đơn làm son hồng cho môi má cô công chúa; với viên tướng Mông Cổ Nguyễn Đình Xướng, anh lấy chiếc nắp xô nhựa úp lên đầu làm nón dấu, không quên quấn tròn miếng giấy bìa gắn lên làm chóp nhọn… Anh Dorohiem hay quên thơ khi tập tuồng, ban đêm, trong lúc anh em nghỉ ngơi thì anh trốn ra vườn rau, ôn tập vai diễn trong bóng tối mịt mùng…

Đêm diễn thử của chúng tôi cho gần 300 anh em nhà 2 trại Long Thành xem trước vào đêm Giao thừa năm ấy là một ấn tượng khó quên. Chỉ còn vài phút trước khi diễn, có lẽ chưa ưng ý lắm về trang phục của mình, anh Xướng quơ vội chiếc mền gần đó, khoác vào vai, làm thành chiếc áo choàng, oai phong lẫm lẫm. Có lẽ nhiều năm về sau, anh vẫn không thể quên giây phút ngẫu hứng này.

Buổi diễn thử kết thúc ngay trong đêm Giao thừa, mọi người rất bất ngờ về sự thành công vượt ra ngoài mong đợi. Và như anh em đoán trước, trong đêm diễn chính thức trước gần 3,000 “học viên” tại hội trường đêm mùng ba Tết, vở kịch thơ của chúng tôi đoạt giải nhất.

Đêm vui tàn rồi, mọi người trở về nhà, trong khung cảnh lặng ngắt của trời khuya,  ai cũng cảm nhận được vẻ thê lương của đời tù trong cái Tết xa nhà đầu tiên. Tôi không ngủ được, lấy giấy bút ghi lại những cảm xúc đó trong một bài thơ dài:

Rồi đây mình sẽ về muôn ngả,
Vút cánh bằng bay khắp mọi miền,
Chắc hẳn lòng mình luôn nhớ mãi,
Ảnh hình vở kịch buổi tàn niên.

Lúc ấy, lòng vẫn còn nhiều hi vọng về một ngày về gần gũi, đâu biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Ít lâu sau vở kịch thơ, anh Nguyễn Đình Xướng và tôi còn tập chung với nhau một vở kịch nói nữa, lần này thời gian tập kéo dài cả tháng trời. Giữa năm 1976, chúng tôi không còn là “học viên”, mà là trại viên, một cách “chính thức hóa” đời tù. Không lâu sau, người ta chuyển dần hai đợt trại viên đi Bắc, mà chúng tôi gọi vui là đợt “bao bố 1” và “bao bố 2”.

Gọi thế là vì vào một buổi sáng, tất cả chúng tôi được gọi lên hội trường, và như trong chuyện trinh thám, những ai được đọc tên sẽ nhận lãnh một bao bố để dồn hết đồ đạc tư trang vào đó, mà không được biết để làm gì! Bị mang đi bắn, tư trang gửi về gia đình, hay được trục xuất sang Mỹ chăng? Cuối cùng mới biết rằng những bao bố đó được đưa xuống tàu đi trước ra Bắc, người được chở đi sau.

Cựu Thủ tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn (bìa phải) trong một lần đến thăm người bạn thân Nguyễn Đình Xướng – Ảnh tư liệu LN

Những năm đó, anh Nguyễn Đình Xướng nằm trong số người nhận bao bố đi Bắc. Anh được đưa tạm lên trại Hàm Tân trong lúc chờ tàu. Và đó là sự tiếp nối quãng đời tù 13 năm của anh, dài hơn cả của nhà thơ Tô Thùy Yên và nhà thơ Cung Trầm Tưởng (10 năm).

Trước năm 1975, anh Nguyễn Đình Xướng có hai người con trai lớn du học ở Mỹ, vào những năm 1967 và 1969. Khi anh chuyển trại ra Bắc, năm người con còn lại ở Sài Gòn không chịu nổi những áp lực đè nặng lên cuộc sống tinh thần của những người có cha là viên chức cao cấp của một chế độ. Ba người trong số họ vượt biên, sang đến trại tị nạn, được người anh cả, lúc ấy đã là một tiến sĩ, bảo lãnh sang Mỹ. Người anh này bỏ việc làm tại Washington D.C, về Sacramento, thủ phủ California, cùng hai cô em mới được bảo lãnh sang, mở một tiệm bánh French Bakery.

Những nỗ lực của ba anh em mang lại thành công bất ngờ! Người mua xếp hàng từ 6 giờ sáng, cung ít cầu nhiều, đến nỗi cửa hàng phải treo bảng chỉ bán cho mỗi người tối đa sáu ổ bánh! Tiệm bánh được nhiều báo chí Mỹ tiếp xúc, đăng bài ngợi khen, gọi người anh trai, chủ tiệm bánh, là “Croissant king” (ông vua bánh croissant).

Song niềm vui, nỗi buồn kế tiếp nhau. Năm 1981, người mẹ, tức chị Nguyễn Đình Xướng, vượt biên sang Thái Lan, được người con trai bảo lãnh qua Mỹ và chỉ sống được sáu tháng trên vùng đất mới thì qua đời. Hung tin ấy, những người con giấu anh Nguyễn Đình Xướng trong một thời gian dài. Năm 1988, khi anh được thả về thì chỉ còn người thân duy nhất ở Việt Nam là cậu con trai và vợ con của cậu. Đó là người con từng làm việc tại một cơ quan an ninh ở Sài Gòn, đã cùng anh trình diện học tập cải tạo tại Long Thành và được về khoảng sáu tháng sau đó.

Năm 1991, trong cuộc phỏng vấn sang Mỹ theo chương trình HO, anh đề nghị với phái đoàn Mỹ cho gia đình người con trai được đi theo anh, nếu không, anh phải ở lại, vì anh không thể tự mình xoay xở trước sự suy yếu trầm trọng của đôi chân. Trung thành với chính sách nhân đạo của chính phủ họ, phái đoàn Mỹ chấp thuận nguyện vọng đó của anh. Sự sum họp của cả gia đình trên vùng đất mới là niềm hạnh phúc của người tù Nguyễn Đình Xướng sau 13 năm xa cách những người thân yêu nhất. Song, anh không khỏi quặn lòng khi nghĩ đến người vợ tào khang đã sẻ chia với anh những năm tháng cay đắng, ngọt bùi. Những lúc một mình, trong trí anh hiện lên nhiều kỷ niệm khó quên.

Ngày nay, không ai không biết rằng bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn là công trình tim óc của bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, xây dựng cho mọi người dân không phân biệt giai tầng xã hội. Song không mấy ai biết rằng cái tên Vì Dân do chính Nguyễn Đình Xướng đặt ra, trong một lần cùng bà Thiệu đến thăm bệnh viện đang xây cất dang dở. Điều này được hãng tin BBC News tiết lộ trong một bài viết dài về bệnh viện Vì Dân phổ biến ngày 22 Tháng Mười 2021, căn cứ vào tư liệu của ông Phạm Ngọc Tỏa, từng là Giám đốc bệnh viện này trước năm 1975.

Phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại bệnh viện Vì Dân, Nguyễn Đình Xướng là người đứng bìa phải (khuất một phần)- Nguồn: cochinchine-saigon

Song ký ức về ngày 1 Tháng Năm 1975 mới là ký ức đáng nhớ nhất của đời anh. Một ngày sau 30 Tháng Tư 1975, cũng như hàng triệu người miền Nam khác, lòng anh chùng xuống trong một nỗi buồn khôn tả. Và anh quyết định kết liễu cuộc đời bằng một phát súng! Sự vụng về trong giây phút định mệnh ấy khiến người nhà anh nhận ra, mọi người kêu khóc vang trời, các con anh ôm chặt lấy người cha mà họ yêu thương bao năm trời. Và anh đã thúc thủ trước tình yêu bao la ấy!

Trong những năm tháng cuối đời chung sống với các con ở San Jose (California), hai ký ức trên là những hình ảnh luôn ám ảnh anh, cùng với nỗi nhớ thương người vợ đã không cùng anh đi trọn con đường đời. Nhiều người bạn cũ thường xuyên đến thăm anh, kể cả cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từng đến dự đám cưới một đứa cháu họ của anh. Cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn là người bạn học thân tình bậc nhất của anh, nhiều lần đến thăm anh, để nhắc nhở với nhau những kỷ niệm thuở thiếu thời.

Ô. Nguyễn Đình Xướng cùng con cháu trong lễ mừng sinh nhật năm 85 tuổi – Ảnh tư liệu LN

Tại San Jose, anh sử dụng thường xuyên chiếc xe lăn, vì đôi chân đã rệu rã, căn bệnh thận ngày một nặng hơn. Năm 2013, biết rằng sức chịu đựng đã cạn kiệt, kéo dài căn bệnh chỉ làm khổ bản thân và con cháu, anh tự tay soạn và đánh máy một di chúc bằng tiếng Anh, khước từ mọi hình thức chữa trị để thanh thản ra đi.

Lễ tang Ô. Nguyễn Đình Xướng (2013) – Ảnh tư liệu LN

Lời trăn trối cuối cùng của anh là tro cốt được đặt cạnh tro cốt của người vợ yêu thương tại chùa Diệu Quang, và từ đó, đám giỗ anh cũng sẽ được tổ chức chung ngày với vợ, để cả hai cùng về thăm con cháu trong cùng một ngày. Năm 2017, các con anh rải tro cốt của cha và mẹ trên vùng biển San Francisco, hương linh họ bồng bềnh mãi trên biển rộng, hòa cùng với âm điệu thiên nhiên của một vùng trời nước Mỹ.

Anh Nguyễn Đình Xướng, người huynh trưởng QGHC của chúng tôi! Giờ đây thì những đồng môn của anh, những đứa em ngày xưa của anh đã tản mát khắp bốn phương trời. Dù ở đâu, mọi người cũng có những lúc nhớ nghĩ về anh, cánh chim đầu đàn coi thường giông bão và sẵn sàng đối mặt mọi gian nguy…

Tháng 11| 2022

________

Tác giả bài viết tên thật là Lê Văn Cẩn, tốt nghiệp khóa 10 Học viện Quốc gia Hành chánh (1965), từng giữ nhiều chức vụ khác nhau trong 10 năm công vụ: Phó Quận trưởng, Trưởng ty, Phụ tá Hành chánh tỉnh, chức vụ cuối cùng là Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách phát triển kinh tế thuộc Văn phòng Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo. Từ thập niên 1990, ông sống bằng nghề viết báo tự do (freelance) tại Sài Gòn.

Bài viết này ông gửi riêng cho Saigon Nhỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: