Những tranh cãi bên lề World Cup

Du khách quốc tế trên đường phố Doha (ảnh: Sidhik Keerantakath/ Eyepix Group/Future Publishing via Getty Images)

Bên tấn công, bên tự vệ

Sự đồng cảm và thái độ bênh vực công khai của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino với Qatar đến sau khi xảy ra hàng loạt chỉ trích nước chủ nhà và cả FIFA trên các phương tiện truyền thông phương Tây ngay từ lúc Qatar đăng cai vòng chung kết World Cup 2022. “Phương Tây đã đạo đức giả khi dạy những bài học về đạo đức cho người khác!” – Infantino giận dữ tuyên bố vào đêm trước ngày khai mạc World Cup.

Nhưng thay vì xoa dịu phía chống đối, ông càng làm tăng thêm sự tức giận và chế giễu. Tuy nhiên, đối với nhiều người Ả-rập và Hồi giáo, lập trường và phản ứng của người điều hành giải đấu đã gây được tiếng vang mạnh mẽ. Omar Alsaadi, một thanh niên Qatar 21 tuổi, nói với CNN: “Infantino đã dựa thực tế tại phương Tây là nhiều người đồng hương của ông cũng cảm thấy họ là mục tiêu của tệ nạn phân biệt chủng tộc”.

Trong thời gian diễn ra giải đấu, cách các truyền thông phương Tây đưa tin về World Cup trước và sau khi quả bóng lăn, bên lề và trên đấu trường đã bị chi phối bởi những tranh cãi xung quanh giải đấu hơn là bản thân môn thể thao này, trong đó chủ yếu xoay quanh cách đối xử của quốc gia chủ nhà vùng Vịnh với người lao động nhập cư đến từ nhiều nước, các quy định khắt khe đối với cộng đồng giới tính khác LGBTQ và những hạn chế xã hội chặt chẽ đối với phụ nữ.

Đài truyền hình nhà nước Anh BBC hạn chế phát sóng lễ khai mạc, thay vào đó chọn đưa tin về những chỉ trích nước chủ nhà. BBC cho biết chỉ phát sóng buổi lễ trên dịch vụ video theo yêu cầu. World Cup năm nay chắc chắn không giống các kỳ World Cup trước đó. Đây là lần đầu tiên vòng chung kết được tổ chức tại một quốc gia Hồi giáo; và Qatar chắc chắn đã trải qua một chặng đường dài nỗ lực để mang đến cho ngày hội bóng đá một hương vị riêng biệt của thế giới Ả-rập và Hồi giáo. Buổi lễ khai mạc theo chủ đề Bedouin bắt đầu bằng việc một nữ ca sĩ mặc một chiếc burqa truyền thống, loại khăn che mặt đã bị cấm ở một số nước châu Âu. Nó cũng trích dẫn một câu trong Kinh Qur’an về việc Chúa chia loài người thành các quốc gia và bộ lạc để họ biết cách cảm thông nhau.

Một số phòng khách sạn ở Qatar cung cấp cả mã QR cho du khách để họ thuận tiện tìm hiểu về đạo Hồi. Các tình nguyện viên Hồi giáo cho hướng dẫn du khách về thời trang Hồi giáo để ăn mặc sao cho đúng đắn. World Cup 2022 cũng làm nên lịch sử với các chuyến bay thẳng từ Israel đến Qatar. Trong một tuyên bố trước đó với CNN, chính phủ Qatar cam kết tổ chức “một kỳ World Cup toàn diện và không phân biệt đối xử”. “Mọi người đều được chào đón, nhưng Qatar là một quốc gia bảo thủ nên mọi thể hiện tình cảm lộ liễu, bất kể xu hướng, đều không được chào đón. Chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu mọi người hãy tôn trọng văn hóa của chúng tôi”.

Và những tiếng nói khác

Sự phổ biến tràn ngập của các biểu tượng Hồi giáo tại World Cup “phi tôn giáo” không thoát khỏi sự để ý của những người tham dự phương Tây. Hệ quả, một trò đùa của một nhà báo Pháp nói về việc có quá nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Qatar đã dẫn đến sự phẫn nộ của những người theo đạo Hồi trên mạng xã hội. Tờ Times of London viết “Người Qatar không quen thấy phụ nữ mặc trang phục phương Tây ở đất nước của họ” trong một chú thích ảnh để rồi phải tự xóa sau khi bị gắn cờ “vi phạm” trên mạng xã hội.

Khoảng 87% dân số 2.9 triệu người của Qatar là người nhập cư nước ngoài, số khá lớn đến từ phương Tây. “Tôi nghĩ các phương tiện truyền thông phương Tây có thành kiến ​​vì họ không muốn chứng kiến một quốc gia Ả-rập Hồi giáo thuộc thế giới thứ ba đăng cai và tổ chức thành công vòng chung kết bóng đá thế giới” – Najd Al-Mohanadi, một công dân Qatar, 20 tuổi, nói với CNN. Không chỉ có người dân địa phương mà một số phương tiện truyền thông phương Tây cũng có thành kiến với Qatar.

Ayman Mohyeldin, người dẫn chương trình MSNBC từng làm việc cho kênh Al Jazeera của Qatar, nhận định: “Việc đưa tin gần đây về Qatar đã làm lộ chiều sâu định kiến ​​của phương Tây, và những chỉ trích về đạo đức là một trong những tiêu chuẩn kép thô thiển”. Tờ The Economist và The New York Times cũng có bài bảo vệ quyền đăng cai giải đấu của Qatar. Sau khi bị phản ứng, tờ Times of London vuốt ve: “Những lời chỉ trích Qatar là thói đạo đức giả!”. Mira Al Hussein, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Oxford ở Anh đến từ Các Tiểu vương Ả-rập thống nhất (UAE), nhận xét:

“Tôi luôn đặt câu hỏi về thời điểm của những lời chỉ trích. Đó là lúc những người di cư khắp khu vực phải chịu đựng cuộc sống tồi tệ với mức lương ít ỏi và phải làm việc trong điều kiện sức khoẻ và tinh thần tồi tệ. Nhưng việc xăm soi quá kỹ là không nên, đặc biệt là ràng buộc nó với một sự kiện thể thao toàn cầu sau lớp vỏ đạo đức. Đáng quan tâm hơn là tham gia làn sóng phản đối có một số tổ chức phi chính phủ (NGO) mà chính họ từng dính vào các vi phạm nhân quyền bên trong và ngoài biên giới đất nước mình!”.

James Lynch, giám đốc nhóm nhân quyền FairSquare, cựu quan chức ngoại giao Anh tại Qatar giữ vị thế trung dung: “Trong khi một số tin tức về Qatar ở phương Tây đã làm xấu thêm những định kiến ​​tiêu cực về thế giới Hồi giáo Ả-rập, nhưng hầu hết các chỉ trích là công bằng và tương xứng, dù bị phản bác là do phân biệt chủng tộc thúc đẩy. Thực tế, người lao động ở Qatar vẫn tiếp tục đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt, bị ngược đãi và bóc lột nghiêm trọng, trong đó công nhân xây dựng là những người bị đối xử tệ hại nhất. Phụ nữ Qatar và cộng đồng LGBTQ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và đàn áp nghiêm trọng, cả về luật pháp và thực tế cuộc sống”.

Các phương tiện truyền thông phương Tây đứng về phía Qatar đặt vấn đề là “Tại sao các quốc gia khác có hồ sơ nhân quyền tồi tệ hơn lại không bị giám sát kỹ lưỡng như Qatar khi họ tổ chức các sự kiện thể thao toàn cầu?”. Al Hussein nói: “Chắc chắn Qatar không tham gia vào việc thanh lọc sắc tộc hoặc đưa những người di cư vào trong các trại tập trung dù điều kiện sống của họ còn nhiều khó khăn”.

Maryam AlHajri, nhà nghiên cứu Qatar tại Viện nghiên cứu Doha Institute for Graduate Studies nhận định: “Các luận điệu gần đây về Qatar cho thấy một số nhà phê bình phương Tây quan tâm hơn đến việc áp đặt thế giới quan phương Tây, vào thế giới quan phương Đông hơn là là vì quyền con người”. Bà nhấn mạnh: “Nhưng mục tiêu ẩn giấu này không nên xem là lời biện minh để ngừng nói đến tình trạng lao động nhập cư ở Qatar. Thay vào đó, chính phủ Qatar nên xem xét lại tình hình lao động nhập cư vốn được xem là một phần của trật tự kinh tế toàn cầu hóa của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: