Drone Trung Quốc đe dọa bầu trời Mỹ  

Drone DJI Mavic 3 bay ngang một tháp giám sát an ninh của chính phủ Mỹ tại Yuma, Arizona gần biên giới Mỹ-Mexico ngày 27 Tháng Chín 2022 (ảnh: John Moore/Getty Images)

Các thượng nghị sĩ Mỹ cảnh báo về mối đe dọa gián điệp từ các máy bay không người lái (drone) do một công ty Trung Quốc (TQ) có quan hệ với chính phủ nước này sản xuất…

Nguy cơ tiềm tàng

Các nhà lập pháp Mỹ, được thông báo tóm tắt về hàng trăm vụ xâm nhập của drone vào bầu trời Toà Bạch Ốc, Điện Capitol và Ngũ Giác Đài, đã bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ gián điệp. Trong những tháng gần đây, hàng trăm drone giải trí do công ty DJI của TQ sản xuất bị phát hiện bay vào trong không phận hạn chế ở thủ đô Washington DC khiến các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ lo ngại chúng là phương tiện mới cho hoạt động gián điệp – Politico cho biết.

Các máy bay này được thiết kế với những hạn chế về “hàng rào địa lý” (geofencing) để giữ chúng tránh xa những vị trí nhạy cảm nhưng người dùng có thể vô hiệu hoá dễ dàng để bay rất gần khu vực hạn chế. Ngoài ra, máy ảnh độ nét cao hoặc hệ thống cảm biến khác của máy bay có thể bị hack để thu thập thông tin tình báo mà người chủ máy bay không biết được. Quan chức liên bang và chuyên gia trong ngành công nghiệp drone đã có các cuộc họp mật với các Ủy ban An ninh Nội địa, Thương mại và Tình báo của Thượng viện về hoạt động bất thường này.

Drone có thể bị hack để phục vụ những mục đích bất chính (ảnh: Olly Curtis/T3 Magazine/Future via Getty Images)

Cần nhấn mạnh, DJI nhận được tiền từ các tổ chức đầu tư thuộc sở hữu của chính phủ TQ, điều mà DJI cố che giấu. Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc DJI có quan hệ tài chính với chính phủ TQ và hồ sơ công khai liệt kê những cá nhân được Bắc Kinh hậu thuẫn trong số các nhà đầu tư của họ dẫn đến việc Ngũ Giác Đài đưa drone của DJI vào danh sách đen. Cảnh báo được đưa ra khi Quốc hội tranh luận về việc mở rộng các cơ quan kiểm tra liên bang hiện tại và thêm các cơ quan mới để theo dõi những phương tiện bay trên không như mối đe dọa an ninh tiềm ẩn với nước Mỹ.

Không rõ Quốc hội Mỹ có thể làm gì để giải quyết mối đe dọa nếu có thực. Một số dự luật đã được đệ trình, nhưng hầu hết không thông qua được. Ngoài ra, thẩm quyền hạn chế đối với các cơ quan liên bang phi quốc phòng sử dụng công nghệ chống drone sẽ sớm hết hạn vào ngày 16 Tháng Mười Hai trừ khi được Quốc hội gia hạn.

“Bất kỳ sản phẩm công nghệ nào có nguồn gốc từ TQ hoặc từ các công ty TQ đều có nguy cơ thực sự, và có thể bị kẻ xấu khai thác cả trong hiện tại lẫn tương lai khi xảy ra xung đột – Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hoà, Florida), Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nhận định – Chúng được sản xuất tại TQ nhưng được dán nhãn dán công ty không phải của TQ để người mua không biết mà đề phòng. Bất cứ thứ gì thuộc công nghệ đều có khả năng cài phần mềm gián điệp hoặc trong phần cứng, và các lỗ hổng bảo mật này sẽ được khai thác lúc cần thiết”.

DJI khẳng định không kiểm soát những gì khách hàng làm sau khi bán sản phẩm của mình. Bà Arianne Burrell, Giám đốc truyền thông của DJI Technology, Inc biện bạch: “Chúng tôi đã làm mọi thứ ngay từ đầu để bảo đảm người mua tuân thủ các quy định do địa phương đặt ra. Chúng tôi không có ràng buộc tài chính với chính phủ TQ. Chúng tôi là một công ty tư nhân không lấy bất kỳ khoản tiền nào từ chính phủ TQ”.

Cả chính phủ Mỹ và tư nhân đều sử dụng máy bay của DJI

DJI là nhà sản xuất drone cá nhân và chuyên nghiệp lớn nhất thế giới. Các sản phẩm của hãng này chiếm phần lớn số drone giải trí ở Mỹ. Từ lâu, các chuyên gia an ninh chính phủ Mỹ và nước ngoài đều bày tỏ lo ngại về mối quan hệ tiềm tàng giữa chính phủ TQ và DIJ. Ngũ Giác Đài đã cấm mua drone do TQ sản xuất từ năm 2017 và Bộ Nội vụ, cơ quan có đội máy bay không người lái dân dụng lớn nhất trong chính phủ liên bang, đã cấm sử dụng chúng trừ trường hợp khẩn cấp.

Nhưng theo một nghiên cứu năm 2020, hàng ngàn cơ quan thực thi pháp luật liên bang, tiểu bang và địa phương vẫn phụ thuộc rất nhiều vào drone của DJI. Nghiên cứu nêu rõ các cơ quan công quyền ở California, Texas, Illinois, Wisconsin và Florida có số lượng drone nhiều nhất, phần lớn là của DJI.

Tất cả các drone thương mại đều sử dụng GPS để điều hướng và được lập trình trước để chúng không thể bay vào vùng trời hạn chế của Washington DC. Ngoài ra còn bản hướng dẫn cho người dùng về sự cần thiết phải tuân thủ tất cả các quy định địa phương. Tuy nhiên, những hạn chế đó có thể dễ dàng vượt qua nhờ hướng dẫn tường tận trên YouTube cách cập nhật phần mềm để có thể vượt rào qui định mà không bị phát hiện, kể cả phá giới hạn độ cao và chu vi.

Người dùng tinh vi hơn có thể sử dụng drone cho các hoạt động gián điệp công nghiệp hoặc tấn công mạng bằng cách hạ cánh máy bay vào sân nhà của đối tượng và thu thập tất cả thông tin qua kỹ thuật không dây. Tương tự, họ có thể làm điều đó trên một tòa nhà liên bang, lưới điện hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Thực tế, những người trong giới công nghệ thường nói: Hãy nhìn xem, vào bất kỳ thời điểm nào người TQ có thể kiểm soát một DJI đang bay trên bầu trời!

(ảnh: Diarmuid Greene/Sportsfile via Getty Images)

Theo Cơ quan Không Lưu Liên bang (FAA), hiện có hơn 870,000 drone được đăng ký tại Mỹ, gấp ba lần số máy bay có người điều khiển. Cơ quan ước tính đến năm 2024 sẽ có khoảng 2.3 triệu drone, kể cả 1.5 triệu drone giải trí, máy bay mô hình và 800,000 drone thương mại được đăng ký bay tại Mỹ.

Vào Tháng Bảy qua, Samantha Vinograd, quyền trợ lý Bộ trưởng An ninh Nội địa, nói với Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề chính phủ (Homeland Security and Governmental Affairs Committee) của Thượng viện: “Kể từ năm 2018, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã gặp hàng trăm vụ drone vi phạm các hạn chế bay nhất thời để bảo vệ tổng thống Mỹ”.

Washington DC không còn là “Vùng trời an toàn nhất trên thế giới”?

Dữ liệu vừa được chia sẻ với Quốc hội Mỹ cho thấy có hơn 100 vụ xâm nhập của drone trong khoảng thời gian 45 ngày gần đây nhưng không công bố vị trí và tần suất cụ thể vì lý do bảo mật. Có một vụ đột nhập vào mùa hè này khiến các chuyến bay vào Phi trường Ronald Reagan bị tạm dừng trong một thời gian ngắn.

Theo FAA, Khu vực Quy tắc Chuyến bay Đặc biệt (Special Flight Rules Area) xung quanh DC là một vành đai rộng khoảng 55 dặm bắt đầu từ Phi trường Reagan. Các nhà khai thác drone phải được FAA cho phép mới được bay qua đó. FAA khẳng định đang thực hiện các bước bổ sung để phát hiện drone và bảo đảm chúng không gây trở ngại cho máy bay thương mại hoặc gây ra các nguy cơ khác.

Năm ngoái FAA đã áp dụng quy tắc “nhận dạng từ xa” trong đó yêu cầu các drone phải được nhận dạng “biển số giấy phép kỹ thuật số” (“digital license plate”) để các cơ quan thực thi pháp luật xác định trạm điều khiển khi máy bay có vẻ đang bay theo cách không an toàn hoặc vào nơi nó không được phép. FAA cũng đang thử nghiệm các công nghệ mới xung quanh các sân bay để phát hiện nhanh hơn các drone trước khi nó làm mất an toàn hàng không. FAA dù chịu trách nhiệm quản lý vùng trời hạn chế máy bay tại DC nhưng cơ quan lại không có nhiệm vụ bảo vệ nó mà là Sở Mật vụ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: