Bóng đá đã bị đồng tiền đâm toạc như thế nào?

Ảnh: pexels-pixabay

Được hỗ trợ mạnh mẽ bởi thị trường chứng khoán Wall Street và các nhà nước dầu khí, bóng đá đang mang lại nhiều lợi nhuận nhiều hơn bao giờ hết, cho dù sau nó là máu và nước mắt. Hậu quả của những thương vụ hợp nhất và tiền không được kiểm soát cũng phô bày nhiều sự thật đau lòng. Câu chuyện về cách các đội như Newcastle “sống lại từ hấp hối” cũng là về những gì người ta phải “hy sinh” cho bóng đá thăng hoa.

Sự xuất hiện của những nhà tài phiệt

Bám rễ sâu vào bóng đá là giới tài phiệt, trùm dầu mỏ, những kẻ tham nhũng, truyền thông méo mó, đảng phái, chính trị và xu hướng “đồng tiền hóa” mọi thứ với nhiều “bài học” được rao giảng về “bước phát triển của bóng đá tương lai”. Người ta thậm chí không cần phải thích bóng đá mới hiểu bóng đá vì những câu chuyện về môn thể thao này trong hai thập niên qua hoàn toàn không phải nói về bóng đá mà chủ yếu là về đồng tiền và các thương vụ sang nhượng! Bóng đá luôn là tấm gương phản chiếu của thế giới rộng lớn hơn, nhưng hình ảnh mà bóng đá phản chiếu hiện nay lại hoàn toàn mang ý nghĩa khác.

Năm 2004, Franklin Foer xuất bản cuốn “How Soccer Explains the World: An Unlikely Theory of Globalization”. Đây là tác phẩm kinh điển dành cho những người quan tâm đến công nghiệp bóng đá và mặt trái của nó. Ngay sau khi cuốn sách của Foer ra mắt: Tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã giành được chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên với Chelsea, câu lạc bộ mà ông đã mua vài năm trước đó chỉ sau 15 phút đàm phán! Sự xuất hiện của một nhà tài phiệt có liên hệ với Kremlin ở London cho thấy “tiền thật nhiều và thật nhiều tiền” đã biến đổi môn thể thao này như thế nào.

Nó thay đổi cách thức bóng đá được tài trợ, cách nó được tổ chức, ở đâu và khi nào nó được chơi và cuối cùng là thay đổi cách mọi người nói về tài chính của thể thao hoặc cách họ hợp lý hóa việc không nói về chúng. Câu chuyện về “sự bóng lộn của đồng tiền” trong bóng đá và cuộc chiến về những gì bóng đá trở thành, về cơ bản bắt nguồn từ cách cấu trúc thị trường của châu Âu nói riêng. Ở Anh và tại 54 quốc gia khác của bóng đá châu Âu (ngoại trừ Liechtenstein), các đội được tổ chức thành các kim tự tháp cho mỗi giải đấu. Có 92 đội bóng nam chuyên nghiệp trong hệ thống các giải đấu của Anh, được chia thành bốn cấp, với một loạt các giải đấu chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và nghiệp dư bên dưới kim tự tháp.

Bóng đá ngày càng trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ (minh họa: Unsplash)

Kim tự tháp bóng đá

Các đội nằm ở đỉnh kim tự tháp của mỗi quốc gia sẽ đủ điều kiện tham dự các giải đấu châu Âu vào mùa giải tiếp theo, trong đó danh giá nhất là Champions League của Vương quốc Anh. Năm 2020–2021, 32 đội tham dự vòng chung kết Champions League chia nhau $2 tỷ tiền thưởng. Chelsea của Abramovich nhận về $126.5 triệu. Đỉnh của kim tự tháp là nơi chứa tiền nhưng nếu người ta rơi xuống thì còn lâu mới ngoi lên được! Năm 1992, 22 câu lạc bộ lớn nhất đã tách khỏi phần còn lại của kim tự tháp Anh và thành lập Premier League. Các đội vẫn phải xuống hạng, nhưng Premier League không còn phải chia sẻ doanh thu truyền hình với ai khác.

Sau khi trả $230 triệu mua câu lạc bộ Chelsea, Roman Abramovich chi thêm $195 triệu cho các bản hợp đồng mua cầu thủ mới trong vài tuần. Nhà tài phiệt Nga đã xây dựng câu lạc bộ Chelsea với hình ảnh: Một đội bóng giàu không thể tưởng, ngốn nhiều tiền và nới rộng khoảng cách giữa các câu lạc bộ có và không có. Trong hai thập niên, Abramovich đã giành được 5 chức vô địch Premier League, hai lần vô địch Champions League và chi $2 tỷ để đạt được thành tích đó. Đây không chỉ là về những gì Abramovich có thể làm cho bóng đá mà còn là những gì bóng đá có thể làm cho Abramovich. Năm ngoái (2021), trong quyển “Putin’s People”, tác giả-phóng viên điều tra Catherine Belton cho rằng, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đứng sau thương vụ Chelsea để đạt được ảnh hưởng mới ở Anh!

Bên trong sân cỏ, các cầu thủ tranh giành quả bóng; bên ngoài vận động trường là những chiến dịch đấu đá quyết liệt để giành những món hời béo bở – ảnh: Cầu thủ Jack Grealish của Manchester City với chiếc cúp Premier League 2022 (ảnh: Michael Regan/Getty Images)

Cầu thủ Abramovich ra sân, huấn luyện viên Putin ngồi bên ngoài

Người ta tin rằng giới tài phiệt nước ngoài đã xâm nhập thành công vào các thể chế chính trị và văn hóa uy tín nhất của Vương quốc Anh, dùng đồng tiền để gây ảnh hưởng mà không sợ bị đặt quá nhiều câu hỏi về nguồn gốc của nó. Abramovich đã chi hơn hàng trăm triệu đôla để mua hàng chục bất động sản ở Anh. Khi đảo Isle of Jersey mời Abramovich đưa hàng tỷ đôla vào “thiên đường thuế” này thì Chelsea và thế đứng tại Anh của tài phiệt Nga đã vững như bàn thạch.

Đến năm 2018, đơn xin gia hạn thị thực của ông bị trì hoãn khi Vương quốc Anh bắt đầu xem xét kỹ lưỡng thị thực của các nhà đầu tư Nga sau vụ một nhà bất đồng chính kiến ​​người Nga ở Salisbury bị đầu độc. Abramovich quay sang nhập quốc tịch Israel, sau đó trở thành công dân EU bằng cách tuyên bố có tổ tiên Sephardic ở Bồ Đào Nha. Không có gì chứng tỏ giá trị địa chính trị của Abramovich rõ ràng hơn là lúc ông giúp Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018. Cần nhắc lại, thời điểm đó, nhóm dẫn đầu cuộc vận động đăng cai World Cup cho Anh đã thuê Christopher Steele, một điệp viên người Anh nghỉ hưu, thực hiện cuộc điều tra rồi cung cấp cho FBI chứng cứ để mở ra hàng chục vụ án hình sự chống lại giới chức FIFA.

Ông James Montague, người đã mô tả về thế hệ chủ sở hữu siêu giàu mới của môn bóng đá trong cuốn sách “The Billionaires Club” (Câu lạc bộ tỷ phú) của mình nhận định: “Các câu lạc bộ phải tìm cho đươc nhà tài trợ nào đó có thể cạnh tranh với Abramovich. Họ lạc vào thế giới mù mịt của những tỷ phú mới nổi, mới giàu lên để tìm kiếm một người có khả năng gây sốc bằng túi tiền không đáy và có đủ sự ngây thơ để bơm một lượng tiền mặt lớn vào câu lạc bộ của họ.

Cuộc chạy đua vũ trang khiến một số câu lạc bộ trở nên rất giàu có nhưng nhiều câu lạc bộ bị thụt lại rất xa. Các giải đấu của Liên đoàn bóng bàu dục Mỹ (NFL) được tổ chức khép kín và có quy định mang tính nguyên tắc không thể vi phạm. Tư cách thành viên là cố định. NFL áp đặt giới hạn về số tiền các đội có thể chi tiêu và phân phối lại lợi nhuận từ các đội mạnh cho các đội yếu. Người nộp thuế giúp trả tiền cho các sân vận động. Các đội đều được đảm bảo kiếm đủ tiền để khỏi rơi vào nợ nần. Đội bạn hâm mộ có thể không thắng, nhưng không bao giờ thua về tiền bạc!

Nhưng trong thế giới bóng đá Anh, khi câu lạc bộ rơi khỏi đỉnh của kim tự tháp, mất tiền truyền hình và các khoản tài trợ khác, khả năng sinh lợi cho chủ sở hữu không chỉ biến mất mà còn có nguy cơ phải bán câu lạc bộ. Nếu doanh thu không có hoặc các cầu thủ đá không đủ tốt, câu lạc bộ sẽ đi xuống không phanh cho đến khi sụp đổ. Premier League, giống như chính Vương quốc Anh, đã trở thành thỏi nam châm thu hút những tài phiệt (cả đàng hoàng lẫn bất hảo) của thế giới. Nhà tài phiệt khai thác mỏ người Nga Alisher Usmanov đã bơm hàng chục triệu đôla vào câu lạc bộ Everton cho đến khi Vương quốc Anh đóng băng tài sản của ông ta vào Tháng Ba qua.

Các cầu thủ CLB Chelsea với chiếc cúp Champions League (ảnh: Pierre-Philippe Marcou – Pool/Getty Images)

“Sportswashing”

Một cuộc hôn nhân đủ loại giữa thế giới quỹ đầu tư và thế giới địa chính trị đã vượt qua những gì Abramovich đã khởi mào đầu tiên và làm tan nát môn bóng đá. Công ty năng lượng Nga Gazprom do nhà nước tài trợ từng bỏ ra $45 triệu mỗi năm để tài trợ cho giải đấu Champions League và đổ hàng trăm triệu đôla hỗ trợ một câu lạc bộ nổi tiếng của Đức như một phần trong âm mưu của Putin nhằm tăng cường ảnh hưởng không chỉ về thể thao mà còn cả nền kinh tế Đức.

Năm 2011, quỹ tài sản chủ quyền của Qatar đã mua lại câu lạc bộ Paris St. Germain (PSG) của Pháp khi nó đang dưới quyền kiểm soát nhiều năm của một công ty cổ phần tư nhân Mỹ. Tiền của Qatar đã biến PSG thành một “quyền lực mềm”, một “thương hiệu toàn cầu” và quốc gia vùng Vịnh này đã sử dụng truyền hình bóng đá như “vũ khí truyền thông” tại phần còn lại của lục địa. Công ty beIN Sports do chính phủ Qatar quản lý đã chi hàng tỷ đồng để có được bản quyền phát sóng các giải đấu từ Tây Ban Nha đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phụ thuộc của bóng đá châu Âu vào tiền của Qatar đã mang lại cho quốc gia này những ảnh hưởng đáng kinh ngạc.

Khi các chế độ chuyên chế đánh bóng lại hình ảnh của họ bằng cách tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá lớn, các tổ chức nhân quyền đã đặt ra một thuật ngữ mới để chỉ sự lột xác: “Sportswashing” (sử dụng thể thao toàn cầu để tẩy rửa tiếng xấu). PSG đã giành được tám chức vô địch Pháp trong 10 năm qua và tự hào có một số ngôi sao lớn nhất thế giới, kể cả Lionel Messi và Kylian Mbappé – tờ Mother Jones cho biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: