World Cup 2022 đã khẳng định một điều: Nhiều tiền không giúp được gì mấy cho bóng đá. Ecuador, đội bóng trung bình của Nam Mỹ, đã giúp đội Qatar, đương kim vô địch châu Á, mở mắt. Biển cả khác xa ao nhà, dù là cái ao to.
Có tiền chưa chắc mua được tiên
Qatar sống trên núi tiền từ dầu mỏ đã đạt được khá nhiều. Có tiền thì một triệu người Qatar có thể sai khiến hai triệu nô lệ để làm cho xứ sở của họ trở thành tâm điểm thế giới. Không chỉ giải World Cup 2022 đầy tranh cãi, mà rất nhiều sự kiện thể thao và chính trị khác đã được tổ chức ở Doha. Qatar đã trở thành một siêu cường mini, thao túng các xung đột ở Trung Đông. Qatar đang là một đế quốc Hồi giáo khiến cả thế giới phải bàn với họ mỗi khi muốn đạt được điều gì ở Afghanistan. Nền bóng đá Qatar được bơm tiền để hy vọng làm nên cơm cháo gì đó trong cơ hội ngàn năm có một tại World Cup 2022 này.
Vô ích, vì bóng đá khác với chính trị và kinh tế ở chỗ nó là cái gì đó gắn với văn hóa, với truyền thống. Các nước mới giàu như Trung Quốc, Qatar có thể dùng tiền để khuynh đảo nền chính trị và kinh tế thế giới. Nhưng cho dù có mở các trung tâm đào tạo hiện đại nhất, có mời các huấn luyện viên giỏi nhất, có bỏ tiền mời các siêu sao về đá ở nước mình, bệnh lùn vẫn không thể khắc phục được.
Chỉ những huấn luyện viên tầm trung cần tiền và chỉ có các siêu sao về hưu trên sân cỏ châu Âu mới chạy sang các nước này. Vì bóng đá cần có truyền thống. Giải bóng đá Trung Quốc có nhiều khán giả nhất thế giới, ăn tiền khủng từ quảng cáo và vé bán, vẫn chỉ là giải bóng đá mỳ xào. Từ mỳ xào đến sơn hào hải vị không chỉ là các món đổ vào chảo, mà là nghệ thuật, là truyền thống và ngày nay còn là cả một nền khoa học. Tất cả điều đó không thể mua bằng tiền.
Ngay cả ở các nước châu Âu có trình độ bóng đá lâu đời, đổ tiền vào một CLB cũng không ăn nhanh được. Manchester City và Paris Saint-Germain mua cầu thủ cả tỷ đôla cũng phải chờ mỏi mắt mới hy vọng giành được Cup Champions League.
Bóng đá đỉnh cao vẫn thuộc về “thực dân”
Giải World Cup 2022 này đem lại nhiều bất ngờ đầy kịch tính, ví dụ như Đức thua Nhật, Saudi Arabia quật ngã Argentina. Xưa nay vẫn vậy. Từ năm 1966, Bắc Triều Tiên đã quật ngã Italy. Ở giải World Cup 2018, Đức cũng bị Nam Hàn cho về vườn từ vòng bảng. Đó là sự diệu kỳ luôn chứa đựng trong bóng đá.
Có điều là trật tự thế giới bóng đá vẫn chưa thay đổi về cơ bản: “Chủ nghĩa thực dân bóng đá” của châu Âu và Nam Mỹ vẫn ngự trị. “Các nước thế giới thứ ba” (trong bóng đá) như Nhật Bản, Nam Hàn, Saudi Arabia, Senegal v.v. có được những thành tích bất ngờ tại các giải World Cup chính vì nhờ có kinh nghiệm từ châu Âu do hội “lính đánh thuê” mang về. Nền bóng đá ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ, thể hiện qua các giải vô địch quốc gia và khu vực, vẫn là “ao làng” so với hai nền bóng đá kia. Do vậy việc các trai làng quật đổ các võ sỹ thành đô mới là niềm cảm hứng mà bóng đá đem lại. Ai cho rằng “ao ta” nay đã to như biển tức là vẫn ngộ nhận.
Khoảng cách đang rút ngắn lại, nhưng còn lâu mới đến lúc người Việt háo hức xem giải vô địch Nhật Bản qua kênh K+, chứ đừng mong dân Đức xem tường thuật tại chỗ trận chung kết AFF như ta thức đêm xem từng trận vòng bảng Euro.
Thử nhìn Đông Á
Qatar hy vọng dùng tiền để nâng đội bóng của mình lên tầm thế giới, như họ đã làm trong hàng không, vũ trụ, truyền hình, giáo dục đại học, dầu khí v.v. Nhưng bóng đá khó hơn nhiều. Một nước với gần một triệu công dân và chỉ có 6,000 người biết đá bóng thì khó thể hy vọng kiến tạo được một nền bóng đá mạnh.
Có chăng chỉ là một nền bóng đá gà nòi. Các nước nhỏ như Croatia vẫn có thể có nền bóng đá mà ai cũng nể, vì đằng sau đó là cả một dân tộc hâm mộ. Người Qatar kéo đến sân xem đội nhà vì lòng tự hào, vì nghĩ rằng đội nhà sẽ oai lắm, chứ không mấy ai hâm mộ bóng đá. Khi đội nhà thua Ecuador đến quả thứ hai (ngày 20 Tháng Mười Một) thì họ bỏ về hết, để cho các cầu thủ tội nghiệp cô đơn trên sân nhà. Đó không phải fan của một nền bóng đá. Tiền không mua được lòng hâm mộ là vậy.
Nhưng trường hợp của Nhật và Hàn Quốc thì khác. Năm 1968, tại CHDC Đức, tôi đã được xem truyền hình trực tiếp đội tuyển Olympic Nhật tham gia giải đấu ở Mexico. Khi Nhật thắng Nigeria và hòa Tây Ban Nha, rồi hòa Brazil ở vòng bảng, chúng tôi đã gào khản cổ vì mừng vui cho dân Da vàng. Cuối cùng, đội Nhật giành huy chương đồng. Khi đó không phải vô cớ mà cả thế giới nói về “hiểm họa Da vàng”.
Nhật Bản và Hàn là hai nền kinh tế hàng đầu, và cũng là hai nền dân chủ mẫu mực ở châu Á. Họ có chính sách phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực, kể cả bóng đá. Cả hai đội đều chấp nhận làm “bị bông” nhiều thập niên cho các đội Âu-Mỹ tập làm bàn. Mặc dù không lớn tiếng kêu gào tiến lên tầm thế giới, nhưng bóng đá đã đạt được sự hâm mộ lớn trong xã hội và đó là nền tảng cho sự trưởng thành chậm nhưng chắc của hai nền bóng đá này.
Ngày nay, các cầu thủ Nhật và Hàn rất được ưa chuộng ở châu Âu. Ưa chuộng không chỉ vì kỹ thuật, thể lực rất tốt, mà vì sự đam mê, chịu khó và đặc biệt là sự khiêm tốn. Những Son Heung-Min, Shinji Kagawa có trình độ và hiệu quả không kém các siêu sao châu Âu, nhưng nhận lương thấp hơn và đặc biệt là rất lễ độ với huấn luyện viên, với khán giả và báo chí.
Từ giải World Cup 2002 được đăng cai song song ở Nhật-Hàn, tình hình đã thay đổi. Cả hai đội chủ nhà đều lọt vào vòng sau và cuối cùng Nam Hàn xếp thứ tư thế giới. Điều đáng nói là FIFA chấp nhận cho hai nước đăng cai được vào thẳng giải mà không ai cho đó là chiếc vé rẻ rúng như Qatar hay Nam Phi (vé của Nam Phi là vé chính trị vì thành tích hòa hợp dân tộc sau khi phá bỏ chủ nghĩa Apartheid nên không ai kêu ca).
Ở giải năm nay, hai đội Đông Á này lại lần nữa khẳng định sự phát triển bền vững của họ, khi đánh bại các đội sừng sỏ như Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Cái hay ở đây là họ không vỗ ngực nghĩ rằng mình đã là cha thiên hạ. Họ biết rằng sức mạnh của họ nằm ở kinh nghiệm của bóng đá châu Âu mà các cầu thủ của họ mang về. Sau lưng họ là hàng triệu người hâm mộ. Fan cũng ra fan, khi đội nhà thắng họ không cởi truồng chạy ra phố, không coi mình là cái rốn của vũ trụ. Đội nhà thua không bỏ về, ở lại đến cùng để dọn rác.
Trong vòng play-off World Cup 2022, có thể hai đội này sẽ bị ông lớn nào đó chặn lại, nhưng dù sao thành tích của họ là không thể chối cãi và hai nền bóng đá này trong tương lai gần sẽ nằm trong top 20 của thế giới. Đó là kết quả của đồng tiền đầu tư có bài bản.
Ở Đông Âu thì sao?
Trong khi đó, đồng tiền đã phá hoại bóng đá Đông Âu. Sau Thế chiến thứ hai, phe XHCN hình thành ở Đông Âu. Bóng đá và thể thao trở thành quốc sách của các nhà nước XHCN nhằm nêu cao tính ưu việt của chế độ. Khác với nền bóng đá chuyên nghiệp ở Tây Âu sống bằng tiền thu từ bóng đá, với quyền chuyển nhượng mua bán cầu thủ, bóng đá Đông Âu được nhìn nhận như một môn thể thao nghiệp dư, một môn “thể thao nhân dân”.
Nhà nước XHCN thao túng và chỉ đạo thể thao như mọi lĩnh vực xã hội khác. Câu lạc bộ ở đó đều thuộc các tổ chức nhà nước. Ví dụ các đội Dynamo ở Đông Âu, dù là ở Kyiv, Dresden hay Zagreb, đều thuộc ngành công an. Các đội Sao đỏ hay Spartak đều thuộc quân đội. Các liên hiệp xí nghiệp lớn đều bỏ tiền ra nuôi các đội bóng. Cầu thủ các đội công an thì đeo lon cảnh sát, quân đội thì là sỹ quan. Thấy nhân tài nào hay thì đưa vào nghĩa vụ quân sự. Nhà nước tạo ra các trường huấn luyện, trung tâm thể thao lớn.
Một số người có thể còn nhớ cơn lốc bóng đá Hungary từng làm khuynh đảo các sân cỏ châu Âu những năm 1950-1960. Trận thắng đội tuyển Anh 6-3 ngay tại sân Wembley ngày 25 Tháng Mười Một 1963 đã được lịch sử bóng đá coi là “Match of the Century” (Trận bóng thế kỷ). Trước đó, tại World Cup 1954 ở Thụy Sĩ, đội tuyển Hungary thậm chí thắng CHLB Đức 8-3 ở vòng bảng (tuy nhiên, trong trận Chung kết cuối cùng, Đức đã thắng Hungary 3-2).
Vụ xe tăng Liên Xô đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy 1956 của nhân dân Hungary đã tàn phá nền bóng đá nước này. Nhiều cầu thủ bị giết chết hoặc bỏ ra nước ngoài. Nhưng bóng đá Đông Âu vẫn phát triển. Trọng tâm chỉ chuyển dịch từ Hungary sang Nam Tư, Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan. Chiến thuật đá bóng ép (pressing), vốn được coi là phát minh của bóng đá hiện đại, đã được huấn luyện viên Liên Xô Viktor Maslow đưa vào thử nghiệm thành công tại các câu lạc bộ Torpedo Moskva và Dynamo Kyiv đầu những năm 1960. Cũng năm đó, Liên Xô giành chức vô địch châu Âu; và năm 1976 là đội Tiệp Khắc.
Năm 1983, trong một trận đấu giao hữu giữa CLB Viktoria Backnang của Đức và Dynamo Kyiv, ông Valeriy Vasylyovych Lobanovskyi đã áp dụng thành công chiến thuật ép ngược (counter pressing). Lobanovskyi vốn là nhà toán học nên tư duy bóng đá của ông rất khoa học. Ông cùng nhà tin học Anatoli Zelentsov đã mở đường cho việc ứng dụng máy tính phân tích đấu pháp và chuẩn bị cho trận đấu sau. Ông đã dẫn dắt Dynamo Kyiv hai lần đoạt Cúp C2 (Vô địch các đội đoạt cúp quốc gia) và đưa đội tuyển Liên Xô vào Chung kết giải Châu Âu 1988.
Trong phần lớn thế kỷ 20, bóng đá hướng về Đông Âu để tìm nguồn cảm hứng. Ở hai giai đoạn rất khác nhau, trước và sau Thế chiến thứ hai, Đông Âu là ngọn hải đăng của sự hiện đại và tư duy tiến bộ trong bóng đá. Tuy nhiên, sự sụp đổ của nền kinh tế XHCN và khi các đường biên giới Đông-Tây bị xóa bỏ năm 1990, nền bóng đá Đông Âu cũng tan rã. Các cầu thủ và huấn luyện viên giỏi đều bỏ xứ ra đi kiếm tiền ở phương Tây. Thiếu tiền, các trung tâm huấn luyện, nghiên cứu bóng đá của nhà nước bị giải thể. Hậu quả vô cùng nặng nề.
Năm 1986, Steaua Bucharest (CLB quân đội Romania) giành Cúp C1 và năm 1989 lại vào Chung kết C1. Năm 1991 Sao đỏ Belgrad (cũng của quân đội Nam Tư) giành Cúp vàng C1. Vậy mà từ đó đến nay không còn CLB nào của Nam Tư cũ và Romania vượt qua được vòng đấu bảng Champions League nữa. Trong Giải Bundesliga (Đức) hiện nay chỉ có một đội bóng xuất phát từ miền Đông, đó là Union-Berlin, còn lại tất cả CLB từng vang bóng một thời giờ đều chìm nghỉm trong hạng hai hoặc hạng ba. Đội RB-Leipzig đóng ở miền Đông có được chút tên tuổi là nhờ tiền của từ tập đoàn tư bản RED BULL đổ vào.
Ở Nga và Ukraine, các tập đoàn cá mập mới đầu tư vào các CLB bóng đá rất nhiều. Khách đến thăm các CLB ZSKA-Moskva, Zenith St. Petersburg, Schachtar Donetz hay Dynamo-Kiyv không khỏi ngạc nhiên về cơ ngơi huấn luyện ở đây. Có nhiều mặt chúng vượt xa các trung tâm ở Bayern hay Amsterdam.
Tuy nhiên, nền chính trị tham nhũng thao túng các liên đoàn bóng đá cũng như xã hội thiếu dân chủ, không minh bạch đã kìm hãm sự phát triển bóng đá ở hai nước này. So với đồng tiền của các ông lãnh chúa Ả-Rập đổ vào các CLB như Paris Saint-Germain hay Man City thì hiệu quả đầu tư vào bóng đá Nga, Ukraine thấp hơn rất nhiều. Do đó những kẻ có tiền như Roman Abramovich chỉ đổ tiền vào các CLB phương tây. Tất nhiên ở đâu bóng đá cũng gắn với tham nhũng. Nhưng ở những xứ có pháp luật minh bạch, báo chí có tiếng nói giám sát, đồng tiền đầu tư vào bóng đá sẽ nảy nở nhanh hơn và bóng đá được hưởng lợi.
Cuối cùng, hậu quả là bóng đá Đông Âu giờ đây vẫn lẹt đẹt. Sức sống và truyền thống của thời kỳ hoàng kim trước 1990 chỉ đủ để duy trì mảnh đất sản sinh ra các tài năng “đánh thuê” cho Tây Âu.
Xét về truyền thống và sự hâm mộ bóng đá, Việt Nam có lợi thế hơn hẳn Nhật và Hàn. Từ hơn 20 năm qua, đã có những đại gia Việt Nam đầu tư vào bóng đá một cách bài bản và đầy tham vọng. Cũng là đổ tiền, nhưng sự khởi sắc của bóng đá Nhật hay Hàn; tương phản với sự trì trệ của nền “bóng đá tỷ phú” Nga hay Ukraine, cho thấy rõ rằng: Đổ tiền vào bóng đá mà không cải cách xã hội thì dù có tiềm năng đến mấy cũng tịt.