Đội tuyển túc cầu Croatia, vì sao “nhỏ mà có võ”?

Croatia – một trong những đội gây ấn tượng mạnh nhất World Cup 2022 (ảnh: Justin Setterfield/Getty Images)

Từ cuộc chiến Balkan đẫm máu đến một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch tại World Cup 2022, điều gì đã biến Croatia thành một cường quốc bóng đá?

Nhỏ nhưng có võ

Panama, Mauritania, Georgia và Eritrea là bốn quốc gia có dân số gần bằng Croatia và tất cả từng một lần tham dự World Cup. Năm 2018 Panama thi đấu tại World Cup Nga 2018, kết thúc vòng bảng với ba trận thua và để thủng lưới 11 bàn. Nhưng lịch sử World Cup của Croatia là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong sáu lần tham dự World Cup, quốc gia này đã ba lần lọt vào bán kết. Cách nay bốn năm, tại FIFA World Cup 2018, Croatia lọt vào đến chung kết nhưng để chức vô địch lọt vào tay Pháp.

Croatia – với dân số dưới bốn triệu người giành được độc lập vào năm 1991 sau cuộc chiến tranh Balkan đẫm máu kéo dài đến năm 1995 – đã làm khán giả gần như thẫn thờ khi song đấu với siêu cường bóng đá Brazil dân số 214 triệu người ở tứ kết World Cup Qatar và chiến thắng trong loạt đá luân lưu, loại khỏi vòng chiến World Cup ứng viên vô địch số 1. Chiến tích được ví với cách David hạ gục người khổng lồ Goliath. Đối thủ tiếp theo của Croatia là “người khổng lồ” Lionel Messi của đất nước Argentina dân số 45 triệu người đang khát khao danh hiệu vô địch World Cup.

Tuyển Croatia sau một chiến thắng tại World Cup 2018 (ảnh: Alex Livesey/Getty Images)

Igor Štimac, người ra sân trong tất cả trận đấu tại World Cup 1998 của Croatia khi Croatia giành vị trí thứ ba, nói với CNN: “Chính lịch sử gần đây của đất nước tôi đã góp phần tạo nên thế hệ cầu thủ ưu tú”. Štimac, từng huấn luyện đội tuyển quốc gia Croatia từ 2012-2013, giải thích:

“Người dân chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn để tồn tại, giành độc lập, chiến đấu chống xâm lược từ các nước láng giềng. Chính những trải nghiệm đau thương này đã giúp duy trì sức mạnh tinh thần, kỷ luật tuyệt vời, tính khiêm tốn và niềm tự hào, bất kể khó khăn nào phía trước. Nhưng chúng ta không thể nói rằng chỉ có cuộc chiến tranh đẫm máu mới giúp tạo ra kỳ tích mà còn những yếu tố khác như khí hậu, văn hóa”.

Srđan Fabijanac, phóng viên bóng đá Croatia có mặt tại Doha để đưa tin về tuyển quốc gia, bổ sung: “Chính sự hòa hợp và đoàn kết của đội đã chứng tỏ một lần nữa là sẽ có một kỳ World Cup phi thường khác cho các chàng trai Vatreni (Blazers)”. Fabijanac gọi đội tuyển là một “gia đình” được xây dựng bởi những cầu thủ giàu kinh nghiệm như Luka Modrić, Ivan Perišić, Dejan Lovren và những gương mặt mới như Joško Gvardiol, Borna Sosa. Fabijanac nói: “Bạn đã thấy những gì đã diễn ra ở World Cup này. Brazil có những cầu thủ xuất sắc, Bồ Đào Nha có những cầu thủ xuất sắc, Đức có những cầu thủ xuất sắc. Nhưng theo tôi, họ không có tinh thần tập thể mạnh như đội Croatia. Đó chính là bí quyết đã biến Croatia thành một đội rất mạnh”.

Huấn luyện viên Zlatko Dalic của đội tuyển quốc gia Croatia (ảnh: Adam Davy/PA Images via Getty Images)

Ngoi lên từ đống đổ nát

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các phong trào dân chủ lan rộng khắp Đông Âu, ảnh hưởng đến cả Liên bang Nam Tư. Khi các chính phủ không cộng sản được bầu ra ở bốn trong sáu nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ, chính phủ liên bang bắt đầu sụp đổ và sự chia rẽ sắc tộc đẫm máu nổi lên. Đến năm 1991, một Cộng hòa Croatia mới, giàu có, tìm cách thành lập một liên minh lỏng lẻo hoặc giải thể liên bang hoàn toàn. Serbia, nghèo tài nguyên hơn, đã phản đối kịch liệt.

Tháng Sáu 1991, Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập. Giao tranh nổ ra nhanh chóng khi quân đội Nam Tư, gồm chủ yếu người Serb, cố gắng ngăn cản Slovenia thành lập các đồn biên phòng riêng. Vào Tháng Bảy, giao tranh bắt đầu giữa lực lượng Croatia và dân quân Serb trong nội địa Croatia. Trong các nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ, chỉ có nước nhỏ nhất Montenegro đứng về phía Serbia. Hai nước cộng hòa còn lại, Bosnia-Herzegovina và Macedonia, bỏ phiếu ủng hộ độc lập.

Năm 1992, thiểu số người Serbia ở Bosnia được quân đội liên bang giúp đỡ cố gắng tạo ra một lãnh thổ độc lập riêng và bao vây Sarajevo. Nam Tư bị loại khỏi Đại hội đồng LHQ, sau khi có khoảng 20,000 người chết và hơn hai triệu người phải tị nạn vì chiến tranh và “thanh trừng sắc tộc”. Những gì diễn ra sau đó thuộc về lịch sử với sự can thiệp mạnh mẽ của khối NATO.

Fabijanac cho rằng dù một số người trong đội tuyển hiện nay chỉ sinh ra sau cuộc chiến tranh Balkan đẫm máu, nhưng lịch sử chống xâm lược là động lực lớn giúp họ vươn lên. Ông nói:

“Bởi vì chúng tôi là một quốc gia nhỏ, chúng tôi có một cuộc chiến rất tồi tệ gây đau khổ cho nhiều người dân. Cầu thủ bóng đá cũng như vận động viên trong các môn thể thao khác cũng được xem là anh hùng dân tộc. Khi chúng tôi chơi cho đội tuyển quốc gia trong bóng đá hoặc bất kỳ môn thể thao nào, chúng tôi chơi với 110% sức mình! Chúng tôi muốn làm điều gì đó cho đất nước và bóng đá có trong máu. Mọi nam thanh niên ở Croatia đều muốn trở thành cầu thủ. Đầu tiên chúng học cách đi bộ, sau đó lấy một quả bóng hoặc thứ gì đó có sẵn để chơi. Đối với một quốc gia nhỏ như Croatia, việc có một đội tuyển quốc gia tuyệt vời là rất quan trọng. Cháu gái tôi mới ba tuổi không chơi búp bê, chỉ chơi với bóng và luôn mồn nói: Modrić, Modrić, Modrić. Đó là điều thật tuyệt vời!”.

Zagreb, Croatia ngày 9 Tháng Mười Hai 2022: Người hâm mộ ăn mừng chiến thắng của đội tuyển nhà (ảnh: Stipe Majic/Anadolu Agency via Getty Images)

Liên đoàn túc cầu Croatia nộp đơn xin qui chế thành viên, được FIFA chấp nhận vào năm 1992 và UEFA chấp nhận một năm sau đó. Croatia không mất nhiều thời gian để ghi dấu ấn trên đấu trường bóng đá quốc tế. Đầu tiên là lọt vào tứ kết Euro 1996, đánh bại tuyển Đan Mạch đầy ngôi sao.

Hai năm sau, trong lần đầu tiên tham dự World Cup, Croatia lọt vào bán kết năm 1998 tại Pháp và đứng thứ ba. Họ có một thế hệ cầu thủ vàng đầu tiên được dẫn dắt bởi Davor Šuker, Robert Prosinečki và Zvonimir Boban với những ngôi sao sáng giá khác, Croatia vượt qua vòng loại World Cup 2022 với hai chiến thắng trong nhóm rồi đánh bại Romania và Đức ở vòng loại trực tiếp, trước khi thua Pháp (vô địch) ở bán kết. Šuker là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất và bộ trang phục màu đỏ, trắng đặc trưng đi vào truyền thống bóng đá Croatia từ đó.

Tinh thần “gia đình” là bí quyết của chiến thắng

Štimac nói chính các đồng đội cũ và đội tuyển của anh đã đặt nền móng cho “di sản bóng đá hiện đại” của Croatia. “Thế hệ của chúng tôi là khó khăn nhất vì phải gánh trách nhiệm xây dựng một nền văn hóa yêu bóng đá. Là một quốc gia nhỏ mới được công nhận trong bóng đá nên không ai đánh giá cao bạn. Vì vậy, chúng tôi phải làm thật tốt”.

Zlatko Dalić được giao trọng trách huấn luyện viên đội tuyển Croatia vào năm 2017 đã tạo ra bước ngoặc khác. Nhận nhiệm vụ sau khi đội tuyển vượt qua vòng loại World Cup 2018, Dalić chịu áp lực lớn. Với nhiều cầu thủ ngôi sao của đội đang ở đỉnh cao (đặc biệt là bộ ba tiền vệ Modrić, Ivan Rakitić và Marcelo Brozović), Croatia được kỳ vọng sẽ thi đấu tốt. Nhờ sự hòa hợp mà Dalić tạo ra trong đội, tuyển Croatia đã vượt quá mong đợi của mọi người khi lọt vào trận chung kết – thể hiện sự gan dạ và kiên cường để giành chiến thắng hai lần trên chấm phạt đền, sau đó là chiến thắng trong hiệp phụ trước Anh ở bán kết, trước khi bị Pháp đánh bại trong trận chung kết.

Dominik Livakovic (áo số 1) – một trong những thủ môn xuất sắc nhất World Cup 2022 (ảnh: Zhizhao Wu/Getty Images)

Khi trở về quê nhà, đội tuyển quốc gia được chào đón như những người hùng (với hơn 500,000 người hâm mộ biến đường phố Zagreb thành một tấm thảm màu đỏ và trắng để ăn mừng thành công). “Năm 1998, chúng tôi có nhiều cầu thủ tốt như Boban, Šuker, Prosinečki, (Robert) Jarni, nhưng có lẽ họ không ăn ý lắm để làm được những gì đội tuyển hiện nay đang làm được” – Fabijanac nhận định – Hiện chúng tôi chỉ có một ngôi sao, Luka Modrić. Những cầu thủ khác không phải ngôi sao tầm cỡ như Kylian Mbappé của Pháp; Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha; hay Neymar của Brazil. Nhưng đội là một gia đình cực kỳ đoàn kết và đó là điều quan trọng nhất”.

Với Modrić và thủ môn Dominik Livaković đang ở phong độ cao nhất và trong đội, ai cũng có thể ghi bàn bất ngờ khi có bóng, đội tuyển Croatia tiếp tục gây bất ngờ, giống như cách đây bốn năm. Stimac nói: “Khi chúng tôi đến để đại diện cho đội tuyển quốc gia, tất cả những ‘cái tôi’ phải biến mất. Không có chỗ của ‘cái tôi quá lớn’ trong phòng thay đồ của đội tuyển quốc gia Croatia. Mọi người đều hiểu điều đó. Không ai vĩ đại hơn đội bóng! Không ai vĩ đại hơn HLV và đó là bí quyết đưa chúng tôi đến chiến thắng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: