Tình thế Argentina nghiệt ngã hơn trên sân bóng rất nhiều: Lạm phát không giảm tốc và gần 40% dân số Argentina hiện sống dưới mức nghèo khổ. Tờ The Economist lưu ý: “Ngày nay, nền kinh tế Argentina đã được kềm giữ bằng hệ thống kiểm soát giá cả và hối đoái. Nhưng lạm phát vẫn gần 100% trong năm nay, và trên thị trường chợ đen (được chấp nhận) đồng peso có giá trị thấp hơn 1/4 giá trị của nó so với cách nay ba năm. Chính phủ ăn đong ngân sách từng tuần!”.
Đất nước chao đảo với khủng hoảng kinh tế
Vào đầu Tháng Chín 2022, Bộ trưởng Tài chính Argentina Sergio Massa đến Washington. Được mệnh danh là “siêu bộ trưởng”, Massa ấp ủ nhiều danh mục đầu tư khi ông điều hành nền kinh tế của một đất nước “không tìm được lối ra”. Ông có mặt tại thủ đô nước Mỹ như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm ổn định nền kinh tế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Argentina ngập trong nợ nần, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt và đứng trên bờ vực của siêu lạm phát. Ưu tiên trong chuyến đi “cứu nguy” này là những giao dịch thương mại được kỳ vọng và các cuộc đàm phán vay nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vào thời điểm đó, áp lực lạm phát cũng đang tấn công nước Mỹ. Khi được hỏi liệu có bài học nào mà người Mỹ có thể rút ra từ kinh nghiệm khủng hoảng ngân sách kinh niên của Argentina? Massa trả lời thẳng thắn: “Chúng tôi luôn học hỏi và không đủ khả năng dạy bất cứ điều gì cho bất cứ ai!”.
Trong những tháng kể từ đó, Massa luôn giữ vững hướng đi của mình: Tìm cách ngăn chặn những điều tồi tệ nhất xảy ra như cảnh báo của các chuyên gia kinh tế. Ông hiện là một trong những ứng cử viên được yêu thích trong vai trò lãnh đạo đảng Peronist bị mất uy tín và chia rẽ trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Từ khi bước vào World Cup trong tháng qua, người dân Argentina khốn khổ gần như sống bằng những bàn thắng và chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia thân yêu sau hụt hẫng ban đầu: thua Saudi Arabia ở trận đầu vòng bảng. Vào Chủ nhật 18 Tháng Mười Hai 2022, Argentina sẽ đối mặt trong cuộc tái đấu định mệnh với Pháp ở trận chung kết.
Chiến thắng sẽ đánh dấu chức vô địch World Cup thứ ba cho quốc gia Nam Mỹ điên cuồng vì bóng đá và là chiến tích đưa sự nghiệp vốn đã vô song của tiền đạo Lionel Messi lên tột đỉnh như “cầu thủ vĩ đại nhất” từng chơi môn thể thao này. Giấc mơ cúp vàng đã chiếm lĩnh trí tưởng tượng của cả nước.
Dù sống cách xa Qatar ở Vùng Vịnh hàng ngàn dặm, nhưng người Argentina là một trong những nhóm cổ động viên lớn nhất đến Qatar, một thực tế mà bất kỳ ai tham dự hoặc xem các trận đấu của Argentina trên màn ảnh nhỏ đều phải công nhận. “World Cup là cơ hội để phục hồi nhiệt huyết ở một đất nước đang sống trong tuyệt vọng và ngập tràn cảm giác thất bại – José Abadi, bác sĩ tâm lý ở Buenos Aires, nói với tờ The Washington Post ngay trước khi World Cup bắt đầu – Cơ hội giành chiến thắng lần nữa và đạt được sự công nhận toàn cầu về chất lượng bóng đá của chúng tôi còn giá trị hơn số tiền chúng tôi đang nợ”!
Nhà báo Argentina Martin Mazur nói trên một podcast gần đây: “Chính phủ đã phải tổ chức một cuộc họp đặc biệt về cách giải quyết tình trạng thiếu… sticker bóng đá vì nó có tác động rất xấu đến tâm trạng của người dân. Và bây giờ, ngay cả khi lạm phát rất cao, hàng ngàn người Argentina vẫn cố gắng đến Qatar để xem trận bán kết và chung kết. Theo đúng nghĩa đen, họ đã dồn tất cả số tiền họ tiết kiệm được trong nhiều năm chỉ để có mặt ở đây và chờ… ăn mừng”.
Sau niềm vui bóng đá thì là gì?
Đối với Massa và các đồng minh của ông, đây là một cơ hội rõ ràng. Federico Rivas Molina viết trên tờ El Pais của Tây Ban Nha: “Ở Argentina, mọi người không nói về điều gì khác. Chiến thắng trước Croatia vào tuần trước trong trận bán kết đã định hình tuyên ngôn của công chúng. Các gia đình thảo luận về nơi họ sẽ xem trận chung kết với Pháp vào ngày Chủ nhật và các chính trị gia đang cố gắng giữ tư thế thấp để tránh thu hút sự chú ý của công chúng”.
Bóng đá, có lẽ hơn bất kỳ môn thể thao nào khác, có khả năng mang lại những khoảnh khắc không tưởng. Việc Morocco lọt vào đến tận bán kết giải đấu năm nay đã khơi dậy tình yêu và sự đoàn kết đáng kinh ngạc từ khắp Trung Đông, thế giới Arab, Châu Phi và sẽ được nhớ lại một cách kiêu hãnh trong nhiều năm tới.
“Điều kỳ diệu của bóng đá là nó có thể mang đến hạnh phúc vừa thoáng qua vừa vĩnh cửu – nhà văn người Argentina Ariel Scher nhận định với hãng tin AFP – Không có vấn đề nào được giải quyết hoặc loại bỏ nhờ chiến thắng, nhưng nó sẽ làm chúng ta choáng ngợp một thời gian và sẽ để lại ký ức lâu dài”. Nhưng làm thế nào để xử lý ổn thỏa niềm hạnh phúc như một ân sủng sau những ngày hồi hộp chờ đợi vinh quang sẽ là bài học mà người Argentina cho thế giới.
Trong bối cảnh đó, thất bại trước Pháp, nhà đương kim vô địch thế giới, có thể là thảm họa dù một số người ở Argentina cố gắng giữ bình tĩnh. Bộ trưởng Lao động Kelly Olmos đã nhắc nhở các phóng viên nên chú ý về “những gì đã xảy ra trên đường phố” khi Argentina vô địch World Cup 1978 tổ chức tại quê nhà lúc chế độ độc tài quân sự còn nắm quyền.
“Chúng tôi (lúc đó) đang sống dưới chế độ độc tài, bị đàn áp không biết ngày mai ra sao, nhưng khi Argentina đoạt chức vô địch, chúng tôi tạm quên hết và tràn ra đường ăn mừng – Olmos nói – Nhưng sau đó phải quay lại thực tế phũ phàng”. Người hâm mộ Argentina có thể hy vọng vào một sự tha thứ lớn hơn nếu đội nhà chiến thắng tại Qatar nhưng dẫu thế nào thì họ cũng trở về với cuộc sống thường nhật, với câu hỏi lớn nhất: Ngày mai kiếm được bao nhiêu tiền để tiếp tục sống và chờ sự huy hoàng vào mùa World Cup kế tiếp.
__________
Lionel Messi
Argentina vẫn ngồi dưới cái bóng quá lớn của huyền thoại bóng đá quá cố Diego Maradona, người đã giúp đất nước mình giành chức vô địch World Cup năm 1986 và, nhờ danh tiếng và tính cách “không giống ai” ông đã xây dựng được một đội quân cổ động viên Argentina trên khắp thế giới.
Trong con mắt của những người cuồng tín ở những quốc gia xa xôi như Ấn Độ và Bangladesh, Messi chỉ là “người đi theo bước chân của Maradona”. Thật vậy, Messi bị di sản của Maradona che khuất. Đối với tất cả những danh hiệu và giải thưởng anh giành được ở cấp câu lạc bộ châu Âu, Messi chưa bao giờ nhận được tình cảm ở quê nhà như Maradona, người đã đạt được điều gì đó mà tiền đạo tài năng siêu phàm Messi vẫn chưa đạt được.
Ngoài ra, Messi từng phải đối mặt với những thất bại nặng nề, trong đó có cả trận chung kết World Cup 2014 và bị loại một cách nhục nhã ở Nga năm 2018. Bị dày vò bởi thất bại, Messi thậm chí phải giã từ đội tuyển quốc gia trong một thời gian ngắn. Nhưng khi Messi 35 tuổi sắp bước vào giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp (anh đã thừa nhận với các phóng viên trong tuần này đây gần như chắc chắn là World Cup cuối cùng của anh) sự cuồng nhiệt và tình yêu dành cho anh bất ngờ tăng lên.
Tại các sân vận động ở Qatar, người hâm mộ Argentina ca ngợi đất nước họ là “vùng đất của Diego và Leo”. Tất cả đều muốn Messi tiến tới chiến thắng cuối cùng để được hưởng trọn vẹn ánh hào quang cho mình và cho đất nước. Trong khu vực dành cho báo chí của trận đấu vòng bảng Argentina-Ba Lan, một phóng viên Argentina nói với phóng viên Ishaan Tharoor của tờ The Washington Post: “Trong nhiều năm, đất nước của tôi đã chờ đợi Messi giúp họ vô địch World Cup. Bây giờ, đến phiên cả nước muốn muốn giành chiếc cúp cho Messi”.