Viết cho người bạn trăm năm…

Hình minh họa: kristina-litvjak-unsplash

Tay nâng chén muối đĩa gừng.
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Nếu có kẻ ác độc nào dí súng vào đầu, hay kề dao sát cổ bạn, rồi cắc cớ đưa ra câu hỏi định mệnh:
a/ mày phải chết, b/ vợ mày phải chết, hãy chọn 1 trong 2”, thì….? 

Không biết đã có tổ chức nào trên thế giới làm thống kê về vấn đề này chưa: Bao nhiêu phần trăm người chọn a/, bao nhiêu phần trăm chọn b/? Nhưng bản thân tôi xin được thưa rằng, khỏi cần đắn đo, khỏi cần suy nghĩ, tôi sẽ chọn ngay giải pháp a/: Bước xuống địa ngục thay cho bà xã mình.

Để chuộc tội vì dám nhập đề bằng câu chuyện gây “phản cảm”, xin được trích vài câu thơ của Ringelnatz, nhà thơ trào phúng Đức, sống đầu thế kỷ XX. Ông này không chấp nhận mình là thi sĩ, vì ông thường sử dụng nhiều câu, chữ khá ngây ngô, nhiều hình tượng châm biếm là vật dụng hằng ngày, hộp đựng thuốc lá, cục gạch, củ hành, cái rây bột, con tem, con kiến, ngựa biển v.v., nhưng những thứ hỗn độn ấy tập hợp lại, bỗng dưng biến thành tác phẩm nghệ thuật:

Ich habe Dich so lieb!

Ich würde Dir ohne Bedenken

eine Kachel aus meinem Ofen

schenken….    

được ai đó phỏng dịch ra tiếng Anh như sau:

I do love you so much!

Without hesitation I would give you

A Dutch tile of my stove

As a present….

và xin được phóng tác ra tiếng Việt:

Ta yêu em hết ga!

nên chẳng cần suy tính cao xa

sẵn sàng móc bóp ra

chi một xấp đô la

mua tấm vé hạng A

làm phi hành gia

bay vào vũ trụ bao la

lấp lánh bao vì sao xa

ghé dải ngân hà

bẻ khóa căn nhà

của chị Hằng Nga

trộm một ánh trăng ngà

đem lồng trong bản tình ca

với muôn ngàn lời thiết tha

hát tặng bạn trăm năm của ta.

Hình minh họa: michel-grolet-unsplash

Viết về người bạn trăm năm, hình như chúng ta bắt đầu từ một số nghịch lý. Đối tượng ấy cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng sống bên cạnh ta suốt một quãng đời, xấu, tốt, hay, dở, ngày qua ngày phơi bày ra đó, tưởng như rằng cứ bóc ra xem, là ta sẽ hiểu hết ngọn ngành. Thế nhưng các cụ ngày xưa đã phán: Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Hóa ra người bạn trăm năm cũng như những con búp bê truyền thống babushka của Nga, mở con ở ngoài cùng ra thì lại xuất hiện một con khác nhỏ hơn nằm ở phía trong, và cứ thế, mở con này ra lại có một con khác, chẳng biết đâu là cốt lõi, đâu là bản chất, đâu là khởi đầu, đâu là kết cục. 

Đề tài này, vì vậy, vừa dễ vừa khó. Nghịch lý là ở chỗ đó. Ngoài ra bút sa gà chết, viết loạng quạng không giữ ý giữ tứ, nhất vợ nhì trời, u đầu sứt trán như chơi. Rút kinh nghiệm xin được thưa rằng, cứ chung chung trừu tượng mà chơi là ăn chắc mặc bền.

Mỗi người chúng ta chỉ là một nửa. Chắc đây là ý tứ lấy từ thần thoại Hy Lạp. Theo đó con người ngày xưa có bốn chân, bốn tay, một đầu nhưng hai cái miệng. Cái miệng bên ni và cái miệng bên nớ, nằm kề bên nhau, tha hồ đay nghiến, cãi cọ nhau bất kể ngày đêm. Chỉ một cái miệng thôi cũng đủ điếc con ráy huống hồ là hai cái miệng. Vì thế thần Zeus, phải nghe léo nhéo mãi, quá tức giận, bèn tách con người ra làm hai mảnh. Từ đó nửa bên ni cứ phải đi tìm nửa bên nớ, vì thương quay nhớ quắt cũng như cần đối tượng để cãi cọ. Từ đó loài người chúng ta mới có tình yêu đôi lứa, duyên nợ vợ chồng. Nhưng theo thiển ý cá nhân, thật ra đó chỉ là sự thèm thuồng hồi tưởng lại cái thời cùng nhau lời qua tiếng lại trên đủ mọi cung bậc, bao hết mọi đề tài, rất ư mặn nồng. Chẳng có gì lạ, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã phải thốt lên:

Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ …

Hình minh họa: will-o-unsplash

Đó là bàn về thần thoại Hy Lạp. Còn nói về Việt Nam, một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tay trái (1) thì phán rằng, cặp từ “vợ chồng” nguyên thủy viết và phát âm là “bợ chồng”. “Bợ” là ở dưới đùn lên, còn “chồng” là ở trên đè xuống. Đây rõ ràng là: 1/ Biểu hiện quan niệm trọng nam khinh nữ của lễ giáo ngày xưa, 2/ Biểu hiện tư thế ăn nằm nam nữ. Quả thật chúng ta thấy có những trường hợp biến chuyển của hai phụ âm B và V, như “bụ” và “vú”,”bái” và “vái”, “băm” và “vằm”, “béo” và “véo”… Trong tiếng Việt, hiện tượng biến âm tiết cũng thường xuất hiện, khi đi từ địa phương này sang địa phương kia. Có một thí dụ không biết chính xác tới đâu: Bánh Phu Thê (Chồng Vợ) ngoài Bắc trở thành bánh Su Sê, Xu Xê tại Huế?

Tôi có đọc được đâu đó trên mạng Internet rất nhiều lời bàn về người Vợ, nhưng cái định nghĩa sau thì cảm thấy rất chí lý vì hợp với hoàn cảnh bản thân: “1000 năm trước Vợ là Nương Tử, 500 năm sau Vợ là Thê Tử, hiện nay Vợ là Sư Tử, trong tương lai Vợ là Bom Nguyên Tử”. Chuyện ví von Vợ là Sư Tử Hà Đông, hay có máu ghen Hoạn Thư, cằn nhằn thế này thế kia v.v., chắc đa số chúng ta, ai cũng biết, xin được khỏi nhắc lại trong bài này.

Trở lại cái thí dụ giả tưởng ví von ở phần mở đầu với kẻ ác độc dí súng, kề dao, có một bậc trí giả trầm ngâm bỗng cắc cớ phân tích: “Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa, vì thế ta chọn giải pháp a/, vừa được tiếng thơm sẵn sàng hy sinh cho vợ, vừa xuất thế khỏi cuộc sống lứa đôi hiện nay có thể rùng rợn như địa ngục trần gian” nghe thấy cũng có lý; Nhưng đó là chuyện giả tưởng 100 phần 100, còn sau đây là chuyện cổ tích rất có thể xảy ra. Cả hai đều chứa câu h̉ỏi định mệnh, một là đặt người nam giới, hai là đặt người nữ giới, trước quyết định liên quan đến vận mệnh người bạn trăm năm của mình, và như thế cuối cùng cũng là liên quan gián tiếp đến bản thân mình.

Hình minh họa: sandy-millar-unsplash

Nhà văn Mỹ, Frank Stockton, năm 1882 xuất bản chuyện ngắn “The Lady or the Tiger”, tạm dịch là “Người đẹp hay ông ba mươi”. Có thể các em sinh ra và lớn lên tại Bắc Mỹ, đều đã học hay biết rõ chuyện ngắn nói trên. Riêng đối với những ai chưa nghe qua nó, xin được phép tóm tắt nội dung rất đại khái như sau: 

Xưa có một ông vua rất thâm hiểm. Vô tình biết cô công chúa con gái mình muốn làm bạn trăm năm với một thanh niên đẹp trai nhưng không môn đăng hộ đối, ông vua bắt anh chàng này đem ra xử tội. Phiên tòa công khai, thanh niên được phép chọn mở một trong hai cánh cửa phòng. Một phòng có cô gái đẹp nào đó mà anh ta phải lấy làm vợ. Phòng kia chỉ có con cọp và anh ta sẽ bị ăn thịt. Cô công chúa nhờ có đường dây quen biết nên biết rõ bí mật sau hai cánh cửa định mệnh. Cô sẽ hé lộ bí mật này cho người yêu trăm năm vào ngày phán xử. Nhưng cô ta sẽ hé lộ ra sao? Chỉ cho người yêu mở căn phòng có con cọp thì người yêu sẽ chết. Chỉ cho người yêu mở cánh cửa có cô gái xinh đẹp, thì người yêu tuy được sống, nhưng mình sẽ trắng tay, tức lộn ruột, vì anh ta sẽ vui vầy duyên mới”. Frank Stockton viết đến đây thì có lẽ mỏi tay nên ngừng lại, phải chăng ông muốn để cho thành phần nữ giới viế́t tiếp câu chuyện cắc cớ bỏ dở?


Tài liệu tham khảo: 

(1) Tiếng Việt Dễ Mà Khó của Nguyễn Hưng Quốc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: