Khi Thế hệ Z (Gen Z) nhìn lại đại dịch đã cướp đi những năm tháng quan trọng trong tuổi trẻ của họ và đồng thời nhìn về tương lai một hành tinh đang suy thoái nhanh chóng, phong cách đặc trưng ồn ào, gợi cảm, khiêu khích của họ trông giống như một kiểu xuất thần cuồng loạn sinh ra từ sự diệt vong sắp đến.
Người lớn mới… bị bệnh!
Năm 2022, khi nước Mỹ thoát khỏi đại dịch, người dân Mỹ có cái nhìn thoáng qua về “năng lượng hoang dã của thẩm mỹ” Thế hệ Z tiếp theo. Bí ẩn được chờ đón nhiều nhất của bộ phim truyền hình “The White Lotus’s” mùa thứ hai, tưởng là ai sẽ chết ở tập cuối cùng, nhưng trong suốt bộ phim, khán giả lại bị ám ảnh, bởi nhân vật Portia mới tốt nghiệp đại học do diễn viên Haley Lu thủ vai, ăn mặc một cách quái đản! Theo Washington Post.
Ám ảnh thứ hai, Richardson lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh với chiếc áo vest len có hoa văn màu lục nhạt và xanh ngọc lam với một chiếc vòng cổ. Chưa hết, chiếc áo sơ mi bóng bầu dục phá cách của diễn viên Tommy Hilfiger trông rất chỏi với chiếc quần vải lanh có dây rút của mình! Còn nữa, Hilfiger gây hoang mang với một chiếc bikini in hình ngựa vằn! Rồi một chiếc áo len cầu vồng có nhún trên vai áo. Khi Portia xuất hiện trên màn hình trong chiếc áo sơ mi của nhà thiết kế Lee Pipes ngay sau bộ trang phục băng đô và pháo sáng gây ảo giác vũ trụ phù hợp với nhóm ca nữ Spice Girl hơn, người dùng Twitter hết lời khen ngợi. Họ thú vị hỏi nhau chiếc mũ vải xô móc nói về cái gì? Những khán giả trẻ tuổi và có ý thức về “thời trang thế hệ” khẳng định những bộ trang phục quái dị trong phim hoạt động hiệu quả và là cuộc cách mạng.
“Chỉ có bộ não của người xem lớn tuổi mới là bị hỏng!” một khán giả trẻ nói. Tạp chí Harper’s Bazaar tuyên bố: “Portia không hề dị hợm mà là nhân vật ăn mặc đẹp nhất trên truyền hình”. Trong khi tờ New York Times khẳng định: “Vấn đề chính là chúng gây tiếng vang như bom!”. Nhà thiết kế trang phục của chương trình bảo vệ các lựa chọn phong cách của Protia trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí “W”: “Phong cách ăn mặc của cô bị những fan TikTok… ngấu nghiến! Chúng tôi nghĩ Protia có lý khi cố gắng thể hiện sự kết hợp hỗn loạn của các xu hướng thời trang”.
Chiếc áo mà phần lớn nước Mỹ lần đầu tiên nhìn thấy nhiếp ảnh gia Johnny Cirillo mặc theo phong cách đường phố trên tài khoản Instagram @watchingnewyork nổi tiếng của anh, thực ra được nhiều người trẻ tuổi tụ tập ở những khu phố sành điệu nhất của thành phố New York mặc suốt nhiều tháng trước đó. “Trước đại dịch COVID-19 tôi thấy phong cách đơn sắc chiếm ưu thế. Màu be trên và dưới, trắng trên và dưới, đen trên và dưới. Nhưng sau đại dịch, mọi thứ bỗng trở nên bát nháo và ồn ào, đa sắc ở giới trẻ,” Cirillo nhận định. “Dĩ nhiên, cũng sexy hơn. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều áo ngực, áo lót mặc ngoài hay quần áo trong suốt như bây giờ!”.
Cuộc cách mạng thời trang của Gen Z
Nói cách khác, Portia là điển hình được bàn tán nhất về “thẩm mỹ Gen Z”. Năm 2020, lúc xã hội đột ngột bị hút vào đường hầm COVID-19, Thế hệ thiên niên kỷ (Gen M) vẫn là lực lượng thống trị thời trang, trong khi những thành viên lớn tuổi nhất của Thế hệ Z mới 23 tuổi. Họ là những người tiêu dùng độc lập còn non trẻ. Giờ đây, khi nhiều người Mỹ trẻ bất ngờ khi chứng kiến cảnh tượng Gen Z lên nắm quyền thời trang và cố thoát khỏi quy tắc ăn mặc đoan chính của người lớn bằng các hoa văn, màu sắc và hình bóng đối lập tạo thành sự kết hợp hỗn loạn.
Trên đường phố khắp nước Mỹ, những người trẻ sành điệu trông thật ấn tượng. Họ bước ra khỏi đại dịch mang theo cả sự hưng phấn và mệt mỏi vào thời trang khi sẵn sàng hoà mình trở lại vào thế giới họ đã biết trước đây để… thiêu rụi tất cả những cái cũ! Như Cirillo nhận xét: “Làm như giới trẻ đã trút bỏ được chiếc vỏ bọc của chính mình, ít nhất là ngoài đường phố”.
Có thể một số người đã sớm nhìn sự thay đổi tinh tế, nhưng Emma McClendon, 36 tuổi thì không. Là một trong số ít người có thẩm quyền thực sự về những chiếc quần jean, McClendon từng viết một cuốn sách về chúng theo đúng nghĩa đen: “Denim: Fashion’s Frontier” xuất bản năm 2016. Vì vậy, bạn có thể nhìn ra sự thất vọng của McClendon khi bắt đầu công việc mới: Dạy nghiên cứu thời trang tại Đại học St. John ở Queens. Cô bắt đầu lớp học bằng cách đưa sinh viên vào chủ đề denim. Ngay lập tức, phản hồi rất tốt. Các sinh viên rất thích những chiếc quần ống loe, cạp thấp. Và quan trọng nhất, chúng đủ dài để vén vài lần lên phía trên đôi giày. Rõ ràng, chiếc quần dài vừa vặn, được cắt ngắn đến mắt cá chân đã bị lu mờ. Lắng nghe sinh viên và nhìn vào quần áo bùi bụi của họ McClendon hiểu chiếc quần mình mặc đã lỗi thời.
Các trang phục được sinh viên chọn vừa ồn ào, kỳ lạ vừa giản dị và thường kết hợp giữa sự thiếu vải và quá khổ một cách hài hước. Đối với McClendon, nó trông giống sự chế nhạo phong cách nghiêm túc cuối thế kỷ 20. Có cả những chiếc váy ngắn, áo ngực mặc ngoài; những đôi bốt và giày đế xuồng cao chót vót. McClendon nói. “Có rất nhiều thứ sinh viên mặc mà vài năm trước, nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ nói, chúng sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở lại!”.
“Phong cách hàng ngày của nhiều người trẻ được kết hợp theo kiểu gọi món từ cả hai đầu của bữa tiệc tự chọn, tuỳ giới tính,” Brenna Gentner, 18 tuổi đến từ Chandler, Arizona, sinh viên năm thứ nhất tại Trường Thiết kế Parsons nhận xét. Khi muốn giản dị, cô tìm đến những phong cách nam tính hơn để tạo sự thoải mái. Vào ngày Gentner nói chuyện với tờ The Washington Post, cô mặc một chiếc áo lót ren màu đỏ bên ngoài chiếc áo sơ mi Ed Hardy tiết kiệm vải. Gentner nói: “Tôi muốn những bộ nội y mang ý nghĩa mới: Hãy gợi cảm mà không cần phải ẩn nấp bên trong!”.
Theo Cirillo, thế hệ trẻ ở các trung tâm đô thị của Mỹ bắt đầu chấp nhận những thử thánh mới sau đại dịch. Anh nói: “Mọi người có vẻ thích để lộ cơ thể nhiều hơn một chút khi đeo khẩu trang. Họ từ bỏ những trang phục đoan chính an toàn cho công việc để chuyển sang những kiểu mẫu táo bạo, độc nhất vô nhị. Không phải ngẫu nhiên mà Gen Z đã hồi sinh thời trang một cách khéo léo”.
Các công ty thời trang tự điều chỉnh
Rachel Tashjian, Giám đốc tin tức thời trang của tờ Harper’s Bazaar và là tác giả của bản tin nổi tiếng “Opulent Tips” cũng gọi Portia là “nhân vật mặc đẹp nhất trên truyền hình”. Còn Ditte Reffstrup, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu xa xỉ Đan Mạch Ganni, gọi các trang phục Gen Z đang mặc là “trang phục trả thù Covid”. Reffstrup cho biết Ganni đang tìm cách đáp ứng nhu cầu “vẻ ngoài quyến rũ hơn”.
Với uy tín của mình, các thương hiệu cố gắng hết sức để bắt kịp những thay đổi đáng kể về nhu cầu của người tiêu dùng trẻ. Ganni đang hợp tác với những tên tuổi nổi tiếng của thập niên 90 và 2000 như Levi’s, New Balance và Juicy Couture để thích nghi với xu hướng mới. Khi có dấu hiệu đầu tiên về sự quay trở lại của quần rộng baggy, nhà thiết kế J. Crew giới thiệu kiểu quần dành cho nam giới Giant Chino và được mọi người yêu thích ngay lập tức. Everlane cũng bắt đầu bán loại quần Drape Pant dành cho phụ nữ (Vogue gọi là quần “puddle pant”).
Cả hai thương hiệu đều xác nhận họ không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Danh sách chờ nhận hàng của Everlane đôi khi dài tới 6,000 người! “Tóm lại, sau đại dịch, rất nhiều người bắt đầu ăn mặc hoa mỹ và gợi cảm. Đó là cách tôi định nghĩa rộng về phong cách Gen Z,” Tashjian nói. “Bây giờ, ngay cả chủ nghĩa tối giản cũng rất quái dị. Nó nhấp nhô, lập dị, cá tính, chuyển từ Le Corbusier sang Brancusi!”.
Thời trang của khác biệt, cá tính và thân thiện với môi trường
Gentner, thuộc số người trẻ có “triết lý thời trang” riêng. Cô nói: “Giờ đây, tôi xem quần áo mình đang mặc giống như một bộ sưu tập các mảnh ghép. Tôi không chỉ chọn một kiểu thẩm mỹ mà mọi người xem là thời trang mà trộn chúng lại với nhau, tạo ra cá tính riêng và trải nghiệm khác nhau mỗi ngày”. Alici Sol, 23 tuổi, nhạc sĩ kiêm người mẫu sống ở Manhattan, New York từng có thói quen mua sắm bốc đồng, nhận ra rằng nhiều món đồ đắt tiền mua được vẫn nằm nguyên trong tủ và chỉ một số ít được mặc thường xuyên. Sol tâm sự: “Bây giờ tôi quay sang săn tìm thời trang tại các cửa hàng tiết kiệm. Tại đây tôi tìm thấy những món đồ mà bất cứ khi nào mặc vào, tôi cũng cảm thấy hài lòng và thoải mái”.
Sean Monahan, nhà văn và đồng sáng lập của nhóm dự báo xu hướng không còn tồn tại K-HOLE, nhận thấy hiện có rất nhiều người đưa ra đánh giá khá giống nhau về thời trang. Điều cô nhận thấy ở người trẻ ngày nay là họ quan tâm đến những điều nhỏ nhặt hoặc những điều bí mật. “Ngay cả tạp chí Vogue gần đây cũng ca ngợi trải nghiệm mặc cái gì đó rất khác,” Sean nhận xét. “Giới trẻ đang đặt câu hỏi: Tôi có thể mua thứ gì mà không ai biết tôi mua ở đâu nhưng nó sẽ trông rất tuyệt, và là duy nhất của tôi. Sự rung cảm đã thay đổi”.
“Gen Z nhìn vào Thế hệ M và chính trị xung quanh họ với sự hoàn nghi về tính xác thực của mọi thứ đằng sau nó,” McClendon nói và nhắc lại vào nửa cuối thập niên 2010, khi nước Mỹ quay cuồng với vấn đề phân biệt giới tính và quấy rối phụ nữ, gu thời trang của người Mỹ đã tự điều chỉnh, tiền đề cho thẩm mỹ của Thế hệ M. Tashjian nhận định: “Cuối thập biên 2010 có thể được nhớ đến như một kỷ nguyên của thời trang có tính đồng phục thấp nhất; của thể thao thị trường đại chúng, hygge và Scandi-chic; của những màu trung tính nhẹ nhàng như màu xám và bột yến mạch, thuận tiện nhất để làm những công việc kéo dài nhiều giờ, một đặc điểm của Thế hệ M”.