Mối tình của Kim Dung với Hạ Mộng xem ra đúng là mối tình mơ hồ sương khói! Có thể nào Hạ Mộng của Kim Dung đã được hoán thoát thành Mộng Cô của Hư Trúc trong Thiên Long Bát Bộ? Nhưng Hư Trúc cuối cùng đã tái hồi Mộng Cô là công chúa Tây Hạ. Còn Hạ Mộng thì bây giờ lưu lạc hà phương và có còn nhớ tới Kim Dung Tiên Sinh?
Không ai biết được bí ẩn nội vụ ra sao ngoài Kim Dung và Hạ Mộng. Tiên sinh nghiêm cẩn và kín đáo vô cùng. Ngay cả bằng hữu thân cận của Kim Dung là Nghê Khuông cũng chẳng biết được gì nhiều về “cuộc đời tình ái” của Kim tiên sinh. Chỉ có những luận đoán lòng vòng, dò hỏi loanh quanh!
Kim Dung được hầu hết bằng hữu và những người quen biết miêu tả là có phong cách của “chính nhân quân tử”. Khiêm cung, chững chạc, bao dung, trầm ổn v.v… Tức là “chính nhân quân tử” đặc thù Trung Quốc. “Quân tử Tàu!”. Vì ngay bốn chữ “chính nhân quân tử” đã là cái “Đạo” khởi xuất từ nước “con trời” này.
Do đó, Kim Dung luôn giữ những “chừng mực” trong đời sống của tiên sinh. “Chừng mực”, có nghĩa là “biết đường tiến thoái”. Biết việc nên làm và việc không nên làm. Biết lúc nên tận lực tiến chiếm mục (tiêu) đích và khi phải tức thì “trụ bộ”, tức là dừng lại.
Song le, tôi thấy Kim Dung không thể nào là hình tượng “Quân tử” đúng khuôn “kiểu Tàu” như ông Tử Lộ, một trong vài đại môn đồ của Khổng Phu Tử. Sách “Truyện Khổng Tử” chép: Tử Lộ thờ chủ là Khổng Khôi nước Vệ. Nước Vệ có loạn mà Khổng Khôi là người chủ mưu. Cuộc dấy loạn thất bại. Tử Lộ hay tin từ ngoài thành tìm cách chạy lọt vào trong, mò đến tư dinh của Khổng Khôi để “cứu” chủ. Tử Lộ một mình tả xung hữu đột bị thương tích trầm trọng đầy người. Đến lúc bị Thạch Khất chém đứt cả dãi mão, biết mình không sống nổi, Tử Lộ nói:
-Phàm người quân tử đến chết cũng phải áo mão nghiêm chỉnh.
Tử Lộ nói xong, cột lại dãi mão đàng hoàng rồi (mới chịu) tắt hơi. Như vậy là chưa ca hết sáu câu vọng cổ. Chưa được phựt đèn màu! Than ôi! Chuyện kể nghe như diễu. Nhưng là chuyện được chép đàng hoàng trong mấy cuốn sách về đời Khổng Phu Tử.
Kim Dung không cho tôi cái hình tượng một quân tử made in China như Tử Lộ. Và tôi quả tình không tin rằng Kim Dung chỉ có hai lần vợ và một người mà tiên sinh say mê từng theo đuổi là Hạ Mộng cô nương, rồi hết! (chấm than). Chắc chắn tiên sinh phải có những mối tình khác. Sống để dạ, chết mang theo… Nghĩa là, Kim Dung tiên sinh trăm ngàn lần không thể là một ông “Quân tử Tàu” chân chính!
“Văn là người”. Hay chí ít, trong văn cũng phải ẩn tàng những cá chất, quan niệm sống, quan niệm tiếp cận với đời sống, quan niệm đạo đức, quan niệm tình yêu vân vân như thế nào của tác giả. Trong mười lăm tác phẩm của Kim Dung, thể hiện rất nhiều những cái nhìn khoáng đạt, cách mạng trong mọi vấn đề kể cả tình yêu của tiên sinh.
Mối tình “vô luân” đệ tử Dương Quá với sư phụ Tiểu Long Nữ (Thần Điêu Hiệp Lữ) . Mối tình một chiều vi phạm tối đa đạo lý giang hồ lẫn đạo lý thế nhân Kim Địch Tú Tài Dư Ngư Đồng với Uyên Ương Đao Lạc Băng vợ của Bôn Lôi Thủ Văn Thái Lai (Thư Kiếm Ân Cừu Lục) ….
Đặc biệt, là mối tình oan trái ly kỳ Quang Minh Tả Sứ Dương Tiêu “hiếp dâm” Kỷ Hiểu Phù, đồ đệ Nga Mi Diệt Tuyệt Sư Thái và kết quả là tiểu cô nương Dương Bất Hối (Đồ Long Đao, Ỷ Thiên Kiếm). Kỷ Hiểu Phù sau khi bị “hiếp dâm”, mang thai, lại đâm ra yêu tên “dâm tặc” Dương Tiêu. Nên khi sinh ra đứa con gái, đã biểu tỏ tình yêu đó bằng cái tên đặt cho con gái mình là “Dương Bất Hối”. Không hối hận.
Tức là cam tâm và tha thiết yêu rồi! Tôi cho rằng Kim Dung đã dùng phân tâm lý học trong trường hợp này và nhiều trường hợp khác. Dương Tiêu diện mạo khôi vĩ, tài ba lỗi lạc văn võ kiêm toàn… Hành xử vừa dịu dàng vừa vững chãi… lại phóng khoáng hào hoa rất là đàn ông, xem ra ăn đứt Ân Lợi Hanh trong Võ Đang Thất Hiệp….
Về nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, ông đã dựng nên những nhân vật “bất phàm” ra ngoài mọi đạo lý thường tình, xin đưa vài thí dụ:
– Độc Hành Đại Đạo Điền Bá Quang, tên trộm đạo hái hoa nhưng lại rất giữ chữ tín và có phong cách của một đại hành gia trong làng võ (Tiếu Ngạo Giang Hồ).
– Lãng tử Lệnh Hồ Xung bất thiên bất pháp, chẳng sợ trời đất dù đứng trước mặt Đông Phương Bất Bại giết người không chớp mắt. Duy có điều cam đoan làm độc giả bực mình là tay lãng tử lại luôn một lòng thờ kính sư phụ Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần, ngay đến khi biết ông thầy mình thực ra là một Ngụy Quân Tử. Lệnh Hồ Xung vừa hết sức đa tình cùng lúc lại chung tình rất mực. Đây cũng lại là một điều khác làm nhiều độc giả của tiên sinh bực mình nữa về nhân vật Lệnh Hồ này. Nhưng theo tôi, những ngoắt ngoéo làm bực mình độc giả của tiên sinh, đó là những tuyệt chiêu trong thủ pháp viết tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình của họ Kim.
– Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh Ký), con nhà tiểu nhân chính hiệu nhưng độc giả khó bề khinh ghét gã. Tôi cho đây là thành tựu lớn nhất về xây dựng nhân vật của Kim Dung. Họ Vi đích thị là một tiểu nhân; đu dây giữa ba phe bốn phái. Họ Vi có nhiều kỳ tuyệt. Kỳ tuyệt đầu tiên của Vi Tiểu Bảo là vốn “văn dốt, vũ dát”, nhưng đã gia nhập phe nào, phái nào cũng khơi khơi giữ những chức vụ, vai trò quan trọng.
Kỳ tuyệt thứ nhì là dù đu dây giữa phe triều đình của vua Khang Hy và Thiên Địa Hội “Phản Thanh Phục Minh” của Trần Cận Nam, Vi Tiểu Bảo cùng lúc “hoàn tất nhiệm vụ” cho cả hai phe thù nghịch một cách xảo diệu khôn lường. Xuất thân hèn hạ trong kỹ viện, là con của gái điếm nhưng Vi Tiểu Bảo là người cực kỳ hào sảng trong chuyện vung tiền. Đây là nhân vật làm tôi rất thích thú.
Đưa ra thí dụ những nhân vật ngoại hạng trên của Kim Dung, tôi muốn chứng minh rằng tác giả Kim Dung, người đã tạo nên được những nhân vật như vậy, tất nhiên chẳng thể là một “chính nhân quân tử… Tàu” theo khuôn Tử Lộ. Tiên sinh đã vượt lên trên và ra ngoài cái mẫu mực Hủ Nho và Anh Hùng cứng ngắc đó. Như thế, Tiên Sinh thong dong, thoải mái tự do tự tại tung hoành cùng những nhân vật của mình qua mười lăm bộ tiểu thuyết, tạo nên một cõi trời riêng: Thế Giới Kim Dung.
Người đã vạch được cho chính mình một cõi trời riêng, tạo ra một thế giới riêng như Kim Dung, chắc chắn phải có những “Mối Tình Riêng” mà ngay cả bằng hữu thân thiết cũng không thể biết, hà huống là dư luận của độc giả bên ngoài. Tôi tin như vậy.
Trần Mặc, nhà nghiên cứu phê bình văn học thuộc hàng đại gia của Trung Quốc, tác giả trên chục đầu sách và trong đó gần một phần ba là viết về Kim Dung, đã viết rằng:
“Trong thế giới võ hiệp do Kim Dung tạo ra, cái khổ của chúng sinh chủ yếu không phải là sự thiếu thốn vật chất, như đói ăn thiếu mặc, mà là hoài bão không thành hoặc những dày vò đau khổ về tinh thần. Về việc miêu tả tính cách, tính người và sự khắc họa tâm lý, thái độ bi thương của cái tướng chúng sinh v.v… trong tiểu thuyết của Kim Dung, việc bàn luận của tôi dĩ nhiên không chỉ giới hạn ở kỹ xảo nghệ thuật miêu tả nhân vật, mà còn phải chú trọng đến tâm linh của nhân vật, từ đó còn phải đề cập tinh thần nhân văn ở trên cái đó nữa.” (9)
Trần Mặc, trong phần viết thêm của cuốn “Chúng Sinh Chi Tướng”, đã nghiêm túc phân giải như sau:
“Một lý do khác có thể coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân (để Trần Mặc viết cuốn “Chúng Sinh Chi Tướng”. Chú thích của tác giả), ấy là hai năm gần đây (lúc Trần Mặc viết những lời này là vào năm 2001. Chú thích của tác giả), đề tài Kim Dung, và tiểu thuyết của Kim Dung không ngừng được báo chí đề cập, khiến việc nghiên cứu Kim Dung gặp nhiều khó khăn…” (10)
Tại sao như vậy? Tại sao vì Kim Dung và tiểu thuyết của tiên sinh được báo chí đề cập tới càng nhiều, thì công việc nghiên cứu về Kim Dung và tiểu thuyết của Tiên Sinh lại càng khó khăn? Vấn đề đơn giản chỉ là “lắm thầy thối ma, lắm người ta thối… ấy” mà thôi! Người viết về Kim Dung thì nhiều, nhưng người thực sự bỏ công phu tìm hiểu nghiên cứu về Kim Dung và tiểu thuyết của ông mà có “nội lực”, “tâm lực” cũng như “trí lực”, chưa chắc được mấy người. Những bài viết, những thông tin, dư luận lung tung không cơ sở về Kim Dung; cùng với những tác phẩm của “giả Kim Dung”, sẽ làm hoang mang không ít giới đọc Kim Dung mà chưa có “thành tựu” về Kim Dung.
_______________
[9] Trần Mặc. “Bàn Về Các Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Kim Dung”. Lê Khánh Trường dịch. NXB Hội Nhà Văn (dịch theo nguyên bản “Chúng Sinh Chi Tướng” tức “Kim Dung Tiểu Thuyết Nhân Vật Đàm”, nxb Thượng Hải Tam Liên Điếm 2001).
[10] Trần Mặc. Như trên. Trang 550