Bao nhiêu năm ở Seattle và dù không phải là Phật tử thuần thành, nhưng lễ Giao thừa nào vợ chồng con cái chúng tôi cũng có mặt tại chùa Việt Nam, ngôi chùa đầu tiên của thành phố.
Chiều cuối năm chúng tôi dọn dẹp nhà cửa đón Tết, bày bàn thờ, sắp mâm cơm cúng, thắp hương mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu. Vợ chồng chúng tôi theo ảnh hưởng của các cụ xưa, nên không quên cúng cả vàng bạc tiền giấy, mặc dầu không biết các cụ ở bên kia thế giới có dùng được hay không. Dần dần thành thông lệ. Các con tôi khi còn nhỏ rất thích thú được tham gia việc đốt vàng như một trò chơi. Nay đã trưởng thành, làm việc trong các ngành khoa học, giáo dục, ngoại giao mà khi đi tảo mộ, các con tôi cũng đốt vàng tiền, chắc là để làm yên lòng chúng tôi?
Cúng Tất niên xong, cả gia đình quần áo tươm tất lên xe đến chùa. Trong xe yên lặng, tôi mở nhạc nghe lại những bài mừng Xuân quen thuộc. Lời ca mơ hồ như từ thuở nào vọng lại, nghe thấy rưng rưng lãng mạn như thời còn đang tuổi thanh xuân:
Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo Giao thừa
Em đứng chờ tôi dưới song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ,
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa…
(Châu Kỳ và Anh Châu)
Trời khuya, đường vắng nhưng chúng tôi luôn vội vã cố đến trước nửa đêm để kịp giờ đốt pháo. Có năm trời mưa lạnh, có năm tuyết bay phất phới như lông ngỗng trước kính xe. Lại có năm đến trễ không tìm được chỗ đậu, phải ngồi trong xe, nghe tiếng pháo vọng lại và ngửi mùi pháo thơm lừng trong làn sương lạnh đầu Xuân và cảm được thấy cái thiêng liêng của trời đất đang chuyển mình.
Năm nay, từ ngoài đường qua cổng tam quan vào trong sân chùa, người đông nghẹt. Những dây pháo giăng qua lại trên đầu như một màng lưới. Chúng tôi tìm chỗ đứng trên thềm chùa. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Chợt một tiếng pháo nổ vang, tiếp theo là những tràng tiếng nổ tiếp nối nhau rộn rã như reo vui, như mừng rỡ. Các con tôi vừa tìm chỗ tránh khói pháo mù mịt vừa đếm… năm phút… mười phút… pháo năm nay dài quá.
Tiếng pháo đùng kết thúc hồi pháo, mọi người vỗ tay rầm rộ, quay sang bắt tay và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất cho năm mới. Tôi nhìn quanh, những người tị nạn lớn tuổi đến đây trong đợt đầu năm 1975 và đợt thuyền nhân chỉ còn rất ít. Sự hiện diện của họ ngoài cộng đồng đã vắng dần. Họ đã quá già để đi ra ngoài hay họ đã rời về những miền nắng ấm? Hay họ đã không còn nữa? Dần dần họ sẽ trở thành “những người muôn năm cũ…”
Chúng tôi lên chính điện, chen chân đứng lễ Phật. Các bàn thờ đều rực rỡ hương hoa. Tượng đức Phật ngồi trên cao trong ánh vàng lung linh như đang mỉm cười nhìn xuống đám người đi lễ với ánh mắt từ bi độ lượng. Vị ni sư tu ở chùa từ bao nhiêu năm qua, nay vẫn dốc lòng hướng dẫn đạo pháp cho Phật tử. Chúng tôi vái chào chúc thọ, ni sư đáp lễ, thăm hỏi sức khỏe và trao lộc Phật, thường là một quả cam hay một trái táo.
Sang bàn thờ vong, chúng tôi lễ cha mẹ ông bà. Hai bức tường ngày càng kín hình những người đã khuất, hình những vị tướng tuẫn tiết trong ngày cuối cùng của trận chiến, hình những người đã mất ở đây và cả những người đã qua đời ở Việt Nam. Chúng tôi xuống phòng khách của chùa, mua vài món ăn chay, lịch năm mới và cho các con mỗi cô một bông hoa mang về nhà như nhánh lộc đầu năm.
Bước ra sân, đi trên xác pháo đỏ ngập đầy, tôi xuống Am Vô Thường. Bên hồ sen cạn nước, trên tòa cao tượng Phật Bà uy nghi hiền từ nhìn xuống chúng sinh. Tôi vào thăm nơi thờ cha tôi. Cụ đã gửi tro tại đây nhiều năm trước. Để giày ngoài cửa, tôi bước vào am, nơi có hàng trăm ngăn có gắn hình ảnh và tên tuổi những người đã khuất.
Tôi đặt tay lên hộp tro của cha tôi một hồi lâu và nâng chiếc bình nhỏ trong đó đựng một nắm đất nơi mẹ tôi nằm xuống khi tôi mới có sáu tuổi mà lần về thăm Việt Nam mấy năm trước tôi đã mang về Mỹ. Tôi đóng lại ngăn cửa và bước ra ngoài. Vợ và các con tôi đang thắp hương thầm thì những lời khấn nguyện đầu năm với Phật Bà.
Trên đường về, đã quá nửa đêm, xa lộ thênh thang như hứa hẹn cả một mùa Xuân trước mặt. Sau khi mở cửa bước vào nhà để xông đất, chúng tôi ra trước bàn thờ lễ tổ tiên. Chờ xong một tuần hương, chúng tôi hạ mấy món cúng và cùng nhau nâng ly rượu Cointreau, chúc cho gia đình những sự tốt lành, và nhớ đến những năm cha tôi còn sống, tôi và người đều nâng ly rượu chúc mừng đầu năm.
Mấy ngày cuối năm vừa qua, khi cúng gia tiên, tôi chợt nhận ra cha mẹ nội ngọai tôi đã an nghỉ ở đây, hình ảnh những người thân đã khuất từ lâu cũng hiện diện trên bàn thờ tổ từ nhiều năm qua. Khi tôi ra cúng thần linh thổ địa bên ngoài, thì lại nghĩ ra thần linh và thổ địa mình đang cúng là Mỹ chứ đâu phải Việt Nam. Ngay như tuần trước cúng tiễn ông Công ông Táo về trời thì cũng là ông Công ông Táo của bếp Mỹ.
Tôi bỗng nhớ đến một cuốn truyện bằng Anh ngữ vừa được xuất bản vẫn còn lẩn quẩn trong đầu óc tôi từ mấy tuần nay. Cuốn truyện đã được giới thiệu bằng bài phỏng vấn trong một tạp chí văn chương Mỹ. Tác giả là một thiếu nữ Việt Nam. Cũng như những truyện viết bằng Anh ngữ khác của thế hệ trẻ đã trưởng thành tại Mỹ, họ thường nhắc lại các kỷ niệm êm đềm ở quê hương cũ, đến cảnh trốn thoát đi tìm tự do và những dị biệt trong khi hội nhập với đời sống tại Mỹ.
Cô tác giả đã về lại Việt Nam, thăm nơi cô sinh ra và thăm lại ngôi trường cũ mà cô đã học ở đó mấy năm đầu của bậc tiểu học. Những năm đó được cô coi là những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam. Nhưng ngôi trường thời thơ ấu của cô không còn như trước mà nay nhem nhuốc, không được tu bổ. Không hiểu còn những điều gì nữa làm cô thất vọng mà khi trả lời cuộc phỏng vấn, cô nói cô sẽ không bao giờ còn muốn trở lại Việt Nam và cô khẳng định “I belong here”. Điều này cũng dễ hiểu, có hàng trăm lý do khiến người ta trở lại với Việt Nam, và cũng có hàng ngàn điều khác khiến người ta không muốn trở về.
Dần dần nhiều người Việt trẻ không còn băn khoăn với câu hỏi mình là ai trên đất định cư. Gần đây, một nhà văn Mỹ gốc Việt, Việt Thanh Nguyễn, cũng là một giáo sư tại một đại học tại miền Nam California, đã nhận được giải thưởng Pulitzer năm 2016. Ông có ba tác phẩm bằng Anh ngữ được những nhà xuất bản lớn phát hành. Ngay trang đầu trong cuốn “Nothing Ever Dies, Vietnam and The Memory of War”, ông đã xác định rằng: “I WAS BORN IN VIETNAM but made in America” với chữ viết hoa. Việt Nam đang xa dần với các thế hệ tiếp nối tại hải ngoại.
Cá nhân chúng tôi đã hai lần thoát nạn Cộng Sản, lần đầu từ Bắc vào Nam, lần sau từ Việt Nam qua Mỹ, lần nào chúng tôi cũng tìm được một cuộc sống tốt đẹp và tự do hơn. Bây giờ nhìn lại đất nước mình đã rời bỏ, bao nhiêu năm rồi vẫn thấy chưa thoát khỏi u mê chủ nghĩa giáo điều, ngày càng tồi tệ thêm, chữa mãi không xong.
Mỗi lần về thăm quê, tìm quanh nhà cũ không còn, người xưa đã mất, ngôn từ cũng thay đổi. chúng tôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi.
Nhạc mẫu tôi thường nói “Con đâu cha mẹ đó”. Bốn thế hệ chúng tôi đã sinh sống nhiều năm ở phần đất này, phần tâm linh thì ông bà tổ tiên chúng tôi cũng đang gần gụi với con cháu nơi đây. Như cô tác giả trẻ tuổi kia, hiển nhiên chúng tôi đã “belong here”, mà không thể chối bỏ, vô ơn với một vùng đất đã cưu mang mình trong lúc bị xua đuổi cùng đường và cho con cháu mình bao cơ hội để thăng tiến.
Nghĩ thì nghĩ vậy mà trong lòng vẫn cảm thấy một cái gì ràng buộc không dễ ngoảnh mặt quay đi với quê hương xưa, và dù rằng không còn tìm được những gì hãnh diện, nhưng vẫn là nơi vợ chồng tôi, các con tôi ra đời, chúng tôi vẫn nhận với người bản xứ mình là người Việt Nam.
Hy vọng rằng trong một tương lai gần, con Rồng Việt Nam sẽ chuyển mình, cho mọi người dân, trong mọi tầng lớp được cái quyền sống tự do, trong công bằng và danh dự.