Lần đầu tiên chính quyền thành phố Garden Grove cho phép tổ chức Phố Hoa trên con đường cổ Main Street trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Có rất nhiều lời khen ngợi và mong thành phố tiếp tục cho phép tổ chức hàng năm, tuy nhiên vẫn có một góc nhìn khác về sự kiện này.
Từ lâu, (đường) Main Street tại thành phố Garden Grove đã được chính quyền địa phương cho phép tổ chức những hoạt động văn hóa, tạo nét đẹp riêng, trang nhã cho thành phố, nhiều nhất là triển lãm xe hơi cổ, hay mở những phiên chợ nông trại vào cuối tuần.
Năm nay, lần đầu tiên nơi đây được dùng tổ chức sự kiện chào mừng Tết Nguyên đán của người Việt vào hai ngày, 21 Tháng Giêng năm 2023 (30 Tết Quý Mão), và ngày 22 Tháng Giêng (mùng Một Tết).
Không có thống kê chính thức về số lượt người đến Phố Hoa trong hai ngày Tết, nhưng theo ước lượng của một chủ tiệm cà phê trên đường Main, số người đến đây đông hơn hẳn các sự kiện văn hóa đã được tổ chức, có thể lên đến mười ngàn lượt người (!)
Có người nói “ngày khai mạc đông lắm, rất nhiều dân ‘ba ke’ đến dự. Nghe giọng họ thì biết”.
Những tên tuổi xa lạ đứng ra tổ chức văn hóa cho cộng đồng
Ông Scott C. Stiles, tổng quản trị thành phố Garden Grove cho biết: “Vietnamese Soccer Association of So Cal (vsasocal.org) là tổ chức nộp đơn cho thành phố xin tổ chức Phố Hoa. Và thành phố cấp giấy phép vì họ hội đủ mọi điều kiện.”
Thế nhưng, từ lúc tổ chức họp báo ra mắt sự kiện cho đến ngày Phố Hoa đóng cửa chẳng ai biết mặt mũi ông/bà đại diện vsasocal.org “tròn méo” ra sao. Trang web này cũng chỉ mới hoạt động từ hồi tháng Mười năm 2022, và cũng chẳng có gì để xem ngoài dòng địa chỉ:
VSA SOCAL 12936 Main St., Garden Grove, CA 92840
Hỏi một số người sinh hoạt bóng đá kỳ cựu ở Nam California, chẳng ai biết cái hội này ai thành lập, sinh hoạt như thế nào. Môt người còn cắc cớ hỏi: “Họ có biết đá banh không?”
Một hội bất vụ lợi chuyên về bóng đá, lại xin tổ chức sự kiện liên quan đến hoa hình như có cái gì đó “tréo cẳng ngỗng”. Thế nhưng họ vẫn “hội đủ mọi điều kiện” để tổ chức, nên có người nghĩ đằng sau hội này có một tổ chức nào đó giúp sức.
Đằng sau có lẽ là như thế, việc điều hành đằng trước được giao cho ông Johnny Nguyễn, Giám đốc Điều hành Viet Q Media và bà Mai Hoa, đại diện Vietnam International Flora Expo.
Trang web vietqmedia.com hoạt động từ Tháng Mười Một năm 2020, vẫn đang “xây dựng” nội dung, nên cũng chẳng có gì xem để biết họ hoạt động như thế nào.
Trang web interfloravn.com hoạt động lâu nhất, từ Tháng Bảy năm 2015, có văn phòng ở quận 3, Sài Gòn. Hoạt động mới nhất được cập nhật trên trang web này là một sự kiện Tháng Ba năm 2020 cũng tại Sài Gòn.
Người tổ chức Phố Hoa là ai?
Ba tổ chức xa lạ với cộng đồng người Việt hải ngoại được thực hiện một sự kiện có tính văn hóa cho cộng đồng khiến nhiều người quan tâm, trong đó có Nghị viên TP. Garden Grove Joe Đỗ Vinh. Ông Vinh lo ngại sự kiện này có thể bao gồm một số hoạt động quảng bá cho nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Ông Vinh là dân cử gốc Việt nên lo lắng cũng đúng. Có thể những suy luận của ông là có lý, nhưng lại không có chứng cứ rõ ràng.
Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai cũng cho rằng đây là một sự kiện có liên quan đến Cộng sản trong nước, nên đưa ra một thông cáo cảnh báo cho cộng đồng. Trong bản thông cáo có đoạn:
“Từ hình thức tổ chức cho đến thành phần nhân sự, không thể gọi là niềm vui của cộng đồng tị nạn Cộng Sản, mà do những tên tay sai lợi dụng để thi hành chỉ thị của đồng bọn. Đặc biệt là tên Johnny D. Nguyễn, hiện đang điều hành công ty Viet Q Media và Việt Q Foods xuất xứ từ trong nước…”
Phóng viên Báo Người Việt liên lạc với ông Johnny Nguyễn, nhưng ông ấy bận đến nỗi không có “một giây” để trả lời “yes” hay “no” trước nghi vấn người ta “gán” cho ông là cộng sản. Hành động “lặn không sủi tăm” này lại khiến người ta thêm nghi ngờ.
Người ta nghi ngờ rằng một giám đốc điều hành tổ chức truyền thông (Viet Q Media) mà lại “sợ” trả lời báo chí thì chắc có cái gì đó không bình thường.
Thêm một điều không bình thường nữa về ông Johnny do bà Mai Hoa tiết lộ: Lúc đầu ông Johnny là Trưởng ban Tổ chức Phố Hoa, nhưng sau đó do “không rành về cách tổ chức, không biết cách xin tài trợ của những cơ sở thương mại ở đây và cũng không rành về hoa” nên ông Johnny phải lui về phía sau, mọi chuyện bà Mai Hoa “phải đứng ra cáng đáng”.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu ông Johnny không có khả năng tổ chức Phố Hoa như lời bà Mai Hoa nói thì sao ông ấy lại “cố đấm ăn xôi” chen vào Ban Tổ chức làm gì? Hay lại có tổ chức nào đó đứng đằng sau bắt làm?
Thật khổ cho ông Johnny quá! Lực bất tòng tâm.
Thế bà Mai Hoa là ai?
Theo lời bà ấy thì bà qua Mỹ theo diện H.O. và ở Mỹ 30 năm rồi. Bà Mai Hoa khẳng định:
“Tôi không là Cộng Sản và cũng không chấp nhận cho Cộng Sản đứng sau lưng ‘Phố Hoa’ dưới bất cứ hình thức nào.”
Bà trình bày: “Năm 2000 tôi có về Việt Nam để kiến trúc dàn hoa tiếp đón Tổng thống Bill Clinton theo lời mời của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ. Lần đó, tôi đã được chính phủ Mỹ kiểm tra lý lịch rất kỹ lưỡng rồi.”
Lời giải thích của bà xem ra không thuyết phục lắm, vì lịch sử cộng đồng hải ngoại đã từng chứng kiến những ông tướng, tá, úy VNCH bị đi tù “mút mùa lệ thủy” qua Mỹ một thời gian rồi “trở cờ” về ôm chân chính quyền trong nước khóc lóc ân hận vì “chống phá cách mạng”…
“Lá bài” H.O. hay “được chính phủ Mỹ kiểm tra lý lịch rất kỹ” không nói lên được điều gì.
Thực ra, vấn đề của bà Mai Hoa không nằm ở chỗ bà có phải là Cộng sản, hay làm việc cho Cộng sản trong nước hay không. Vấn đề ở chỗ cái nhìn của bà Mai Hoa về cộng đồng người Việt ở đây như thế nào.
Trong cuộc họp báo của Ban Tổ chức Phố Hoa vào ngày 6 Tháng Giêng, bà Mai Hoa nói về ý tưởng tổ chức Phố Hoa như thế này:
“Tết đến ai cũng nghĩ tới gia đình, làng xóm, bè bạn, quê hương. Người ở Mỹ có điều kiện sẽ về Việt Nam để xem những đường hoa hoặc thăm lại làng xưa xóm cũ, thăm cha mẹ, họ hàng, bà con. Nhưng giới trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Mỹ lại hoàn toàn không hiểu được gì về những phong tục tập quán ngày Tết rất tốt đẹp của Việt Nam. Thế thì tại sao mình không đem Việt Nam qua đây để giới trẻ gốc Việt có thể hiểu được thế nào là Việt Nam, với những miền đất nước mà ông bà, cô bác, cha mẹ luôn nhắc tới, trong tâm tình luôn nhớ về quê hương, xứ sở.”
Bà Mai Hoa nói bà ở Mỹ 30 năm, nhưng bà lại không biết Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California (THSV) đã tổ chức Hội Tết Sinh Viên năm nay là năm thứ 41. Ngoài ra, còn có Hội Tết của cộng đồng người Việt, và Hội Tết do Giám sát viên Andrew Đỗ tổ chức mấy năm nay.
Đó là chỉ mới tính sinh hoạt của cộng đồng người Việt vùng Little Saigon này, chưa tính các tiểu bang khác.
Tất cả những hội chợ Tết này đều nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa của người Việt ở hải ngoại, bằng cách tái hiện Làng Việt Nam, trò chơi dân gian, giới thiệu phong tục tập quán của người Việt,…
Chưa kể những sinh hoạt hàng tuần của các lớp Việt ngữ, gia đình Phật tử, đoàn Thiếu nhi Thánh thể của nhà thờ,… cũng đều hướng giới trẻ về nguồn gốc tổ tiên, giúp các em tìm hiểu phong tục tập quán của người Việt, và điều quan trọng là giải đáp câu hỏi tại sao các em được sinh ra trên đất nước này.
Bà Mai Hoa nói như thế là đánh giá quá thấp cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Chưa hết! Cái nhìn của bà về cộng đồng người Việt hải ngoại cho thấy bà không thuộc về cộng đồng này, khi bà nói:
“Chúng ta đi từ những khó khăn gian khổ khi đất nước bị tàn phá, người dân không đủ ăn đến nỗi phải bỏ xứ ra đi để có thể sinh tồn. Ngày nay thế hệ ấy ở Mỹ đã phát triển và bắt đầu thịnh vượng”.
Bà Mai Hoa là con một gia đình H.O. mà nói như thế thì không hiểu gia đình bà nghĩ thế nào?
Đó là sự mạ lỵ và xúc phạm rất lớn đối với cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản ở hải ngoại, chà đạp lên nhân phẩm những người đã nằm xuống dưới biển cả, trong rừng sâu trên đường vượt biên. Cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản hải ngoại đến Mỹ hay các nước khác không phải để tìm “bơ thừa canh cặn” như suy nghĩ nông cạn của bà, mà chúng tôi chấp nhận hy sinh mạng sống để đánh đổi lấy tự do, dân chủ, nhân quyền.
Với suy nghĩ của bà Mai Hoa thì cho dù bà là ai, đến từ đâu, tốt hơn hết bà không nên làm văn hóa ở cộng đồng này, vì với những người có lương tri, chẳng cộng đồng nào chấp nhận một người xúc phạm nhân phẩm họ rồi rao giảng cho họ thế nào văn hóa, thế nào là nguồn cội.