Trong gần nửa thế kỷ, một cách bền bỉ, ông Johnie Webb 77 tuổi đã miệt mài đi khắp thế giới để tìm kiếm hài cốt cho hàng ngàn gia đình có người thân bị bắt làm tù binh, bị giết trong chiến tranh hoặc bị chôn vùi trong một ngôi mộ vô danh nào đó…
Dù khoảng 80,000 quân nhân Mỹ vẫn chưa được lập hồ sơ đầy đủ nhưng nhóm làm việc mà Johnie Webb xây dựng ban đầu và hiện trở thành (tổ chức) Defense POW/MIA Accounting Agency đã xác định được vị trí và giúp đưa hài cốt của hơn 3,000 binh sĩ, thủy thủ, phi công trở về với gia đình họ để được chôn cất tử tế; trong đó có những quân nhân tử trận từ thời Đệ nhị Thế chiến đến những người lính bỏ xác tại chiến trường Iraq.
Politico cho biết, suốt gần nửa thế kỷ qua, Johnie Webb đã đi khắp nước Mỹ, với hơn ba triệu dặm bay (chỉ tính riêng phương tiện hàng không) để chia sẻ với các gia đình những thông tin mới nhất về trường hợp mất tính hoặc chết trận của người thân họ. Cho dù tin tốt hay xấu, hoặc chẳng có gì cả – chỉ là những lời hứa tiếp tục tìm kiếm, Johnie Webb cũng vẫn muốn trực tiếp nói chuyện với các thân nhân.
Gần đây nhất Johnie Webb đã đến Denver để gặp trực tiếp 164 người có thân nhân mất tích ngoài chiến trường (MIA), trong đó có gia đình Đại úy Không quân Michael Lee Klingner. Người vợ góa của ông, Jane Adams, chưa bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy hài cốt người chồng đầu tiên của bà, kể từ khi chiếc F-100D Super Sabre của ông bị bắn rơi trên bầu trời Lào ngày 6 Tháng Tư 1970…
Johnie Webb luôn coi nhiệm vụ thiêng liêng nhất của đời mình là an ủi những người mẹ, người cha, anh chị em, con trai và con gái, cháu… đau buồn trước nỗi mất mát người thân, và luôn tâm nguyện bằng mọi giá phải tìm được hài cốt người nhà của họ. Với rất nhiều thân nhân của MIA, đặc biệt thời chiến tranh Việt Nam, Johnie Webb không khác gì người cùng một gia đình. “Johnie, chỉ cái tên – không cần cấp bậc hay chức vụ – là huyền thoại trong cộng đồng POW/MIA” – nhận xét của Ann Mills-Griffiths, người từng là Giám đốc điều hành của National League of POW/MIA Families trong 33 năm.
Johnie Webb là một cựu binh chiến tranh Việt Nam. Năm 1968 và 1969, giai đoạn có lẽ là thời kỳ nguy hiểm nhất của cuộc chiến Việt Nam, Trung úy Johnie E Webb Jr. là một sĩ quan tiếp vận điều hành các đoàn xe tiếp tế gần biên giới Campuchia. Ông từng thoát chết sau một trận phục kích của Việt Cộng.
Đến năm 1975, khi quân đội Mỹ hoàn thành cuộc rút quân khỏi Đông Nam Á, Johnie Webb, nhờ kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức, được giao nhiệm vụ ở Thái Lan với tư cách là sĩ quan tác chiến của Phòng thí nghiệm nhận dạng trung tâm (Central Identification Laboratory – CIL) của quân đội Mỹ, được thành lập để tìm kiếm và xác định danh tánh những quân nhân đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Sau đó, năm 1978, ông được giao trách nhiệm chuyển CIL từ Thái Lan đến địa điểm hiện tại ở Hawaii khi chính phủ cộng sản Việt Nam, Lào và Campuchia cản trở các đội tìm kiếm MIA của Mỹ.
Không bỏ cuộc, Johnie Webb chuyển sang tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ từ những cuộc chiến trước. Năm 1978, ông dẫn đầu một trong những nhiệm vụ đầu tiên ở Papua New Guinea và mang về nhà hài cốt những phi công mất tích thời Đệ nhị Thế chiến. Tiếp đó, liên tục trong nhiều năm, Webb thực hiện hai chục chuyến đi tới Bắc Triều Tiên để đàm phán với chế độ Bình Nhưỡng nhằm có thể tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ tử trận trong cuộc chiến Triều Tiên.
Đầu những năm 1980, Johnie Webb điều hành toàn bộ nỗ lực chương trình MIA tại Đông Nam Á. Có những lúc, nhóm Johnie Webb đi mỗi tháng một lần đến Việt Nam. Nhóm của ông kết hợp với các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để đầu tiên xác định vị trí các địa điểm máy bay Mỹ rơi hoặc những địa điểm trước kia là chiến trường khốc liệt. Johnie Webb phải thuê cả những nhà nhân chủng học, nhà sử học và chuyên gia phả hệ. Sự tiến bộ của khoa học pháp y, kết hợp với việc tiếp cận thường xuyên hơn đến một số địa điểm xa xôi nhất trên thế giới, đã giúp tăng tốc độ tìm kiếm được hài cốt những năm gần đây, với gần 1,300 nhận dạng chỉ tính từ năm 2015 đến nay.
Điều đó cũng có nghĩa là Johnie Webb thường xuyên phải xa người vợ hơn 50 năm của mình, bà Scher; cùng con trai J.D. và con gái Shalena. Một ngày thứ sáu năm 1994, Johnie Webb xuất ngũ với tư cách trung tá quân đội. Ngay thứ hai tuần sau, ông đã trở lại làm việc, với tư cách là một nhân viên dân sự và làm việc suốt từ đó đến nay, cố vấn cho nhiều thế hệ sĩ quan quân đội cũng như làm việc với các nhà khoa học. Và rất nhiều lần trong một năm, ông thực hiện các cuộc gặp gỡ thân nhân của MIA. Ưu tiên số một của ông hiện tại vẫn là MIA của cuộc chiến Việt Nam…
Cô con gái Shalena nói: “Ông ấy thường ở cách xa hàng nghìn dặm, giữa khu rừng rậm nào đó hàng tuần liền hoặc ở một nước nào đó để đàm phán với giới chức địa phương nhằm có thể tiếp cận được hiện trường. Như hồi còn nhỏ, tôi được bạn bè hỏi, ‘Bố của bạn ở đâu?’ và tôi chẳng bao giờ biết”…