Một bản tin lạ hôm 31 Tháng Giêng 2023 trên nhiều báo Việt Nam cho biết một nữ tài xế xe hơi bị khởi tố vì bỏ rơi người bị nạn, khiến người đó bị xe tải cán chết.
Nơi khởi tố là Viện kiểm sát huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Người bị khởi tố và bị cấm đi khỏi nơi cư trú là bà Nguyễn Thị Hằng, 31 tuổi, ngụ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An – nơi có nhiều người dân sở hữu xe hơi nhất Việt Nam.
Tuổi Trẻ đưa tin theo hồ sơ của Viện kiểm sát Hà Tĩnh: Khoảng 22 giờ ngày 2 Tháng Mười 2022, Hằng lái xe hơi 5 chỗ chở hai người chạy trên Quốc lộ 1 theo hướng Nam – Bắc. Đến đoạn đường qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nữ tài xế tự dừng xe bên đường, rời xe ra ngoài.
Ông Nguyễn Công Phường (32 tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên – Huế) chạy xe máy cùng chiều phía sau đã tông vào phần đuôi bên trái xe hơi của bà Hằng khiến ông ngã lăn ra đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách trên Quốc lộ 1.
Bà Hằng sau đó đã lái xe hơi đi luôn, không tìm cách cứu ông Phường, khiến sau đó ông Phường bị xe tải cán qua người và tử vong. Ngoài lỗi trực tiếp của tài xế xe tải Tưởng Văn Danh, Viện kiểm sát Hà Tĩnh cho rằng việc Hằng lái xe đi là hành vi “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, cũng là nguyên nhân khiến ông bị chết.
Bà Hằng khai không dám cứu ông Phường do sợ bị liên luỵ trách nhiệm, một lý do mà rất nhiều người ở Việt Nam sợ mắc phải nên thường bỏ đi mỗi khi thấy ai đó ngã quỵ bất chợt hoặc gặp tai nạn trên đường.
Theo Luật hình sự Việt Nam, điều 102: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến hai năm….”.
Dưới bản tin này trên Vnexpress, bạn đọc đã bàn luận sôi nổi, với ý kiến nổi bật được nhiều người đồng ý là: Giúp người bị nạn có khi bị tai bay vạ gió, vì gia đình nạn nhân lầm tưởng chính mình là kẻ gây tai nạn xông vào bắt đền hoặc đánh đập; còn công an thì gọi lên gọi xuống mất thời gian và có khi bị sang chấn tinh thần.
Bạn đọc Da Tu Phong viết: “Ở Sài Gòn có nhiều trường hợp giúp đỡ người bị tai nạn thì bị chính người bị nạn vu oan cho là gây tai nạn cho họ, hoặc đưa đi cấp cứu thì bị giữ làm con tin như là kẻ gây tai nạn. Người Việt Nam sống tình cảm, không thờ ơ, nhưng chính cái xấu xuất phát từ phía người được giúp đã làm cho các tấm lòng nghĩa hiệp phải lo sợ liên luỵ”. Bạn đọc Khang Le tóm gọn: “Thực tế đã có nhiều người dính vào rắc rối vì giúp đỡ người bị nạn, như bị người nhà nạn nhân hành hung khi không cần tìm hiểu nguyên nhân, bị bệnh viện bắt buộc có trách nhiệm ký hồ sơ khi đưa nạn nhân vào cấp cứu và sau đó đẻ ra vô số rắc rối, hoặc bị công an mời lên mời xuống, bỏ cả công ăn việc làm. Vì vậy dần dà người dân sẽ tránh né không dây vào”.
Cách tốt nhất theo mọi người bàn luận là nếu gặp người bị nạn, nên đứng từ xa gọi xe cứu thương, gọi cảnh sát cơ động… đến giải quyết, chớ động vào họ để khỏi rước họa vào người.