Mỹ-Nga và cuộc chiến giành châu Phi

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-châu Phi ngày 15 Tháng Mười Hai 2022, Washington DC, được tổ chức nhằm thắt chặt quan hệ Mỹ với Lục địa đen (ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Nga dường như đang lấn lướt Mỹ ở châu Phi, điều mà ít ai ngờ nếu nhìn lại một thập niên trước. Gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thực hiện loạt công du tới bốn thủ đô của châu Phi và được các nhà lãnh đạo ở Nam Phi, Eritrea, Angola và Eswatini (Swaziland cũ) tiếp đón nồng nhiệt…

Tại Nam Phi, Ngoại trưởng Naledi Pandor đã chào đón đối tác Nga với vòng tay rộng mở. Bà đã không sử dụng cuộc họp ở Pretoria vào thứ Hai tuần trước để kêu gọi Nga ngừng giết hại người Ukraine. Sau đó bà gạt bỏ những lời chỉ trích và biện bạch: “Cư xử như thế là đơn giản và trẻ con!”. Tệ hơn nữa, Pandor còn tuyên bố Nam Phi sẽ sớm tiến hành tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc. Bà gọi đó là “các cuộc tập trận giữa những người bạn”.

Nam Phi có mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử với Nga, kể từ thời kỳ phân biệt chủng tộc. Lúc đó Liên Xô sát cánh cùng đảng Đại hội Dân Tộc Phi (ANC) đang bị cấm vận rất cần sự hỗ trợ bên ngoài. Có vẻ như Lavrov nhắc người dân Nam Phi hãy nhớ “lịch sử” đó trong chuyến thăm. Sự lấn lướt của Nga ở châu Phi khiến phương Tây phải đối mặt với thực tế: Một vùng lãnh thổ rộng lớn ở châu Phi đang xem Tổng thống Nga Vladimir Putin là bạn, hoặc ít nhất, đủ quan trọng về mặt chiến lược để luôn sát cánh bên nhau.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Pretoria, Nam Phi ngày 23 Tháng Một 2023 (ảnh: Russian Foreign Ministry / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Tháng Ba năm ngoái, tại Liên Hợp Quốc, Nam Phi là một trong 17 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trắng khi cộng đồng thế giới lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Tám quốc gia khác không gửi phiếu bầu. Con số đó rất đáng kể dù phần lớn lục địa, 28 quốc gia, trong đó có Nigeria và Ai Cập bỏ phiếu lên án Nga. Eritrea là một trong bốn quốc gia duy nhất trên thế giới công khai đứng về phía Nga. Ba nước còn lại là Belarus, Bắc Hàn và Syria. Nga là quốc gia có lịch sử hợp tác quân sự với các chế độ độc tài phi dân chủ. Putin là người bạn tốt nhất của bất kỳ nhà độc tài tàn bạo nào trên thế giới nếu họ tìm đến và nhờ ông ta giúp đỡ.

Putin từng gửi vũ khí hỗ trợ nhiều chế độ độc tài, cũng như gửi lính đánh thuê chống lại quân nổi dậy Hồi giáo và không hề quan tâm đến dân chủ, tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền tại đất nước mà Kremlin kết bạn. Putin không quan tâm đến việc Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) lên án chính phủ Eswatini tiến hành một cuộc đàn áp dã man các nhà hoạt động dân chủ trong nước.

Putin cũng không quan tâm đến việc Tổng thống Eritrea Isaias Afewerki nắm quyền mà không có cuộc bầu cử nào từ năm 1993; và việc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) tuyên bố đất nước này không có cơ quan lập pháp, không có tổ chức xã hội dân sự độc lập và không có nền tư pháp độc lập. Putin không quan tâm đến Báo cáo Thế giới năm 2022 (Watch World Report 2022) của HRW, trong đó cho biết quân đội Eritrea đã thực hiện các vụ thảm sát quy mô lớn, hành quyết tập thể và bạo lực tình dục lan rộng, gồm cả hãm hiếp tập thể và nô lệ tình dục.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Afuko-Addo tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tổ chức ở Hắc Hải vào Tháng Mười 2019 (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Thậm chí ông ta bỏ ngoài tai việc HRW tố cáo lực lượng an ninh của chính phủ Mali phải chịu trách nhiệm về các vụ giết người phi pháp, các vụ mất tích, tra tấn, bắt giữ tùy tiện và hành hạ những người bị tình nghi là chiến binh nổi dậy. Putin không chỉ thắt chặt quan hệ quân sự với các chính phủ độc tài, ông ta còn là “trùm cuối” của Tập đoàn đánh thuê Wagner chuyên nhúng tay tàn bạo ở châu Phi và Trung Đông.

Trong thực tế, nhóm quân sự tư nhân Wagner của Nga đã giúp giữ vững các chế độ độc tài trên khắp châu Phi, cả ở Mali, Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique và Libya. Các tổ chức nhân quyền lên án Wagner là tổ chức tội phạm can dự vào máu người dân châu Phi. Có rất nhiều báo cáo về việc lính đánh thuê Nga tàn sát những người khai thác mỏ ở Cộng hòa Trung Phi để cướp vàng của khu vực.

Nhưng những điều khủng khiếp này không quan trọng đối với Putin. Ông ta không thấy trách nhiệm ràng buộc nào đối với các tiêu chuẩn nhân quyền mà các nền dân chủ phương Tây xem là phải được đề cao và tôn trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Putin không hề ngại giúp đỡ những chế độ độc tài tiếp tục tại vị, miễn họ vẫn là bạn của ông ta. Thái độ bất chấp của Putin là một vấn đề lớn đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm kềm chân Nga và tăng cường quan hệ ở châu Phi.

Ảnh hưởng Putin ở châu Phi đã có tác động mạnh mẽ đến thế giới trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay, khi Hoa Kỳ tìm cách đạt được sự đồng thuận trong việc lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Chỉ cần nhìn vào những cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc sẽ thấy. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi là nước Mỹ cũng từng ủng hộ các chế độ độc tài thân Mỹ và phớt lờ sự lạm quyền, tham nhũng và đàn áp quân sự.

Đừng quên những gì Mỹ để xảy ra ở Cộng hòa Dân chủ Congo và một số nơi khác ở châu Phi. Nhưng các nền dân chủ có thể buộc các nhà lãnh đạo của họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm, không sớm thì muộn, miễn là vẫn còn bầu cử tự do và đa đảng. Các nền dân chủ phương Tây rất quan tâm đến nhân quyền và pháp quyền nhưng Putin thì ngược lại. Nhưng ông ta vẫn an toàn vì giống như các chế độ độc tài cường quốc quân sự khác, không ai bắt được Putin phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì ông ta từng làm, thậm chí giết người. Điều này khác hoàn toàn với các chế độ độc tài ở Chile và Argentina.

CNN cho biết, Hoa Kỳ hiện vẫn có một số công cụ mạnh mẽ để chống lại ảnh hưởng của Nga ở châu Phi, đặc biệt tiền viện trợ. Cam kết của Tổng thống Biden về viện trợ kinh tế, y tế và an ninh trị giá $55 tỷ trong ba năm cho châu Phi không chỉ giúp chống lại ảnh hưởng của Nga mà còn của Trung Quốc.

Tại châu Phi vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tận dụng chuyến đi châu Phi để hứa hẹn nhiều tiền hơn nữa. Bà công bố các kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác với châu Phi về bảo tồn, biến đổi khí hậu, tiếp cận năng lượng sạch và cho biết Hoa Kỳ sẽ cung cấp hơn $1 tỷ để hỗ trợ các nỗ lực do người châu Phi lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nga khó vượt qua Hoa Kỳ về… tiền. Các biện pháp trừng phạt quốc tế và cuộc chiến ở Ukraine đã làm nước Nga bị khó khăn về tài chính trong một thời gian.

Và trong khi Putin tập trung nỗ lực vào việc tìm vây cánh với các bạo chúa châu Phi, Mỹ sẽ tập trung vào người dân châu Phi, đặc biệt là giới trẻ. Khi thế hệ trẻ tiếp quản quyền lực tại lục địa đen, có những dấu hiệu cho thấy họ muốn chính phủ mới phải có trách nhiệm hơn.  Theo cuộc “Khảo sát Thanh niên châu Phi năm 2022” (2022 African Youth Survey), 74% thanh niên châu Phi tin rằng “nền dân chủ nên được ưu tiên hơn bất kỳ mô hình chính phủ nào khác”, ngay cả khi họ không muốn trở thành “bản sao” của phương Tây. Có nhiều hy vọng về việc các nhà lãnh đạo trẻ mới nổi ở châu Phi sẽ không xem Nga là bạn mà thực sự là một chướng ngại đối với sự ổn định, dân chủ và thịnh vượng của Lục địa đen.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: