Tết Quý Mão vừa qua, Đà Lạt là thành phố có nhiều du khách ghé thăm. Điều đáng nói là không ít người đã bị lừa chiếm đoạt tiền đặt cọc khi đặt phòng nghỉ.
Hôm 1 Tháng Hai 2023, công an tỉnh Lâm Đồng tuyên bố đang điều tra các vụ lừa đảo đặt cọc tiền thuê khách sạn, biệt thự, homestay trong dịp tết Quý Mão rồi chiếm đoạt tiền của du khách, vì có nhiều đơn tố giác.
Thông qua tin nhắn Messenger, Zalo… kẻ lừa đảo đã giới thiệu các khách sạn, biệt thự, homestay cho thuê phòng nghỉ dưỡng có hình ảnh lung linh với giá rẻ để khách chú ý.
Khi du khách muốn thuê, kẻ lừa đảo yêu cầu du khách chuyển cọc trước, từ 50%-100% tiền thuê phòng, với lý do giữ phòng theo lịch hẹn cho khách. Sau khi nhận tiền cọc, những kẻ lừa đảo vẫn giữ liên lạc, cho đến lúc du khách sắp đến Đà Lạt thì cắt đứt mọi liên lạc.
Điều lạ lùng là việc lừa đảo này không mới nhưng vào dịp tết, lễ vẫn có nạn nhân “dính câu”. Hồi Tháng Sáu 2022, Zing News đăng câu chuyện bị lừa đảo của nhiều du khách khi thuê villa nghỉ dưỡng qua trang Booking Villa DALAT của Lê Công Hậu, danh tính và căn cước công dân đều giả mạo.
Zing dẫn lời ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP. Đà Lạt, cho biết đã nhận được phản ánh của 3 – 4 trường hợp bị lừa khi đặt cọc nghỉ dưỡng qua trang Booking Villa DALAT.
Thủ đoạn đều tương tự khi kẻ lừa đảo sử dụng chứng minh thư nhân dân 12 số giả để lấy lòng tin của khách hàng, sau đó biến mất khi đã nhận đủ tiền cọc. Kẻ lừa đảo còn sử dụng trang mạng xã hội có lượt tương tác cao (lên tới 40,000 người thích trang và 1,300 lượt thích/bài viết – đã trả tiền cho Facebook để tăng lượt tương tác). Vì thế, tin rằng trang có “uy tín”, khách đã bị lừa.
Mặc dù các đơn tố giác “tên Hậu” chiếm đoạt tiền đặt cọc đã trình báo lên công an TP. Đà Lạt và đội công an Kinh tế thành phố Đà Lạt nhưng “tên Hậu” đến nay vẫn chưa bị tóm.
Hồi Tháng Bảy 2022, công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giam Lai Thanh Nhã (29 tuổi, quận 11, Sài Gòn) vì làm giả hợp đồng để chiếm đoạt tiền của khách thuê nhà. Ngoài ra, Nhã còn lừa tiền đặt cọc thuê khách sạn, biệt thự của du khách.
Khi làm việc với cơ quan công an, Nhã khai đã từng thực hiện nhiều vụ lừa tiền đặt cọc của du khách bằng cách tự chụp hình các villa, khách sạn đẹp ở Đà Lạt và rao cho thuê phòng hoặc cho thuê nguyên căn trên ứng dụng Zalo với tài khoản “Joy booking villa dalat” và Facebook cá nhân. Nếu đồng ý thuê, du khách phải chuyển tiền đặt cọc hoặc trả tiền trước vào tài khoản của Nhã. Tuy nhiên, du khách không nhận được phòng, vì chủ các khu nhà nghỉ mà Nhã đưa hình ảnh và quảng cáo không hề biết giao dịch giữa Nhã và du khách. Khi du khách yêu cầu Nhã trả lại tiền thì Nhã làm “ủy nhiệm chi” giả mạo gởi.
Theo công an TP.Đà Lạt, đơn vị này đã nhận hàng chục đơn thư tố cáo Nhã nhận tiền đặt phòng, tiền thuê biệt thự của du khách nhưng khi họ đến Đà Lạt thì không có phòng để ở. Khi xác minh, chủ các khu nghỉ dưỡng cho biết họ không có nhân viên tên Lai Thanh Nhã và cũng không nhận tiền đặt phòng từ Nhã.
Thủ đoạn lừa đảo đặt phòng khách sạn ở các điểm du lịch Việt Nam không mới, song vẫn khiến nhiều người mắc bẫy, khi bọn lừa đảo đưa ra các thông tin giả hấp dẫn như dịch vụ giá rẻ, chất lượng, nhiều ưu đãi, chỗ ở đẹp….để đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân.
Mặc dù có nhiều đơn tố giác, đến nay công an tỉnh Lâm Đồng mới chỉ tóm được một kẻ lừa đảo!