Bất chấp loạt lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu quốc tế, Trung Quốc vẫn lén lút cung cấp công nghệ mà quân đội Nga cần cho cuộc xâm lược Ukraine, theo đánh giá của Wall Street Journal, dựa vào dữ liệu hải quan Nga.
Hồ sơ hải quan cho thấy các công ty quốc phòng nhà nước Trung Quốc đã liên tục vận chuyển thiết bị định vị, công nghệ gây nhiễu và các bộ phận máy bay chiến đấu cho các công ty quốc phòng thuộc sở hữu của chính phủ Nga vốn nằm trong danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Đó chỉ là vài trong số hàng chục nghìn lô hàng có công dụng kép (sản phẩm có ứng dụng thương mại và quân sự) mà Nga đã nhập khẩu sau cuộc xâm lược Ukraine vào Tháng Hai 2022, theo hồ sơ hải quan do C4ADS, một cơ quan có trụ sở tại Washington DC, tổ chức phi lợi nhuận chuyên xác định các mối đe dọa an ninh quốc gia, cung cấp cho Wall Street Journal.
Việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong khi nước này tiến hành chiến tranh với Ukraine nằm trong chương trình thảo luận trong chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh vào cuối tuần này. Tuy nhiên, chuyến kinh lý của Ngoại trưởng Hoa Kỳ bị hoãn vô thời hạn sau khi Ngũ Giác Đài loan bố một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được phát hiện trên không trung Mỹ hồi đầu tuần (khinh khí cầu đã bị bắn vào ngày 4 Tháng Hai 2023).
Cần biết, dù Nga có khả năng sản xuất phần lớn nhu cầu quân sự cơ bản nhưng nước này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu công nghệ lưỡng dụng, chẳng hạn chất bán dẫn. Công nghiệp vũ khí Nga đã rơi vào tình trạng thê thảm sau khi phương Tây “khóa cửa” xuất khẩu sang Nga những mặt hàng chiến lược như chip máy tính, camera hồng ngoại và thiết bị radar.
Tuy nhiên, hồ sơ hải quan và doanh nghiệp cho thấy Nga vẫn có thể nhập khẩu những sản phẩm công nghệ như vậy thông qua các quốc gia chưa tham gia vào nỗ lực do Hoa Kỳ phát động. Nhiều sản phẩm bị kiểm soát xuất khẩu vẫn tuôn vào những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; và đặc biệt Trung Quốc.
Wall Street Journal đã phân tích hơn 84,000 chuyến hàng do cơ quan hải quan Nga ghi nhận trong khoảng thời gian sau khi phương Tây phát động chiến dịch gây áp lực kinh tế, tập trung vào các mặt hàng mà chính quyền Biden đánh dấu đỏ, tức những sản phẩm quan trọng đối với quân đội Nga.
Naomi Garcia, nhà phân tích tại C4ADS, cho biết: “Bất chấp sự giám sát quốc tế và các giao thức trừng phạt, dữ liệu thương mại toàn cầu đáng tin cậy cho thấy các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc tiếp tục gửi những bộ phận có thể sử dụng trong quân sự cho các công ty quốc phòng Nga bị trừng phạt… Và các công ty Nga đã sử dụng trực tiếp những bộ phận này trong cuộc chiến ở Ukraine.” Hôm thứ Tư ngày 1 Tháng Hai 2023, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thêm vào danh sách trừng phạt gần hai chục cá nhân và công ty bị cáo buộc mua vũ khí và những hàng hóa khác cho các công ty quốc phòng của Nga.
Trước những thông tin về việc Bắc Kinh cung cấp sản phẩm cấm cho Moscow, Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) – phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC – nói: “Việc cáo buộc Trung Quốc cung cấp ‘viện trợ’ cho Nga là không có cơ sở thực tế”. Họ Lưu nhắc lại quan điểm lâu nay của Bắc Kinh rằng Trung Quốc phản đối cái mà họ gọi là những biện pháp trừng phạt đơn phương không có cơ sở luật pháp quốc tế.
Một cách chi tiết, Trung Quốc cung cấp cho Nga những gì?
-Công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – Poly Technologies – vào ngày 31 Tháng Tám 2022 đã chuyển thiết bị định vị cho công ty xuất khẩu quân sự thuộc sở hữu nhà nước Nga – công ty cổ phần Rosoboronexport – để sản xuất trực thăng vận tải quân sự M-17.
-Đầu tháng đó, công ty điện tử Trung Quốc Fujian Nanan Baofeng Electronic Co. cung cấp cho Rosoboronexport, thông qua một công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Uzbekistan – một ăng-ten (telescoping antenna) cho phương tiện quân sự RB-531BE, được sử dụng để gây nhiễu liên lạc.
-Ngày 24 Tháng Mười, công ty máy bay thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc AVIC International Holding Corp. vận chuyển đến AO Kret, một công ty con của gã khổng lồ quốc phòng Rostec thuộc sở hữu của chính phủ Nga nằm trong danh sách trừng phạt phương Tây, các bộ phận trị giá $1.2 triệu dành cho máy bay chiến đấu phản lực Su-35.
Các nhà cung cấp khác được tìm thấy trong dữ liệu hải quan gồm China Taly Aviation Technologies Corp., một đơn vị mua sắm của Cục Thiết bị Không quân Trung Quốc. Trong số lô hàng của công ty này có các bộ phận được gửi vào ngày 4 Tháng Mười. Nơi nhận là nhà sản xuất tên lửa thuộc sở hữu nhà nước Nga Almaz Antey. Sản phẩm được sử dụng cho đơn vị radar di động 96L6E. Theo các nhà phân tích vũ khí, Nga sử dụng radar để phát hiện máy bay chiến đấu phản lực, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương như một phần của hệ thống tên lửa phòng không S-400 đang được sử dụng ở Ukraine.
Điều tra cho thấy, Kret và loạt công ty Nga có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các cơ quan tình báo, quân sự và an ninh của chính phủ Nga cũng sử dụng những công ty tư nhân Trung Quốc. Sinno Electronics, bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xử phạt vào cuối năm 2022 vì bị cáo buộc mua sắm hàng cấm cho lĩnh vực quốc phòng của Nga, là một trong những nhà xuất khẩu hàng hóa công dụng kép nhiều nhất. Sinno Electronics đã gửi cho Nga hơn 1,300 lô hàng từ Tháng Tư đến Tháng Mười, trị giá hơn $2 triệu.
Dữ liệu cũng cho thấy các chuyến hàng drone bốn cánh từ hãng DJI của Trung Quốc được chuyển tới Nga sau khi lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu được áp dụng. Theo hồ sơ hải quan, một số máy bay không người lái này được một nhà bán lẻ Trung Quốc giao trực tiếp cho các nhà phân phối Nga, nhưng một số drone bốn cánh của DJI lại quá cảnh qua Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong những sản phẩm được chuyển lậu cho Nga, chip là mặt hàng quan trọng nhất. Theo hồ sơ hải quan, xuất khẩu chip và các thành phần liên quan đã giảm hơn một nửa sau khi Hoa Kỳ và đồng minh lần đầu tiên áp đặt các hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc tuồn chip cho Nga bắt đầu tăng lên, và đến Tháng Mười đã đạt đến số lượng có tổng trị giá gần $33 triệu!
Không như các chế độ kiểm soát xuất khẩu trước đây khi cấm cung cấp trực tiếp một số hàng hóa công dụng kép, hồi Tháng Hai 2022, giới chức trách phương Tây nhắm mục tiêu vào toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều đó có nghĩa việc vận chuyển những hàng hóa được sản xuất ở các nước thứ ba, sau đó được chuyển đến Nga, cũng bị nghiêm cấm.