Bản thân những trăn trở làm sao để sống tốt hơn ngày hôm qua là biểu hiện đặc trưng của con người.
Con người khác với những sinh vật khác ở khả năng phi thường đối với những suy nghĩ phức tạp và trừu tượng. Khả năng này làm cho thế giới trở nên đa dạng và nhiều màu sắc, làm nảy sinh nhiều thành tựu khoa học và các nền văn hóa khác nhau.
Loài người là sinh vật duy nhất có khả năng hình dung ra tương lai và luôn muốn hoàn thiện, phát triển, thiết kế để làm mọi thứ tốt hơn những gì xảy ra trong ngày hôm qua, trong quá khứ. Như một điều đương nhiên, với bộ óc tự do, tâm trí không hoàn hảo của chúng ta cũng tạo ra những sai lầm và những hệ tư tưởng khủng khiếp. Nếu không biết phân biệt xấu, tốt, chúng ta sẽ tin vào những điều mà chúng ta không nên tin, tự làm hại bản thân và cho hành tinh chúng ta đang sống.
Trong lịch sử hàng ngàn năm, có những người triết gia thông thái dấn thân vào những vấn đề này để phục vụ cho chính họ và nhân loại. Hãy khôn ngoan rút ra từ hàng ngàn năm, hàng triệu giờ kinh nghiệm của họ để suy ngẫm và thực hành, thay vì chúng ta bắt đầu lại từ đầu.
Đây là một số điều mà các triết gia vĩ đại nhất trong lịch sử loài người có thể cho chúng ta biết về cách suy nghĩ, sống tốt. Theo Guardian.
1.Hãy chân thành
“Kẻ hay tranh cãi là người chỉ nhắm đến chiến thắng mà không quan tâm đến liệu lập luận mà anh ta sử dụng hỗ trợ cho mình hay đối thủ” – Akapada Gautama.
Được viết vào giữa thế kỷ VI và II trước công nguyên của Akapada Gautama – tác phẩm kinh điển của Ấn Độ, Nyaya Sutras là chuyên luận đầu tiên về các nguyên tắc lập luận. Gautama phân biệt ba loại tranh luận: Trong jalpa (tranh cãi) mục đích là chiến thắng, trong vitanda (chỉ trích) hoàn toàn quan tâm đến việc chỉ trích phía bên kia, nhưng trong cuộc thảo luận tốt và trung thực, mục đích là sự thật. Đôi khi triết học rơi vào cuộc chiến đối kháng. Những người suy nghĩ tốt nhất tránh tranh cãi hay chỉ trích. Nhà triết học Bernard William nói sự chân thành là một trong hai đức tính của sự thật, bên cạnh tính chính xác. Kẻ thù nguy hiểm nhất của sự chân thành không phải là lừa dối mà là mong muốn chế ngự khao khát đạt được sự thật. Do đó, sự chân thành trong suy nghĩ đòi hỏi phải vượt qua cái tôi ghét thừa nhận mình sai.
2.Hãy khoan dung
Những lý do thực sự của người ta đưa ra kết luận thực tế thường không phải là lý do họ đưa ra trong lập luận của mình. (Janet Radcliffe Richards)
Dễ dàng loại bỏ những người mà chúng ta không thích nếu chúng ta gán cho họ những danh xưng ngớ ngẩn. Nhưng chúng ta không thông minh như chúng ta nghĩ, cũng như người khác không ngu ngốc như chúng ta tưởng. Cách tốt nhất để hiểu bất cứ luận điểm nào là đặt ra những giả định khiến chúng hợp lý.
Để tránh điều mà David Hume gọi là lỗi thô thiển của việc “không đặt gì khác ngoài những điều vô nghĩa vào trán của đối phương”, chúng ta nên sử dụng nguyên tắc khoan dung. Điều này đòi hỏi chúng ta xem xét khía cạnh tốt nhất, mạnh nhất trong lập luận của đối phương chứ không phải chỉ những điều tệ nhất.
3.Luôn khiêm tốn
“Tôi không thông minh, tôi thấy khó mà theo dõi những lập luận” – Philippa Foot
Philippa Foot là một triết gia xuất sắc thế kỷ 20, nhưng cô ấy nói: “Tôi không thể giảng một bài giảng năm phút về các triết gia. Tôi không thể nói về Spinoza. Tôi thật sự thiếu kiến thức.” Mary Warnock là một chuyên gia có tính khiêm tốn sâu sắc. Cô hay nói: “Tôi chưa làm được gì nhiều và việc làm của tôi vẫn chưa tốt lắm.”
Tự nhận xét của hai người phụ nữ nghe có vẻ e dè một cách lố bịch đối với bất kỳ ai biết công việc của họ, nhưng chính sự tự nhận thức chính xác về chính họ, giúp họ vươn lên một cách xuất sắc. Foot có lẽ đã đúng khi cô nói cô không giỏi bằng các đồng nghiệp cùng trang lứa và không đặc biệt thông minh theo nghĩa có thể xử lý nhanh các phép tính logic phức tạp. Thay vì cố cạnh tranh với những người đó, cô đã phát huy thế mạnh của mình: Cái nhìn sâu sắc, trí tuệ sắc bén và khả năng phán đoán tốt.
Tương tự, sự xuất sắc của Warnock không phải là một nhà tư tưởng độc đáo. Cô là người giải thích ý tưởng của người khác một cách tuyệt vời và quan trọng nhất là một chủ tịch xuất sắc của ủy ban đạo đức giúp tập hợp các chuyên gia lại với nhau để hoạch định chính sách chung. Cô để lại di sản lớn hơn nhiều tác phẩm của các triết gia mà cô đánh giá cao.
Tự tin và niềm tin là cần thiết. Nhưng khi chúng ta suy nghĩ rõ ràng, sự vắng mặt của nó lại là ưu điểm. Tất cả chúng ta nên tự nhận xét điểm mạnh và điểm yếu trí tuệ của mình. Phương tiện truyền thông đại chúng làm cho ta bị cám dỗ bởi việc phóng đại khả năng của mình, điều này phải được điều chỉnh bởi sự khiêm tốn trí tuệ.
4.Đơn giản hóa vấn đề
“Thật vô ích khi làm quá nhiều trong khi chỉ cần làm ít hơn” – William xứ Ockham
Nguyên tắc của việc loại bỏ những hành động không cần thiết của Occam là người ta không nên nhân lên các thực thể ngoài mức cần thiết. Đôi khi được gọi là nguyên tắc tối giản. Thực thể đều như nhau nên cần một lời giải thích đơn giản hơn lời giải thích phức tạp. Oái oăm là việc áp dụng nguyên tắc này lại chẳng đơn giản. Điều kiện căn bản là thực thể phải bình đẳng. Những việc xấu mang tính con người phổ biến hơn những âm mưu phức tạp nhưng một số thứ thực sự là âm mưu.
Chúng ta tìm kiếm sự giải thích không phức tạp và sự đơn giản cho phép.
5.Chú ý đến ngôn ngữ của bạn
“Điều cần thiết là phải chỉnh danh cho đúng” – Khổng tử
Hãy luôn nhớ: Ngôn ngữ phải diễn tả đúng sự việc. Khổng tử nói nếu cái tên gọi không đúng, ngôn ngữ không đúng theo sự việc. Nếu ngôn ngữ không đúng theo sự việc, công việc không thể đi đến thành công.
Các nhà triết học luôn quan tâm đến thuật ngữ họ sử dụng. Ngay cả tìm ra chính xác điều mà thuật ngữ đề cập đến cũng là cả một vấn đề. Trong chính trị phổ biến việc lạm dụng ngôn ngữ để hỗ trợ cho quyền lực. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin. “Thuế mất trí nhớ” trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe người già. “Hôn nhân đồng tính” từng là một nghịch lý nhưng hầu hết đều đồng ý rằng ý nghĩa của từ “hôn nhân” đã được phát triển hợp lý.
6.Hãy chiết trung
“Tôi nghi ngờ mình luôn là một kẻ “xâm lăng” ghê gớm qua các lĩnh vực khác” – Onora O’Neill nói về mình.
Sự tự nghi ngờ của Onora O’Neill cho thấy được giá trị và nguy cơ của việc tạo ra một mạng lưới trí tuệ rộng lớn. Là một nhà đạo đức sinh học hàng đầu, nhưng O’Neill đã phải học hỏi từ các bác sĩ, nhà sinh vật học, chuyên gia y tế công cộng, nhà nghiên cứu khoa học, công chức.
Để nuôi sống một quốc gia, bạn cần tập hợp kiến thức từ các chuyên gia dinh dưỡng, nhà đạo đức học, nông dân, nhà sinh thái học, đầu bếp và nhà kinh tế học. Để giải quyết sự nóng lên toàn cầu, bạn cũng cần có những kiến thức khoa học về khí hậu, công nghệ, địa chính trị, kinh tế và nông nghiệp. Để trở thành một kẻ “xâm lăng”, bạn cần trí óc nhạy bén của O’Neill. Chúng ta phải sẵn sàng mở mang đầu óc, nhưng cũng phải cẩn thận trong lĩnh vực xa lạ và giữ được sự trung hòa.
7.Nghĩ cho bản thân, không nghĩ một mình
“Không có nền văn hóa nào độc quyền về trí tuệ. Không có nền văn hóa nào thể hiện tất cả các giá trị cao cả, và do đó, mỗi nền văn hóa đều có rất nhiều điều để học hỏi từ những nền văn hóa khác, thông qua việc truyền miệng” – Bhikhu Parekh
Trong bài tiểu luận What Is Enlightenment, Kant đã định nghĩa sự non nớt là “không thể sử dụng kiến thức của mình mà không cần người khác hướng dẫn”, đồng thời nói thêm rằng: “’Đừng ngại sử dụng sự hiểu biết của chính mình’ là phương châm của sự khai sáng.”
Như Bhikhu Parekh lập luận, việc chúng ta sẵn sàng tiếp thu kiến thức bên ngoài nên mở rộng ra cho những nhà tư tưởng vượt ra ngoài nền văn hóa của chúng ta. Hãy nói chuyện với người khác để tâm trí được mở mang và hoạt động tốt nhất. Thật kiêu ngạo khi nghĩ rằng chúng ta không có gì để học hỏi từ những người đồng trang lứa với mình.
8.Tìm kiếm sự rõ ràng chứ không phải sự chắc chắn
“Mục đích của triết học là nhằm làm sáng tỏ logic của những suy nghĩ. Triết học không phải là một bộ học thuyết mà là một hoạt động” – Ludwig Wittgenstein
Các triết gia và hầu hết tất cả chúng ta có xu hướng hướng tới một trong hai mục tiêu: sự rõ ràng và sự chắc chắn. Sau hơn hai thiên niên kỷ, cách tiếp cận hiệu quả nhất chắc chắn là sự rõ ràng. Nếu bạn muốn tìm ra câu trả lời rõ ràng hơn, những điều mới sẽ mở ra. Ngoài ra, sự chắc chắn rất lôi cuốn sự chú ý. Nhà tâm lý học Elizabeth Loftus chia sẻ rằng trong các phiên tòa, những nhân chứng thể hiện sự chắc chắn về những gì họ đã thấy có xu hướng được tin tưởng nhiều hơn, nhưng sự tự tin lại không đáng tin. Sự chắc chắn thường đi kèm với chủ nghĩa giáo điều, kiêu ngạo và chủ nghĩa cực đoan.
9.Chú ý
“Sự chú ý là kết quả của kiến thức về thực tế” – Iris Murdoch
Iris Murdoch là triết gia và tiểu thuyết gia. Hai thiên hướng này liên kết mật thiết với nhau. Như đồng nghiệp của cô, Mary Midgley, đã nói: “Theo quan điểm về đạo đức của Murdoch, chúng ta biết được đâu là điều đúng đắn và nên làm bằng cách chú ý đến những gì đang diễn ra và nâng cao hiểu biết của bản thân trên thực tế.” Ví dụ, sự đồng cảm giúp chúng ta đối xử với người khác tốt hơn là lý thuyết về đạo đức.
Descartes nổi tiếng với câu nói “Tôi tư duy nên tôi tồn tại.” Đó là một sự thật được rút ra từ sự quan sát: khi bạn cố gắng nghi ngờ rằng bạn đang suy nghĩ, thì sự nghi ngờ của bạn cho thấy rằng bạn phải tồn tại. Tuy nhiên, cũng chính nhờ chú ý kỹ mà Hume thấy Descartes đã sai như thế nào khi kết luận rằng nhà tư tưởng mà sự tồn tại chắc chắn này là một thực thể tinh thần không thể phân chia được. Theo Hume, chúng ta chỉ nhận thức được những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cụ thể, chứ không phải một cái “tôi” đứng đằng sau chúng.
Các lập luận rất quan trọng, nhưng việc đánh giá tính hợp lệ của lập luận của chúng ta đòi hỏi phải chú ý nhiều đến tiến trình của nó hơn là kiến thức về logic hình thức. Suy nghĩ có hiệu quả là khi chúng ta tập trung vào vấn đề mà chúng ta đang nghĩ đến.
10.Theo sự bình quân
“Một số tật xấu nảy sinh vì chúng không hoàn hảo, trong khi những tật xấu khác thì do quá mức và liên quan đến những hành động hoặc cảm xúc vượt quá mức trung bình. Mặt khác, đức hạnh được tìm thấy ở mức trung bình và chọn theo đuổi nó” – Aristotle
Nguyên tắc về ý nghĩa của Aristotle có thể được áp dụng cho gần như tất cả các đức tính, vì có một nền tảng trung gian giữa hai tật xấu: rộng lượng nằm giữa lãng phí và keo kiệt, thấu hiểu nằm giữa thiếu thông cảm và nuông chiều, và kiêu hãnh nằm giữa hận thù và kiêu ngạo.
Aristotle nói rằng dấu hiệu của một trí tuệ được giáo dục tốt là phải thực tế khi giải quyết bất kỳ chủ đề nào. Bạn không nên mong đợi có thể hiểu mọi thứ về một chủ đề và bạn không nên quá quan tâm đến việc tỏ ra sành điệu.
Các đức tính của suy nghĩ, giống như tất cả các đức tính khác, đòi hỏi sự cân bằng và phán đoán. Tuy nhiên, những kỹ năng này dễ học hơn là duy trì. Hãy cẩn thận để không áp dụng các kỹ năng tư duy của bạn một cách mù quáng và luôn đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh, nhưng cũng đừng quá mức. Tuy nhiên, ngay cả những thói quen suy nghĩ tốt cũng có thể trở thành xấu, nếu chúng được áp dụng không đúng cách.