Nỗi sợ hãi của công chúng về việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng tăng lên đáng kể trong hai năm qua, khi những câu chuyện về các cuộc tấn công, đôi khi gây chết người nhằm vào hành khách. Nỗi lo sợ cho không chỉ ở phía người sử dụng mà khu vực xung quanh phương tiện giao thông công cộng cũng trở nên mất an toàn.
Đó là lý do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời các diễn giả vào buổi hội thảo qua Zoom vào ngày 17 Tháng Hai, 2023, để thảo luận về đề tài làm sao cho phương tiện công cộng trở nên an toàn.
Ban Tổ chức hội thảo mời được cô Esther Lee, người bị tấn công trên hệ thống tàu điện ngầm New York. Tại buổi hội thảo, cô Lee kể: “Vào ngày 5 Tháng Mười năm 2021, tôi bắt xe điện về để tham dự một cuộc họp Zoom ở nhà. Vừa ngồi vào chỗ, một người đàn ông không đeo khẩu trang mặc áo hoodie màu hồng giơ bàn tay nắm đấm dí vào mặt tôi. Tôi đã cố tình lờ đi, nhưng gã ta vẫn không để tôi yên. Tôi quay sang, lịch sự nói: ‘Này anh, đừng có chạm vào tôi như thế’. Nhưng gã ta vẫn cứ hét vào mặt tôi, chửi tôi là ‘đồ khốn’. Tôi cảm thấy không an toàn, nên đứng dậy, khi đoàn tàu vẫn đang chạy, và lấy điện thoại ra quay.”
Không chỉ kể, Lee chiếu cho mọi người xem đoạn clip mà cô quay khi bị tấn công trên xe điện. Những hành khách trên tàu đều tỏ vẻ bàng quan. Đoạn clip dài 57 giây thấy rõ một gã đàn ông luôn miệng quát vào mặt Lee và văng ra những lời thô tục. Hắn nắm bộ phận sinh dục của mình và hét lên “Kiss my ass, suck my dick”, rồi liên tục gào lên: “Đồ khốn, ai muốn chạm vào mày chứ!” và nhổ nước bọt vào Lee. “Hôm đó, chẳng ai giúp để tôi chuyển qua tàu khác,” Lee nói. “Cảnh sát bác bỏ trường hợp của tôi như một tội ác căm thù vì thủ phạm không sử dụng từ ngữ châu Á.”
Vì muốn được lắng nghe và hy vọng về một kết quả khác, vào ngày 27 Tháng Mười Lee liên hệ với Phó Thanh tra của Đơn vị Tội phạm vì Thù hận của NY, Jessica Corey. “Corey liên hệ với tôi vào tối hôm đó và nói rằng tôi không phải là nạn nhân của tội ác do thù hận vì tôi ngồi cạnh thủ phạm,” Lee kể tiếp rằng cô không bỏ cuộc. “Tôi nghĩ mình đã đi đến cuối hành trình, khi vào Tháng Mười Hai, tôi được Hội đồng Đánh giá Dân sự thông báo rằng trường hợp của tôi bị coi là ‘tội ác do thù ghét’. Đó là lúc tôi công khai câu chuyện của mình.”
Lee nói thêm: “Nếu những trường hợp như của tôi không bị coi là tội ác do thù ghét, thì có nghĩa nhiều vụ việc tương tự khác bị bỏ qua.”
Theo bà Sandy Close, giám đốc EMS, phụ nữ, người cao tuổi, người da màu, người khuyết tật và cộng đồng LGBTQ+ thường là mục tiêu của các cuộc tấn công như vậy và thường không tìm được cách giải quyết nào khi họ báo cáo vụ việc cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương.
Thượng nghị sĩ bang California David Min, diễn giả của cuộc hội thảo, tiếp lời bà Sandy Close: “Đã đến lúc chúng ta thực hiện các bước để bảo đảm không gian công cộng, trong đó có các phương tiện giao thông cộng cộng, thuộc thẩm quyền của chính phủ phải là nơi an toàn. Tuần này, tôi đã giới thiệu SB 434 để phát triển các giải pháp dựa trên bằng chứng nhằm giảm thiểu hành vi quấy rối.” Dự luật SB 434 về phương tiện giao thông công cộng cho tất cả mọi người: Cải thiện sự an toàn và tăng lượng hành khách’ được giới thiệu tại Thượng viện vào ngày 13 Tháng Hai.
“Tôi tự hào giới thiệu luật này với sự hợp tác của Stop AAPI Hate để yêu cầu mười cơ quan giao thông lớn hàng đầu ở California thu thập dữ liệu mà chúng tôi cần để hành động,” ông Min cho biết. “SB 434 cung cấp cho các dịch vụ vận chuyển công cộng lớn nhất của California những công cụ cần thiết để giữ an toàn cho tất cả hành khách. Khi chúng ta xây dựng và hình dung lại một thế giới hậu đại dịch, việc cải thiện phương tiện giao thông công cộng sẽ là ưu tiên hàng đầu.”
Trong phần trình bày của mình, bà Janice Li, Chủ tịch Hội đồng quản trị phương tiện công cộng tốc hành khu vực Vùng Vịnh (Bay Area Rapid Transit – BART), cho biết: “BART biết rằng để mang hành khách trở lại, chúng tôi phải tiếp tục ưu tiên sự an toàn. Tôi tự hào về nhiều sáng kiến mới mà chúng tôi đã đưa ra trong ba năm qua, bao gồm chương trình đại sứ BART, nơi toàn bộ hệ thống 50 trạm trải rộng trên năm quận của Vùng Vịnh.”
Theo bà Li, nhân viên BART được đào tạo và chuyên môn hóa để thu hút các hành khách và ngăn chặn hành vi quấy rối xảy ra, cũng như có biện pháp can thiệp để không xảy ra cá tình huống đáng tiếc. “Đặc biệt, các chuyên gia can thiệp khủng hoảng của chúng tôi tập trung vào làm việc với những người vô gia cư, người nghiện ngập, hoặc gặp khủng hoảng về sức khỏe tâm thần và cung cấp hỗ trợ trong từng trường hợp cụ thể,” bà Li nói. “Đồng thời chúng tôi tiếp tục thúc giục các thành phố và quận hạt tại địa phương đẩy mạnh cung cấp các nguồn lực và dịch vụ hữu hiệu hơn.”
Các sáng kiến mà bà Li đề cập, là chiến dịch “Not One More Girl” do giới trẻ lãnh đạo nhằm giải quyết vấn đề quấy rối và bạo lực, và “Let’s Talk About Us” – chiến dịch nghệ thuật vừa được phát động từ giữa Tháng Hai, để mang lại tầm nhìn về bạo lực gia đình trong các cộng đồng AAPI.
Cũng thông tin về các sáng kiến của mình, ông Peter Kerre đại diện tổ chức Safe Walks NYC, nơi cung cấp hỗ trợ những người dễ bị tổn thương khi họ rời khỏi phương tiện giao thông công cộng, cho biết: “Safewalks được thành lập vào Tháng Giêng năm 2021 sau khi gia tăng đột biến các cuộc tấn công nhằm vào phụ nữ đi trên hệ thống giao thông công cộng ở New York. Đa số nạn nhân các cuộc tấn công là phụ nữ, và đi một mình.”
Ông Kerre nêu ra những nỗi sợ hãi về phương tiện công cộng mà cư dân New York phải đối phó, gây ra các khủng hoảng như: Khủng hoảng sức khỏe tâm thần; Khủng hoảng kinh tế xã hội (tội phạm do thiếu việc làm/nguồn tài chính); Khủng hoảng phân biệt chủng tộc (Tội ác căm thù và tấn công) và Sự mất lòng tin giữa cộng đồng và cơ quan thực thi pháp luật.
“Chúng tôi đã cố gắng trình bày những điều này với các nhà lãnh đạo dân cử và lãnh đạo thành phố từ đầu năm 2021, nhưng không thành công. Chúng tôi tin rằng người dân New York không thể thực sự cảm thấy an toàn cho đến khi cả bốn điều này được giải quyết một cách bình đẳng,” Kerre nói.