Giới chức Mỹ tin rằng Nga đã thất bại trong cuộc thử nghiệm mới một loại hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, ngay thời điểm Tổng thống Joe Biden có chuyến viếng thăm chớp nhoáng đến Ukraine. Hỏa tiễn hành trình siêu thanh Zircon, vốn được Nga tán dương, thật ra là “con ngáo ộp”.
Theo hai quan chức Mỹ giấu tên biết về sự việc, trong khoảng thời gian Tổng thống Joe Biden đang ở Ukraine ngày 20 Tháng Hai, Nga đã thực hiện cuộc thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (intercontinental ballistic missile-ICBM). Nhưng có vẻ hỏa tiễn ICBM này (Nga gọi là SARMAT; giới quân sự phương Tây gọi là Satan II), với khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân không thử nghiệm thành công như mong muốn.
“Nga đã thông báo cho phía Mỹ trước khi thử nghiệm bằng các tín hiệu gài mã” – một quan chức Mỹ tiết lộ. Quan chức còn lại khẳng định cuộc thử nghiệm không gây nguy hiểm cho lãnh thổ Mỹ và chính phủ Mỹ cũng không xem cuộc thử nghiệm là “bất thường” hoặc leo thang.
SARMAT từng thử nghiệm thành công trước đây và các quan chức Mỹ tin rằng Putin sẽ nhấn mạnh đến cuộc thử nghiệm mới trong thông điệp quốc gia sau đó một ngày nếu nó thành công. Tuy nhiên, Putin không đề cập đến hỏa tiễn trong bài phát biểu kéo dài 1 giờ 45 phút mà chỉ tuyên bố đã chính thức đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân mới (New START) ký với Mỹ. Đây cũng là hiệp ước cuối cùng còn lại dùng điều chỉnh hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Mỹ và Nga đã liên lạc qua một số kênh khác nhau vào đầu tuần này. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết phía Mỹ đã thông báo cho người Nga vài giờ là Tổng thống Biden thực hiện chuyến đi tới Thủ đô Kyiv của Ukraine.
Trong quá khứ Putin từng công bố các thử nghiệm ICBM thành công mà gần đây nhất là vào Tháng Tư 2022, chỉ vài tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine. SARMAT ra mắt vào năm 2016 và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin rằng hỏa tiễn có phạm vi hoạt động trên 11,000 km. SARMAT có thể mang một đầu đạn nặng 100 tấn và là kế thừa của loại hỏa tiễn ICBM R-36M Voevoda. Hình ảnh được công bố bởi Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 20 Tháng Tư 2022 cho thấy SARMAT siêu nặng nằm trong một silo tại bãi thử nghiệm Plesetsk thuộc khu vực Arkhangelsk – CNN cho biết.
Năm 2022, Putin cảnh báo “SARMAT sẽ buộc những kẻ đang cố gắng đe dọa Nga phải suy nghĩ lại”. Vào thời điểm đó, các chuyên gia phương Tây mô tả cuộc thử nghiệm năm 2022 “chỉ là cách đánh lạc hướng khỏi những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine, đặc biệt là vụ chiến hạm lừng lẫy Moskva bị đánh chìm tại Hắc Hải”.
Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài lúc đó là John Kirby không xem thử nghiệm là một bất ngờ. Nó cũng không đe dọa nước Mỹ hoặc các đồng minh. Quân đội Nga đã phải đối mặt với nhiều thất bại lớn trên chiến trường ở Ukraine trong năm ngoái và không đạt được phần lớn các mục tiêu chiến lược. Nói như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, vào tuần trước: “Nga đã thua về cả chiến lược, tác chiến và chiến thuật”.
Tuần trước, các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Nga đã bay gần Alaska hai lần, buộc Bộ tư lệnh phương bắc Mỹ-Canada (NORAD) phải đưa máy bay chiến đấu lên chặn lại. Máy bay Nga chỉ ở rìa không phận có chủ quyền của Mỹ và Canada dài 12 dặm từ bờ biển, nhưng chúng đã bay vào hoặc gần khu vực nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone-ADIZ) của Alaska, cách bờ biển 200 dặm.
Thứ Hai tuần trước, hai máy bay F16 cũng cảnh cáo máy bay ném bom TU-95 và máy bay chiến đấu Su-35 của Nga đi vào ADIZ. Một ngày sau, F-35 lại lên chặn các máy bay TU-95, SU-30 và SU-35 của Nga. “Chúng tôi sẵn sàng sử dụng một số lựa chọn tương xứng để bảo vệ chủ quyền Bắc Mỹ và Bắc Cực” – NORAD ra tuyên bố nêu rõ nhưng không xem các chuyến bay của Nga là “khiêu khích” hoặc là mối đe dọa.
Hỏa tiễn “bất khả chiến bại” của Putin có thể đại bại
Giống như các vũ khí tốc độ siêu lớn khác, vận tốc của hỏa tiễn siêu thanh 3M22 Zircon (SARMAT) có thể phải trả giá bằng độ chính xác của nó – đó là nhận định của Sidharth Kaushal, chuyên gia chiến tranh hải quân tại Viện Royal United Services Institute, một cơ quan cố vấn quốc phòng của Vương quốc Anh.
Zircon có tầm bắn được ghi nhận khoảng 621 dặm, nhưng phụ thuộc vào việc hỏa tiễn được dẫn đường chính xác tới mục tiêu. Dài khoảng 26 feet đến 32 feet, nghĩa là nó đủ nhỏ để trang bị cho các tàu chiến nhỏ như tàu khu trục lớp Admiral Gorshkov và tàu ngầm như tàu lớp Yasen. Putin ca ngợi vũ khí siêu thanh của Nga là “bất khả chiến bại” (bỏ qua các định luật vật lý) và giới chức Nga nói rằng Zircon có thể bay với tốc độ Mach 9, tương đương khoảng 6,900 dặm/giờ, quá nhanh đối với hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn chiến thuật hiện tại. Vấn đề là các vật thể di chuyển ở tốc độ siêu âm (Mach 5 và hơn) sẽ làm ion hóa không khí xung quanh, tạo ra lớp vỏ plasma chặn tín hiệu radar.
Khi đến gần mục tiêu, Zircon sẽ không di chuyển nhanh hơn các hỏa tiễn chống hạm của Nga như P-800 Oniks, có tốc độ khoảng Mach 2.5 (1,900 dặm/giờ). Bay chậm hơn nên hỏa tiễn siêu thanh có thể bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ trên tàu như hệ thống súng/hỏa tiễn SeaRAM của Hải quân Hoa Kỳ. Điểm bất lợi nữa là không giống như các hỏa tiễn chống hạm siêu thanh có thể lướt trên mặt nước để tránh bị radar phát hiện, Zircon sẽ phải ở độ cao khoảng 12 dặm cho đến khi tương đối gần mục tiêu. Bay cao hơn trong thời gian dài khiến nó dễ bị radar đối phương nhìn thấy.
Kaushal viết: “Hỏa tiễn không thể vừa siêu thanh vừa có thể bay thấp. Nhưng cũng không nên đánh giá thấp Zircon. Một tàu khu trục sẽ không thể phát hiện sớm hỏa tiễn siêu thanh bay với tốc độ Mach 5–6 cho đến khi nó đi vào phạm vi khoảng 15 dặm và chỉ có 15 giây để phản ứng”. Dù vậy, Kaushal hoài nghi về tuyên bố của Nga cho rằng Zircon thực sự hoạt động hiệu quả. “Zircon được phát triển nhanh đáng kể so với các hỏa tiễn trước đó của Nga nhưng không có báo cáo nào về thất bại thử nghiệm, rất bất thường đối với một loại hỏa tiễn mới, đặc biệt là loại hỏa tiễn phức tạp như hỏa tiễn hành trình siêu thanh” – ông nhận định, dẫn lại từ BusinessInsider.