Các vận động viên Mỹ giờ đây có thêm nhiều da màu, thay vì trắng toát như trước, nhất là các đội thể dục dụng cụ (gymnastics) – môn chứng kiến sự thay đổi lớn nhất trong tất cả những thay đổi trong thế giới thể thao Mỹ. Nhưng “trắng hoá thể thao” có thực sự bị đẩy lùi.
Từ câu chuyện của Onnie Willis Rogers
Cách đây hai thập niên, Onnie Willis Rogers là một trong năm phụ nữ da đen duy nhất trong lịch sử thể thao Mỹ giành được danh hiệu toàn năng cá nhân (all-around) của giải đấu NCAA thể dục dụng cụ. Và đó là một thành tích to lớn mà chị rất phấn khích. Nhưng niềm vui lớn lại sớm nhuốm màu thất vọng mà các vận động viên da đen xuất sắc trong một bất cứ môn thể thao nào cũng thường cảm thấy: Họ chỉ chiếm số rất ít trong những người được vinh dự đứng trên bục nhận huy chương.
Rogers lớn lên với thể dục dụng cụ từ thập niên 1980, tham gia lớp thể dục dụng cụ đầu tiên năm mới lên 3 và kết thúc cuộc thi cuối cùng ở tuổi 22. Trong suốt những năm tập luyện môn thể thao này, chị thường là gương mặt da màu đơn độc trong phòng tập ở bất kỳ nội dung nào. Trước khi nhận học bổng thể thao toàn phần tại Đại học UCLA ở California, Rogers đã là vận động viên thể dục dụng cụ xuất sắc, thành viên của Đội tuyển quốc gia về thể dục dụng cụ Hoa Kỳ (USAG).
Là vận động viên thể dục giỏi, việc được đưa vào các đội tuyển ở cấp độ thấp là điều bình thường. Nhưng khi thăng hạng, chị thấy môn thể thao này dường như vẫn trở nên “trắng” hơn. Ngay cả khi theo học bốn năm tại UCLA, một môi trường có khá đông sinh viên da đen, Rogers vẫn là nữ vận động viên thể dục dụng cụ da đen duy nhất trong đội tuyển của trường. Đến năm 2001, khi giành được danh hiệu NCAA Rogers có thể nhớ dễ dàng các vận động viên thể dục dụng cụ nữ da đen khác tại các trường top trên mà chị từng giao đấu.
Mới đây, chị bộc bạch với CNN: “Nhưng tình hình hôm nay đã khác. Tôi nhận thấy có khác biệt lớn về thành phần sắc tộc của các vận động viên thể dục dụng cụ. Có lẽ bạn cũng nghĩ như tôi. Có nhiều vận động viên da đen và da nâu trong môn thể thao này hơn bao giờ hết và họ đang trở thành một lực lượng không thể bỏ qua. Năm nay đánh dấu 20 năm kể từ cuộc thi cuối cùng của tôi. Có rất nhiều thay đổi trong môn thể thao này, nhưng có lẽ không có gì nhiều bằng sự gia tăng đáng kể về sự đa dạng chủng tộc và sắc tộc.
Sự thay đổi không có gì là đáng kinh ngạc, đặc biệt là tại Giải vô địch quốc gia (National Championships) tuyệt vời vào mùa Hè năm ngoái, khi những cô gái Mỹ gốc Phi bước lên bục vinh quang. Tôi đã sống với thể dục dụng cụ cả đời mình và tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng như thế. Sự đa dạng và xuất sắc được thể hiện bởi những phụ nữ da màu có thành tích cao nhất là điều đáng trân trọng”.
Đến phá băng “phân chủng” và toả sáng
Trong số các “ngôi sao đen” thể dục dụng cụ đáng chú ý nhất có Simone Biles, cô gái được xem là “biểu tượng toàn cầu” với bảy huy chương Olympic và 25 huy chương vô địch thế giới, nhiều hơn bất kỳ ai trong môn thể dục dụng cụ và được xem là GOAT của môn thể thao này. Thậm chí một số người còn bình chọn cô là “vận động viên vĩ đại nhất mọi thời”. Trước Biles có Gabby Douglas, người đã đăng quang chức vô địch toàn năng Olympic 2012 và trở thành vận động viên thể dục dụng cụ da đen đầu tiên giành được danh hiệu đó. Thành thật mà nói, thật khó để kể tên tất cả những phụ nữ da màu đã lọt vào hàng ngũ cao nhất của môn thể dục dụng cụ kể từ khi Rogers ngừng thi đấu.
Laurie Hernandez, người Puerto Rico là vận động viên thể dục dụng cụ trẻ nhất giành huy chương vàng tại Thế vận hội Rio 2016. Jordan Chiles đã giúp Đội tuyển Mỹ giành huy chương vàng tại giải vô địch thế giới năm ngoái. Cũng phải kể đến Sunisa Lee, một người Mỹ gốc Hmong đã trở thành “người Mỹ gốc Á đầu tiên giành được danh hiệu toàn năng Olympic”. Sự nổi bật của màu sắc ở cấp đại học (cái nôi đào tạo các vận động viên đẳng cấp và chuyên nghiệp của nước Mỹ) cũng không kém phần ấn tượng.
Trinity Thomas của Florida Gator giữ kỷ lục ngoạn mục về sự hoàn hảo. Chae Campbell của UCLA, rồi Chiles và cô sinh viên năm nhất nổi bật Selena Harris đang tiếp tục thu hút sự chú ý của những người yêu thể dục dụng cụ. Ngoài ra còn Jordan Rucker của Đại học Utah và Haleigh Bryant của Đại học tiểu bang Louisiana. Còn quá nhiều người nữa không thể kể hết.
Những cô gái da màu vẫn tiếp tục lập các kỷ lục mới và làm bùng nổ internet với những màn trình diễn phong cách và tinh thần thể thao đặc biệt. “Tôi không thể nghĩ ra môn thể thao lớn nào khác đã chứng kiến sự đột phá và thứ hạng thay đổi đáng kể theo màu da như thể dục dụng cụ. Bơi lội, golf, quần vợt và một số môn thể thao vẫn do người da trắng khống chế và có rất ít vận động viên da màu tạo được đột phá,” Rogers nhận xét.
Trong nhiều năm, nạn phân biệt chủng tộc được “cấu trúc và định hình mạnh mẽ” đã khiến khả năng tiếp cận, cơ hội của người da màu bị thu hẹp và giúp giải thích tại sao thể dục dụng cụ từ lúc ban đầu lại có nhiều người da trắng như thế. Cánh tay dài của bất bình đẳng kinh tế với người da màu ở thế yếu cũng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, kể cả thể thao.
Theo truyền thống, các môn thể thao mà người da đen được đại diện là những môn có trong trường học; như bóng đá, bóng rổ và điền kinh. Thể dục dụng cụ là một môn thể thao rất tốn kém, và đòi hỏi thời gian tập luyện kéo dài với cường độ cao. Muốn đạt đến đỉnh cao chỉ có thể đến các câu lạc bộ tư nhân và các cơ sở đào tạo uy tín, nhưng rất ít. Vận động viên da màu phải làm thêm công việc tại câu lạc bộ thể thao để bù đắp khoản học phí cao ngất ngưởng. Vì vậy, không có phép thuật tài chính nào để tạo ra những vận động viên thể dục dụng cụ da màu đỉnh cao trong nhiều thập niên qua. Luôn có những cô gái da đen và da nâu mạnh mẽ, tài năng và xuất sắc trong thể thao nhưng họ lại thiếu tiền!
Nhiều phụ nữ da đen đầu tiên tham gia môn thể dục dụng cụ, như Diane Dunham và Wendy Hilliard, không được công nhận chỉ vì xã hội Mỹ lúc đó từ chối xem trọng hoặc công nhận phụ nữ da đen. May mắn là luôn có những ngoại lệ, và những ngoại lệ này đã trở thành nguồn cảm hứng cho phụ nữ da màu.
Những bước đột phá trong thể dục dụng cụ vẫn còn tiếp tục: Năm nay, Đại học Fisk là HBCU đầu tiên có đội thể dục dụng cụ thi đấu giải NCAA, toàn đội đều da đen và da nâu. Và khi Tháng Lịch sử Đen (Black History Month) sắp kết thúc, đó là một lời nhắc nhở về những gì sắp xảy ra đối với môn thể thao không còn “quá trắng” này.