Hoa Kỳ có theo kịp Trung Quốc ở Châu Phi?

Chính quyền Biden đang nỗ lực để cải thiện nỗ lực ngoại giao bằng hàng loạt chuyến thăm của các nhân viên cao cấp, cũng như vận động hành lang để thêm Liên minh Châu Phi vào nhóm G-20
Ngay khi Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm chủ tịch Trung Quốc năm 2013, ông ta đã thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Congo Brazzaville và Nam Phi. Tổng thống Jacob Zuma chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 26 Tháng Ba năm 2013 tại Tòa nhà Liên minh ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Alon Skuy/The Times/Gallo Images/Getty Images

Châu Phi vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Sự hiện diện khắp nơi của Trung Quốc dưới hình thức đầu tư kinh tế và quân sự ở Lục Địa Đen ngày càng sâu rộng. Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh vào Tháng Mười Một năm 2003, nhằm thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” với hơn 40 quốc gia Châu Phi.

Năm 2013, Tập Cận Bình công bố sáng kiến đầy tham vọng, “Vành đai & Con đường” nhằm khôi phục tuyến đường buôn bán tơ lụa lâu đời dọc theo bờ biển Đông Phi. Chiến lược này phơi bày được đường lối ngoại giao cứng cỏi và chủ động của Tập Cận Bình. Đầu tư của Trung Quốc ở Châu Phi đạt mức cao nhất vào năm 2016 với $28,4 tỷ nhưng đã giảm xuống còn $1,9 tỷ vào năm 2020.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Phi cùng các tổ chức trong khu vực tham quan Triển lãm về 15 năm Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi, tại Johannesburg, Nam Phi, 4 Tháng Mười Hai năm 2015. Ảnh: Xinhua/Xie Huanchi via Getty Images

Ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc ở Châu Phi

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC), Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ $60 tỷ năm 2018 và $40 tỷ năm 2021. Thêm nữa, Trung Quốc đã công bố tăng nhập khẩu từ Châu Phi lên tổng cộng $300 tỷ trong ba năm tới.

Theo cơ sở dữ liệu về các khoản vay nợ của Trung Quốc, Trung Quốc đã cho các chính phủ Châu Phi và các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2000 đến 2020 là $160 tỷ. Hơn 10.000 công ty Trung Quốc hiện đang hoạt động trên khắp lục địa Châu Phi, với tổng giá trị đầu tư kể từ năm 2005 lên tới hơn $2 ngàn tỷ.

Trung Quốc cũng đã tài trợ, xây dựng, hoặc cải tạo ít nhất 24 dinh thự tổng thống; 26 văn phòng quốc hội; 32 cơ sở an ninh quân sự; 19 tòa nhà Bộ Ngoại giao; và ít nhất 14 mạng viễn thông nội bộ ở Châu Phi. Theo dữ liệu nghiên cứu của tổ chức RAND, Trung Quốc đã cung cấp vũ khí cho 17 quốc gia, cũng như xuất khẩu các nhà thầu quân sự tư nhân ở 15 quốc gia ở Châu Phi.

Không chỉ tăng cường ảnh hưởng chiến lược ở Châu Phi, Trung Quốc còn giúp các nước Châu Phi tăng cường giám sát hoạt động của người dân. Công ty Cloudwalk của Trung Quốc đã đồng ý cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho chính phủ Zimbabwe. Tại Zambia, tập đoàn công nghệ Huawei đã giúp chính phủ truy cập điện thoại và Facebook của một nhóm các blogger điều hành một trang web ủng hộ phe đối lập, dẫn đến việc họ đã bị an ninh Zambia bắt giữ.

Các lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 79 chuyến thăm tới 43 quốc gia Châu Phi khác nhau trong giai đoạn 2008-2018. Trung Quốc có 53 đại sứ quán ở Châu Phi, nhiều hơn cả Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi. Tương tự, Châu Phi cũng đã vượt qua Châu Á để trở thành thị trường lớn nhất cho các dự án xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc. Theo Shirley Yu, giáo sư Đại học Havard và học giả uy tín về các vấn đề Trung Quốc, sự phụ thuộc nặng nề của các nước Châu Phi vào các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ còn tăng và đến một lúc nào đó, nó có thể biến thành “Cơn nghiện Trung Quốc” của lục địa đen.

Tại sao Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở lục địa đen?

Phần lớn cho rằng Trung Quốc tăng cường đầu tư ở lục địa đen là vì muốn khai thác tài nguyên và tăng cường ảnh hưởng. Trung Quốc khó có thể đảm bảo các nguồn tài nguyên đáng tin cậy từ Bắc Mỹ, châu Úc, và các nước phương Tây. Tim Zajontz, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính trị Quốc tế Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho biết:

Các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp Châu Phi phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tiếp cận các nguyên liệu thô cần thiết ở Trung Quốc là một trong số đó. Đặc biệt là dầu thô, các loại khoáng sản, và các loại tài nguyên chiến lược như coban, lithium, và đất hiếm, những nguyên liệu cần thiết trên toàn cầu để sản xuất pin và chip.” Rõ ràng, Châu Phi đã là một phần thiết yếu hơn bao giờ hết đối với an ninh chiến lược của Trung Quốc. Quan trọng hơn, tăng cường đầu tư của Trung Quốc ở Châu Phi cũng là để tìm kiếm đồng minh cho các vấn đề tại Liên Hợp Quốc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các sản phẩm Trung Quốc.

Hoa Kỳ cạnh tranh với Trung Quốc ở Châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Châu Phi diễn ra lần cuối cùng vào năm 2014, dưới thời chính phủ Obama. Dưới thời chính phủ Trump, Hoa Kỳ không mấy quan tâm hợp tác ngoại giao với Châu Phi. Trump cũng là Tổng tổng thống Mỹ đầu tiên không đến thăm Châu Phi kể từ thời Donald Reagan.

Ngược lại, chính quyền Biden nhận thức sâu sắc về việc củng cố các mối quan hệ đối tác hiện có và phát triển các mối quan hệ đối tác mới ở Châu Phi. Theo học giả Matthew Duss của học viện Carnegie Endowment, Hoa Kỳ thời Biden đánh giá rất cao vai trò của Châu Phi đối với thế giới, và cam kết hợp tác với Châu Phi nhất quán và chặt chẽ hơn. Sau hơn 8 năm, Hoa Kỳ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với gần 50 nhà lãnh đạo Châu Phi tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào giữa Tháng Mười Hai năm 2022.

Truyền thông báo chí ở Addis Ababa, Ethiopia loan tin về chuyến công du của Tổng Thống Barrack Obama năm 2015. Ảnh: Minasse Wondimu Hailu/Anadolu Agency/Getty Images

Trong nỗ lực củng cố tầm ảnh hưởng chiến lược ở Châu Phi, chính quyền Biden tăng cường sự hiện diện nhấn mạnh nước này không chỉ là nhà tài trợ nhân đạo của Châu Phi, mà còn là nguồn lực chống khủng bố, và đầu tư kinh tế tiềm năng. Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Ethiopia và Niger trong tuần này và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tới Ghana, Tanzania, và Zambia vào cuối Tháng Ba. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính, Janet Yellen, cũng đã viếng thăm ba quốc gia ở Châu Phi và cam kết tăng cường đầu tư và thương mại.

Nhiều nhà bình luận cho rằng Hoa Kỳ đã bị Trung Quốc ‘bỏ xa’ trong việc xây dựng và củng cố sức ảnh hưởng ở Châu Phi. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia Châu Phi mong muốn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính quyền Biden đang nỗ lực để cải thiện nỗ lực ngoại giao bằng hàng loạt chuyến thăm của các nhân viên cao cấp, cũng như vận động hành lang để thêm Liên minh Châu Phi (African Union) vào nhóm G-20 (Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới).

Đúng là Trung Quốc đã vượt xa Hoa Kỳ với tư cách là nhà đầu tư kinh tế ở Châu Phi. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lãnh đạo Châu Phi của chính phủ và doanh nghiệp tư nhận ra tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ và tiêu chuẩn cao của các doanh nghiệp nước này. Đặc biệt, thảm họa môi trường và sự kém minh bạch kém của nhiều công ty Trung Quốc luôn là nỗi ám ảnh với các quốc gia Châu Phi.

Quan trọng hơn, phần lớn các nước Châu Phi không bận tâm về các cuộc đấu tranh quyền lực địa chính trị theo nhận định của nhiều chuyên gia. Nhưng thay vào đó, họ muốn các hợp tác lâu dài để mang lại lợi ích kinh tế. Nói cách khác, Hoa Kỳ không nên xem châu lục này là “đấu trường” nơi các cường quốc nước ngoài tranh giành ảnh hưởng, thống trị, và khai thác tài nguyên. Bởi điều này đã xảy ra với chủ nghĩa thực dân và kết quả là một Châu Phi bị tàn phá và kém phát triển.

Theo chuyên gia Thomas P. Sheehy của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc ở lục địa đen, Hoa Kỳ nên phát huy thế mạnh của mình bằng cách hỗ trợ cho các nhà hoạt động, các tổ chức xã hội dân sự, và truyền thông Châu Phi đang thúc đẩy các giá trị dân chủ, là những điều mà Trung Quốc luôn chống đối. Về lâu dài, nỗ lực cam kết ngoại giao và hợp tác chặt chẽ sẽ bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại lục địa đen.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: