Trong buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội, một số đại diện UBND quận, huyện cho biết, số ca mắc Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm khác như: thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có xu hướng tăng. Trong đó, đã ghi nhận một số ổ dịch Covid-19, thủy đậu, tay chân miệng tại trường học.
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị người dân khi đến các nơi công cộng cần tuân thủ nguyên tắc 2K: Mang khẩu trang, và khử khuẩn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 1 Tháng Tư, ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn từ 2 – 5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1 Tháng Tư đến nay, số người mắc Covid-19 tăng dần. Tính đến ngày 16 Tháng Tư, toàn thành phố có 566 trường hợp mắc Covid-19 đang điều trị.
Về dịch sốt xuất huyết, có 212 trường hợp mắc, phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã. Về bệnh tay chân miệng, toàn thành phố có 384 trường hợp mắc. Không có trường hợp tử vong đối với cả 3 loại bệnh này.
Tình hình Covid-19 tại Sài Gòn cũng có một vài biến chuyển đáng lo ngại, nhưng chỉ tăng nhẹ, và tập trung vào người cao tuổi.
Từ đầu năm đến nay, Sài Gòn có 190 ca mắc Covid-19. Song song đó là sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5. Thực trạng miễn dịch cộng đồng tại Sài Gòn đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm từ 98,7% (vào tháng 9.2022), nay giảm xuống còn 96,7%.
Điều này cho thấy có khả năng Covid-19 sẽ tăng cao trong thời gian tới, nếu tỷ lệ này tiếp tục giảm.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, một quỹ bồi thường quốc tế đã được thành lập nhằm chi trả cho các trường hợp (phần lớn nằm ở các quốc gia châu Phi và Đông Nam Á) gặp biến chứng nghiêm trọng do tiêm vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX.
Theo WHO, quỹ bồi thường này được áp dụng cho nhóm gồm 92 nước thu nhập trung bình và thấp đang tham gia cơ chế COVAX. Phần lớn các nước này nằm ở châu Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện chương trình này như thế nào. Tuy nhiên, theo WHO, đơn ghi danh có thể được thực hiện thông qua trang web www.covaxclaims.com bắt đầu từ ngày 31 Tháng Ba năm 2023, kết thúc nhận đơn vào ngày 30 Tháng Sáu năm 2027.
Nhiều người bị biến chứng do tiêm Covid-19 tại Việt Nam không tin họ sẽ nhận được tiền bồi thường của WHO nếu thông qua các tổ chức do nhà nước quản lý, vì tính không minh bạch của nhà nước ngay từ đầu xảy ra đại dịch.
Ông Nguyễn Đình Toan (65 tuổi, ngụ ở Sài Gòn) nói: “Tôi nghĩ những người bị biến chứng vì Covid-19 sẽ nhận được tiền bồi thường trên… tivi như tiền hỗ trợ Covid-19. Cho đến nay, còn rất nhiều người chưa được nhận đồng nào từ hai gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ và 90 ngàn tỷ nhà nước đã hứa từ năm 2021”.
Chưa hết, nhân dịp WHO công bố quỹ bồi thường quốc tế này, người dân lại thắc mắc Quỹ Vaccine phòng Covid-19 đã được nhà nước huy động lên tới hơn 8.800 tỷ đồng nhưng không dùng mua vaccine hiện nay nằm ở đâu? Mọi người chỉ biết Bộ Y tế (cơ quan quản lý quỹ) gởi ngân hàng kiếm lời, rồi im tiếng luôn từ đó tới nay.