Từ một cuộc thăm dò mới nhất
Chỉ 12% số người được hỏi trong cuộc thăm dò mới nhất của tờ Wall Street Journal và NORC cho biết họ “rất hạnh phúc” (very happy). Vậy điều gì khiến họ trở nên khác biệt với số đông khác?
Kết quả thăm dò cho thấy: “Những người tự nhận mình là hạnh phúc nhất nước Mỹ có một số đặc điểm chung: Xem trọng cuộc sống cộng đồng và quan hệ cá nhân thân thiết; có niềm tin vào Thượng đế và thường là người lớn tuổi hoặc trong độ tuổi về hưu”.
Đa số người Mỹ không thuộc nhóm 12% “rất hạnh phúc” theo đánh giá của họ (12% là tỷ lệ nhỏ nhất của nhóm này trong cuộc Khảo sát xã hội Tổng quan (General Social Survey) hàng năm của NORC kể từ 1972).
Trong số 1,019 người trưởng thành tham gia cuộc khảo sát mới, phần lớn thấy bi quan về nền kinh tế và triển vọng sáng sủa hơn của thế hệ tiếp theo. Khoảng 30% đánh giá bản thân ở mức hạnh phúc thấp nhất: “không quá hạnh phúc” (not too happy). Đa số, khoảng 56% đánh giá “khá hạnh phúc” (pretty happy). Những tỷ lệ trên đã làm nổi bật nhóm người “rất hạnh phúc”.
Vậy nhóm này nắm được bí quyết gì mà những người Mỹ còn lại không có? Câu trả lời của cuộc khảo sát: Những người rất hạnh phúc đặc biệt xem trọng các mối quan hệ bền chặt và khoảng 67% nói hôn nhân rất quan trọng đối với họ, bất kể tình trạng hôn nhân ra sao so với 43% tính chung cho tất cả người tham gia khảo sát.
Xu hướng tin vào Thượng đế của người rất hạnh phúc cũng thấy rõ với 2/3 tự mô tả mình “rất sùng đạo” hoặc “khá sùng đạo” so với dưới 50% tính chung. Tinh thần hoà nhập cộng đồng của họ cũng cao hơn những người ít hạnh phúc. Nhiều người rất hạnh phúc bằng lòng với tài chính cá nhân và không quá xem trọng tiền bạc.
Những người rất hạnh phúc thường lớn tuổi, thường thuộc phái nữ và không nhất thiết cùng xu hướng chính trị. “Chúng tôi đang sống nhờ An sinh xã hội và một vài khoản lương hưu nhỏ – Mary Ann DePasquale, 76 tuổi, một thư ký y tế đã nghỉ hưu sống ở Keedysville, Maryland, một trong những người tự nhận mình là người rất hạnh phúc, bộc bạch – Chúng tôi vẫn sống từ tháng này qua tháng khác bằng khoản tiền đó và không cần thêm bất cứ gì nữa”.
Cuộc khảo sát và các cuộc phỏng vấn tiếp sau đã phát hiện ra một số điều không được những người rất hạnh phúc xem là qua trọng. Nhiều người (cả ủng hộ Trump và Biden) cho biết họ có theo dõi chính trị và đau khổ trước tình trạng của đời sống người dân. Họ thú nhận bản thân mình cũng gặp khó khăn. Một số phải nuôi con bệnh hoạn hoặc đã ly hôn. Nhưng tất cả, không ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc của họ.
Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều người nói “hạnh phúc được hình thành một phần trong tính cách, một phần từ những lựa chọn và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày”.
Một sở thích chung khác của những người rất hạnh phúc là tập thể dục. LaTasha McCorkle, 35 tuổi, một nhà hoạt động cộng đồng ở Greensboro, North Carolina cho biết bà là người duy nhất ở phòng tập thể dục mang theo đứa trẻ 2 tuổi trong xe đẩy.
Giải thích tại sao những người từ 60 tuổi trở lên chiếm chỉ 30% số người tham gia khảo sát nhưng chiếm đến 44% nhóm “rất hạnh phúc”, Robert J. Waldinger, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard và là Giám đốc công trình Nghiên cứu Harvard về Sự phát triển của người trưởng thành (Harvard Study of Adult Development) nói: “Khi già đi chúng ta sẽ nhận ra cái chết là điều có thật, không thể tránh khỏi. Nhưng thay vì chán nản, chúng ta lại ưu tiên cho bình an tâm hồn”.
Về phát hiện phụ nữ nhiều hơn nam giới trong nhóm người “rất hạnh phúc”, Waldinger dự đoán: “Có thể do phụ nữ sống lâu hơn nam giới!”. Nghiên cứu Harvard của ông đã theo dõi hai nhóm nam giới và gia đình họ từ năm 1938. “Một trong những phát hiện quan trọng nhất của tôi là: tìm được một hoặc hai người để kết nối an toàn là yếu tố quan trọng nhất của hạnh phúc và sức khỏe”.
Trong khi nghiên cứu của Harvard không tìm thấy tôn giáo là yếu tố “trung tâm” của hạnh phúc, Tiến sĩ Waldinger cho biết ông tin rằng có mối liên hệ vì “cả hôn nhân và tôn giáo đều mang lại cho chúng ta cảm giác yêu thương”.
Hạnh phúc là do chính mình
Hạnh phúc của bà Andrea Rankin 80 tuổi (làm giám đốc 25 năm tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ) hiện sống tại thành phố Cortland, New York là tập trung vào các dự án cộng đồng. “Tôi không cảm thấy vui khi không có dự án – bà nói – Tôi đã giúp xây dựng nhà tá túc cho các nạn nhân bạo lực gia đình. Một dự án cộng đồng lớn khác là cắt giảm tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên trong quận hạt tôi ở”.
Tái hôn sau khi ly hôn bà thừa nhận chính công việc tư vấn đã giúp bà vượt qua thời kỳ khó khăn. Đến nay bà vẫn vận động thể chất và công tác xã hội với bạn bè bốn lần một tuần. “Tôi đã có một cuộc sống trọn vẹn, tuyệt vời. Vì vậy, nếu phải chết vào ngày mai, tôi sẽ hài lòng với những gì mình đã đạt được” – bà nói.
Larry Old, 77 tuổi, kỹ sư xây dựng đã nghỉ hưu sống một mình trên mảnh đất rộng bảy mẫu Anh tại thành phố Chesapeake, Virginia tự cho mình là “một kẻ cô độc đi tìm mục đích sống”. Ngôi nhà đang sống cũng là nơi ông đã lớn lên.
“Chính ngôi nhà này là nguồn gốc sự hài lòng và rất hạnh phúc của tôi. Tôi có đủ loại kỷ niệm tuyệt vời trong ngôi nhà đó – ông Old nói – Tôi còn nhớ mình thức dậy lúc 4 giờ sáng để cho gà ăn và vắt sữa bò. Tình cảm mẹ con của tôi cũng sâu sắc hơn trong ngôi nhà này (nơi ông giúp bà chiến đấu với căn bệnh ung thư)”.
Hiện đã ly hôn, ông cho biết “có một người bạn tốt còn hơn là có nhiều… bè”. Là người sùng đạo và cầu nguyện hàng đêm, ông rất thích cuốn sách “The Purpose Driven Life” (Cuộc sống được thúc đẩy bởi mục đích” của Mục sư Rick Warren. Mục đích sống đối với ông là giúp đỡ người khác (mà đôi khi chỉ đơn giản như chăm sóc con chó của người anh trai). “Nếu bạn là một người cô độc và cứ ở yên một chỗ, bạn sẽ rất khổ sở” – ông nói.
LaTasha McCorkle, 35 tuổi, nhà hoạt động cộng đồng sống tại thành phố Greensboro, North Carolina có bí quyết hạnh phúc: “Chỉ nên quan tâm đến những gì bạn có thể kiểm soát được, còn không, hãy buông bỏ”. Cô tin mọi người đều có thể học cách trở nên hạnh phúc.
“Tôi không lớn lên bên cạnh những người hạnh phúc mà là những người uống rượu và hút thuốc lá, kể cả tôi, cho đến khi tôi từ bỏ thói quen này trước tuổi 30. Đừng để niềm vui của mình bị chi phối hay phụ thuộc vào bất cứ sự kiện nào bên ngoài. Tôi cố giữ mình thoát khỏi tác động của người khác, chẳng hạn như không nổi nóng khi kẹt xe trên đường cao tốc. Tôi chỉ bận tâm đến những gì trong phạm vi mình có thể kiểm soát được. Đừng tự chuốc gánh nặng vào thân!” – McCorkle bộc bạch.
Không ngại có ý kiến chính trị, hiện cô vẫn tổ chức các sự kiện cộng đồng để thông báo cho những người có thu nhập thấp về quyền lợi của họ, chẳng hạn như được xóa một số tiền án. Cô nói: “Tôi không sùng đạo như lúc còn nhỏ nhưng tôi hiểu chúng ta đến trái đất này để được trải nghiệm tâm linh và trải nghiệm những gì cuộc sống mang lại”.
Tham khảo:
https://www.wsj.com/articles/happiest-people-america-poll-ef7c854c?mod=hp_lista_pos2