Tại sao báo chí không đưa tin Dương Thu Hương được giải thưởng quốc tế?

Câu chuyện Thứ Năm
Share:
Nữ văn sĩ Dương Thu Hương. (Hình lưu trữ của Ulf Andersen/Getty Images)

Như tin đã đưa, nhà văn Dương Thu Hương (sinh 1947) đã vinh dự được trao giải Cino Del Duca của Học viện Pháp hôm thứ Sáu tuần trước 21 tháng Tư 2023. Một làn sóng hân hoan, xen lẫn tự hào tràn ngập các trang mạng xã hội trong và ngoài Việt Nam. Nhưng đã gần tuần nay truyền thông trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng về sự kiện quan trọng này. Tại sao vậy?

Đã có rất nhiều bài của các nhà phê bình nghiên cứu văn chương như Vương Trí Nhàn, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hưng Quốc, các nhà báo như Lê Phú Khải, Đinh Quang Anh Thái… cùng nhiều vô số người đọc sách đăng trên các trang mạng cá nhân rồi được chia sẻ rộng rãi về danh giá của giải Cino Del Duca, về cuộc đời chìm nổi và văn nghiệp của nữ văn sĩ Dương Thu Hương –  người Việt Nam thứ hai được tặng giải thưởng quốc tế danh giá này, bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, chúng tôi xin phép không nhắc lại. Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào thái độ ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam trước một sự kiện mang tầm quốc tế như vậy.

Có người bảo, giải thưởng Cino Del Duca “lạ quá”, không nổi tiếng như giải Nobel nên có khi báo chí trong nước không biết để đưa tin. Nói như vậy không đúng. Bằng chứng là tạp chí Tuyên Giáo, “tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương” đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), số ra ngày 26 tháng Năm 2020 đã đăng một bài dài kèm ảnh nữ văn sĩ Joyce Carol Oates, người Mỹ, chúc mừng bà đạt được giải Cino Del Duca mà tờ báo này gọi là “bước đệm để tác giả tiến tới giải Nobel Văn học”. Lẽ nào Ban Tuyên giáo của đảng lại ca ngợi một nhà văn Mỹ mà lại tảng lờ một nhà văn Việt khi hai nữ văn sĩ được nhận cùng một giải.

Vụ bưng bít thông tin về giải Cino Del Duca năm nay xem ra chỉ có thể là do đường lối của đảng CSVN, thực hiện qua cái gọi là sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo. Ban này có quyền sinh sát với giới truyền thông trong nước. Mới chỉ vài hôm trước, các báo đăng tin, bài về cái chết của ông Đặng Tiến, một giáo sư, nhà phê bình văn học định cư ở Pháp, để rồi sau đó phải đồng loạt gỡ tin, xóa bài sau khi có chỉ thị miệng của Ban Tuyên giáo.

So với nhà phê bình văn học Đặng Tiến, nữ văn sĩ Dương Thu Hương nổi tiếng hơn nhiều. Bà không chỉ được giới văn chương nước ngoài đánh giá cao mà đã gây bão táp trong nước khi viết ra hàng loạt tiểu thuyết lên án chế độ cộng sản phi nhân, vạch trần bản chất dối trá của nhà nước độc tài toàn trị trong những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990. “Những thiên đường mù”, “Bên kia bờ ảo vọng”… đã là tiểu thuyết gối đầu giường của một thế hệ người đọc trong nước, cùng với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và những bài bút ký, phóng sự nảy lửa trên tuần báo Văn Nghệ thời nhà văn Nguyên Ngọc làm tổng biên tập.

Ông Đặng Tiến – một người miền Nam đi du học dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), học xong không về mà ở Pháp dạy học, tham gia hoạt động phản chiến với các trí thức cánh tả người Việt ở châu Âu, chống chế độ VNCH, ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam – lẽ ra ông phải được chính quyền cộng sản hiện thời ghi công và coi trọng. Nhưng chỉ vì cuối đời, ông Tiến thường đi về Việt Nam, tham gia Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập – một tổ chức văn nghệ nằm ngoài sự kiểm soát của ĐCSVN mà ông bị đảng ghét, đến nỗi những bài báo tưởng niệm sau khi ông mất lỡ đăng rồi cũng phải gỡ đi, rút xuống và xóa bỏ.

Với cách hành xử như vậy, tất nhiên ĐCSVN không thể chấp nhận nhà văn Dương Thu Hương – người đã dõng dạc nói lên sự thức tỉnh của những người dân bị đảng cộng sản dắt vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa, vào một “thiên đường” cộng sản mù quáng, để rồi vỡ mộng nhận ra “bờ ảo vọng”…; người mà tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc đến tầng lớp trí thức thị dân của Việt Nam từ cuối thập niên 1980 về sau. Đảng đã làm mọi cách để bịt miệng bà như khai trừ bà khỏi đảng năm 1989, bắt bỏ tù bà năm 1991 và cấm tiệt việc in ấn, xuất bản hay tái bản tác phẩm của bà.

Dương Thu Hương có thể được thế giới vinh danh, được công chúng ngưỡng mộ, nhưng với ĐCSVN bà chỉ là một “kẻ phản động”, một “con đĩ chống đảng” như lời quan chức cao cấp nhất của ĐCSVN từng nói về bà sau khi bà tuyên bố “ỉa vào mặt đảng”. Có thể nói, trong những người viết văn làm thơ Việt Nam hiện còn sống và sáng tác, Dương Thu Hương là nhân vật bị đảng CSVN căm thù nhất.

Nhiều tác phẩm của Dương Thu Hương, ra đời cuối thập niên 1980, đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự vỡ mộng của một thế hệ thị dân Việt Nam về ĐCSVN, về chiến tranh và về cái gọi là chủ nghĩa xã hội. Ảnh Facebook.

Việc Ban Tuyên giáo cấm báo chí trong nước đưa tin về sự kiện Dương Thu Hương được vinh danh với giải thưởng quốc tế Cino Del Duca do vậy hoàn toàn không có gì lạ, không ngẫu nhiên mà nhất quán với đường lối của đảng.

Đường lối đó, được tổng bí thư Trường Chinh vạch ra từ Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 và chế ngự hoạt động văn hóa văn nghệ của đảng CSVN đến tận bây giờ, là một thứ đường lối phản dân tộc, phản tiến bộ mà cốt lõi là tiêu diệt tự do sáng tạo, tiêu diệt cá tính của người nghệ sĩ buộc phải vào khuôn phép “công-nông-binh”, dập tắt mọi tiếng nói đối lập với đảng, dán cho họ cái nhãn “phản động”. Khốn nỗi, trong lịch sử văn học thế giới từ xưa tới nay, không chỉ ở Việt Nam, những tác phẩm lay động lòng người và có sức sống mạnh mẽ nhất phần lớn là của những nghệ sĩ chống cường quyền, cổ xúy tự do và nhân bản và sự tiến bộ. Xem ra chính cái đường lối văn nghệ của đảng CSVN mới đúng là “phản động” theo nghĩa triết học của từ này.  

Thực hiện một đường lối văn hóa phản động, đảng CSVN đã gây ra vụ đàn áp Nhân Văn – Giai Phẩm những năm 1956-1958, đày đọa hàng trăm nhà văn nhà thơ tài hoa vào cảnh sống như chết. Đảng chủ trương đốt sách và bắt vào trại cải tạo hàng ngàn nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ… của chế độ VNCH ở miền Nam sau tháng Tư 1975. Gần đây đảng vẫn tiếp tục não trạng phản dân hại nước đó trong mọi quyết định hàng ngày, dù đó là những “chuyện nhỏ” như cấm nhà giáo-nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc về nước thăm gia đình, cắt điện đêm biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly hay cho dư luận viên đánh hội đồng nhà văn Nguyên Ngọc… Nhà văn, nghệ sĩ càng được công chúng mến mộ vì nói lên tiếng nói của những người thấp cổ bé miệng,  càng thể hiện “chủ nghĩa nhân văn hiện đại” [chữ của Ban Giám khảo giải Cino Del Duca nói về tác phẩm của Dương Thu Hương] thì càng bị đảng căm ghét và triệt hạ.

Một chế độ thù địch với tự do sáng tạo, căm thù và tận diệt những tài năng văn nghệ không cùng quan điểm với đảng thì không có nhà văn mà chỉ có viên chức văn nghệ, tệ hơn nữa là bồi bút, không có tác phẩm văn chương mà chỉ có tuyên truyền nhồi sọ; không bao giờ sản sinh được những tác phẩm văn chương nghệ thuật có giá trị nhân bản để được độc giả-khán giả quý trọng và thế giới tôn vinh, cho dù ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng ngô nghê bộc bạch:“Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước” làm trò cười cho thiên hạ.

Chính sự tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao nhân bản đã giúp cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, dù chỉ tồn tại 21 năm trong hoàn cảnh chiến tranh tự vệ hết sức khốc liệt, phát triển được một nền nghệ thuật sáng chói trong tất cả các lĩnh vực, từ văn chương, âm nhạc hội họa, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu… VNCH không bao giờ coi người nghệ sĩ là “phản động” phải đàn áp, thậm chí còn cho tự do truyền bá, giảng dạy tác phẩm của những văn nhân thi sĩ đang “làm lớn” trong hàng ngũ đối phương mà không có sự kỳ thị. Gần nửa thế kỷ trôi qua, dù bị nhà cầm quyền cộng sản dùng mọi cách tiêu diệt, đàn áp dã man, một bộ phận nền nghệ thuật đó vẫn sống, vẫn chiếm lĩnh trái tim và khối óc của nhiều thành phần dân chúng trong nước, bây giờ và còn mãi về sau.

Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng ĐCSVN gần đây rêu rao: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội”. Nhưng ai cũng thấy dưới sự cai trị của ĐCSVN, Việt Nam hiện nay là một “vùng trắng” về văn hóa, chẳng những không có một bài thơ bản nhạc hay cuốn tiểu thuyết nào lay động được hồn người mà xã hội tràn lan lối sống chụp giật, hận thù, mê tín, dâm đãng, vừa phản tiến bộ vừa đi ngược truyền thống văn hóa của dân tộc. 

Những nghệ sĩ tài hoa như bà Dương Thu Hương chắc chẳng quan tâm tới chuyện tên tuổi của mình bị cấm lên truyền thông trong nước, cũng chẳng lạ với lối hành xử thấp kém của nhà cầm quyền, nhưng người dân Việt thì không thể thông cảm và không thể không thấy xấu hổ.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: