Lừa đảo trên mạng nở rộ

TikTok là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất cho những hoạt động lừa đảo (ảnh: Jakub Porzycki/NurPhoto via Getty Images)

Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission-FTC) cho biết mua sắm trực tuyến là hình thức lừa đảo phổ biến nhất và các vụ lừa đảo thường diễn ra trên truyền thông xã hội (social media). Theo FTC, thiệt hại do gian lận trên mạng xã hội đã lên tới hơn $1.2 tỷ trong năm 2022, tăng từ $42 triệu của năm 2017. Ai cũng có thể bị lừa khi mua hàng qua quảng cáo và trên thị trường trực tuyến.

Ổ lừa đảo trên TikTok

Những kẻ lừa đảo tìm kiếm thông tin về tiền và thẻ tín dụng đang nhắm vào những người trẻ tuổi tham gia “vô tư” vào các nền tảng truyền thông xã hội để mua sắm trực tuyến. Trong bài báo mới đây, Wall Street Journal thuật:

Jessica Longoria, chuyên gia thẩm mỹ 30 tuổi ở Fresno, California, đang lướt qua TikTok vào Tháng Mười Một thì thấy một quảng cáo về những chiếc hộp xếp giày (shoe-organizing boxes). Quảng cáo cho biết các hộp nhựa trong suốt được bán giảm giá trong thời gian giới hạn. Cô truy cập vào trang web và đặt mua hộp đựng 36 chiếc với giá $45.

Đến cuối Tháng Mười Hai, gói hàng từ nhà quảng cáo hộp giày đến nhà, bên trong có một túi nhựa lớn. Longoria tá hoả khi kiểm tra hàng và đưa sự bực bội của mình lên TikTok. Một số người khác cũng lên TikTok tố cáo họ bị quảng cáo trên lừa tương tự. Tổng cộng, các video vạch trần màn lừa đảo này được xem 32 triệu lần. Tháng Mười Hai, Longoria dò tìm địa chỉ email liên hệ trên trang web của người bán, gửi nhiều tin nhắn nhưng không ai trả lời. “Khi tôi cố truy cập vào trang web, nó cũng không còn kết nối” – cô nói.

Người phát ngôn của TikTok nêu lý do: “Người bán không còn được phép quảng cáo trên TikTok nữa. Chúng tôi có các quy tắc minh bạch về quảng cáo và sẽ xóa nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng, chính sách quảng cáo hoặc điều khoản dịch vụ của chúng tôi”. Đối với giới trẻ từ 18 đến 29 tuổi, mạng xã hội là nơi mà họ có thể… thấm đòn gian lận! Theo FTC, năm 2021, gần 40% thiệt hại do gian lận được báo cáo bởi FTC trong nhóm tuổi này diễn ra trên các trang mạng xã hội. Christine Halvorsen, Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro Protiviti nhận định: “Thế hệ Z lớn lên cùng điện thoại hoặc iPad trên tay nên họ rất thoải mái dùng các phương tiện này để mua hàng trực tuyến với niềm tin gần như tuyệt đối”.

Nhưng người già thường mất tiền nhiều hơn

Tháng Ba qua, FTC đã ban hành lệnh buộc các công ty truyền thông xã hội lớn gồm TikTok và Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook và Instagram) giải trình cách họ thẩm tra quảng cáo sản phẩm trên trang web của họ. TikTok và Meta cho biết họ đang hợp tác với lệnh của FTC và đã có các biện pháp phát hiện phần lớn mối đe dọa. “Quảng cáo trên TikTok phải  trải qua nhiều cấp độ xem xét của con người và máy móc trước khi được phê duyệt” – người phát ngôn của TikTok khẳng định. Còn phát ngôn viên của Meta cho biết: “Chúng tôi đã ngăn chặn rất nhiều tài khoản giả mạo và rất nhiều vụ lừa đảo tài chính trước khi những người sử dụng nền tảng của chúng tôi bị mắc bẫy”.

Nạn nhân Longoria cho biết cô từng nghe cảnh báo về công ty quảng cáo hộp đựng giày nhưng video quảng cáo của họ quá thuyết phục. Longoria đã đệ đơn kiện Apple vì cô thanh toán bằng Apple Card và đã được hoàn trả $45. “Trải nghiệm này đã dạy tôi cẩn thận hơn với các quảng cáo trên mạng xã hội. Tôi sẽ nửa tin nửa ngờ về bất kỳ loại quảng cáo hấp dẫn nào trên TikTok trước khi biết chắc chắn nó đến từ một công ty nổi tiếng và đã được xác minh”.

Số tiền những người trẻ tuổi báo cáo bị mất do lừa đảo trên mạng thấp hơn nhiều so với người lớn tuổi. Người già là thành phần dễ bị lừa đảo qua điện thoại (từ giả danh hỗ trợ kỹ thuật, rút thăm trúng thưởng đến giả làm bạn bè, người thân vay mượn). FTC cho biết, trong khi khoản thiệt hại do gian lận cá nhân được báo cáo bởi những người từ 18 đến 59 tuổi là $500 tính trung bình mỗi người trong năm 2021 thì con số này ở những người từ 80 tuổi trở lên là $1,500.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về gian lận trực tuyến, dù số tiền bị lừa không lớn nhưng thường có một kế hoạch nguy hiểm hơn phía sau nó. Những kẻ lừa đảo đặt quảng cáo trên mạng xã hội thường là một phần của một doanh nghiệp tội phạm có tổ chức, tập trung vào việc đánh cắp dữ liệu hơn là kiếm tiền từ các giao dịch nhỏ. Chúng thường sử dụng thông tin thẻ tín dụng lấy được để mua thẻ quà tặng, tiền điện tử hoặc bán thông tin thẻ tín dụng, tên và địa chỉ lấy cắp được cho người khác.

Nên cảnh giác với thị trường online và biết cách tự vệ

Theo FTC, thị trường trực tuyến là môi trường chính cho bọn gian lận mua sắm. Elly Sloman, một sinh viên đại học 20 tuổi ở ngoại ô Atlanta, muốn mua một chiếc PlayStation vào Tháng Mười Hai và tìm thấy một chiếc PS4 Pro trên trang Facebook Marketplace với giá $300. Đây là lần đầu tiên cô mua hàng trên trang web và người bán đã hướng dẫn cô thực hiện giao dịch qua Facebook Messenger và dùng Meta Pay (hệ thống thanh toán của Meta) để chuyển tiền. Khoản thanh toán dựa vào thẻ debit của cô.

Sloman kể lại: “Ngay sau khi mua, tôi lập tức có cảm giác mình vừa làm một điều ngu ngốc!”. Theo dõi quá trình giao dịch cô thấy người bán đã chặn cô trên Facebook nên không thể nhắn tin cho anh ta. Theo chính sách bảo vệ mua hàng của Facebook, các giao dịch mua có tranh chấp sẽ không được bảo vệ nếu người mua thực hiện giao dịch qua Facebook Messenger hoặc các dịch vụ nhắn tin khác, nhận hàng tại địa phương hoặc trang web của bên thứ ba. Để có thể yêu cầu hoàn lại tiền, người mua phải mua bằng cách bấm vào hàng chữ “Buy Now”.

“Người bán lẽ ra phải giao máy chơi game cho tôi, nhưng nó không bao giờ đến. Tôi đã báo cáo vụ lừa đảo với Facebook và ngân hàng của mình, nhưng giao dịch mua không được bảo hiểm vì tôi sử dụng thẻ debit thay vì credit – Sloman nói và hối tiếc – Tôi thường nghiên cứu kỹ chính sách hoàn trả và bảo vệ người mua khi mua sắm trực tuyến, nhưng lần này tôi quá tin tưởng”. Sau khi bị lừa trên Facebook Marketplace, Sloman đã học được một mẹo: Hãy yêu cầu người bán viết tên của bạn lên giấy và chụp ảnh tên đó bên cạnh mặt hàng để chứng minh họ thật sự có thứ mà họ đang bán.

Mới đây, Meta đưa ra những lời khuyên về cách tránh lừa đảo, cách mua hàng có trách nhiệm và cách tố cáo. Nếu người bán gian lận, số đông công dân mạng xã hội sẽ gắn cờ (flagged) lên món hàng và tài khoản của người này để cảnh báo. Những cảnh báo như thế thường lan sang các trang mạng xã hội khác. Hãy truy cập vào trang web của người bán trên một tab mới để kiểm tra thông tin thay vì chỉ xem những gì thấy trang bán hàng. Cần biết rõ chính sách hoàn trả và các cách liên hệ với doanh nghiệp, chủ nhân món hàng. Cũng nên đọc các bình luận đánh giá bên dưới quảng cáo sản phẩm mình định mua.

Nếu các bình luận bị tắt (như trường hợp quảng cáo hộp đựng giày) thì đó là dấu hiệu lừa đảo phải tránh xa. David Richardson, phó chủ tịch công ty bảo mật dữ liệu Lookout, đề nghị rằng người mua hãy tìm những khiếu nại trước đây của khách hàng. Nhưng hãy nhớ, không có đánh giá tiêu cực nào mà chỉ toàn những lời khen có cánh cũng là một dấu hiệu lừa đảo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: