Đó là nội dung chính của Thông tư 18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 5 Tháng Năm, 2023.
Theo đó, người vi phạm hành chính nếu trong 10 ngày không nộp phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% mỗi ngày trên tổng số tiền chưa nộp.
Thí dụ: Anh A đi xe hơi bị phạt nồng độ cồn 40.000.000 đồng (mức phạt cao nhất), và bị lập biên bản. Anh A có 10 ngày chạy tiền đóng phạt. Sau 10 ngày, anh A không đủ tiền đóng phạt, hoặc có tiền nhưng chưa muốn đóng, thì sang ngày thứ 11, anh A bị phạt 0.05% của 40.000.000 đồng tiền chưa nộp, là 20.000 đồng.
Lúc này, số tiền chưa nộp của anh A là 40.000.000 + 20.000 = 40.020.000 đồng. Anh A có thể “chặc lưỡi” cho qua, vì 20 ngàn so với 40 triệu thì chẳng là gì.
Nếu anh A “chây ỳ” không trả vì cho rằng công an đo nồng độ cồn bằng máy đo “đểu”, kiện ra tòa, yêu cầu điều tra, thì: Một tháng sau, số tiền phải đóng là 40.604.370,37 đồng. Anh A tiếp tục kiện vì cho rằng anh sẽ thắng. Anh nói “đóng thêm 600 ngàn cũng được, nhưng tôi phải làm cho ra lẽ”.
Ba tháng sau, số tiền phải đóng tăng lên đến 41.840.643,84 đồng, trong khi “lẽ” (phải trái) vẫn chẳng ra gì.
Nếu vụ kiện kéo dài đến một năm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thì số tiền anh A thiếu nợ nhà nước lên đến 47,982,385.23 đồng. Trong đó 40.000.000 đồng là “tiền gốc” phải đóng, và 7.982.385,23 đồng là tiền “lãi mẹ đẻ lại con” từ cọc “tiền gốc” của chính anh A. Số tiền này tương đương với lãi suất 19.96%.
Có người nói nhà nước phạt như thế chẳng khác gì tụi “giang hồ” cho vay nặng lãi!
Thực ra với “lãi suất” gần 20%/năm trong thí dụ trên cũng còn nhẹ hơn khi phải đi vay tiền ngoài chợ đen, rồi lấy tiền đó đóng cho nhà nước. Thế nên người bị đóng phạt cũng đừng lấy đó làm buồn. Nhà nước dù có phạt nhưng vẫn thương dân, lấy lãi nhẹ hơn bên ngoài, “tạo điều kiện” cho người vi phạm trả nợ. Nghe rất “thơm thảo”, dù lãi mẹ, lãi con vẫn nảy nở, sinh sôi.