Bốn máy bay quân sự Nga có thể vừa bị bắn rơi gần biên giới Ukraine. Đây là tổn thất nặng nề nhất đối với không lực Nga trong cuộc xâm lược. Moscow cũng cáo buộc Kyiv đã sử dụng hoả tiễn tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp trong một cuộc tấn công thọc sâu vào miền Đông Ukraine.
Nga tổn thất máy bay lớn nhất
Ngày 13 Tháng Năm, hai máy bay chiến đấu và hai trực thăng vận tải quân sự của Nga đã bị rơi ở miền Nam nước Nga. Đây là tổn thất nặng nề nhất đối với không lực Nga kể từ lần tổn thất lúc Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào Tháng Hai, 2022. Trước đó, Nga tin rằng hệ thống phòng không của Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn. Não trạng khinh địch này đã khiến hơn 70 máy bay Nga bị xoá sổ.
Đây không phải là tuyên truyền mà chính hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin một máy bay chiến đấu Su-34 và một trực thăng Mi-8 bị rơi (không nêu lý do) ở vùng Bryansk của Nga. Các phóng viên quân sự Nga và một quan chức Nga quân quản ở miền Đông Ukraine cũng đưa tin một chiếc Mi-8 khác và một chiếc Su-35 bị rơi. Chín thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong vụ rơi máy bay ngày 13 Tháng Năm 2023. Các video cho thấy máy bay nổ trên bầu trời và rơi xuống bốc cháy trong một khu vực nhiều cây cối.
Alexander Bogomaz, Thống đốc Bryansk viết trên Telegram: “Một phụ nữ bị thương và năm ngôi nhà bị hư hại trong một vụ tiếp đất ở Klintsy (một thị trấn cách biên giới Ukraine 30 dặm)”. TASS trích dẫn các dịch vụ khẩn cấp quy lỗi cho cháy động cơ, nhưng một số phóng viên quân sự Nga tin rằng máy bay đã bị lực lượng đặc biệt Ukraine phục kích bằng hoả tiễn vác vai. Hoa Kỳ đã cung cấp hoả tiễn phòng không Stinger để Ukraine bắn hạ các máy bay tầm thấp. Ba Lan, Vương quốc Anh và các nước khác cũng cung cấp các hệ thống tương tự.
Chuẩn bị tổng phản công
Trong một dấu hiệu khác của việc Ukraine chuyển từ phòng thủ sang tấn công, phía Nga tố cáo Ukraine đã sử dụng hoả tiễn hành trình do Anh cung cấp trong các cuộc tấn công mới vào Luhansk, một khu vực do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Vụ tấn công mới này và một loạt vụ tấn công thọc sâu hơn vào Nga hoặc lãnh thổ do Nga tự tuyên bố chủ quyền, cho thấy Ukraine đang tìm cách làm suy yếu lực lượng Nga trước khi mở cuộc tổng tấn công giành lại lãnh thổ, dự kiến diễn ra sau vài tuần nữa.
Kyiv đang tìm cách đánh bật các lực lượng Nga khỏi những lãnh thổ bị chiếm đóng phía Nam và phía Đông. Khi triển khai các đơn vị tinh nhuệ được phương Tây huấn luyện và trang bị, Kyiv hy vọng vũ khí và chiến thuật hiện đại tiên tiến sẽ giúp lực lượng Ukraine vượt qua lợi thế về quân số của Nga.
Suốt cuộc chiến, Ukraine đã sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để phá huỷ các trung tâm hậu cần Nga, làm suy yếu đáng kể khả năng hỗ trợ tiền tuyến của Moscow. Trong hai ngày qua, một kho chứa nhiên liệu và một khu công nghiệp ở thành phố Luhansk phía Đông do Nga chiếm đóng bị tấn công. Luhansk, cách các điểm phòng thủ gần nhất của Ukraine khoảng 70 dặm không bị tấn công kể từ khi chiến tranh bắt đầu vì nằm ngoài tầm bắn khiêm tốn của pháo binh Ukraine và các hệ thống hoả tiễn Himars do Mỹ cung cấp. Nhưng nay không còn an toàn như thế nữa. Nga và chính quyền bù nhìn địa phương thừa nhận các cuộc tấn công được thực hiện bằng hoả tiễn hành trình không đối đất Storm Shadow mới do Anh cung cấp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết quân đội cần thêm thời gian trước khi mở cuộc phản công quy mô để tránh thương vong lớn cho dân thường, nhưng Kyiv dường như đã bắt đầu chiến thuật phá hoại, tấn công các kho lưu trữ nhiên liệu của Nga và các điểm hậu cần quân sự khác. Đức đã công bố gói thiết bị quân sự lớn nhất viện trợ cho Ukraine với tổng trị giá 2.7 tỷ euro ($2.93 tỷ) gồm các hệ thống pháo di động và đạn pháo, thêm bốn hệ thống phòng không IRIS-T SLM và các hoả tiễn bổ sung cho các hệ thống đó. Ngoài ra còn 30 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và 20 xe chiến đấu bộ binh Marder bọc thép nhẹ. Theo bảng xếp hạng của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức đã trở thành nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ ba cho Ukraine sau Mỹ và Anh – Wall Street Journal cho biết.
Ukraine tăng cường sản xuất vũ khí và linh kiện thay thế tại chỗ
Tại Bakhmut, tâm điểm chính của cuộc giao tranh ở Ukraine trong nhiều tháng qua, quân đội Ukraine bắt đầu chuyển từ phòng thủ sang tấn công đối phương ở một số khu vực phía Đông thành phố. Bakhmut có ý nghĩa to lớn với Putin khi Nga cố tìm kiếm một chiến thắng sau loạt thất bại bất ngờ kể từ mùa hè năm ngoái. Nhưng tập đoàn khét tiếng tàn bạo Wagner cũng chẳng làm nên trò trống gì.
Về phần mình, Kyiv xem cuộc chiến bảo vệ thành phố là cơ hội để làm hao mòn quân đội Nga và “mua thời gian” cho cuộc tấn công được dự đoán. Quân đội Nga tưởng như sắp kiểm soát hoàn toàn Bakhmut nhưng trong bốn ngày qua, các lực lượng Ukraine đã chiếm lại được khoảng 1,6 km tại các khu vực có ý nghĩa chiến thuật ở phía Nam thành phố, trong khi các đơn vị thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới số 72 của Nga vội vã rút chạy.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine đang phải chịu đựng tình trạng thiếu vũ khí hiện đại và không có khả năng sửa chữa nhanh chóng những vũ khí phương Tây họ có. Để giúp giải quyết thiếu hụt, ngày 11 Tháng Năm, công ty quốc phòng Rheinmetall của Đức và tập đoàn Ukroboronprom, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Ukraine đã đồng ý hợp tác sửa chữa, phát triển vũ khí ở Ukraine và sẽ sản xuất một số sản phẩm của Rheinmetall bên trong quốc gia này (Rheinmetall sản xuất một số thành phần xe tăng Leopard, một số phương tiện chiến đấu bộ binh và hệ thống phòng không đang sử dụng ở Ukraine).
Dù Rheinmetall không nói những sản phẩm nào sẽ được sản xuất tại Ukraine, nhưng trước đó, giám đốc điều hành Armin Papperger cho biết công ty sẽ sản xuất xe tăng Panther ở đó. Hoạt động sản xuất vũ khí của Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công liên tục của Nga, khiến các nhà sản xuất vũ khí lớn, gồm cả Ukroboronprom, phải chuyển sản xuất ra nước ngoài. Sản xuất tại chỗ phải đối mặt với thách thức hậu cần vì đưa nguồn cung nguyên vật liệu từ bên ngoài vào rất khó.