Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (7)

Tôi còn ngần ngại gì nữa? Ông Thẩm phán đã bảo thế, mình cứ thế mà khai. Có lẽ ông ấy sốt ruột, muốn có một cái tên cho xong việc! Nào ngờ tôi vẫn là thằng ngây thơ, ngu ngốc: Việc toà án đâu phải chuyện chơi! Tôi thưa: “Tên Ha thầy chùa!”

Ông Thẩm phán Tỉnh hỏi ông Thẩm phán Huyện: “Ha nào?” Ông Thẩm phán Huyện nhíu mày suy nghĩ. Rồi ông khe khẽ lắc đầu: “Không phải! Tên Ha người cùng xã cũng bị bắt một hôm với tên Thuỳ, không thể nào còn đến nhà tên Thuỳ để cất giấu súng đạn!” (Thuỳ là tục danh bố tôi).

Ông Thẩm phán Tỉnh hỏi ông Thẩm phán Huyện: “Ha có phải thằng coi chùa, dốt nát, chữ nhất không biết, nhà nghèo rớt mồng tơi, mặt mũi trông như con khỉ đột, chỉ được cái láu lỉnh giống nòi nhà khỉ?”

Ông Thẩm phán Huyện đáp: “Đúng nó, thưa anh!”. Ông Thẩm phán Huyện thấy tôi đang cúi đầu lo sợ, bảo ông Thẩm phán Huyện: “Bây giờ đã gần 11 giờ trưa, cho nó nghỉ ngơi, suy nghĩ thêm để chiều làm việc tiếp”.

Ông Thẩm phán Huyện nói “Vâng” bằng tiếng Pháp rồi bảo tôi: “Cho mày sang nhà bếp, nói với thằng Tợm để nó cho ăn cơm trưa rồi chờ đó sẽ có người đến gọi!”

Nhà bếp ở liền kề bên cạnh. Nhà gỗ lợp kè ba gian nối dài cái chái dọc làm bếp. Chủ nhà đi đâu vắng cả. Anh Trần Văn Tợm, quê xã Quảng Nham, cùng huyện Quảng Xương, làm nghề đánh cá, bị án tù sáu tháng về tội gì không rõ. Mãn hạn, anh được giữ lại làm cấp dưỡng cho Uỷ ban huyện. Anh vừa đi chợ về. Người anh vạm vỡ, mặt hơi rỗ, tính tình vui vẻ. Tôi nói: “Các ông Toà án bảo tôi xin anh cho ăn cơm trưa”. Anh cười: “Tưởng cái chi chứ cơm trưa thì được, mi muốn ăn mấy thì ăn, gạo thóc ở huyện không thiếu như ở xã nhà mô”. Thấy anh xởi lởi, tôi cũng vui lây.

Món cá anh mới mua ở chợ về là cá biển nhỏ nhiều loại, thường gọi tên “cá láo nháo”, do dân chài kéo rồng mới được, còn tươi xanh. Anh Tơm rửa cá đổ vào nồi, bắc lên bếp, rưới ít nước mắm, rồi cứ thế châm củi đun. Tôi ngạc nhiên hỏi anh: “Tại sao anh không đổ thêm nước, để thế cháy nồi mất!” Anh cười: “Trong cá có nước rồi, đổ thêm nước mất ngon, nhưng phải nấu nhỏ lửa, cá vừa chín, bắc ra, cá không bị lạt”. Tôi chợt hiểu, “à” lên một tiếng.

Bữa cơm chỉ có cá và cá. Ăn xong, anh trỏ cái giường phía gian gần bếp: “Mi cứ lên giường tau mà nằm nghỉ trưa, tau còn phải đi mua rau, sửa soạn bữa chiều”.

Nhà cửa vắng vẻ, tôi tha hồ được yên tĩnh nghĩ cách trả lời sao để thoát tội, cái tội mình không sai phạm, cũng không hề biết! Con đường tối om tôi đang tìm lối thoát cứ mù mù mịt mịt, thỉnh thoảng thấy một tia sáng chợt loé lên rồi lại vụt tắt! Đầu óc tôi ngày càng mờ mịt như con đường hầm không lối thoát, đang phải lần mò từng bước. Tôi nghĩ ngợi lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia. Tôi nhớ mình đã đọc một tập sách mỏng rất hay: Bao Công kỳ án có chuyện Bao Công tra án Quách Hoè. Tôi ước gì hai ông Thẩm phán cũng là những Bao Công thời nay!

Tôi cố nhắm mắt nằm yên, muốn quên đi mọi việc, rồi sẽ ra sao thì ra, nhưng trong mắt tôi lại hiện lên sợi dây thừng, cái cùm sắt, sợi dây thừng trói xiết cánh khỉ, cái cùm sắt cùm quặt cổ tay ra sau lưng…, có cả cái dây thừng buộc vào cổ bò, cổ chó lôi đi, dắt đi…

Thôi thôi càng nghĩ càng sinh quẩn… Giá như người ta bảo cứ nhận tội đi rồi tha cho, mình nhận ngay! Đằng này người ta có nói thế đâu. Họ bắt khai ra súng đạn cất giấu ở đâu, ai đã cất giấu. Thế mới chết! Bởi sự thật tôi chưa hề thấy mặt mũi khẩu súng hay viên đạn lớn nhỏ ở nhà tôi! Ước gì mình có phép thần thông biến hoá ra súng đạn. Không được! Thế thì chết cả lũ! Đành cứ sự thực trả lời, may ra còn sống được!

Hai giờ chiều, các ông Thẩm phán lại gọi tôi đến chỗ làm việc buổi sáng. Ông Thẩm phán Huyện giọng nhẹ nhàng: “Nghĩ kỹ rồi, bây giờ nói thật đi, để khỏi mất thì giờ. Ở nhà, chắc mẹ mày đang mong mày được tha về”.

Tôi khoanh tay lại trước ngực như thuở nhi đồng học tiểu học với thầy giáo trường làng mỗi khi thầy hỏi bài: “Thưa các ông Thẩm phán, xin hai ông xét rõ, tình thực tôi đi học xa nhà từ năm 13 tuổi, mãi đến lúc sắp đấu tranh chính trị, thầy mẹ tôi không còn tiền gạo cho trọ học xa nữa mới bắt trở về. Tôi đi cùng anh Nậu, trưa nay về đến nhà thì sáng sớm mai thày tôi bị bắt. Tôi không hề biết chuyện gì về súng đạn. Tính tôi vốn nhát như cáy, rất sợ súng đạn, thấy khẩu súng lục của ông Khai đã phát run!”

Tôi nói một mạch như học trò đọc bài thuộc lòng. Vì tất cả đều là sự thật, đều xuất phát từ sự thật, không có gì thật hơn!

Tuy nhiên, lời sự thật, những lời moi từ gan ruột của tôi không được ai tin cả. Hai ông đều lắc đầu. Ông Thẩm phán Tỉnh trừng mắt nhìn tôi: “Cha con mày đều là giống lừa ưa nặng. Mai tao cho mày lên gặp cha mày để xem cái cổ cò của mày có cứng bằng cha mày không”. Ông quay sang nói với ông Thẩm phán Huyện: “Đồng chí báo cho công an huyện, đêm nay gửi tạm nó ở đấy một đêm. Nhớ cho nó nếm thử: Khoá trái tay đằng sau và cùm tréo chân đằng trước. Nó kêu thì nhét giẻ rách vào mồm nó. Sớm mai giải nó lên tỉnh, nếu nó không đi được thì cứ dùng chão hay thừng trói cổ lôi đi!”

Ông Thẩm phán Huyện “vâng” một tiếng gọn lỏn!

Không còn hy vọng gì nữa! Đêm nay chắc chết, chết trong đau đớn tột cùng! Sức vóc tôi yếu đuối chịu sao được nổi một đêm! Tôi chưa chết, họ cũng kéo cái xác dở sống, dở chết của tôi lên tỉnh như kéo cái xác một con chó. Tôi bỗng nhớ mẹ tôi và oà lên khóc. Càng cố nén xuống cổ họng càng bật lên tiếng khóc! Tôi nhớ mẹ tôi! Tôi thương mẹ tôi!

Nhưng tôi bỗng giật nẩy mình vì nghe tiếng quát đùng đùng như sấm sét bên tai: “Mày khóc mả cha mả mẹ mày! Cha mày chưa chết, mẹ mày còn sống. Nếu mày thương  mẹ mày thật thì hãy khai báo thành khẩn, cứ một mực ngoan cố, mẹ mày sinh có mình mày biết ăn ở với ai? Tuổi già sức yếu cậy nhờ ai? Mày được mẹ sinh ra nuôi ăn học, không biết thế nào là đạo hiếu phải báo đền hay sao?”

Tôi cố nén chịu để thôi không khóc nữa, nhưng vẫn ấm a ấm ức, tấm ta tấm tức… không thể nào nín lặng chịu im được! Tôi “ức” cái gì? “Ức” đời bất công! Tôi “tức” cái gì? “Tức” trời không có mắt! Nỗi niềm này từ lâu, bây giờ có dịp mới ào ra theo dòng nước mắt! Bài thuyết giảng đạo đức của ông Thẩm phán không sai, nhưng chỉ làm tôi thêm chán ghét ông ta. Không làm được Bao Công thì thôi, sao ông lại làm kẻ vô đạo “nhập nhân chi tội”?

Ông Thẩm phán Tỉnh có vẻ ngán ngẩm cắp cặp lẳng lặng đi sang hàng xóm. Rồi ông Thẩm phán Huyện cũng ôm một tập giấy tờ đứng lên đi theo. Ra đến cửa ông không quên ngoái cổ ra lệnh cho tôi: “Cứ ở đây, sẽ có công an huyện đến!” Tôi “thưa vâng” và ngồi thụp xuống đất, vì đứng lâu, đôi chân mỏi nhừ, lòng dạ rối bời. Tôi nghĩ đến sợi dây thừng, cái cùm sắt và đêm nay… Mẹ tôi đã bảo: “Chạy trời không khỏi nắng!” Quả không sai! Có lúc một ý nghĩ “chết” đến với tôi. Nhưng làm sao “chết” được? Chết dễ mà chết cũng khó. Thắt cổ tự tử tôi không có gan! Nhảy xuống sông, ở đây không có sông! Uống thuốc độc, lấy đâu ra?

Tôi nghĩ ngợi lan man chuyện sống chết, chuyện số phận, chuyện đời là bể khổ…

Khoảng 5 giờ chiều, anh công an huyện đến. Tôi giật nẩy mình, trống ngực nổi lên. “Mi là thằng Phổ phải không? Toà tạm tha cho về, phải luôn luôn ở nhà để lúc cần Toà kêu lập tức có mặt. Lần sau phải thành khẩn khai báo để được khoan hồng. Mi ngoan cố lắm! Xã còn báo cáo lên huyện nhiều việc của nhà mi, của mi, cấp trên nắm hết, Toà hỏi chỉ để xem coi mi có thành khẩn hay không, để xét khoan hồng hay trừng trị. Mi còn nhỏ nên khờ dại lắm! Phải nhớ lời tao mới được!”

Tôi vui sướng không xiết, miệng nói “dạ vâng”, hai chân mừng quýnh chạy ra sân, ra ngõ. Tôi lúng túng, cuống quýt hỏi thăm đường. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết nhà ấy là nhà nào, ở thôn gì vì lúc đó sợ bị nghi ngờ hỏi thăm nơi huyện làm việc để báo cho máy bay địch đến bắn phá!

Sau khi bất ngờ được tạm tha, tôi trở về nhà, sống theo kiểu tù giam lỏng. Nghĩa là tuyệt đối không được bước chân ra khỏi ngõ. Nhà tôi không có bò, chỉ giữ lại dăm sào để khỏi phải ăn đong, do mẹ tôi và anh Nậu lo cày cuốc cấy hái, suốt ngày vật lộn với công việc đồng áng. Tôi ở nhà quét dọn nhà cửa, nấu nướng cơm nước.

Mẹ tôi không có tiền đi chợ, bữa ăn triền miên rau lang luộc chấm nước mắm cáy thối, do bị gió thổi lật bay mất chiếc nón lá rách đội trên vại, nước mưa chảy vào. Ngoài ra còn có món cà thâm, cà trắng, muối từ mùa cà tháng ba năm ngoái. Vại cà muối hơi đầy. Cái nén cà bằng đá nhồi hơi nhẹ, nước chỉ lên được nửa vại. Khi lấy cà để ăn, anh Nậu moi chọn quả trắng đẹp ăn trước, sau còn lại đều cà thâm. Cà thâm hết, đến cà lũn cũng ăn. Cà lũn phải bỏ nồi kho lại. Anh Nậu khéo vét trong hông lọ mỡ rán hồi Tết Nguyên đán, sót lại, bỏ vào món cà lũn sau khi nấu chín, làm mất mùi hôi, hơi có mùi thơm, dễ ăn hơn.

Ăn uống kham khổ rồi cũng quen dần. Thì giờ rảnh rỗi nhiều, tôi không có sách báo gì để đọc, rất buồn, nhưng chỉ quanh quẩn trong sân vườn, chứ không bao giờ đi ra đến đầu ngõ. Trước nhà tôi có cái ngõ chạm đục bằng tre, ban ngày chống lên, ban đêm sập xuống, chốt lại vào cọc tre phía trong, lại có ông chó đá nhỏ ngồi canh, không cho ma quỷ xâm nhập.

Hồi bắt đầu đấu tranh chính trị, ngõ bị phá dỡ, chỉ còn ông chó đá bốn mùa, bát tiết vẫn ngồi đó dãi dầu nắng mưa bão tố (ông chó đá ấy dáng đẹp và độc đáo về tạo hình, sau này còn sót lại sau bao tang thương biến đổi, tôi đặt làm tượng thờ bên gốc cây hoa ngâu, có đủ bát hương, be chén, ở lối ngõ vào sân, chiều 30 Tết ngào ngạt khói hương thơm ngát). Cửa ngõ mở thông thống, chẳng sợ kẻ gian phi, vì chúng đến làm gì cái nơi tiếng cả, nhà không. Hai con chó giữ nhà cũng đã phải bán trước Tết, vì người còn đang lo đói, lấy đâu cơm gạo nuôi chó! Tôi nhớ lời anh công an huyện, chỉ quanh quẩn chán trong nhà, lại ra sân, vườn.

Sân nhà tôi rộng. Trước năm tôi ra đời (1935), nó là sân đất nện và hẹp vừa. Mẹ tôi muộn màng, năm 26 tuổi mới sinh ra tôi. Thời xưa, bằng tuổi ấy mới sinh đẻ là quá hiếm muộn. Cầu trời khấn phật mãi mới được thằng cháu đích tôn, ông nội tôi mừng quá, vay tiền của bà chị gái lấy chồng trại Cồn (nhà giàu, hơn mẫu vườn trồng chè) để lát sân gạch, mở rộng thêm gần 2m bằng gạch chỉ, diện tích chính toàn gạch bát Cẩm Trướng.

Tỉnh Thanh Hoá thời Nguyễn gạch ngói Cẩm Trướng (huyện Yên Định) nổi tiếng tốt nhất. Nhờ ở gần sông Mã, Cẩm Trướng sẵn củi mua từ trên rừng chở về, không phải đốt bằng rơm rạ. Chất đất Cẩm Trướng nhiều sét, ít sạn sỏi. Gạch nung kỹ, chín đều, phẳng mịn, góc cạnh vuông vắn. Đặc biệt giữa viên gạch bát nào cũng có một lỗ thủng thông hơi để độ nung được chín đều. Nghe nói thời mới lát, sân gạch đỏ chót, sau mỗi cơn mưa to hay nhỏ, ông nội tôi cũng bắt quét đi quét lại sạch bóng, đề phòng trong điều kiện ẩm ướt, rêu mọc bám.

Nhà nông, đã thuộc bậc trung, rất cần có cái sân gạch rộng. Mùa màng phơi phong lúa má, phơi khoai thái lát, phơi rơm… sạch sẽ, chóng khô… Xong mùa lúa khoai, mảnh sân rộng rãi quang lâng, người, vật tha hồ đi lại, không lo lốc đất, mưa nhiều chẳng sợ đất nhão thành bùn. Trên cái sân mênh mông này (dưới mắt bọn trẻ), tôi và thằng bạn hàng xóm tha hồ đùa nghịch, chơi trò đuổi bắt nhau, đánh cù, đánh khăng, đá banh. Những đêm sáng trăng mùa hè, người lớn bắc ghế hoặc trải chiếu ngồi chơi, uống nước  chè xanh, rít thuốc lào kêu giòn tan, thêm đằm thắm câu chuyện nhà nông.

Dấu ấn khó phai mờ là những tối trăng rằm Trung thu. Lễ tết gia tiên nhà tôi cúng xong lúc chập chiều, bây giờ mới đến cỗ tết gia đình. Mảnh sân gạch còn tươi màu gạch Cẩm Trướng, được quét sạch tinh, sạch bóng. Anh Nậu trải hai chiếc chiếu rộng, một chiếc ngay ngắn chính giữa, một chiếc chếch bên cạnh phía Bắc, gần nhà dưới (nhà ngang). Chú thím tôi dọn mâm. Cỗ bàn đơn sơ, những món sang bấy giờ có cá rán, trứng đúc, gà rang,… ngày Tết Nguyên đán mới có. Tết Trung thu nhà tôi thông thường, ngoài lộc Tổ xôi nếp cái, thịt lợn luộc, là món không bao giờ cúng: Rau muống luộc chấm nước cá om…

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: