Trại giam chuyển sang phần sinh hoạt ca hát. Chỉ có ba bài hát quen thuộc: Diệt phát xít, Một mùa thu, Bao chiến sĩ anh hùng, cứ hát đi hát lại, mỏi miệng rơi hàm vẫn cứ phải hát! Nhiều người vừa ngủ gật vừa hát, lè nhè, ấm ớ câu được, câu chăng, đầu lắc lư, thân ngả nghiêng như say rượu, đến nỗi cụng cả trán vào gáy anh ngồi trước. Năm gian đình là năm gian buồng giam.
Nhìn từ buồng bên này qua kẽ hở hàng rào tre gai có thể thấy rõ buồng bên cạnh. Buồng nào cũng đông, chật kín người như nêm cối, ước đến gần bốn trăm người tất cả. Buồng thứ năm, buồng cuối, nhốt toàn phụ nữ. Ai cũng phải hát thật to, trương họng gân cổ lên mà hát, dù biết hát hoặc không biết hát, giọng ồ ồ bò đái hay khàn vịt đực, hợp thành một bản đại hợp xướng năm bè bảy mảng, chín phải mười phe, độc nhất vô nhị!
Hôm nào cũng phải hát như thế từ tối đến khuya! Hát sưng cổ sưng họng để làm gì? Cải tạo tư tưởng tâm hồn chăng? Không phải! Có lẽ để tù nhân quá mệt mỏi, đến 12 giờ đêm mới được ngả lưng, tất ngủ say như chết!
Tôi đang nghĩ vậy, bỗng buồng bên vang lên tiếng tố cáo: “Thưa Ban giám thị, tên C. nói giọng người Huế trọ trẹ mới biểu rằng: ‘Đứa mô muốn trốn thì trốn, nỏ phải vì hát ít hát nhiều!”
Anh trực đêm liền quát: “Chống lệnh Ban giám thị! Tuyên truyền vận động kẻ trốn trại! Kỷ luật!” Người tù tố cáo hỏi: “Dạ thưa… kỷ luật thế nào?”
Anh trực đêm nói không cần suy nghĩ: “Trói ru-lô treo lên xà nhà!”
Rồi anh ném cuộn thừng mới vào buồng giam và hỏi: “Thằng tố cáo tên chi?” Người ấy vội vàng thưa: “Dạ bẩm… dạ thưa, con tên là B.” (những tên người tôi viết tắt vì chỉ mới nghe qua một lần, mà thời gian đã quá lâu, không thể nhớ được). Anh trực đêm khen ngợi: “Tốt! Thằng B. cải tạo tốt, cho làm trưởng buồng để thưởng công!”
B. chắp tay thưa: “Con xin cám ơn Ban giám thị”. Cái giọng nịnh hót ấy nghe thật khó chịu. Tại sao tù nhân lại phải xưng “con” với giám thị? Hôm sau tôi mới hiểu. Chính tôi cũng suýt nữa bị kỷ luật về tội khinh thường ông trực canh, chống lệnh Ban giám thị, vi phạm nội qui nhà giam! Rất may được anh trưởng buồng tốt bụng, báo cáo thằng nhỏ mới vào tối qua chưa được học nội qui trại.
Trưởng buồng B. bảo thêm hai người nắm lấy hai cánh tay tội nhân bẻ quặt ra sau lưng. Họ trói anh từ cổ tay, ép sát vào nhau, buộc chặt hết vòng này, đến vòng khác, cứ vòng nọ tiếp giáp vòng kia đến tận khuỷu tay, lại néo thêm mấy vòng nữa. Cái xà gỗ đình quá cao, họ phải cố công kênh nhau mới buộc được sợi dây thừng. Mấy người xúm nhau lại kéo rút tội nhân treo lên lơ lửng. Đau quá, con người khốn khổ ấy kêu la dữ dội. Bên ngoài có tiếng quát: “Nhét giẻ chùi đít vô cái mồm thối hoắc của hắn đi!”
Lệnh trên vừa truyền, tức thì được thi hành. Tiếng kêu la im bặt. Cả trại giam lặng ngắt như nhà xác của bệnh viện, đến nỗi chỉ còn nghe tiếng muỗi bay vù vù như ong vỡ tổ. Mặc dù không khí buồng giam như cái lò vôi, lò gạch nóng hừng hực hơi người, nhưng tôi vẫn rùng mình mấy cái, cảm thấy ớn rét, xương sống lạnh buốt. Thì ra, ở đây cải tạo là thế.
Anh C. người to lớn, có lẽ nặng đến sáu bảy chục cân bị rơi xuống đánh huỵch! Đám người dưới đầu anh kêu la ôi ối, ngã dúi dụi đè lên nhau, mấy kẻ bị sưng trán trẹo chân…
Trưởng buồng B. hoảng hốt, líu lưỡi: “Thưa ban trực, tên C. kéo đứt dây thừng treo rơi xuống rồi!”
Ông B. trực canh liền mắng: “Mi ngu quá! Tại con tru đậc (trâu đực) lớn xác quá nặng, còn tay mô mà kéo. Cứ mặc kệ xác hắn nằm chết trương đó, mai đem chôn! Bây chừ tất cả ngồi im lặng nghe Ban trực đêm điểm danh trước giờ được phép đi ngủ!”.
Ông ấy tay trái cầm đèn hoa kỳ, tay phải cầm quyển sổ, gọi tên từ buồng số 1 đến hết buồng 5. Tên tôi ở dưới cuối sổ. Ông ta hỏi trưởng buồng số 5: “Bay là phạm nhân Thị Mẹt cả, mần răng lại có cả tên liền ông?”
Trưởng buồng 5 ấp úng: “Dạ thưa Ban, con cũng không biết ạ!” Trực ban ra lệnh nghe tên điểm mặt từng đứa một. Không có! Ông ta nghĩ ngợi một lát, chợt nhớ ra: “À, có lẽ thằng ma quỉ ni mới cho lộn vô đây!”.
Lệnh đến giờ ngủ đã ban truyền. Tất cả tù nhân rào rào nằm xuống, ai chỗ nào vào chỗ ấy. Lối kiến trúc thời xưa lòng nhà bề rộng hẹp, thường mỗi gian đình chỉ rộng độ 2m5 (trung bình), riêng gian giữa rộng nhất 3m trở lên. Gian số 1 và số 5 hẹp nhất. Hai hàng người nằm châu đầu vào nhau, nhưng không được nằm ngửa, phải nằm nghiêng, ôm lấy nhau đằng lưng, kiểu úp thìa, đôi chân co quắp cho đủ chỗ. Vẫn còn thừa người, ở giữa phải xếp thêm một hàng nằm ngang kiểu gắp cá. Còn tôi nằm đâu? Tôi phải nằm ôm lấy nồi vệ sinh của cả buồng mà ngủ.
Anh nằm sát cạnh tôi, ôm lấy lưng tôi theo kiểu úp thìa, thì thầm:
-Mình là Vinh, quê Thọ Xuân đang học lớp 9 thì bị đấu tố, xã đánh một trận nhừ đòn, giải lên huyện, huyện giải lên tỉnh, tỉnh tống cổ vào đây.
Tôi hỏi:
-Tội gì?
Anh Vinh đáp:
-Có kẻ tố cáo mình làm thư ký cho Hội Phật học!
Tôi lại hỏi:
-Anh vào đây bao lâu rồi?
Anh Vinh nói:
-Hơn hai tháng!
Im lặng một lúc, anh Vinh hỏi:
-Cậu thế nào?
Tôi kể tóm tắt họ tên, quê quán, đang học, xảy ra đấu tranh, can tội liên quan gia đình Phật giáo phản động, đã được tha, không hiểu tại sao lại bị bắt lên tỉnh rồi đưa vào đây.
Anh Vinh dặn:
-Xem như bọn mình không quen biết gì nhau. Trong buồng này còn có anh Bùi Đăng Duy, sinh viên Dự bị Đại học; Đoàn Phổ, tức Cao Phan, quê Nga Sơn vẻ công tử con quan lắm! Lại có cả Thi sĩ Mộng Huyền bị bắt chỉ vì họ khám thấy cuốn Chinh phụ ngâm bản dịch tiếng Pháp ở trong cặp, họ ngờ tài liệu của Tây!… Nhưng thôi, cứ xem như không biết gì cả là tốt nhất. Ai hỏi cứ lắc đầu.
Lát sau anh Vinh lại nói:
-Bọn mình cùng cảnh phải biết thương nhau. Cậu nằm có khai thối không? Lúc chiều, sau bữa cơm, họ cho đi đổ nồi ỉa đái trong ngày, mình đã cố gắng thau rửa cẩn thận, nhưng đã lưu cữu, tránh sao khỏi… Cậu vừa mới vào, chắc chắn sáng sớm mai phải bưng nồi đi đổ, cố gắng kỳ cọ cho kỹ, vơ cỏ bên bờ ao mà kỳ…
Tôi chỉ “Vâng”.
Đã bắt đầu thấy buồn ngủ, vì phải cuốc bộ suốt ngày, vào đây lại bị tra tấn cả thể xác lẫn cân não! Mệt mỏi quá rồi!
Tôi vừa thiu thiu ngủ, không biết đã chợp mắt được dăm phút chưa, đã giật mình mở choàng mắt, vì mấy tiếng rất to: “Xin báo cáo!”
Trưởng buồng nằm sát bên cánh cửa như anh ta có nhiệm vụ canh gác cái cửa, lên tiếng:
-Thưa Ban trực, có người xin phép báo cáo!
Ông trực gác ngoài hiên trả lời:
-Nói đi!
Phạm nhân nào đó ngồi bật dậy thưa:
-Thằng… đạp vô đầu con, đau quá!
Ông trực gác đáp:
-Có đạp vô mặt mi cũng đáng! Nằm xuống ngủ đi!
Một lát lại có phạm nhân:
-Xin báo cáo.
Ông trực gác lại quát:
-Nói!
Một người nào đó lại ngồi bật dậy:
-Dạ thưa ông trực, thằng X. đánh địt (rắm) vô mũi con!
Ông trực phiên nổi cáu:
-Hắn có đánh vô mồm mi mô mà mi kêu!
Lúc sau lại có ai đó kêu:
-Xin báo cáo!
Ông trực đêm không thể chịu được nữa, giơ khẩu súng trường chĩa vào buồng giam:
-Cả trại nghe cho rõ đây! Từ bây chừ thằng mô mà còn cáo ví mèo nữa, cho trưởng buồng vả vô mồm! Tất cả nằm im ngủ. Thằng mô ngóc đầu lên tau bắn bỏ mẹ!
Thế là cả trại im phăng phắc nhường lời cho đàn muỗi háu đói mặc sức vo ve trong ngôi đình năm gian đồ sộ.
Tôi phải thức quá khuya, bị quá giấc lâu, rất khó ngủ. Trong buồng giam đã bắt đầu vang lên bản nhạc “Thiên Thai” của tù nhân trong giấc mộng lên tiên tuyệt vời, có đủ hoà âm phối khí: Khò khè, cò cứa, phì phò, o o, ồ ồ, khớ khớ, pho pho, khì khì… tạm gọi là bộ bát âm, tuy hoà mà không hợp, nhưng cũng là một chút âm hưởng của nhà tù, đôi lúc lại tái hiện tâm trí tôi rõ mồn một…
Anh Vinh cũng đã ngủ. Tôi cố gắng hết sức để ngủ, dùng phương pháp đếm cổ điển một, hai, ba, bốn, năm… Đếm là biện pháp bình ổn tư tưởng, tập trung tinh thần cao độ đi vào giấc ngủ, nhưng khi tư tưởng nặng nề, tinh thần căng thẳng không được hoàn cảnh cởi mở, cuộc sống giải toả, thì yoga, hay thiền định cũng mất tác dụng. Chỉ có rèn luyện. Muốn rèn luyện phải kiên trì, nhẫn nhục.
“Chữ nhẫn là chữ tương vàng”. Phải gắng sức chịu đựng để được tự do. Trường hợp như anh C. buồng bên mới xảy ra là một bài học đắt giá, có lẽ mình suốt đời không thể nào quên. Tôi tự xác định cho mình để yên tâm ngủ. Sát bên cạnh tôi, anh Vinh và nhiều người khác vẫn ngáy vô tư. Tôi cũng phải vô tư như họ. Tôi nhắm mắt lại, ôm chặt lấy cái nồi vệ sinh, cố gắng quên đi tất cả. Quên… quên… quên…
-Xin báo cáo!
Ba tiếng “xin báo cáo!” đánh thức tôi dễ dàng, trong khi các bạn tù chỉ cựa mình một cách khó khăn. Ông trực gác như chợt nhớ đến việc phải cho đám phạm nhân được trở mình, liền hô to:
-Trở mình!
Các trưởng buồng luôn một tai thức, một tai ngủ, tức thì hô theo:
-Trở mình!
Liên tiếp các buồng cũng đều cất tiếng theo. Nhiều tiếng hô giọng còn lè nhè ngái ngủ. Nằm kiểu úp thìa, gắp cá, khi trở mình rất khó khăn, lộn xộn, không tránh khỏi kẻ xô người đẩy, thành ra cả trại lao xao như cảnh bến thuyền, chợ búa. Khi buồng giam vừa trở lại trật tự, liền tới tấp vang lên tiếng thưa bẩm gần xa.
-Báo cáo…
-Nói! Trưởng buồng bảo.
-Con xin đi tiểu tiện.
Trưởng buồng nhắc lại:
-Báo cáo! Tên Cột xin đi tiểu tiện!
Ông trực ban lệnh cho phép ngắn gọn:
-Đi!
Tiểu tiện xong, Cột trở về chỗ cũng phải báo cáo:
-Con đã về chỗ!
Trưởng buồng báo cáo với Ban trực:
-Tên Cột đã về chỗ!
Ông trực canh ban lệnh vắn tắt:
-Được!
Tuy nhiên hàng trăm con người đâu dễ cứ lần lượt kẻ trước người sau, mà chỗ này báo cáo, nơi kia báo cáo, lung tung lộn xị cả lên, không biết thế nào mà lần. Ông Trực ban phát huy sáng kiến, thổi hồi còi dài ra hiệu tất cả im lặng nghe lệnh. Gần 400 con người đều không dám ho một tiếng nhỏ. Tôi buồn đi tiểu cũng cố nén chịu, mặc dù đang ôm cái nồi vệ sinh nằm co quắp. Anh Vinh một tay ôm bụng, một tay chỉ qua vai tôi vào nơi giải thoát, vẻ quằn quại…
Ngoài hiên, tiếng ông Trực ban ồm ồm từ cái loa phóng thanh sắt tây gò thủ công phát ra vẫn không kém phần dõng dạc:
-Từ nay, buồng giam nào cũng phải có người đứng trực gác, chia phiên cắt lượt theo trưởng buồng. Ai muốn đi tiểu tiện báo cáo với trưởng buồng, để trưởng buồng đồng ý là được. Mỗi phiên gác một giờ đồng hồ theo hiệu lệnh còi Ban trực. Khi đổi phiên đếm tù nhân cẩn thận, tên đổi phiên nhận đủ số tù nhân thì báo cáo với Ban trực. Sớm mai điểm danh, nếu thấy thiếu đứa nào, cứ tróc cổ tên gác cuối cùng!
Trưởng buồng số 1 xin phép báo cáo:
-Dạ thưa, còn đi đại tiện thế nào ạ?
Ông Trực ban dáng chừng mệt mỏi:
-Ban ngày đã được cho đi rồi, ban đêm còn đòi đi nữa, ăn cho nhiều, uống cho lắm vô! Hết đái đến ỉa, rõ khổ!
Trưởng buồng đánh bạo thưa:
-Dạ, trong ni nhiều tên mắc bệnh táo kiết, ngày đêm đi không biết mấy lần!
Ông Trực ban phát cáu:
-Thì cho đái với ỉa luôn một thể! Thằng ni răng không biết linh động mà giải quyết? Đồ ngu như lợn!
Ông Trực ban thổi một hồi còi dài để kết thúc bài huấn thị quan trọng.
Tiếng còi vừa dứt lại rộ lên tiếng “Báo cáo”. Dẫu vẫn ồn ào nhưng không đến nỗi lộn xộn như lúc đầu, vì việc buồng nào trưởng buồng ấy chịu trách nhiệm. Họ bị thúc giục phải “đi” cho nhanh, nên đái toé cả ra ngoài. Có anh mắt nhắm mắt mở cứ rót tồ tồ xuống người tôi, cả đầu tôi. Anh Vinh nhắc nhỏ:
-Đái bậy lên đầu người ta rồi!
Người ấy chẳng những không biết lỗi còn quặc lại:
-Đầu mi có bằng đầu c. tao không? Mà tao còn ỉa lên đầu bay cả lượt kia!
Tôi muốn cởi áo lau đầu. Anh Vinh can:
-Vô ích. Để trưa mai được đi tắm rồi thay giặt luôn thể. Thôi, cố ngủ đi, ngủ được là quên tất!
Đúng, ngủ được thì quên hết! Nhưng đã thức dậy nửa chừng, đâu dễ ngủ lại.
Tôi nhớ lời ông cán bộ đeo xà cột nói lúc tối: “Các anh… không phải là tù chính trị…”
Tôi đọc sách báo cách mạng thấy hình ảnh người cộng sản đẹp lắm, dù ở đâu cũng vậy, ở ngoài đời hay trong lao tù… Rồi tôi cũng ngủ thiếp đi, ngủ mê như chết, không còn biết trời đất gì nữa, dĩ nhiên cũng chẳng còn biết những ai vệ sinh lên đầu lên người tôi nữa, dù bị tắm từ đầu đến chân!
CÒN TIẾP
_________