Đối thoại Biden-McCarthy: “Hiệu quả” nhưng chưa đạt thỏa thuận về trần nợ

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (trái) đàm phán với Tổng thống Joe Biden về trần nợ tại Phòng Bầu dục tối thứ Hai 22 tháng Năm 2023. Đây là cuộc đàm phán tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo hành pháp và lập pháp, tuy “có hiệu quả” nhưng vẫn chưa đi tới thỏa thuận nào. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy đã có một cuộc đàm phán tay đôi tại Tòa Bạch Ốc vào tối ngày thứ Hai 22 tháng Năm 2023 – cuộc họp được cho là “hiệu quả” nhưng hai bên vẫn chưa đạt thỏa thuận nâng trần nợ vào lúc nước Mỹ sắp đến hạn chót để tránh vỡ nợ lần đầu tiên. 

Từ Phòng Bầu dục bước ra, ông McCarthy (Cộng hòa – California) nói với báo chí rằng cuộc họp diễn ra “hiệu quả”. “Tôi nghĩ giọng điệu tối nay tốt hơn bất kỳ lần thảo luận nào khác trước đây của chúng tôi,” ông McCarthy nói và cho biết cuộc họp đã tạo cơ hội cho hai nhà lãnh đạo tìm hiểu chi tiết về lập trường của nhau. “Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể đạt đến đó [thỏa thuận]”, ông nói và cho biết các nhà đàm phán của hai bên sẽ tiếp tục thảo luận, và ông muốn nói chuyện với ông Biden mỗi ngày.

Trọng tâm của các cuộc đàm phán về trần nợ là thiết lập mức chi tiêu của chính phủ cho năm tới và xác định thời gian nâng trần nợ cho đến khi phải nâng lại. Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đòi chính phủ phải cắt giảm chi tiêu đổi lấy việc nâng giới hạn nợ, trong khi đảng Dân chủ muốn nâng trần nợ trước rồi bàn việc giảm chi tiêu sau, khi thảo luận về ngân sách cho năm tới.

Hai bên đặt mục tiêu phải đạt được thỏa thuận trước ngày 1 tháng Sáu, ngày mà Bộ Tài chính ước tính rằng chính phủ Mỹ có thể hết tiền thanh toán các hóa đơn của mình, dẫn đến vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhắc lại ước tính đó vào hôm nay thứ Hai.

Khi bắt đầu cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên của ông với ông McCarthy kể từ tháng Hai, ông Biden đã nói rằng ông lạc quan rằng họ có thể đạt được tiến bộ. “Chúng tôi vẫn còn một số bất đồng nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể đến được nơi cần đến. Cả hai chúng tôi đều biết mình có một trách nhiệm quan trọng,” ông Biden nói. Ông Biden đã phải cắt ngắn chuyến công du châu Á, hủy các chuyến thăm viếng Úc và Papua New Guinea đã lên lịch vào đầu tuần này để trở về thủ đô Washington đàm phán vấn đề nâng trần nợ.

Sáng ngày thứ Hai 22 tháng Ba, ông McCarthy cũng nói với báo chí rằng các nhà đàm phán phải đạt được thỏa thuận trong tuần này để có thời gian cho Quốc hội thông qua luật. Ông nói thêm rằng, nếu chưa đạt được thỏa thuận thì Hạ viện sẽ xem xét hủy bỏ một kỳ nghỉ đã lên kế hoạch vào tuần tới. Ông McCarthy cho biết ông dự định để cho các nhà lập pháp Hạ viện 72 tiếng đồng để đọc dự luật và đưa ra các đề nghị sửa đổi. “Chúng tôi sẽ ở lại và làm công việc của mình,” ông McCarthy nói.

Sau khi đạt được thỏa thuận, có thể sẽ mất ít nhất vài ngày để thỏa thuận được Quốc hội thông qua. Các nhà lập pháp Hạ viện cũng có thể muốn đưa ra các sửa đổi đối với bất kỳ thỏa thuận nào.

Trong vòng vây của báo chí trước Tòa Bạch Ốc tối thứ Hai 22 tháng Năm, Chủ tịch McCarthy nói ông tin hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ và ông kỳ vọng sẽ nói chuyện với ông Biden mỗi ngày để khai thông bế tắc. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Cho đến nay, hai nhánh lập pháp và hành pháp vẫn còn bất đồng về vấn đề trung tâm là chi tiêu của chính phủ, nhưng sắp đạt được thỏa thuận về các vấn đề thứ yếu như thu hồi khoản tài trợ ứng phó với đại dịch coronavirus chưa sử dụng.

Hôm qua Chủ nhật, ông Biden nói các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện có quan điểm cực đoan và ông gọi đề xuất hiện nay của đảng Cộng hòa là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa chỉ trích ông Biden chậm chạp, phải đợi đến tháng Năm mới bắt đầu các cuộc đàm phán đồng thời Tòa Bạch Ốc không làm đủ để cắt giảm chi tiêu.

Hồi tháng Tư Hạ viện đã thông qua một dự luật gắn việc nâng trần nợ với cắt giảm chi tiêu, đề nghị giảm chi tiêu của chính phủ 18% trong một thập niên và nói rằng dự luật là điểm khởi đầu để đàm phán nhưng đảng Dân chủ kiểm soát Tòa Bạch Ốc và Thượng viện nói rằng trần nợ nên được nâng lên mà không có điều kiện ràng buộc nào.

Tổng thống Biden nói ông muốn thu hẹp thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế đối với những người Mỹ giàu có, nhưng Chủ tịch McCarthy cho biết việc tăng thuế là điều không thể đem ra bàn cãi.

Ông McCarthy cho rằng chi tiêu của chính phủ trong năm tài chính sắp tới phải thấp hơn năm ngoái; tăng chi tiêu quốc phòng nhưng cắt giảm các chương trình xã hội. Tòa Bạch Ốc đề nghị giữ nguyên chi tiêu quốc phòng và phi quốc phòng (bao gồm giáo dục, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường) cho năm tài chính 2023 đến năm tài chính 2024 và tăng 1% trong năm tài chính 2025.

Về trần nợ, đảng Dân chủ muốn tăng trần nợ để chính phủ đủ tiền chi dùng cho đến sau cuộc bầu cử tháng Mười Một năm 2024, trong khi dự luật ban đầu của đảng Cộng hòa đề nghị thời hạn nâng trần nợ tiếp theo là tháng Ba năm 2024.

Nếu Quốc hội không sớm hành động để tăng giới hạn nợ và chính phủ không thể vay để thanh toán tất cả các hóa đơn, thì chính phủ Mỹ có thể phải tạm dừng một số khoản thanh toán lương hưu, giữ lại hoặc cắt lương của binh lính và công nhân liên bang, hoặc hoãn trả lãi – chuyện được coi là vỡ nợ.

Những người Dân chủ cấp tiến tại Thượng viện và Hạ viện đang thúc đẩy Tổng thống Biden sử dụng Tu Chính Án thứ 14 của Hiến pháp để đơn phương hành động, tiếp tục phát hành trái phiếu vay nợ để có tiền thanh toán hóa đơn mà không cần Quốc hội, một quy trình chưa từng được sử dụng trước đây. Nhưng ông Biden công khai tỏ ý nghi ngờ một giải pháp như vậy còn các đảng viên Cộng hòa nói rằng hành động theo Tu Chính Án 14 chắc chắn sẽ bị thách thức trước tòa. 

Sau cuộc họp tối nay với ông McCarthy, ông Biden ra tuyên bố cho biết: “Chúng tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng không xét tới chuyện vỡ nợ và con đường duy nhất để tiến tới là niềm tin thiện chí vào một thỏa thuận lưỡng đảng. Trong khi vẫn còn nhiều lĩnh vực bất đồng, Chủ tịch [Hạ viện] và tôi, cùng những nhà đàm phán hàng đầu của ông ấy như Chủ tịch McHenry và Dân biểu Graves, cùng đội nghũ cố vấn của tôi sẽ tiếp tục thảo luận con đường để tiến tới.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: