Công an Bình Phước phủ nhận đánh một thanh niên tại trụ sở đến chết

Lại thêm một cái chết mờ ám của người dân trong đồn công an
Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ: Nét mặt căng thẳng và u uất của thân nhân Nguyễn Tấn Dương khi tổ chức tang lễ cho ông

Một thanh niên 27 tuổi, bình thường khỏe mạnh, khi bị công an huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) bắt về trụ sở buổi chiều vì nghi người này trộm cắp thì sáng hôm sau đã chết.

Gia đình nạn nhân – Nguyễn Tấn Dương (27 tuổi, ngụ thôn 3, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) đã nghi vấn thanh niên bị công an đánh đến chết và thông tin này lan truyền trên mạng xã hội.

Thông tin cho truyền thông trong nước ngày 28 Tháng Năm 2023, Công an tỉnh Bình Phước phủ nhận và  khuyến cáo người dân không đăng phát, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Trung tâm pháp y thành phố (Sài Gòn) điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của Nguyễn Tấn Dương và hiện chưa có kết luận chính thức. Thế nhưng trả lời Người Lao Động, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước khẳng định kết quả giám định pháp y của ông Nguyễn Tấn Dương cho thấy không có tác động ngoại lực (?)

Trước đó, sáng 25 Tháng Năm, Công an huyện Bù Đăng nhận tin báo bị trộm cắp dây cáp điện của người dân tại xã Minh Hưng. Trên đường đến xã, đến một tuyến đường thuộc thị trấn Đức Phong thì công an nhìn thấy có bốn người trên hai xe gắn máy có biểu hiện tình nghi nên ra hiệu dừng xe.

Tuy nhiên, hai xe gắn máy bất ngờ tăng ga bỏ chạy theo hai hướng khác nhau và công an chỉ bắt được hai trong số bốn người, có tang vật (là dây cáp điện) mà nhóm này vừa trộm cắp .

Khi thẩm vấn thì hai nghi can khai rằng họ đã cùng hai người chạy trốn (một trong hai người là Nguyễn Tấn Dương) thực hiện vụ trộm cắp dây điện. Đến chiều ngày 25 Tháng Năm, nhìn thấy ông Dương ở một quán nước nên công an bắt đưa về trụ sở công an huyện Bù Đăng làm việc.

Theo nguồn tin của công an, trong quá trình làm việc tại trụ sở, Dương “tỏ ra mệt mỏi” nên được công an đưa đến Trung tâm y tế huyện Bù Đăng khám bệnh, nhưng Dương đã tử vong (không biết trước hay sau).

Để bảo đảm “tính khách quan”, Công an tỉnh Bình Phước đã “tự nguyện” trưng cầu Trung tâm pháp y thành phố (Sài Gòn) giám định thi thể của Dương, với sự có mặt của thân nhân gia đình Dương. Sáng ngày 26 Tháng Năm, thi thể ông Nguyễn Tấn Dương đã được bàn giao cho gia đình để lo hậu sự với kết luận ban đầu là ông Dương chết vì bị phù phổi (!?)

Đám tang của ông Nguyễn Tấn Dương buồn bã, chỉ có sự hiện diện của gia đình và hàng xóm – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ

Khi xem video trên Tuổi Trẻ về đám tang của Nguyễn Tấn Dương, thấy thân nhân của Dương, trong đó có người vợ, có nét mặt căng thẳng và u uất. Tuổi Trẻ tường thuật, trước khi bị bắt, ông Dương có ăn cơm cùng gia đình, sau đó ra khỏi nhà và không thấy về.

Bà Q. (vợ ông Dương) định vị qua điện thoại thì thấy ông Dương đang ở cơ quan Công an huyện Bù Đăng, nhưng khi bà lên đây hỏi thì không ai biết. Tiếp tục định vị qua điện thoại, bà Q. “thấy” chồng đang ở Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng. Khi đến đây, bà chết lặng khi hay tin chồng đã chết.

SGGP dẫn lời mẹ Nguyễn Tấn Dương là bà Nguyễn Thị Nhân (51 tuổi), cho biết chiều ngày 24 Tháng Năm, ông Dương rời nhà nhưng đến khuya không thấy về. Đến 8 giờ sáng ngày 25 Tháng Năm, gia đình nhận được hung tin ông Dương đã tử vong tại Trung tâm y tế huyện Bù Đăng.

Vì sao bắt Dương chiều 24 Tháng Năm mà công an huyện Bù Đăng không thông tin cho gia đình? Đến sáng vợ ông Dương lên trụ sở công an huyện hỏi thì không ai biết? Phải thông qua định vị điện thoại, vợ ông Dương mới chạy đến tìm chồng tại Trung tâm Y tế huyện thì mới hay tin?

Từ sự khuất tất này của phía công an, gia đình ông Dương đặt nghi vấn là không lạ. Chỉ có điều Việt Nam làm gì có trung tâm giám định pháp y độc lập, không dính líu đến ngành công an, nên pháp y thành phố (Sài Gòn) hay pháp y tỉnh (Bình Phước) thì cũng trực thuộc Bộ công an mà thôi!

Cái chết của Nguyễn Tấn Dương tại trung tâm y tế huyện vì “phù phổi” trong quá trình làm việc tại trụ sở công an, cũng tương tự như thông tin “chết vì bệnh lý tim mạch” của công an tỉnh An Giang về cái chết của ông Nguyễn Văn Khá (56 tuổi, một thợ hồ, ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) ngày 28 Tháng Mười Hai 2021.

Ông Nguyễn Văn Khá, người chết đột ngột tại trụ sở công an xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (ảnh trái) và công an tỉnh đứng ra trấn an người dân tụ tập đòi công lý cho cái chết bất ngờ của ông – Ảnh ghép của RFA

Tuổi Trẻ ngày 29 Tháng Mười Hai 2021 tường thuật lời kể của vợ ông Khá là vào đêm ông Khá và con trai bị công an xã Nhơn Mỹ bắt (vì hai người xô xát với nhân viên giữ xe công an trước cửa nhà), hai cha con ông Khá đã bị 6 công an vây đánh vào lúc 21 giờ. Con trai bà đã van xin công an đừng đánh cha nữa nhưng không được. Khi thấy ông Khá chết, họ mới ngưng đánh và đem ông Khá qua trạm y tế xã với kết luận “chết vì bệnh lý tim mạch”.

Hơn tám tháng sau cái chết của ông Khá, Công an tỉnh An Giang hoàn toàn im lặng trước lời kêu cứu của gia đình ông Nguyễn Văn Khá về việc điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của ông này, với mong muốn là làm sáng tỏ vụ việc để không phải diễn ra thêm cảnh “họ đánh được một người chết, nhưng không có hậu quả gì thì họ sẽ đánh thêm nhiều người chết nữa”.

Trong đêm xảy ra vụ việc, ông Khá và con trai của mình là ông Nguyễn Văn Tuấn Em (34 tuổi) đã bị lực lượng công an đánh ngay trước cửa nhà, trước khi dẫn giải họ lên trụ sở công an xã Nhơn Mỹ. Bắt người trong đêm và chỉ một lúc sau, công an thông báo với gia đình là ông Khá chết do đột quỵ (?)

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, vợ của ông Tuấn Em cho biết sau lần bị công an đánh, chồng bà bị tổn thương phổi thường xuyên phải nghỉ làm khiến kinh tế gia đình vô cùng khó khăn.

Thời điểm cuối năm 2021, trong khi thuyết phục gia đình nhận xác ông Khá về để mai táng, nhà cầm quyền tỉnh An Giang đề nghị bồi thường cho gia đình. Mẹ chồng bà đồng ý nhận bồi thường nhưng yêu cầu những người đánh ông Khá phải đứng ra xin lỗi gia đình. Thế nhưng hơn tám tháng trôi qua, gia đình bà vẫn chưa nhận được bồi thường, còn những người tham gia đánh ông Khá vẫn không xin lỗi và cũng chẳng có một lời thăm hỏi hay chia buồn với gia đình! Gia đình ông Khá đã “đòi hỏi” như mơ rồi chăng?

Những bài báo nói về cái chết uẩn khúc trong trụ sở công an luôn nhận được sự chú ý của công luận – Ảnh chụp màn hình báo Pháp Luật Tháng Tám 2018

Cái chết của Dương và ông Khá tại trụ sở công an là sự lặp đi lặp lại hậu quả của một hệ thống bắt giam và hỏi cung không có sự giám sát. Pháp Luật ngày 20 Tháng Mười 2018 trong bài viết “Những cái chết đầy ẩn khuất ở đồn công an” đã nêu những ý kiến bạn đọc, trong đó Quang Chuyển, LT thẳng thắn:

“Phải có công cụ giám sát hoạt động làm việc giữa công an với công dân. Nếu dám đảm bảo mọi việc thực hiện đúng pháp luật, vì sao không dám công khai quá trình này?

Phải giống như nước ngoài, ngành công an phải ra quy định khi mời dân về trụ sở phải xem thể trạng của họ, có chữ ký xác nhận của người nhà. Khi làm việc buộc phải luôn ngồi trước máy quay. Mọi hành động phải được camera theo dõi từ lúc vào trụ sở cho đến lúc người dân được ra về. Có như vậy mới không còn những cái chết khó hiểu, uất ức và phi lý như đã qua”.

Mơ đi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: